Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Mỏ dầu Sharara của Libya mở cửa trở lại

Mỏ dầu Sharara của Libya mở cửa trở lại

 Mỏ dầu Sharara của Libya, mỏ lớn nhất của nước này dần khởi động lại trong ngày 22/8 sau khi liên tục bị gián đoạn bởi đóng cửa sản xuất.
Trước đó trong ngày này, Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia NOC cho biết đường ống bị phong tỏa ba ngày đã kết thúc và tuyên bố bất khả kháng nạp dầu Sharara tại kho cảng Zawiya được dỡ bỏ. Nhưng NOC đã gỡ bỏ tuyên bố của mình do một nguồn tin dầu mỏ cho biết có một trở ngại tiếp với sản xuất của mỏ này.
Sharara đang bơm tới 280.000 thùng dầu mỗi ngày trong những tuần gần đây. Sản lượng của họ là quan trọng cho sự phục hồi sản lượng dầu mỏ của Libya, sản lượng của nước này đã tăng vọt lên hơn 1 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 6, gấp khoảng 4 lần so với mức mùa hè năm trước.
Libya được miễn trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu và thúc đẩy giá dầu của OPEC, và sự phục hồi sản lượng của quốc gia Bắc Phi này là phức tạp cho nỗ lực hạn chế nguồn cung của khối.
Nhưng những vấn đề mới tại Sharara cho thấy sự gia tăng vẫn mong manh, dễ bị tổn thương trước thách thức an ninh, các cuộc biểu tình ở địa phương, phân chia chính trị, sự thiếu bảo dưỡng của NOC và thiếu ngân sách.
Sharara đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa lặp đi lặp lại do các cuộc biểu tình của các tổ chức được trang bị vũ trang và công nhân dầu mỏ tại giếng dầu, dọc theo đường ống và tại Zawiya.
Chi tiết vụ ngừng hoạt động thứ hai tại mỏ này hôm 22/8 chưa rõ ràng, nhưng quan chức cho biết do hành động của một nhóm khác với một trong những nhóm gây ra đóng cửa tại một van trên đường ống dẫn từ Sharara tới Zawiya vào thứ bảy 19/8.
NOC cho biết việc đóng cửa đường ống kéo dài từ thứ bảy cho tới sáng thứ ba 22/8 xảy ra tại van 17 trên đường ống tới Zawiya.
Tuyên bố này cho biết “không có tổ chức nào tuyên bố nhận trách nhiện đóng van và không có yêu cầu nào được thực hiện, nhưng các kỹ sư của NOC phái tới để mở van đã thấy hộp số bị đánh cắp”. Chủ tịch NOC Mustafa Sanalla cho biết “hộp số này đã được tội phạm gỡ bỏ chỉ với một mục đích, và đó là để phong tỏa đường ống trong tương lai”.
 
Hồi đầu tháng này, sản lượng tại Sharara đã giảm ít nhất 130.000 thùng/ngày do vi phạm an ninh gần mỏ dầu mà NOC cho biết đã được giải quyết.
NOC điều hành Sharara trong một liên doanh với công ty dầu mỏ Repsol, Total, MOV và Statoil.
Nguồn: VITIC/Reuters

Hệ thống điện mặt trời tại Việt Nam: Mảnh đất hứa nhưng cũng đầy chông gai

 

Hệ thống điện mặt trời tại Việt Nam: Mảnh đất hứa nhưng cũng đầy chông gai

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện đến từ Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường cho biết giá năng lượng mặt trời đang có xu hướng giảm giá rất nhanh.

Sáng ngày 21/8, Trung tâm nghiên cứu năng lượng sạch và Phát triển bền vững đã tổ chức Hội thảo về phát triển điện mặt trời tại Việt Nam "Những xu hướng gần đây và các vấn đề mới nổi" với sự góp mặt tham gia của nhiều chuyên gia ngành trong và ngoài nước.
Quang điện - "Miền đất hứa"
Theo ông Rainer Brohm, Cố vấn năng lượng tái tạo Berlin – Hanoi cho biết quang điện đang là nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất thế giới với tổng công suất năm 2016 đạt 303 GW trên toàn thế giới so với mức 6 GW hồi năm 2006.

Việt Nam có tiềm năng to lớn trong việc phát triển điện mặt trời. Theo ông Đỗ Đức Tưởng, đại diện Chương trình Năng lượng của USAID tại Việt Nam cho biết bức xạ nhiệt của Việt Nam lớn nhất là 2056 kWh/m2/năm chủ yếu tập trung ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa.
 Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện đến từ Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường cho biết bức xạ trực tiếp từ tia nắng chiếu thẳng (DNI) là 4-5kWh/m2/ngày, tổng thời gian có nắng là 1600-2700 giờ có nắng trong một năm với tổng tiềm năng từ năng lượng mặt trời là 1300 - 1500kWh/kWp.
Để thúc đẩy quá trình này, gần đây Chính phủ đã thông qua các chính sách hỗ trợ mới. Cụ thể, theo quyết định 11/QD-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam, đối với các dự án nối mạng biểu giá điện hỗ trợ (FIT) là 9.35 cent/kWh với thời hạn hợp đồng mua bán điện 20 năm. Đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà sẽ có cơ chế bù trừ khuyến khích tự tiêu thụ điện. Bù trừ số dư ở mức 9.35 cent/kWh vào cuối năm hoặc cuối thời hạn hợp đồng mua bán điện. Thuế và ưu đãi cho các hệ thống =< 50kWp sẽ được nghiên cứu và ban hành bởi Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, các dự án điện mặt trời sẽ được miễn thuế nhập khẩu với sản lượng nhập khẩu cố định cho mỗi dự án. Các dự án điện mặt trời, đường dây truyền tải và máy biến áp nối lưới phải được cắt giảm hoặc miễn thuế sử dụng đất và tiền thuê theo các cơ chế hiện tại cho các dự án đang được hỗ trợ đầu tư.
Những cơ chế này dự kiến sẽ hỗ trợ sự phát triển điện mặt trời trên toàn quốc. Kết quả là một số điện mặt trời quy mô lớn được công bố ở Việt Nam trong những tháng vừa qua.
Một số dự án lớn phải kể đến như Thiên Tân – 2019MW, Sao Mai Group – 210MW, Xuân Cầu - 2000MW (Tây Ninh), Thành Thành Công – 1000MW, TH True Milk – 1000MW (Dak Lak), EVN – 2000MW, Tập đoàn AES – 500MW, Xuân Thiện – 2000MW... Một số nhà đầu tư quốc tế lớn cũng tham gia vào các dự án này trong đó có First Solar, Jinko, Dragon Capital...
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện đến từ Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường cho biết giá năng lượng mặt trời đang có xu hướng giảm giá rất nhanh. Ví dụ như tại Mỹ, dự kiến mức báo giá từ nay đến năm 2020 là 8,9 cent/kWh và Mexico là 3,3 cent/kWh (9/2016), giảm 30% so với mức trước đó 6 tháng.
Con đường không bằng phẳng
Tuy thị trường điện năng lượng mặt trời khá tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Ông Nam cho chia sẻ mặc dù hành lang pháp lý đã rất rõ ràng tuy nhiên thời gian cấp phép khá dài. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu và thời gian hoàn vốn khá lớn, đặc biệt khi năng lượng điện mặt trời phải cạnh tranh với giá điện lưới quốc gia. Vấn đề kỹ thuật, về dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng sau lắp đặt và tuổi thọ của hệ thống cũng là trở ngại không nhỏ bởi công việc này đòi hỏi tính chính xác và chuyên môn cao.
Cho đến nay, các đơn vị cung cấp thiết bị và lắp đặt trọn gói tại Việt Nam có đủ khả năng hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu nói về mặt hỗ trợ về mặt kỹ thuật bảo trì bảo dưỡng và các giải pháp phát sinh thì vẫn chưa đủ khả năng để làm việc này.
Vấn đề về môi trường cũng là mối quan tâm lớn. Ông Nam cho biết tuy trong quá trình sử dụng hầu như pin mặt trời không gây ra khí thải hay các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quá trình sản xuất pin năng lượng mặt trời có thể gây ô nhiễm bởi vì các nhà sản xuất sử dụng rất nhiều hóa chất. Ngoài ra, sau khi các tấm pin đã hết hạn thì vẫn chưa có công nghệ xử lý triệt để các tấm pin này.
Về thời gian hoàn vốn, ông Nam cho biết, chỉ tính riêng Hà Nội nếu tiêu thụ điện thấp và lắp tấm pin năng lượng mặt trời công suất nhỏ thì thời gian hoàn vốn khá dài, gần như không thể hoàn vốn. Theo số liệu từ EVN năm 2017 cho thấy lượng tiêu thụ điện trung bình tại Hà Nội là 146,27 kWh/hộ/tháng.
Nếu lượng tiêu thụ điện trên 401 kWh thì thời gian hoàn vốn là 26,9 năm trong khi tuổi thọ hệ thống là 25 năm (trung bình thời gian bảo hành cả hệ thống là 2-3 năm, cho tấm pin là 10-15 năm). Thời gian hoàn vốn có thể thay đổi nếu mức lãi suất mà người dân vay để mua tấm pin năng lương mặt trời gần như bằng 0%.

 

Như vậy, chí phí hệ thống Solar PV (hệ thống quang điện mặt trời) vẫn khá cao so với giá điện lưới. Khả năng thương mại hóa tới các hộ gia đình không cao. Bên cạnh đó, các hộ sử dụng nhiều điện có động lực tài chính để đầu tư hệ thống Solar PV hơn các hộ sử dụng ít điện.
Tuy nhiên ông Nam cũng chỉ ra rằng thực tế nhiều hộ gia đình ở Hà Nội có lượng tiêu thụ điện cao hơn rất nhiều lần so với mức trung bình 146,27 kWh/hộ/tháng. Hơn thế nữa, chi phí lắp đặt thiết bị cũng đang có xu hướng giảm với tốc độ nhanh vì vậy thời gian thu hồi vốn sẽ được rút gọn.

 

 
Ông Nam nhận định cùng với những chính sách hỗ trợ vốn vay của nhà nước, thời gian hoàn vốn thậm chí sẽ có thể giảm xuống còn 8 năm.

Nguồn: Đức Quỳnh/ndh.vn

Thế mạnh vượt trội của sản phẩm mang thương hiệu BSR

 

Thế mạnh vượt trội của sản phẩm mang thương hiệu BSR

Tàu của Công ty Thalexim Oil chuẩn bị vào cảng xuất sản phẩm nhận hàng.

Qua 8 năm hoạt động, các sản phẩm xăng Mogas A92/95, nhiên liệu phản lực Jet A1, dầu hỏa, dầu diesel ô tô, dầu nhiên liệu đốt, khí hóa lỏng LPG, propylene và hạt nhựa polypropylene… của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất - đã nhận được sự tín nhiệm cao của đối tác và người tiêu dùng. Chất lượng đảm bảo, nguồn cung dồi dào, giá cả hợp lý là những thế mạnh vượt trội của sản phẩm mang thương hiệu BSR.
Chất lượng sản phẩm vượt trội
Sản phẩm nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu Diesel L-62 của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được Cục Nhiên liệu và Chất cháy tên lửa - thuộc Bộ Tham mưu bảo đảm vật tư kỹ thuật các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga cấp phép sử dụng trên vũ khí trang bị, thiết bị quân sự và thiết bị đặc biệt của Nga tại Việt Nam kể từ ngày 16/10/2014. Đây là bước phát triển rất quan trọng của BSR về khả năng làm chủ công nghệ lọc hóa dầu và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm của nhà máy.
Với việc sử dụng xăng dầu Dung Quất, người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng sản phẩm xăng dầu tốt nhất nhì thế giới. Đó là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu do Viện Dầu khí Việt Nam thực hiện.

“Chất lượng vàng” của sản phẩm mang thương hiệu BSR được thể hiện qua hàm lượng lưu huỳnh trong xăng của Dung Quất chưa tới 1/3 so với quy chuẩn. Cụ thể, Quy chuẩn của Việt Nam (năm 2005) quy định hàm lượng lưu huỳnh tối đa là 500 phần triệu (ppm), nhưng xăng Dung Quất hiện có hàm lượng lưu huỳnh là 135ppm và thậm chí 30ppm. 

Chất lượng cao của xăng Dung Quất còn thể hiện ở trị số octan (liên quan tới chất lượng cháy, độ bền và công suất của động cơ). Xăng Dung Quất đang sản xuất có trị số RON 92, nhưng kết quả kiểm tra thực tế, chỉ số này là 92,6 và 92,3 (chưa cần pha thêm bất kỳ loại phụ gia nào).
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu Dung Quất trong khi chưa thực hiện xong dự án nâng cấp mở rộng (NCMR), BSR đang nghiên cứu một số giải pháp cho sản phẩm xăng RON 92 và RON 95 đạt tiêu chuẩn EURO 3 như tối đa hóa công suất chế biến của cụm phân xưởng sản xuất cấu tử pha trộn xăng có chỉ số octan cao hoặc nhập bổ sung các cấu tử pha trộn xăng có chỉ số octan cao.

 
Ngoài ra, BSR cũng sẽ áp dụng giải pháp nhập naphtha và BTBE bằng cách bổ sung 1 đường ống để đưa sản phẩm từ cảng xuất sản phẩm về khu vực sản xuất.
Trong kế hoạch NCMR, NMLD Dung Quất sẽ tiến hành xây dựng bổ sung các phân xưởng công nghệ để chế biến dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, sản lượng/tính sẵn có lớn hơn như Murban, ESPO, Arab Light… và sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng EURO 5.
Đa dạng hóa cách thức phục vụ khách hàng
Năm 2009, NMLD Dung Quất đi vào hoạt động với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm (tương đương 148.000 thùng/ngày), đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu nội địa (cung cấp khoảng 2,746 triệu tấn xăng và 3,068 triệu tấn dầu DO).
Nhằm thúc đẩy tiêu thụ, BSR đã lập kế hoạch bán hàng tại các kho công ty thuê phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là khu vực phía Nam, cũng như linh hoạt với nhiều hình thức giao hàng và tăng vận chuyển đường bộ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. BSR còn linh hoạt chính sách trong thanh toán triết khấu thương mại và giãn thời hạn thanh toán; chính sách thưởng khách hàng và chăm sóc khách hàng chu đáo.
Từ ngày 1/1/2017, Chính phủ bãi bỏ thu điều tiết đối với sản phẩm dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu tiêu dùng trong nước. Theo đó, BSR được tự tính giá thành sản phẩm theo hướng thu hút các đầu mối tiêu thụ trong nước. Cùng với giá hấp dẫn, lợi thế về nộp thuế chậm hơn thuế nhập khẩu, vận chuyển gần, bảo hiểm rẻ và thanh toán thuận lợi bằng tiền đồng Việt Nam cũng giúp thị phần trong nước của BSR có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng mạnh.
Trong tầm nhìn nhằm nâng cao sức cạnh tranh, BSR còn tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh để giảm giá thành sản phẩm, trong đó, chú trọng công tác lập kế hoạch sản xuất theo khả năng vận hành thực tế của Nhà máy và điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, tối đa công suất các phân xưởng công nghệ, áp dụng sáng kiến, cải tiến nhằm tối ưu hóa năng lượng, tiết giảm chi phí, giảm tồn kho và tập trung sản xuất ra nhiều sản phẩm hóa dầu, sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, công ty cũng xây dựng phương án xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước lân cận trong khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia…
Có thể chế biến gần 60 loại dầu thô
Khởi điểm NMLD Dung Quất chủ yếu chế biến nguồn dầu thô Bạch Hổ, với khối lượng chiếm ¾ tổng nguồn cung dầu thô. Sau nhiều nỗ lực đầu tư nghiên cứu và mạnh dạn thử nghiệm, theo đánh giá hiện Nhà máy có thể chế biến tới 57 loại dầu thô khác với sản lượng/tính sẵn có tăng lên gần 3 lần, (tương đương 2,5 - 7 triệu thùng/ngày). Do vậy, khi nguồn dầu thô Bạch Hổ cạn kiệt, nhà máy có nhiều cơ hội lựa chọn nguồn cung dầu thô phù hợp.

Hiện tại, Nhà máy đã chế biến thành công 15 loại dầu thô từ các khu vực khác nhau trên thế giới như: Azeri (Azerbaijan), Champion, SLEB (Brunei), Kikeh, Labuan, Miri (Malaysia), Kaji Semoga (Indonesia), NKossa (Congo), Amna (Libya), ESPO (Nga), Đại Hùng, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Chim Sáo, Thăng Long (Việt Nam). Trong đó, nhiều loại có tỷ lệ phối trộn cao và sản lượng lớn đáp ứng khả năng cung cấp cho NMLD Dung Quất trong dài hạn như dầu thô Azeri tỉ lệ phối trộn lên tới 70%. Không kể dầu Bạch Hổ, những loại dầu thô này đã được cung cấp cho NMLD Dung Quất theo các hợp đồng chuyến, hợp đồng dài hạn với tổng khối lượng cho tới nay khoảng 13,6 triệu tấn, góp phần đảm bảo khối lượng dầu thô cung cấp cho NMLD Dung Quất vận hành tại 105 - 107% công suất thiết kế.

Năm 2016, sản lượng dầu thô từ mỏ Bạch Hổ chỉ còn chiếm khoảng 58% nhu cầu sử dụng của NMLD Dung Quất.
BSR đã làm việc với các đối tác sở hữu các loại dầu thô trên để đàm phán ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) cung cấp dầu cho NMLD Dung Quất giai đoạn sau khi NCMR Nhà máy. Cụ thể, đàm phán với đơn vị sở hữu dầu thô Murban là ADNOC, BP và Shell; đàm phán, ký kết thỏa thuận với nhà cung cấp dầu ESPO là Rosneft và Gazpromneft.
BSR cũng phối hợp cùng Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) xúc tiến đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung cấp để ký kết các Biên bản ghi nhớ (MOU), Thỏa thuận khung (FA) và Hợp đồng khung (COSA) cung cấp dài hạn các loại dầu thô nhập khẩu chiến lược đến năm 2040.
Để chuẩn bị đón nhận các nguồn dầu thô cho nhà máy trong giai đoạn NCMR, BSR sẽ tiến hành xây dựng bổ sung một bến phao SPM mới (cách bến phao cũ 2 km về phía Bắc) có thể tiếp nhận tàu trọng tải 300 nghìn tấn - những con tàu siêu khổng lồ xuyên đại dương mang dầu khắp nơi trên thế giới cấp cho nhà máy.
Tính đến ngày 5/7/2017, khi NMLD Dung Quất nhập chuyến dầu đầu tiên sau bảo dưỡng tổng thể, BSR đã nhập 661 lô dầu thô an toàn với tổng khối lượng là 52,4 triệu tấn.
Nguồn: Năng lượng Việt nam vinanet.vn

Việt Nam: Dòng xe cỡ nhỏ 'lên ngôi'

 

Việt Nam: Dòng xe cỡ nhỏ 'lên ngôi'

 Diễn biến thị trường ô tô thời gian gần đây cho thấy, xu hướng phát triển dòng xe cỡ nhỏ, giá rẻ đang được các nhà sản xuất và nhập khẩu quan tâm.

Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua năm 2016 đã tạo bước ngoặt để người Việt sở hữu xe ô tô dễ dàng hơn khi giảm thuế nhiều dòng xe có dung tích xi lanh thấp và tăng thuế với dòng xe có dung tích xi lanh cao.
Chính vì lẽ đó, các dòng xe cỡ nhỏ, dung tích xi lanh thấp đã và đang nhận được rất nhiều ưu đãi về thuế. Từ 1/1/2017, thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN giảm từ 40% xuống còn 30% khiến giá xe giảm đáng kể. Đặc biệt, từ năm 2018, mức thuế này sẽ giảm còn 0% nếu đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40%, khi đó giá xe sẽ còn giảm hơn nữa.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp ô tô đã liên tiếp giảm giá bán xe từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng để “dọn đường” đón cơ hội kinh doanh mới. Mặc dù giá xe ô tô ở Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực, nhưng đã rẻ hơn rất nhiều so với những năm gần đây. Qua đó, giúp nhiều người có điều kiện sở hữu ô tô, trong đó có những mẫu xe cỡ nhỏ với giá cả phải chăng, từ khoảng 300 triệu đến hơn 600 triệu đồng.
Hơn nữa, hiện nay nhiều người coi xe ô tô chỉ là phương tiện đi lại, không còn quan niệm “tậu xế hộp” là tài sản quý giá hay là món hàng xa xỉ phẩm như trước đây nên họ lựa chọn xe cỡ nhỏ với giá cả vừa phải phục vụ cho việc đi lại dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở các đô thị còn hạn chế, trong khi giá xăng dầu liên tục điều chỉnh theo xu hướng tăng… nên không ít người chuyển sang sử dụng xe cỡ nhỏ vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa dễ dàng di chuyển.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thời gian gần đây doanh số bán hàng của dòng xe cỡ nhỏ, giá rẻ có xu hướng tăng dần và chiếm phần lớn trong các phân khúc xe bán ra hàng tháng. Qua báo cáo của VAMA cho thấy, trong tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô năm 2016 đạt trên 304.000 xe các loại (gồm xe du lịch, xe thương mại và xe chuyên dụng) thì các mẫu xe hạng A - xe gia đình cỡ nhỏ dung tích xi lanh từ 1.25L trở xuống có doanh số bán trên 40.000 xe.
Ở phân khúc này, chỉ riêng mẫu Kia Morning do Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) phân phối có đến gần 15.000 xe được bán ra trong tổng số 63.456 xe của 15 mẫu xe du lịch trong năm 2016. Hyundai Thành Công cũng vậy, trong tổng số 36.400 xe bán ra trong năm qua với 9 mẫu xe du lịch, riêng mẫu xe cỡ nhỏ giá rẻ Grand i10 đã chiếm tới một nửa của hãng xe này…
Theo giới chuyên doanh, thị trường ô tô Việt Nam 7 tháng năm 2017 mặc dù đạt tổng doanh số 154.930 xe các loại, nhưng vẫn giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xét về doanh số của các dòng xe, trong khi doanh số của dòng xe du lịch chỉ giảm nhẹ 2% thì doanh số của dòng xe thương mại và chuyên dụng lại giảm lần lượt 10% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tổng doanh số bán xe du lịch, xe giá rẻ và bình dân hạng trung vẫn chiếm ưu thế so với các dòng xe khác bởi đây là những mẫu xe có mức giá tốt nhất, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Đầu tháng 7 vừa qua, Hyundai Thành Công tiếp tục tung ra thị trường mẫu Grand i10 thế hệ mới lắp ráp trong nước với 9 phiên bản.
 
Các liên doanh nước ngoài như: Toyota, Honda, Suzuki… lâu nay vốn chỉ tập trung lắp ráp các dòng xe từ bình dân hạng trung trở lên thì tại triển lãm ô tô Việt Nam 2017 vừa qua, các hãng này đã nhập một số mẫu xe nhỏ giá rẻ để thăm dò thị trường Việt, chuẩn bị cho kỳ kinh doanh mới 2018.
Với điều kiện thu nhập của người dân cũng như cơ sở hạ tầng và giá xăng điều chỉnh theo hướng tăng, đặc biệt là thuế nhập khẩu đang giảm thì xu hướng mở rộng, phát triển và sử dụng dòng xe cỡ nhỏ tiết kiệm nhiên liệu được xem như xu thế tất yếu. Khi đó, sự cạnh tranh giữa các thương hiệu về sản phẩm cùng phân khúc xe nhỏ giá rẻ sẽ khiến thị trường trở nên sôi động và người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.
Nguồn:  TTXVN. http:// vinanet.vn

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải II mở rộng

 

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải II mở rộng

Ngày 18/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng có buổi làm việc với Công ty Nhiệt điện Duyên Hải về tình hình cung cấp than cho Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Duyên Hải I, III, tiến độ xây dựng NMNĐ Duyên Hải II mở rộng.
Theo ông Nguyễn Tiến Khoa - Phó Tổng giám đốc Công ty Phát điện 1, việc tăng giá bán than rõ ràng đã làm tăng chi phí sản xuất điện. Trong thời gian qua, công ty điều chỉnh lại nhu cầu tiêu thụ than giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch. Bên cạnh đó, suất tiêu hao than 549g than/1kWh (DH1). Nếu trộn với as bitum là 547 g/kWh (chủ yếu do nhiệt trị), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có phương án trộn than (antraxit với bitum, as bitum) và đề xuất phương án mua ổn định 70% khối lượng từ Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV), tuy nhiên, TKV chưa chấp thuận. Do đó, cũng chưa ký được hợp đồng mua bán than dài hạn với TKV. Trong thời gian qua, EVN có hợp đồng mua bán than theo nguyên tắc với TKV nhưng đến nay đã hết hiệu lực, theo Chỉ thị số 21 (26/8/2015) của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt Biểu đồ cấp than hàng năm, do đó tồn tại khó khăn trong việc ký họp đồng cung cấp than dài hạn.
Ông Nguyễn Hữu Phiên, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho biết, giá than chiếm khoảng 50% tổng chi phí sản xuất điện. Hiện các tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đã phải phát hết công suất, nên khi than tăng giá thì sẽ tác động đến giá điện và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của đơn vị.
Hiện nay, ngành nhiệt điện nói riêng và Công ty Nhiệt điện Duyên Hải nói chung gặp khó khăn trong tiêu thụ than, giá than, TKV đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017.
Theo ý kiến của đại diện Ban quản lý đấu thầu, EVN phải có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than antraxit sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu loại than này để giúp TKV tiêu thụ than tồn và sản lượng tăng thêm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo, trong thời gian vừa qua, EVN đã nỗ lực, mang lại hiệu quả, an ninh cung ứng điện cả nước. Bộ Công Thương đánh giá cao kết quả EVN đã đạt được đối với Trung tâm điện lực Duyên Hải. Trước mắt Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ yêu cầu EVN chưa thực hiện mua than của các nhà cung cấp khác (ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc) trong năm 2017, tập trung ký hợp đồng tiêu thụ than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.
Đồng thời có lộ trình, cơ chế xây dựng thị trường than đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, hiệu quả kinh tế và sự phát triển của ngành than. Khi có thị trường than, TKV và Tổng công ty Đông Bắc chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.
 
Đề nghị EVN khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Duyên Hải II mở rộng, không để chậm hơn 2,5 tháng so với tiến độ ban đầu.
Theo đề xuất của Tổng cục Năng lượng về việc nhà máy xả thải trên 1.000m3 phải có hồ điều hoà, theo đó phải có phương án chi tiết trình lên Bộ, ngành liên quan, có ý kiến chính thức của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Cục An toàn môi trường rà soát quy định xem xét và trình Chính phủ.
Nguồn: Lê Cương/Báo Công Thương điện tử

Hỗ trợ trực tuyến

3650008
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
3238
16230
30926
1566887
77170
3650008

Your IP: 18.217.60.35
Server Time: 2024-04-18 12:53:30

SUPPORT ONLINE

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs. Nga - 0903.228.574

 

 

We have 70 guests and no members online