Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Trung Quốc có 60 ngày “toan tính” trước khi Mỹ ban hành thuế nhập khẩu mới

 

Trung Quốc có 60 ngày “toan tính” trước khi Mỹ ban hành thuế nhập khẩu mới

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer: Trung Quốc có 60 ngày chuẩn bị trước khi Mỹ ban hành thuế nhập khẩu mới .

Theo đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, phải đến đầu tháng 6 tới đây thì các mức thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc mới được áp đặt.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 28/3 cho biết phải đến đầu tháng Sáu năm nay thì các mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc mới được áp đặt, trong đó quá trình tham vấn và lấy ý kiến đong góp của công chúng và có thể là cả những đợt điều chỉnh thuế sẽ giúp Bắc Kinh có thời gian đàm phán cân nhắc về vấn đề này.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC ngày 28/3, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói Trung Quốc sẽ có 60 ngày để chuẩn bị trước khi các mức thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức được áp đặt. Danh sách các hàng hóa bị đánh thuế sẽ sớm được Washington công bố.
Quan chức này cho hay danh sách trên, với tổng giá trị lên đến hơn 50 tỷ USD, sẽ chủ yếu bao gồm nhiều mặt hàng công nghệ cao được chọn ra từ một thuật toán trên máy tính để có thể tối đa hóa tác động của nó đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ.
Các mức thuế mới được đưa ra nhằm mục đích trừng phạt Bắc Kinh vì những cáo buộc từ phía Washington rằng Trung Quốc đã lạm dụng một cách có hệ thống các tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ, đồng thời cũng là để thúc ép Bắc Kinh thay đổi nhiều chính sách liên quan đến yêu cầu đòi chuyển giao công nghệ.
Đại diện Thương mại Lighthizer nói rằng Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có các hệ thống kinh tế khác nhau, đối mặt với sức ép khác nhau và "có những căng thẳng nhất định giữa hai bên". Cụ thể, Washington là một nền kinh tế theo định hướng thị trường, trong khi Bắc Kinh là đi theo định hướng tư bản nhà nước. Ông Lighthizer nhấn mạnh do sự khác biệt này, quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ không tránh khỏi những căng thẳng trong thời gian tới và cần nhiều năm tiếp theo để trở lại thời kỳ tốt đẹp.
Khi được hỏi liệu các cuộc đàm phán với Bắc Kinh có giúp tránh phải áp các mức thuế trên hay không, ông Lighthizer nói là "có hy vọng" song lại không đề cập đến những cuộc thương thảo giữa các quan chức cấp cao trong Nội các của Tổng thống Donald Trump, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, và những người đồng cấp Trung Quốc nhằm bàn luận về những giải pháp để tránh các mức thuế này.
Theo một nguồn tin của hãng tin Reuters, trong số những yêu cầu mà phía Mỹ đưa ra có đề nghị giảm mức thuế 25% của Trung Quốc đánh vào mặt hàng ô tô và mở rộng khả năng tiếp cận lĩnh vực tài chính của nước này cho các công ty Mỹ.
Trong khi đó, theo một bài đăng ngày 29/3 trên tờ China Daily, Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu đến một loạt doanh nghiệp Mỹ trong nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp đến chế tạo máy bay, ô tô, các sản phẩm bán dẫn và thậm chí là cả dịch vụ nếu mâu thuẫn thương mại với Washington tiếp tục leo thang. Bài báo cũng trích dẫn lời của Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Mỹ nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng những biện pháp đáp trả.
 
Tờ South China Morning Post của Hong Kong số ra cùng ngày cũng đưa tin các quan chức Mỹ đang đàm phán với Trung Quốc để bảo vệ mặt hàng đậu nành và nhiều nông sản khác của nước này trước nguy cơ bị áp lệnh trừng phạt.
Nguồn: Khánh Ly (Theo Reuters)/Bnews.vn, TTXVN

 

OPEC, Nga xem xét liên minh dầu mỏ kéo dài 10 tới 20 năm

 

OPEC, Nga xem xét liên minh dầu mỏ kéo dài 10 tới 20 năm

Saudi Arabia và Nga đang xem xét về một hiệp ước dài hạn trong lịch sử, có thể kéo dài việc kiểm soát nguồn cung dầu thô thế giới trong nhiều năm của các nhà xuất khẩu chủ chốt.
Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman trả lời phỏng vấn của Reuters rằng Riyadh và Moscow đang xem xét một thỏa thuận để kéo dài liên minh hạn chế sản lượng trong ngắn hạn bắt đầu từ tháng 1/2017.
Thái tử cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại New York “chúng tôi đang bàn bạc để chuyển một thỏa thuận hàng năm thành thỏa thuận từ 10 tới 20 năm”. “Chúng tôi thỏa thuận về bức tranh lớn, nhưng chưa có chi tiết”.
Nga, không phải thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã làm việc cùng với tổ chức 14 thành viên này trong suốt giai đoạn dư thừa dầu mỏ trước đó, nhưng một thỏa thuận 10 tới 20 năm giữa hai nước là chưa từng có.
Nhà sản xuất hàng đầu của OPEC, Saudi Arabia cùng với Nga và các nước khác ngoài OPEC đã hỗ trợ giảm dư cung khi giá dầu sụt giảm dưới 30 USD/thùng trong năm 2016 từ trên 100 USD trong năm 2014. Dầu thô kể từ đó đã phục hồi lên 70 USD/thùng nhưng sản lượng tăng nhanh từ các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đã hạn chế giá.
Daniel Yergin, phó chủ tịch của công ty tư vấn IHS Markit cho biết “đây là tất cả về việc liệu thỏa thuận này là một biện pháp trong ngắn hạn để đối phó với khủng hoảng đặc biệt trong thị trường dầu mỏ này, hay là nó phản ánh sự sắp xếp lại trong thị trường dầu mỏ thế giới”.
Robert McNally tại Tổ chức tư vấn Rapidan Energy cho biết Riyadh muốn hỗ trợ trong việc phá vỡ những chu kỳ bùng nổ đặc trưng cho thị trường dầu mỏ bằng cách hạn chế khi giá dầu tăng cũng như giúp nâng đỡ khi giá thấp.
McNally cho biết sẽ yêu cầu Nga tham gia xây dựng một công suất sản xuất dự phòng để sử dụng khi giá dầu tăng quá nhiều.
Một hiệp ước dài hạn giữa Moscow và Riyadh sẽ thúc đẩy Nga hợp tác với Saudi Arabia, đồng thời tăng cường sức mạnh của Nga tại Trung Đông nơi từ lâu Mỹ đã là một siêu cường.
Tin tức của tiềm năng liên minh dầu mỏ diễn ra tại thời điểm hai nước đang củng cố mối quan hệ kinh tế bất chấp mâu thuẫn về cuộc xung đột tại Syria, nơi họ ủng hộ các bên đối lập.
Riyadh ủng hộ phiến quân chống lại quân đội của Tổng thống Syria, Basjar al-Assad, trong khi Nga và lực lượng Iran ủng hộ Assad.
Cuộc gặp giữa Thái tử Saudi Arabia và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề của cuộc họp G20 ở Trung Quốc trong tháng 9/2016 đã đưa Nga tới hỗ trợ việc hạn chế dầu mỏ của OPEC và ngoài OPEC.
Tháng 10/2017, quốc vương Saudi Arabia, Salman trở thành quốc vương đầu tiên thăm Nga, cung cấp đầu tư và hỗ trợ chính trị cho nền kinh tế Nga đang bị các nước phương Tây trừng phạt.
Helima Croft tại RBC Capital Markets cho biết đây là một sự phát triển chiến lược rất quan trọng, tiềm năng hợp tác dầu mỏ Saudi - Nga kéo dài 10 tới 20 năm. “Đầu tiên Thái tử đưa ra tuyên bố chứ không phải Bộ trưởng Dầu mỏ, một dấu hiệu rõ ràng hơn nữa rằng ông là người nói lời cuối về chính sách dầu mỏ của nước ông”. Croft nói “thứ hai là một dấu hiệu nữa về sự đảo ngược chủ chốt trong mối quan hệ Saudi-Nga. Saudi là một đồng minh chiến tranh lạnh trung thành của Mỹ. Hiện nay đồng minh Nga-Saudi xuất hiện thân thiết hơn dầu mỏ và dường như được thúc đẩy bởi quan hệ cá nhân giữa Putin và MBS”.
 
Thái tử đã dự đoán nhu cầu dầu thế giới không đạt được đỉnh cao cho đến năm 2040, bất chấp tăng cường công nghệ năng lượng tái tạo và xe điện.
Trong một nỗ lực kết thúc sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Saudi Arabia, ông đang dẫn đầu việc thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế Saudi rời khỏi dầu mỏ và khí đốt vào năm 2030.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Giờ Trái đất 2018: Tiết kiệm được 485.000 kWh

 

Giờ Trái đất 2018: Tiết kiệm được 485.000 kWh

Tối 24/3, cùng với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố trên toàn thế giới, đồng loạt 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất bằng hành động biểu trưng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong 1 giờ (từ 20h30 đến 21h30).

 Sau 1 giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện không cần thiết. Chiến dịch Giờ Trái đất 2018, hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được lượng điện năng là 485.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 834 triệu đồng.

Phát biểu tại Lễ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đối khí hậu. Mỗi năm GDP thiệt hại khoảng 1,5% do thiên tai và cả tác động của biến đổi khí hậu. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu, đến năm 2100 nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng từ 2 đến 3 độ C, nước biển dâng từ 78 đến 100cm. Nếu mực nước biển dâng 100cm, khoảng 5% diện tích lãnh thổ bị ngập gây ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 10% dân số; riêng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng gần 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng.
Do vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách và pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Với sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường, Sự kiện Giờ Trái đất lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2007 và đến nay đã trở thành một trong những sự kiện về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường có ảnh hướng lớn nhất trên toàn thế giới. Mỗi năm sự kiện thu hút trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng tỷ người trên thế giới tham gia hưởng ứng.
Hòa trong dòng chảy quốc tế, năm 2009, Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với 6 tỉnh, thành phố tham gia hưởng ứng. Đến nay, Chiến dịch Giờ trái đất do Bộ Công thương chủ trì đã trở thành một hoạt động thường niên không thể thiếu, thu hút được sự tham gia của các Bộ ngành, toàn bộ các địa phương và người dân trên cả nước.
Năm nay, chủ đề của Chiến dịch Giờ trái đất của Việt Nam là: “GO MORE GREEN - HÔM NAY TÔI SỐNG XANH HƠN" nhằm kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân, gia đình, doanh nghiệp cùng chung tay hành động để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới một xã hội phát triển xanh và bền vững. Trong suốt gần một tháng qua, Chiến dịch Giờ Trái đất 2018 đã được các tỉnh, thành phố trên cả nước hưởng ứng rất mạnh mẽ với nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng và giàu ý nghĩa.
“Bằng việc tắt đèn hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2018, chúng ta một lần nữa khẳng định nỗ lực của Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong các cam kết bảo vệ môi trường, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng cho hiện tại và tương lai. Khẳng định Việt Nam mong muốn phát triển kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.
 
Chiến dịch Giờ Trái đất 2018 chính thức được lan tỏa từ sự kiện Khởi động tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 3/3/2018. Sự kiện đã thu hút rất đông đảo sinh viên của nhiều Trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn TP. Hà Nội, nhiều tình nguyện viên và người dân Thủ đô tham gia. Tiếp đó, hàng loạt hoạt động hưởng ứng đã diễn ra trong suốt tháng 3 tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.
Sau 1 giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện không cần thiết. Chiến dịch Giờ Trái đất 2018 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 24/03/2018), hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được lượng điện năng là 485.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 834 triệu Đồng.
Nguồn: TẠp chí Năng lượng Việt Nam

 

iPhone gập được sẽ xuất hiện vào năm 2020

iPhone gập được sẽ xuất hiện vào năm 2020

 iPhone màn hình gập được có thể sử dụng như một smartphone khi gập lại và như một chiếc máy tính bảng khi mở ra.

 Theo CNBC, các nhà phân tích của Bank of America Merrill Lynch cho rằng Apple sẽ ra mắt iPhone với màn hình có khả năng gập mở linh hoạt vào năm 2020. Nhưng thay vì có thiết kế gập mở từ trên xuống dưới, máy sẽ gập mở dạng ngang. Khi mở ra, thiết bị có thể đóng vai trò như một chiếc máy tính bảng. Thiết kế khiến nhiều người liên tưởng đến chiếc Axon M ra mắt năm ngoái của ZTE - chiếc smartphone màn hình kép có thể mở ra để tạo thành một thiết bị có màn hình lớn hơn.

 

iPhone màn hình gập có thể ra mắt trong khoảng hai năm tới.

Trước đó, nhà phân tích của Merrill Lynch cũng cho biết smartphone màn hình gập của Apple sẽ sử dụng tấm nền OLED. Tuy nhiên, tấm nền này sẽ được sản xuất bởi LG Display, thay vì Samsung hiện tại. Trùng hợp hơn khi báo cáo từ nhà phân tích này cũng nhấn mạnh, thiết bị sẽ ra mắt vào năm 2020.

Sau camera kép, màn hình tràn viền... màn hình gập được dự đoán là xu hướng mà các nhà sản xuất smartphone theo đuổi. Thiết kế mới sẽ tăng khả năng hiển thị trong một kiểu dáng nhỏ gọn hơn, mang lại trải nghiệm mới mẻ hơn cho người dùng. Tuy vậy, kỹ thuật sản xuất màn hình gập còn hạn chế là rào cản, chưa thể biến các ý tưởng thành hiện thực. Theo Cnet, là một trong hai nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới, smartphone màn hình gập đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía Apple.

Đối thủ của công ty Mỹ - Samsung - được cho là đang làm việc trên một mẫu smartphone có màn hình gập dạng dọc tương tự điện thoại vỏ sò trước đây mang tên Galaxy X. Những tin đồn gần đây cho thấy, Galaxy X sẽ có màn hình OLED, gập mở được nhờ hệ tấm nền dẻo và hệ thống bản lề linh hoạt. Trước đó, DJ Koh, người đứng đầu mảng di động của Samsung cũng đã tiết lộ sẽ công bố smartphone màn hình gập ngay trong năm nay.

 Apple từ chối đưa ra bình luận sau thông tin trên.

Nguồn: Bảo Lâm/Vnexpress.net

Quy định xuất xứ hàng hóa

 

Quy định xuất xứ hàng hóa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá.

 Trong đó, Nghị định quy định hàng hoá được coi là có xuất xứ khi thuộc một trong các trường hợp sau: 1- Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ theo quy định; 2- Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, nhưng đáp ứng các quy định.

Hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ trong các trường hợp sau:

1- Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

2- Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

3- Các sản phẩm từ động vật sống nêu tại điểm 2.

4- Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

5- Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, không được liệt kê từ điểm 1 đến điểm 4, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

6- Các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, với điều kiện nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.

7- Các sản phẩm đánh bắt và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

8- Các sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất ngay trên tàu từ các sản phẩm nêu tại điểm 7 được đăng ký ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

9- Các vật phẩm thu được trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó hiện không còn thực hiện được chức năng ban đầu, không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu, vật liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.

10- Các hàng hoá thu được hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu từ điểm 1 đến điểm 9 tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

Nghị định quy định hàng hóa được coi là có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nếu hàng hóa đó đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuộc Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng do Bộ Công Thương quy định. 

Xác định xuất xứ của bao bì, phụ kiện...

Nghị định nêu rõ, trường hợp hàng hóa áp dụng tiêu chí “chuyển đổi mã số hàng hóa”, vật liệu đóng gói và bao gói chứa đựng hàng hóa dùng để bán lẻ, khi được phân loại cùng hàng hóa đó, được loại trừ khỏi các nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng trong việc sản xuất ra hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa áp dụng tiêu chí “tỷ lệ phần trăm giá trị”, trị giá của vật liệu đóng gói và bao gói chứa đựng hàng hóa dùng để bán lẻ được coi là một phần cấu thành của hàng hóa và được tính đến khi xác định xuất xứ hàng hóa.

 Vật liệu đóng gói và bao gói dùng để chuyên chở và vận chuyển hàng hóa sẽ không được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa đó.

Tài liệu giới thiệu, hướng dẫn sử dụng hàng hoá; phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ đi kèm hàng hoá với chủng loại số lượng phù hợp được coi là có cùng xuất xứ với hàng hoá đó.

Hàng hoá chưa được lắp ráp hoặc đang ở tình trạng bị tháo rời được nhập khẩu thành nhiều chuyến hàng do điều kiện vận tải hoặc sản xuất không thể nhập khẩu trong một chuyến hàng, nếu người nhập khẩu có yêu cầu, xuất xứ của hàng hóa trong từng chuyến hàng được coi là có cùng xuất xứ với hàng hoá đó.

Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu tiên phải đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chỉ được xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi đã đăng ký hồ sơ thương nhân đầy đủ và hợp lệ.

Trích Nguồn: Chinhphu.vn

 

Hỗ trợ trực tuyến

3766653
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
392
4100
14618
1700889
45946
3766653

Your IP: 3.137.218.220
Server Time: 2024-05-18 04:54:17

SUPPORT ONLINE

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs. Nga - 0903.228.574

 

 

We have 17 guests and no members online