Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Xăng E5 rẻ và nhiều ưu điểm hơn xăng A92

 

 Xăng E5 rẻ và nhiều ưu điểm hơn xăng A92

 Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, từ ngày 1-1-2018, chỉ cho phép sản xuất và kinh doanh xăng E5 và xăng khoáng A95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường, đồng thời thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải nhà kính. 
Như vậy, từ đầu năm tới, xăng E5 sẽ chính thức thay thế xăng khoáng A92 trên thị trường toàn quốc. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Cường (ảnh), Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương xung quanh vấn đề này.

 
° PHÓNG VIÊN: Vì sao nhiên liệu sinh học được cho là có nhiều ưu điểm hơn xăng khoáng nhưng lại chưa dành được sự tin dùng của người dân, thưa ông?
° Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG: Phát triển xăng nhiên liệu sinh học E5 là một chủ trương đúng của Chính phủ. Đến nay, năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của các cơ sở sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phối trộn để thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5. Xu thế sử dụng xăng E5 có chiều hướng tăng dần, thể hiện ở lượng xăng E5 tiêu thụ tháng 12-2016 đạt gần 50.000m³/tháng, chiếm 9,14% so với tổng lượng xăng khoáng A92. Số cửa hàng kinh doanh xăng dầu có bán xăng E5 đạt 1.256 cửa hàng, chiếm 11% so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, việc triển khai E5 chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Lợi nhuận và chiết khấu chưa đủ mạnh để khuyến khích các đại lý và cửa hàng xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5. Việc xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phụ trợ, bồn, bể, các cột bơm xăng E5 tại các đại lý và cửa hàng xăng dầu đòi hỏi đầu tư về mặt bằng cũng như nguồn vốn, dẫn đến các chủ cửa hàng còn nhiều do dự, ngần ngại đầu tư. Trong khi đó, giá dầu thô liên tục giảm thời gian qua là nguyên nhân dẫn đến các nhà máy trong nước không cạnh tranh được với xăng khoáng, phải hoạt động cầm chừng, sản lượng tiêu thụ rất thấp so với công suất, thậm chí ngừng hoạt động. 
Một lý do nữa là tâm lý e ngại về chất lượng xăng E5 khi sử dụng vẫn còn trong một bộ phận người tiêu dùng, cộng thêm với việc độ chênh lệch về giá cả giữa xăng E5 và xăng truyền thống chưa đủ lớn để khuyến khích khách hàng chuyển đổi thói quen sử dụng từ xăng truyền thống sang xăng E5. Ngoài ra, công tác truyền thông về sản phẩm nhiên liệu sinh học còn yếu, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
° Như ông vừa nói là một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại về chất lượng xăng E5. Vậy với tư cách là cơ quan chủ trì thực hiện đề án phát triển nhiên liệu sinh học, ông chia sẻ gì về vấn đề này? 
° Từ tháng 11-2014 đến tháng 10-2016, các cơ quan chức năng tại các địa phương triển khai thí điểm và Bộ KHCN đã định kỳ thanh tra, kiểm tra về đo lường chất lượng sản phẩm xăng dầu lưu thông trên thị trường nói chung và xăng sinh học E5 nói riêng. Kết quả kiểm tra cho thấy, các mẫu xăng sinh học E5 đạt chất lượng theo quy định. Đến nay, chúng ta đã xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống các cơ chế, chính sách, hệ thống quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, định mức, thông số kỹ thuật... cho sản phẩm nhiên liệu sinh học. Ngoài các chỉ tiêu căn bản của sản phẩm xăng khoáng thông thường, còn có thêm các chỉ tiêu về quản lý chất lượng riêng cho nhiên liệu sinh học. Vì thế, trên góc độ chuyên môn, chúng tôi cho rằng quản lý chất lượng của sản phẩm xăng E5 còn khắt khe hơn so với xăng khoáng.
Trong quá trình triển khai đề án nhiên liệu sinh học, chúng tôi đã tham khảo các ý kiến đánh giá độc lập của các viện, trung tâm nghiên cứu. Qua đó, đều thấy rằng khi sử dụng nhiên liệu xăng E5 nếu so sánh với xăng khoáng thì lượng khí thải nguy hiểm, độc hại giảm được 15% - 30%. 
° Một số người lo ngại dùng xăng E5 sẽ gây nóng động cơ hơn xăng khoáng?
° Thực chất, xăng E5 chỉ có 5% là Ethanol, còn lại 95% là xăng khoáng. Chỉ có Việt Nam và một số ít các nước trong số 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng nhiên liệu sinh học gọi E5% (chứa 5% Ethanol) là nhiên liệu sinh học. Thông thường, phải có từ 7% Ethanol trở lên thì mới coi là nhiên liệu sinh học. 
Tôi có thể khẳng định, không có chuyện khi dùng xăng E5 thì làm cho động cơ bị nóng hơn xăng khoáng, hay giảm tuổi thọ của động cơ. Nếu như thành phần nhiên liệu sinh học có trên 10% là methanol thì lúc đó mới phải điều chỉnh lại động cơ.
° Hiện nay một số người tiêu dùng cho rằng giá xăng khoáng đắt hơn xăng E5 nên chất lượng sẽ... tốt hơn? 
° Điều đó không đúng. Chẳng hạn như xăng khoáng A95 chỉ tốt khi được sử dụng với động cơ sử dụng xăng A95. Tức là loại nhiên liệu nào thì dùng cho loại động cơ phù hợp với nhiên liệu đó. Không có nghĩa rằng cứ nhiều tiền là tốt. Ví dụ, một số loại xe chuyên dụng của công an, quân đội thậm chí còn không được sử dụng xăng A95, nếu sử dụng sẽ dẫn tới hỏng hóc.
° Giá xăng E5 hiện rẻ hơn xăng khoáng nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn với người tiêu dùng. Vậy tới đây có giải pháp gì để tháo gỡ vấn đề này, thưa ông? 
° Với nhiều lợi ích mà nhiên liệu sinh học đem lại, hiện nay Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và một số sắc thuế khác cho các sản phẩm nhiên liệu sinh học là xăng E5 và tới đây có thể là xăng E10. Đây cũng là thông lệ được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng khi muốn đưa một sản phẩm mới thân thiện với môi trường vào đời sống.
Hiện nay, bằng các công cụ thuế phí, giá xăng E5 thấp hơn giá xăng A92 khoảng 300 đồng/lít. Tới đây, với các giải pháp về thuế, phí mà Bộ Tài chính đang đề xuất thì xăng E5 sẽ thấp hơn xăng khoáng (A95) khoảng 1.500 - 2.000 đồng/lít. Sau này, nếu sử dụng xăng E10 thì giá xăng sẽ còn thấp hơn nữa. 
° Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Hàm Yên/sggp.org.vn

 

Triển vọng của các nhà máy lọc dầu châu Á vẫn tích cực

 

Triển vọng của các nhà máy lọc dầu châu Á vẫn tích cực

 Việc tăng lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Á từ tổn thất công suất lọc dầu tại Mỹ do bão Harvey trong tháng 8 được xác định là tạm thời, nhưng triển vọng trong phần còn lại năm nay vẫn tích cực.
Các nhà máy lọc dầu châu Á trong số các nhà máy tận dụng thuận lợi của việc đóng cửa khoảng 1/4 công suất xử lý dầu thô ở Mỹ sau khi bão Harvey tàn phá bờ biển vùng Vịnh Mexico, với lợi nhuận tăng vọt.
Một nhà máy lọc dầu Singapore điển hình xử lý dầu thô Dubai có lợi nhuận tăng lên 9,07 USD/thùng trong tháng 9, theo tính toán của Reuters, cao hơn nhiều mức 7,01 USD/thùng, lợi nhuận trung bình 365 ngày.
Lợi nhuận kể từ đó thoái lui xuống 7,19 USD/thùng trong giữa ngày giao dịch hôm 10/10, do lợi nhuận từ các sản phẩm xăng và dầu diesel chủ chốt giảm.
Lợi nhuận từ việc sản xuất một thùng dầu diesel tại Singapore giảm xuống 12,85 USD/thùng vào 9/10, giảm từ mức đỉnh 15,82 USD/thùng vào 8/9, khi thị trường toàn cầu thiếu nhiên liệu sau bão Harvey.
Đối với xăng, lợi nhuận sản xuất một thùng xăng đứng ở mức 9,55 USD/thùng vào hôm 9/10, giảm 42% từ mức cao 16,34 USD/thùng ngày 31/8.
Những con số này không vẽ một bức tranh rực rỡ cho các nhà máy lọc dầu châu Á, với lợi nhuận xăng hiện nay ở mức tương tự hồi đầu năm và lợi nhuận lọc dầu diesel chỉ cao hơn chút ít.
Một tín hiệu lạc quan hơn đối với các nhà máy lọc dầu châu Á là khả năng giá dầu thô tăng do OPEC và các đồng minh tiếp tục nỗ lực thắt chặt các thị trường dầu thô toàn cầu bằng cách hạn chế sản lượng.
Lãnh đạo OPEC, Saudi Arabia sẽ cắt giảm lượng dầu thô phân bổ cho các khách hàng trong tháng 11 khoảng 500.000 thùng/ngày.
Điều này nghĩa là vương quốc này sẽ xuất khẩu hơn 7 triệu thùng/ngày trong tháng 11, mặc dù nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu cao hơn đáng kể.
Mặc dù nhu cầu rất mạnh từ khách hàng nước ngoài ở mức hơn 7,711 triệu thùng/ngày, họ chỉ được phân bổ 7,15 triệu thùng/ngày.
Các nhà máy lọc dầu châu Á có thể kết thúc việc phải trả thêm tiền để mua hàng hóa trên thị trường giao ngay, đặc biệt đối với loại dầu nặng hơn thường cho các nhà sản xuất Trung Đông và được tìm kiếm bởi các nhà máy lọc dầu sử dụng các bộ phận phức hợp đã thiết kế để xử lý loại dầu thô này.
Nhưng sự cân bằng với cơ hội giá dầu cao hơn và kết thúc sự thúc đẩy tạm thời của bão Harvey là các yếu tố lạc quan sẽ hạn chế chiều giảm đối với lợi nhuận của nhà máy lọc dầu châu Á.
Trung Quốc nhân tố bí ẩn
Nhu cầu cao trong mùa đông đang tới, thường thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chưng cất như dầu đốt. Một vài nhà máy lọc dầu khắp châu Á cũng đang có kế hoạch bảo dưỡng trong tháng 10 và tháng 11, sẽ hạn chế nguồn cung một phần trong mùa đông sắp tới.
Nhưng có thể khả năng lớn nhất theo chiều tăng đối với nhu cầu sản phẩm của các nhà máy lọc dầu châu Á là triển vọng xuất khẩu sản phẩm giảm mạnh từ Trung Quốc, nước đã nổi lên trong những năm gần đây như một nhà cung cấp chính xăng và sản phẩm chưng cất như dầu diesel và nhiên liệu bay.
Các nhà máy lọc dầu tại Trung quốc bị yêu cầu có hạn ngạch để xuất khẩu các sản phẩm dư thừa và chính quyền tại Bắc Kinh đã giảm khối lượng sẽ cho phép được xuất khẩu trong năm nay.
Hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ cấp cho năm 2017 đạt tổng cộng 37,4 triệu tấn, giảm 19% so với năm trước, theo một tài liệu của bộ Thương mại.
 Dựa vào tổng sản phẩm xuất khẩu từ Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đạt 32,8 triệu tấn, có nghĩa là chỉ còn 4,6 triệu tấn có thể được xuất khẩu trong 4 tháng cuối năm nay.
Điều đó thể hiện sự suy giảm mạnh mẽ từ mức độ khoảng 4,1 triệu tấn mỗi tháng trong giai đoạn 8 tháng đầu năm nay.
Thậm chí nếu sản phẩm xuất khẩu không giảm nhiều như hạn ngạch được cấp, vẫn có thể là Trung Quốc sẽ không thể xuất khẩu nhiều sản phẩm nhiên liệu đã lọc như quý 4/2017.
Trung Quốc có thể xuất khẩu 1,0 - 1,2 triệu tấn dầu diesel trong tháng 10, giảm từ mức trung bình 1,3 - 1,4 triệu tấn từ đầu năm tới nay, theo Thomson Reuters.
Nếu xuất khẩu sản phẩm của Trung Quốc bị hạn chế bởi thiếu hạn ngạch, điều này sẽ tăng may mắn cho các nhà máy lọc dầu còn lại của châu Á cung cấp ra thị trường xuất khẩu.
Nguồn: VITIC/Reuters

Kiều hối sẽ đổ mạnh về các nước có thu nhập thấp và trung bình

 

Kiều hối sẽ đổ mạnh về các nước có thu nhập thấp và trung bình

 Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng, kiều hối- nguồn thu chính cho các nước nghèo nhất thế giới- có thể sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay.

 Trong báo cáo hàng quý vừa được công bố ngày 3/10, WB cho biết nguồn kiều hối chuyển về các nước có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2017 sẽ tăng 4,8% lên 450 tỷ USD.

Thể chế tài chính trên nhận định việc kinh tế ở Nga, châu Âu và Mỹ tăng trưởng, sẽ thúc đẩy lượng kiều hối chuyển về khu vực châu Phi, châu Âu, Trung Á, Mỹ Latinh và Caribe tăng.

Tuy nhiên, lượng kiều hối chuyển về khu vực Đông Á và Đông Nam Á lại giảm vì các nước vùng Vịnh - nguồn kiều hối truyền thống chính của khu vực này- đang phải thắt chặt chi tiêu do giá dầu giảm, gây ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động nước ngoài.

Giới chuyên gia WB coi kiều hối là "phao cứu sinh" cho các nước đang phát triển, đặc biệt là sau khi các nước này phải hứng chịu các thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, phí chuyển kiều hối hiện vẫn ở mức cao, theo đó, nếu chuyển 200 USD về quê nhà sẽ mất phí trung bình 7,2%, cao hơn mục tiêu phát triển bền vững đặt ra là 3%. Do đó, WB kêu gọi các nước cắt giảm chi phí chuyển kiều hối.

Hiện Ấn Độ sẽ là nước có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất trong năm 2017, với 65 tỷ USD, sau đó là Trung Quốc (61 tỷ USD), Philippines với 33 tỷ USD.

Trong khi đó, lượng kiều hối chuyển về Mexico sẽ đạt mức kỷ lục là 31 tỷ USD. WB dự báo lượng kiều hối chuyển về các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng 3,5% trong năm 2018. WB dự báo lượng kiều hối ở khu vực Nam Á sẽ tăng 2,6% trong năm 2018, đạt 114 tỷ USD, trong đó Ấn Độ dự kiến tăng 2,8%.

Tuy vậy, WB cho rằng mức tăng trưởng kiều hối ở khu vực Nam Á sẽ khiêm tốn, ở mức 1,1%, đạt 112 tỷ USD trong năm nay do tác động của giá dầu thấp và các chính sách "quốc hữu hóa" dẫn tới việc các điều kiện thị trường lao động ở các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) gặp khó khăn.

 Luồng kiều hối đổ về Pakistan dự kiến không tăng trong năm nay trong khi Sri Lanka, Bangladesh và Nepal sẽ giảm.

Nguồn: Bnews.vn

 

Doanh nghiệp Việt cần khắc phục điểm yếu để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

 

Doanh nghiệp Việt cần khắc phục điểm yếu để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

DN Việt cần khắc phục nhiều điểm yếu về quản lý để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Doanh nghiệp (DN) Việt mặc dù đã hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chủ yếu là hoạt động gia công lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chưa có sự liên kết với các DN đầu tư nước ngoài (FDI).
Nhiều hạn chế trong quy trình sản xuất và vận hành
Theo thống kê công bố gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank) hiện chỉ có 9% DN Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những sản phẩm mà DN nội đang cung ứng trong chuỗi toàn cầu chỉ là sản phẩm giản đơn, giá trị gia tăng không cao.
Là DN có chuỗi sản xuất quy mô toàn cầu, ông Kim Dohyung, Chủ tịch Samsung Electronics Việt Nam - cho biết, số lượng DN Việt tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho Samsung hiện vẫn còn hạn chế. Tại TP. Hồ Chí Minh tính đến nay mới có khoảng 26 DN đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung.
Sau thời gian hỗ trợ, tiếp xúc với các DN Việt, ông Dohyung đã chỉ ra những điểm yếu mà DN gặp phải hiện nay là dự đoán thị trường yếu kém nên tiêu thụ hàng chậm, thời gian lưu kho lâu do đó cần phải cải tiến quản lý lưu kho. Về chất lượng sản phẩm các DN cần phải hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng đo lường; Cải tiến nâng cao sản xuất thông qua việc cải tiến phương pháp quản lý.
Theo ông Dohyung, thực tế cho thấy cách tính toán chỉ số KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) của DN Việt Nam và Samsung có khác nhau nên việc đánh giá, tính toán phải tính lại cho đúng chuẩn. DN phải thiết lập mục tiêu, đặc biệt phải giảm lỗi tại công đoạn sản xuất. Vì tỷ lệ lỗi từ 5 - 30% là rất cao và DN không thể đảm bảo được hiệu quả kinh doanh. Do vậy, vấn đề quan trọng là DN phải tìm và khắc phục nguyên nhân gây nên lỗi trong toàn bộ quy trình sản xuất.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHPT) - nhận xét, điểm yếu của nhiều DN Việt Nam là lúc đầu sản phẩm làm ra đạt chất lượng rất tốt, nhưng sau đó chất lượng dần không được coi trọng nên bị giảm sút và không ổn định.
Đây là điều các tập đoàn lớn trên thế giới tối kị bởi với các tập đoàn nước ngoài chất lượng và năng suất không chỉ được duy trì mà phải cải tiến nâng cao mỗi ngày.
Hiệu quả từ sự hỗ trợ, kết nối
Theo ông Lê Hoài Quốc, đối với các DN đã và đang đầu tư tại SHTP, Ban Quản lý thúc đẩy nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và hoạt động nghiên cứu triển khai của DN; hỗ trợ hoạt động đổi mới, sáng tạo và kết nối tham gia các chương trình phát triển khoa học công nghệ quốc gia, thành phố. SHTP tiếp tục phối hợp với Samsung, Intel, ITPC, JETRO... thực hiện tìm kiếm nhà cung ứng nội địa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN công nghệ trong nước để tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, Intel...
Về phía Samsung cũng khẳng định: Từ nay đến cuối năm 2017, đoàn chuyên gia của Tập đoàn Samsung sẽ hỗ trợ 3 DN của TP. Hồ Chí Minh là Công ty TNHH SXTM in ấn Minh Mẫn, Công ty TNHH Thiết kế chế tạo Nhật Minh và Công ty Vinavit để các DN này nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung cũng như của Samsung nói riêng.
Theo đó, Samsung sẽ hỗ trợ Công ty Minh Mẫn lập lại tiêu chuẩn cho công đoạn từ nhận đơn hàng đến lập kế hoạch sản xuất để khắc phục điểm yếu về vận hành kế hoạch. Chọn mô hình tổ chức hiện đại (KPI) theo từng quy trình và xây dựng vận hành quản lý, quản trị theo mục tiêu (MBO)…
 
Còn Công ty Nhật Minh cũng sẽ được hướng dẫn theo tiêu chuẩn phải lập kế hoạch cho từng công đoạn và chọn KPI cho từng quy trình. Cải tiến hiệu suất sản xuất 1 tuần/lần. Lập kế hoạch đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng sản xuất nhằm giảm hàng lỗi, tránh lãng phí công suất máy...
Thời gian qua nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược mới để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thực hiện chương trình kết nối DN FDI - DN Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm của DN nội trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thuận lợi hóa logistics và hải quan để đẩy nhanh phát triển kinh tế trong thời gian tới.
 Nguồn: Ngọc Thảo - Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử

Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro đạt mốc sản lượng 50 tỷ mét khối khí

 

Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro đạt mốc sản lượng 50 tỷ mét khối khí

Vào lúc 01 giờ 10 phút ngày 01/10/2017, Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro đã đạt mốc tổng sản lượng thu gom và xử lý khí (cho gaslift và đưa về bờ) 50 tỷ mét khối. Đây là một dấu mốc có ý nghĩa quan trọng, rất đáng tự hào của đội ngũ lao động quốc tế Vietsovpetro.
Trong tổng sản lượng 50 tỷ mét khối khí này, ngoài việc cung cấp cho khai thác dầu bằng công nghệ gaslift của Vietsovpetro, có trên 32 tỷ mét khối được đưa vào bờ làm nguyên liệu và nhiên liệu cho công nghiệp khí điện đạm. Với lượng khí được thu gom và đưa về bờ như trên, Vietsovpetro đã cùng một số đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên dầu khí của đất nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đạt được thành quả trên, chính là nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, sự giúp đỡ, ủng hộ hết mình của lãnh đạo các cấp, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đặc biệt là sự đóng góp tâm huyết, không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ cán bộ nhân viên của Vietsovpetro hôm qua và hôm nay- lãnh đạo Vietsovpetro cho hay.
Từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về việc “Nhanh chóng lập phương án sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân”, (thay vì khí đồng hành hoàn toàn bị đốt bỏ như trước đây do chưa có điều kiện thu gom và vận chuyển vào bờ để sử dụng), Vietsovpetro đã tiến hành xây dựng, lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý và nén toàn bộ khí đồng hành trong bể Cửu Long và các mỏ thuộc lô 04-3 thuộc Bể Nam Côn Sơn.
Bên cạnh việc cung cấp khí cho nhu cầu khai thác dầu bằng gaslift của Vietsovpetro tại các mỏ Bạch Hổ -Rồng, Thỏ Trắng và Nam Rồng - Đồi Mồi… Vietsovpetro đã thực hiện việc nén khí về bờ, cung cấp cho các cụm công nghiệp Khí Điện, Đạm sử dụng khí đốt như Nhà máy Đạm Phú Mỹ, các Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1, 2, 3, Nhà máy Điện Bà Rịa… góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia.
Con số 50 tỷ m3 khí là cột mốc đáng tự hào, là bằng chứng rõ nét nhất của tinh thần đoàn kết, nỗ lực và không ngừng sáng tạo, vượt khó của Tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro. Đặc biệt, có sự đóng góp to lớn của tập thể CBCNV Xí nghiệp Khai thác các Công trình Khí.
 
Với nhiệm vụ được giao, Xí nghiệp Khí đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đơn vị, đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định uy tín và chất lượng, xứng đáng là 1 thành viên xuất sắc, góp phần làm nên thương hiệu Vietsovpetro.
Nguồn: Lê Kim Liên/Báo Công Thương điện tử

Hỗ trợ trực tuyến

3681928
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
11156
3064
26464
1587004
109090
3681928

Your IP: 18.191.216.163
Server Time: 2024-04-26 16:57:12

SUPPORT ONLINE

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs. Nga - 0903.228.574

 

 

We have 286 guests and no members online