Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Nhà giám đốc Tổng công ty than Hạ Long bị đánh mìn

 

Ngôi nhà ông Vũ Văn Điền thuộc tổ 6 khu 8, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long.

Vào lúc 22h30 phút ngày 22.10, một tiếng nổ lớn phát ra từ bên ngoài ngôi nhà riêng của ông Vũ Văn Điền- Giám đốc Tổng công ty than Hạ Long- Vinacomin - tại tổ 6, khu 8 phường Hồng Hải, TP. Hạ Long (Quảng Ninh).

Thuật lại với PV Báo Lao Động, ông Điền cho biết, vụ nổ nghi là mìn tự chế (tiếng nổ như bình gas) xảy ra khi cả gia đình đang xem ti vi trong nhà. Lúc đó, mọi người rất hốt hoảng. Tuy nhiên, rất may có thể chất cài nổ không lớn, vị trí đặt nghi là mìn được cài ở trụ cổng phụ phía đông bắc của ngôi nhà, nên không gây ảnh hưởng nhiều đến sự an toàn của mọi người trong gia đình và tài sản.

Sáng ngày 23.10, PV Báo Lao Động đã có mặt tại ngôi nhà ông Điền và quan sát thấy nơi đặt vật nổ là mém ngoài trụ cổng bê tông cốt thép- có góc vỡ dài 0,5 mét và ngang gần 0,3 mét. Có thể do lượng thuốc nổ không nhiều nên sức công phá chỉ làm vỡ một cửa kính phía cửa sổ tầng 1 ngôi nhà- điều có thể nằm trong trù tính “đe dọa” của đối tượng có hằn thù với ông Điền (?!).

Ông Điền là một giám đốc doanh nghiệp sản xuất than thuộc thành viên của TKV có diện khai trường các mỏ phủ rộng trên địa bàn TP. Cẩm Phả.

Theo ông Điền, trước đó vào tháng 5.2014, đơn vị của ông và chính quyền sở tại đã phối hợp bắt quả tang một đối tượng bên ngoài vào ăn trộm than tại khai trường Tân Lập (thuộc quyền quản ký của Cty). Số lượng than bị bắt quả tang gần 50 tấn và hiện những đối tượng này vẫn bị phía Công an tạm giữ.

“Một vài giám đốc đơn vị thuộc thành viên của Than Hạ Long- cách đây vài năm cũng đã bị các đối tượng bên ngoài xã hội đe dọa và ném phân bẩn vào nhà riêng nhằm “khủng bố” tinh thần"- ông Điền cho biết thêm.

Một ãnh đạo Công an TP. Hạ Long cho biết, cơ quan công an đang điều tra vụ việc. Hiện cơ quan chức năng chưa xác định được chất nổ là loại gì; các mũi điều tra đang tiếp tục nên chưa thể thông tin cụ thể.

Vụ nổ phá bung một mảng bê tông phía trụ cổng. 

DN vận tải Hải Phòng mòn mỏi “chờ xin ý kiến”

Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Đường bộ Hải Phòng đã có hàng chục văn bản kiến nghị về xe siêu trường, siêu trọng, sơmi rơmooc gửi đến Bộ GTVT. Bộ GTVT cũng đã nhiều lần cử đoàn công tác tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, những kiến nghị này vẫn chỉ được... “chờ xin ý kiến”.

 

Mới đây nhất, Bộ GTVT đã cử đoàn công tác xuống đối thoại trực tiếp với các DN vận tải Hải Phòng nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến tải trọng container. Tại cuộc đối thoại nhiều kiến nghị đã cũ nhưng vẫn “rất nóng” lại được DN gửi đến đoàn công tác...

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Đại diện Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Đường bộ Hải Phòng cho biết, trước những kiến nghị của DN, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Văn bản 8034/BGTVT-VT về tạm thời chưa xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường hợp như: không xử lý quá tải trọng trục xe và không xử lý xe chở hàngquá tải trọng thiết kế phương tiện dưới 10%. Đồng thời, Bộ cũng có Văn bản số 8359/BGTVT-VT cho phép điều chỉnh vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục của 7105 sơmi rơmooc để nâng tải trọng đối với sơmi rơmooc 2 trục là 33 tấn và 3 trục là 38 tấn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện văn bản 8359 vẫn tiếp tục  phát sinh khó khăn, vướng mắc.

Tại Hội nghị đối thoại DN về chính sách quản lý hoạt động vận tải đường bộ, Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Đường bộ Hải Phòng tiếp tục trình bày 4 tồn tại và kiến nghị: 

Thứ nhất, tải trọng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của sơmi rơmooc khi đi kiểm định lại bị giảm tải so với tải trọng trước khi kiểm định, sơmi rơmooc đủ điều kiện được điều chỉnh tăng tải trọng cho phép tham gia giao thông nhưng không có trong danh sách được điều điều chỉnh tăng tải trọng cho phép tham gia giao thông của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Thứ hai, sức kéo của đầu kéo cho phép tham gia giao thông thấp so với sức kéo thiết kế của nhà sản xuất.

Thứ ba, chu kỳ kiểm định của sơmi rơmooc có niên hạn sử dụng 20 năm ngắn (theo quy định 3 tháng kiểm tra một lần).

Thứ tư, quy định tải trọng trục xe thấp không phù hợp với tải trọng tổ hợp đầu kéo và sơmi rơmooc. Mặc dù kiến nghị trên đã được lãnh đạo Bộ GTVT ghi nhận, xem xét và thành lập đoàn công tác đối thoại trực tiếp với DN vận tải Hải Phòng nhưng cũng chẳng khác nhiều những lần trước, lần này, đoàn công tác vẫn chưa thể giải đáp được hết các kiến nghị của DN, nhiều kiến nghị được đoàn “ghi nhận” và tiếp tục “xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng” .

Chờ đến bao giờ?

 

Tuy nhiên, sau đối thoại lần này, nhiều DN “cảm thấy thất vọng” vì... lại chờ “xin ý kiến”.

Theo các DN vận tải Hải Phòng, Bộ GTVT cần xem xét điều chỉnh lại tải trọng cho phép tham gia giao thông của sơmi rơ mooc. Vì hiện nay, tải trọng cho phép tham gia giao thông thấp nhiều so với tải trọng thiết kế. Các container 40 feet hiện nay theo thông lệ quốc tế có trọng lượng hơn 30 tấn như vậy thì các sơmi rơmooc 2 trục với mức tải thấp như quy định hiện nay thì không thể vận chuyển được. Nếu không có sự điều chỉnh thì DN có lẽ phải thanh lý hết để thay bằng sơmi rơ mooc 3 trục? Nhiều DN cũng khẳng định rằng,  Hải Phòng còn có nhiều đầu kéo có tải trọng thiết kế kéo theo ở mức 38 tấn hoặc trên 38 tấn nhưng khi nhập vào Việt Nam tải trọng cho phép chỉ ở mức 37 tấn. Như vậy khi tham gia giao thông không thể kéo rơmooc 3 trục có khối lượng toàn bộ 38 tấn theo quy định tại Văn bản số 8539 của Bộ GTVT. DN đề nghị Cục đăng kiểm Việt Nam cần xem xét điều chỉnh tải trọng các đầu kéo và tải trọng của sơmi rơmooc bằng đúng tải trọng thiết kế của nhà sản xuất để vận chuyển được container theo tiêu chuẩn quốc tế…

 Tuy nhiên, sau đối thoại lần này, nhiều DN “cảm thấy thất vọng” vì... lại chờ “xin ý kiến”. “DN vận tải phải chờ tới bao giờ mới được giải quyết những kiến nghị chính đáng của mình?” câu hỏi này DN không thể tự trả lời. Rất mong lãnh đạo Bộ GTVT sớm quan tâm, xem xét giải quyết dứt điểm các kiến nghị bằng văn bản cụ thể để DN ổn định, yên tâm sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Cty CP Vận tải An Vượng: 
Thời gian quá ngắn để chuyển tải

Ngành công nghiệp ôtô của VN còn tương đối non trẻ, thậm chí nhiều chi tiết ốc vít còn chưa sản xuất được. Vậy mà, một sơmi rơmooc nhập khẩu theo tiêu chuẩn nước ngoài về lại bị đem ra chỉnh sửa, dịch chuyển  trục. DN vận tải còn hoài nghi về tay nghề của các đơn vị sửa chữa này. Theo như số liệu tại văn bản số 8359/BGTVT-VT về việc “tháo gỡ khó khăn cho đơn vị kinh vận tải hàng hóa bằng ôtô” thì có tới 7105 sơmi rơmóoc được cho phép điều chỉnh lại cụm trục để được nâng tải trọng. Chi phí cho việc điều chỉnh này mất khoảng 20 triệu/1 sơmi rơmooc. Nếu điều chỉnh lại hết thì mất hàng trăm tỷ đồng. Mỗi một sơmi rơmooc lại sửa mất khoảng 3 ngày. Mà cả nước cũng chỉ có vài điểm có đủ tiêu chuẩn để làm việc này, như vậy thì phải mất tới mấy chục năm. Vậy mà trong văn bản quy định việc điều chỉnh tải trục thời gian chỉ diễn ra trong vòng 6 tháng như thế là quá ngắn. Không những vậy mà điều chỉnh lại trục xe gây nguy hiểm, không an toàn, khi xe đi qua những đường gồ ghề hay đơn giản như đi qua đường ray tàu cũng có thể bật tung chốt nối liền giữa đầu kéo và sơmi rơmooc, container hàng có thể lật văng xuống... 

Bà Thúy Hà - Phó giám đốc Cty TNHH Vận tải Hà Anh: 
Lãng phí nguồn lực

Các sơmi rơmooc có tải trọng thiết kế cao và đã được cho phép tham gia giao thông với tải trọng như thiết kế trong nhiều năm qua nhưng khi đi đăng kiểm thì bị giảm tải trọng. Vấn đề này đã được Cục đăng kiểm VN đã có hướng tháo gỡ và chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm xem xét điều chỉnh lại tổng tải trọng với mức 33 tấn đối với rơmooc 2 trục và 38 tấn đối với rơmooc 3 trục. Nhưng việc điều chỉnh này chỉ có giá trị đến 31/12/2014. DN vận tải đề nghị Cục đăng kiểm nói rõ lý do về việc hạn mức thời gian như trên và DN phải thực hiện những quy định nào mới được đăng kiểm có thời hạn như rơmooc thông thường. Điều này gây lãng phí và dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp cho DN vì các chi phí, vốn vay ngân hàng.

 

Cố được ốc vít, Việt Nam lại 'bó tay' với sơn ôtô

Nhu cầu về sơn dùng trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy tại Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, chỉ các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này, còn DN Việt Nam vẫn đứng ngoài cuộc.

Việt Nam đứng ngoài cuộc

Mới đây, Công ty Sơn Nippon (Nhật Bản) đã khai trương nhà máy sản xuất sơn thứ 3 tại tỉnh Vĩnh Phúc, với vốn đầu tư 14 triệu USD, cho sản lượng 15.000 tấn sơn/năm. Nhà máy này sẽ tập trung sản xuất các loại sơn công nghiệp cho ô tô, xe máy, sơn phủ tầu biển, nhựa... để đáp ứng thị trường Việt Nam.

Trước đó, nhà máy thứ hai đã được công ty này xây dựng năm 2005, cũng tại Vĩnh Phúc, để cung cấp sơn cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy, với sản lượng 5.000 tấn/năm. 

Ông Kondo Masao, Tổng giám đốc Công ty Sơn Nippon Vĩnh Phúc, cho biết, kinh tế phát triển, tiêu thụ ô tô, xe máy tại Việt Nam tăng mạnh khiến nhu cầu sơn tăng, đó là lý do mà Nippon  tiếp tục đầu tư nhà máy thứ 3, tăng gấp 3 lần công suất.

Nhu cầu ngành sơn tăng mạnh

Không chỉ Nippon, hàng loạt nhà sản xuất sơn phục vụ công nghiệp ô tô, xe máy cũng đã có mặt và đầu tư vào thị trường Việt Nam thời gian qua, như Kansai Paint, BBG (Nhật Bản)... Theo Nippon, thì hầu hết các DN sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Toyota, Trường Hải, Xuân Kiên... đều đang sử dụng sơn của họ để sơn các sản phẩm ô tô, xe máy. 

Ông Phạm Văn Tài, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Ôtô Trường Hải, cho hay, với sản lượng lên tới 40.000 xe/năm, nhu cầu về các loại sơn để sơn linh kiện, khung gầm, thân vỏ xe... của công ty này rất lớn. Tuy nhiên, từ khi đi vào sản xuất đến nay, hơn chục năm qua, chỉ có các nhà cung cấp sơn nước ngoài hoặc DN FDI đến chào mời sử dụng sản phẩm của họ, còn ông không hề thấy bóng dáng các DN Việt Nam.

“Chúng tôi sẵn sàng gặp gỡ các DN sơn Việt Nam, xem sản phẩm của họ và đặt hàng nếu có chất lượng tốt, giá hợp lý. Thực tình, Trường Hải rất muốn sử dụng sơn trong nước cho một số sản phẩm xe tải, xe khách sản xuất để giảm chi phí, nhưng không có DN sơn nào của Việt Nam có thể cung cấp”, ông Tài nói.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên, cũng than thở: “Năm 2004 khi đầu tư dây chuyền sơn điện ly để sơn ô tô tải, tôi cũng đã tìm kiếm các nhà cung cấp sơn của Việt Nam nhưng không DN nào sản xuất. Đây là sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, sơn sấy ở nhiệt độ 170 độ C, nên phía Việt Nam chưa đáp ứng được”.

Sơn của Việt Nam chỉ sơn hàng rào

Về vấn đề này, một DN sản xuất sơn của Việt Nam lý giải, sơn dùng trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy là sơn công nghệ cao, đòi hỏi đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Chẳng hạn, màng sơn thân vỏ ô tô vừa đóng vai trò làm đẹp, vừa bảo vệ bề mặt thân xe suốt thời gian sử dụng, chống xước cho xe, chịu được mưa axit, tránh được sự xuống cấp do tia tử ngoại... Lớp màng này rất mỏng, chỉ khoảng 0,1mm nhưng trong đó bao gồm rất nhiều lớp hóa chất, phải có công nghệ cao mới sản xuất được.

DN trong nước yếu thế mảng công nghiệp hỗ trợ

Các DN Việt Nam muốn làm được cần có 2 điều kiện quan trọng, đó là vốn đầu tư lớn và làm chủ công nghệ; tức là, phải có dây chuyền sản xuất hiện đại và phải bỏ chi phí lớn cho nghiên cứu phát triển, hoặc mua công nghệ mới có được. Tuy nhiên, DN Việt Nam vốn ít, công nghệ không có thì... bó tay.

“Chúng tôi cũng biết các nhà sản xuất ô tô trên thế giới, khi chuyển giao cho đối tác hoặc đầu tư vào nước nào đó thường chỉ định sơn của các nhà cung cấp truyền thống. Bởi, các sản phẩm sơn này đã được họ đã thử nghiệm nhiều lần và sử dụng cho sản phẩm ô tô xe máy ổn định. Nếu DN Việt Nam có sản phẩm tốt, được phía nước ngoài sử dụng và chỉ định dùng trên toàn cầu thì còn gì bằng. Như vậy tức là đã tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, vị giám đốc trên bày tỏ. 

Nhưng, do thương hiệu yếu, thiếu vốn, thiếu công nghệ, lại không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, DN Việt Nam không thể sản xuất và cạnh tranh được. 

Giám đốc một DN ô tô tại Hà Nội tiết lộ có sử dụng sơn của DN Việt Nam nhưng chỉ để sơn hàng rào nhà máy, còn sơn nhà xưởng cũng không dùng được, vẫn phải mua sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan.

Ngay cả khi đã đầu tư sản xuất sơn tại Việt Nam, các DN FDI cho biết toàn bộ nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu, chẳng hạn nguyên liệu dùng cho sơn ô tô nhập từ Nhật Bản, cho xe máy nhập từ Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và châu Âu. Máy móc thiết bị cũng vậy. Việt Nam không cung cấp gì ngoài nhân công giá rẻ. 

Rõ ràng, với tình trạng này, con đường để tiến tới một nền công nghiệp hỗ trợ phát triển của Việt Nam còn quá gập ghềnh, chông gai.

(ST)

Kiến nghị Chính phủ bảo lãnh vay vốn ngoại cho Vinacomin

Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) được vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, một phần vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài cho tập đoàn để đầu tư phát triển ngành than. Việc bảo lãnh xuất phát từ thực tế Vinacomin hiện không có đủ phần vốn đối ứng từ 20% đến 30% để thực hiện vay đầu tư phát triển các mỏ mới.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện đúng tiến độ quy hoạch đề ra.

 (ST)

Xuất nhập khẩu Việt Nam: Trung Quốc nắm đằng chuôi?

 Xuất khẩu FDI vẫn đóng vai trò chủ đạo, trong khi Trung Quốc vẫn là bạn hàng quan trọng với thị trường XNK Việt Nam.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 9/2014 là hơn 25,85 tỷ USD, tăng 1,5%, tương ứng tăng 380 triệu USD so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 12,63 tỷ USD, giảm 4,8% và nhập khẩu đạt gần 13,22 tỷ USD, tăng 8,3%. Do vậy, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 9 thâm hụt 582 triệu USD.

Tính trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt hơn 217,48 tỷ USD, tăng 13%; trong đó xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 109,87 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 107,61 tỷ USD.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Theo đó, trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của FDI là 128,47 tỷ USD, tăng 13,1 %. Tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn chiếm ưu thế, đạt gần 67,81 tỷ USD; nhập khẩu là hơn 60,66 tỷ USD. Tính riêng trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối này đạt gần 16,07 tỷ USD.

Xuất khẩu: Trung Quốc là thị trường chính

Các mặt hàng xuất khẩu của VN chủ yếu là nông sản có dấu hiệu giảm nhẹ và vẫn bị phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể với thủy sản, sản lượng xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 722 triệu USD, giảm 5,3% so với tháng trước; Cà phê, xuất khẩu là 97 nghìn tấn,  giảm 0,4% về lượng và giảm 1,3% về trị giá so với tháng trước.

Riêng với thị trường xuất khẩu gạo, trong tháng 9 có dấu hiệu giảm khá mạnh đạt 519 nghìn tấn, giảm 21,7% và trị giá giảm 19,4% so với tháng trước. Như vậy, tính đến hết quý III/2014, lượng xuất khẩu nhóm hàng này là 5,01 triệu tấn, giảm 5,4% và trị giá đạt 2,28 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Biểu đồ lượng và giá trị nhập khẩu xăng dầu các loại trong 9 tháng/ 2014. (Nguồn: Hải quan)
Biểu đồ lượng và giá trị nhập khẩu xăng dầu các loại trong 9 tháng/ 2014. (Nguồn: Hải quan)

Nhưng 9 tháng qua, Trung Quốc vẫn là đối tác lớn nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 1,7 triệu tấn, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2013. Theo sau là thị thị trường Philippin đạt 1,13 triệu tấn.

Tương tự với thị trường cao su, Trung Quốc vẫn là đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 9 tháng với 292 nghìn tấn (trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 128 nghìn tấn), chiếm tới 42% lượng cao su xuất khẩu của cả nước; tiếp theo là Malaixia: 138 nghìn tấn…

Ngoài ra các sản phẩm dầu thô, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, điện thoại các loại & linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; Phương tiện vận tải và phụ tùng... Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Nhập khẩu: Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp chính

Cùng với việc xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng được coi là bạn hàng nhập khẩu quen thuộc của Trung Quốc.

Theo thống kê, ngành công nghiệp ô tô vẫn được coi là mục tiêu phát triển của Việt Nam, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Trên thực tế, số lượng ô tô tại Việt Nam hầu như vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn, Việt Nam chỉ đóng vai trò gia công, lắp ráp. Cụ thể: trong 9 tháng/2014, cả nước nhập về 44,08 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam với 11,64 nghìn chiếc; Thái Lan: 8,66 nghìn chiếc; Trung Quốc: 8,4 nghìn chiếc; Ấn Độ: 7,1 nghìn chiếc…

Đặc biệt với thị trường phân bón, lượng nhập khẩu phân bón trong 9 tháng tăng mạnh tới 33,2%. Thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc với tổng 1,54 triệu tấn.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 9 tháng qua với trị giá là 5,69 tỷ USD, tiếp theo là các thị trường: Nhật Bản: 2,63 tỷ USD; Hàn Quốc: 2,23 tỷ USD; Đài Loan: 1,06 tỷ USD...

Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng qua cũng chủ yếu từ Trung Quốc (3,95 triệu tấn, tăng 50,7%) và chiếm 48,6% tổng lượng sắt thép cả nước nhập về.

Riêng với nhóm nguyên vật liệu dệt may, da, giày: trị giá nhập khẩu trong tháng là 1,43 tỷ USD, tính chung 9 tháng, cả nước nhập khẩu 12,61 tỷ USD. Thị trường cung cấp chính cho Việt Nam vẫn là trường Trung Quốc với 4,95 tỷ USD...

 Với tỉ lệ hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng trung gian phục vụ sản xuất, hiện Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc khiến nhập siêu từ thị trường này ngày càng đáng lo ngại. Trong khi đó, sản xuất trong nước ngày càng tăng, ngành công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, việc phụ thuộc nguyên liệu kéo dài sẽ gây thất thoát ngoại tệ không nhỏ, “ăn” hết phần xuất siêu sang các quốc gia khác. 

TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng, nếu lượng lớn hàng trung gian nhập về được các DN tạo ra sản phẩm xuất khẩu thì hoàn toàn không gây thâm hụt thương mại nhưng thực tế là hàng trung gian lại được các DN gia công phục vụ tiêu dùng trong nước nên giá trị gia tăng kém, thâm hụt thương mại lớn.

(ST)

Hỗ trợ trực tuyến

3668473
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
765
3465
13009
1587004
95635
3668473

Your IP: 18.220.106.241
Server Time: 2024-04-25 07:07:40

SUPPORT ONLINE

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs. Nga - 0903.228.574

 

 

We have 20 guests and no members online