“Thủ phủ” hoa Đà Lạt chuẩn bị mùa Tết
Chỉ còn một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2019, “thiên đường” rau, hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), người người, nhà nhà hối hả chăm sóc, nâng niu từng luống rau, gốc hoa đem theo kỳ vọng sản phẩm sẽ cho chất lượng tốt nhất, kịp thời phục vụ nhu cầu thưởng thức, chơi Tết của người dân mọi miền trong cả nước. 
Những cơn mưa dầm dề trái mùa bất thường cuối năm đem theo thời tiết ẩm ướt trở thành “kẻ thù” của nhà vườn chuyên trồng hoa Tết ở Đà Lạt. Điều này đòi hỏi những lão nông dày dạn kinh nghiệm làm hoa buộc phải trổ tài, nhìn cây hoa để “bắt bệnh”, tìm ra loại thuốc đặc trị. 
Để tiêu diệt dịch bệnh, kích thích cho hoa nở đúng vào dịp Tết không phải là chuyện ai cũng làm được, nhất là đối với những loại hoa dễ mẫn cảm với thời tiết, sâu bệnh và tố chất hoang dã vẫn còn. 
Ông Nguyễn Văn Phương, một người nhiều năm qua chuyên trồng hoa lily cung cấp thị trường Tết tại Đà Lạt cho biết, bất cứ sự thay đổi thất thường nào về thời tiết, nhất là độ ẩm và nhiệt độ ngoài trời cũng sẽ làm cho mọi tính toán của nhà nông không được như mong muốn, thậm chí thất bại. 
Năm nay, gia đình ông Phương làm gần 5.000m2 hoa lily trong nhà kính với 3 loại hoa lily chủ lực. Chỉ tính riêng tiền giống và phân bón, giá trị đầu tư đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Những tháng cuối năm này, Đà Lạt không lạnh, lại xuất hiện mưa dầm dề kéo dài nhiều ngày khiến gia đình ông Phương khá lo lắng dù ông đã có nhiều năm kinh nghiệm đối phó với kiểu thời tiết thất thường này.  
Với kinh nghiệm của gần 20 năm trồng hoa lily Tết, hiện ông Phương đang nỗ lực tìm cách làm chậm sự phát triển của loại hoa cao cấp này. Những năm qua, gia đình anh Nguyễn Thế Anh là hộ chuyên nhập các loại giống hoa mới ở Nhật về trồng mùa Tết. 
Năm nay, gia đình anh Thế Anh chuẩn bị đưa ra hơn chục loại hoa lạ như trimestris lavatera (hoa cẩm quỳ), platycodon grandiflorum (hoa cát cánh hồng kép), tùng tuyết mai trắng... trồng trong các chậu nhỏ, phù hợp đặt trên bàn và trang trí trong phòng dịp Tết. 
Anh Thế Anh cho biết, đây là các loại hoa giống mới nên việc đưa ra trồng thử nghiệm mất rất nhiều thời gian để cây thích nghi với môi trường và người trồng nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc. Hiện mỗi gốc hoa giống mới được nhập khẩu từ Nhật Bản về Đà Lạt gieo trồng thành công đang được gia đình anh Nguyễn Thế Anh bán với giá dao động khoảng 150.000 đồng. 
Năm nay, trang trại hoa Linh Ngọc, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt cũng chuẩn bị đưa ra thị trường Tết giống hoa có tên gọi là hạnh phúc. Loài hoa này được trồng bằng củ giống trên luống giá thể xơ dừa, chăm sóc từ 50- 60 ngày thì cho thu hoạch. Mỗi chậu thu hoạch hơn 5 cành hoa chùm, giữ được màu sắc hoa tươi trong vòng 30 ngày. 
Ước tính trong 3 tháng vừa qua, mỗi tháng trang trại Linh Ngọc thu hoạch hoa hạnh phúc bán ra 500-600 chậu và hàng chục ngàn cành. Dự kiến, trong đợt Tết này, trang trại hoa Linh Ngọc sẽ cùng cấp cho thị trường hàng nghìn chậu hoa hạnh phúc với giá khoảng 100.000 đồng/chậu. 
Gia đình anh Nguyễn Định năm nay cũng cho ra thị trường Tết 2019 gần 1.000 chậu dưa pepino vàng và tím với giá bán mỗi chậu khoảng 150.000. Anh Định cho biết, do loại dưa này rất hiếm người trồng nên đến nay toàn bộ số dưa pepino Tết trên của gia đình anh đều đã được các đơn vị đặt hết hàng từ khi mới xuống giống được khoảng một tháng. Ngoài dưa pepino, gia đình anh Nguyễn Định cũng đang chuẩn bị khá nhiều loại nông sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường Tết như các loại cà chua, rau, hoa lily... 
Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết, tổng diện tích trồng hoa các loại phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2019 của Đà Lạt đạt 1.500ha. Trong đó, diện tích hoa cúc là 544ha, hoa hồng 312ha, lay ơn 154ha, hoa lily 75ha (khoảng 25 triệu cành), cát tường 120ha (khoảng 40 triệu cành), địa lan 35ha (khoảng 400 nghìn cành) và một số loại hoa khác chiếm 260ha. 
Theo ông Cứ, nhờ bà con nông dân tập trung đầu tư chăm sóc nên phần lớn diện tích hoa cung cấp cho thị trường Tết sắp tới đều sinh trưởng và phát triển tốt. 
Hoa, kiểng “độc” tung ra dịp Tết Kỷ Hợi 
Nhiều nghệ nhân ở miền Tây đã tạo hình cho hoa, cây kiểng thành những sản phẩm “độc”, lạ được khách hàng ưa chuộng và bán với giá cao. Theo đó, hoa mẫu đơn Việt Nam hay còn gọi là hoa trang thường được người dân dùng cúng trên bàn thờ được chị Nguyễn Kim Loan (ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tạo hình thành kiểng thú, mang lại giá trị cao về kinh tế. Hai năm trước, chị tình cờ mua một cặp gà tạo hình từ cây hoa mẫu đơn nên nảy sinh ý định sưu tầm loại kiểng này. 
“Chúng tôi bỏ vốn vào để tạo vườn kiểng, mời nghệ nhân về tạo hình. Hoa mẫu đơn được mua tại các hộ gia đình đem về cho nghệ nhân uốn nắn”, chị Loan nói. 
Theo các nghệ nhân, để tạo ra dáng kiểng thú, với nhiều tư thế nằm, ngồi, nét mặt riêng đòi hỏi phải uốn nắn khung sắt thành hình mô phỏng con vật một cách tỉ mỉ, mềm mại nhất. Tiếp theo, nghệ nhân mới chọn hoa để trồng vào, rồi ghép các nhánh lại cho giống với con vật thật nhất. Hoa mẫu đơn có rất nhiều loại nhưng thường chọn loại lá nhỏ, hoa màu đỏ để tạo hình. Vì lá nhỏ dễ dàng phủ kín khung, đặc biệt hoa nở quanh năm nên cây lúc nào cũng đỏ rực rỡ. 
Thời gian tạo hình từ 6 tháng đến một năm. Hiện nay, vườn kiểng thú hoa mẫu đơn của chị Loan có khoảng 200 loại thú lớn nhỏ, với giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến hàng trăm triệu đồng. Trong đó, có cặp long quy cao 2 m, dài 3m, lưng đeo thỏi vàng, gần 20 năm tuổi có giá 400 triệu đồng. 
Một sản phẩm tạo hình thu hút nhiều người quan tâm vào dịp Tết là khắc tượng Phật trên thân cây đang sinh trưởng. Người làm ra sản phẩm này là anh Trần Quốc Việt (42 tuổi, ngụ khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Một lần vào nhà bạn chơi, anh Việt thấy gốc phát tài hơn mười năm bị nhổ bỏ nên xin mang về. 
“Lúc đó, tôi nghĩ phải làm cái gì đó trên cây phát tài này. Tôi đục, tạo hình tượng Phật Di Lặc trên thân của cây rồi sơn lên xem sao, nào ngờ khi sản phẩm hoàn thiện nhìn rất đẹp”, anh Việt nói. Từ đó, anh tiếp tục tìm cây, khắc tượng Phật Di Lặc, ông Phúc, Lộc, Thọ, Phật Quan Âm trên cây khế, cây mận. Sở dĩ 3 loại cây trên được chọn để điêu khắc vì đây là nguồn nguyên liệu dễ tìm. Cây phải có tuổi đời 15 năm thì khả năng đục xong thành hình trong thân, cây mới sinh trưởng tốt. 
 
Theo lời nghệ nhân này, trong quá trình làm phải đảm bảo cây vẫn sinh trưởng tốt. Khi đục thành hình như ý muốn, anh Việt xử lý hoá chất cho khô để không bị nở hay nứt tượng. Nghệ nhân này phủ lớp vàng 14K có pha hoá chất để lên màu như vàng 24K, rồi mới phủ lớp keo bên ngoài để màu vàng được giữ lâu nhưng cây vẫn đâm chồi và tiếp tục sinh trưởng. 
“Trong dịp Tết 2019, tôi có khoảng 100 sản phẩm phục vụ thị trường, giá từ 5 đến 7 triệu đồng đối với tượng khắc trên cây từ 10-15 tuổi. Còn những bức kỳ công như: Long tranh hổ đấu khắc trên cây mận 45 năm tuổi giá 70 triệu đồng, Di Lặc cưỡi rồng trên gốc khế 50 năm tuổi giá 60 triệu đồng, các sản phẩm bảo hành 5 năm”, anh Việt thông tin. 
Anh Trần Duy Phong (34 tuổi, ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã nghiên cứu ra kỹ thuật kéo dài rễ giống cây sứ. Trong một lần đi du lịch sang Thái Lan, anh bị thu hút bởi loại sứ “chân dài” ở nước bạn. Đặc điểm của loại sứ này là có thể tạo hình theo ý mình. 
Sau khi về nước, anh Phong đầu tư vườn và nhập giống, nghiên cứu kỹ thuật kéo “chân dài” cho cây sứ bằng cách biến rễ thành thân. Với cây sứ khoảng 8 tháng tuổi được nhổ lên, cắt bỏ rễ phụ và chỉ chừa lại 1 rễ phát triển mạnh nhất để “kéo” thành thân cây. 
Cung ứng cho thị trường Tết năm nay, anh Phong chuẩn bị khoảng 800 cây đủ kích cỡ, giá từ 4-5 triệu đồng đối với cây thấp, còn cây cao hơn 1m giá từ 28-30 triệu đồng. Nhiều thương lái đã đến đặt hàng loại sứ “chân dài” này của anh Phong tại Sa Đéc để vận chuyển đi các tỉnh, thành bán Tết. 
Trich Nguồn: CAND vinanet.vn