Xe quá khổ quá tải: “Con voi chui lọt lỗ kim”

(DĐDN) -  Giá xăng dầu tăng, cơ quan chức năng siết trạm cân... đã ảnh hưởng lớn tới giá vận tải. Chính vì vậy, nhiều DN đã tìm cách... “né”.

 

 
(Ảnh: Các xe chở quá tải xếp hàng dài chờ đầu đường 391 - Tứ Kỳ - Hải Dương
(ảnh chụp lúc 1 giờ đêm ngày 5/7/2014))

Theo số liệu từ  Liên ngành GTVT  - CA TP Hải Phòng báo cáo lãnh đạo TP vào đầu tháng 7 vừa qua: Từ ngày 1/4 đến ngày 8/6, các lực lượng phối hợp tại Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động đã tiến hành kiểm tra tổng số gần 3.000 phương tiện, xử lý 291 trường hợp vi phạm… Tuy nhiên, những trường hợp bị xử lý này còn “hơi khiêm tốn” so với thực tế mỗi ngày có tới hàng trăm xe sơmi romooc, container rời bến tại các cảng Hải Phòng, trong đó có rất nhiều xe có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải.

Xe quá tải ngày càng ít?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, kiểm soát xe quá khổ, quá tải, thời gian qua các địa phương trong cả nước đã quyết liệt quản lý xe quá khổ quá tải và xe cơi nới thùng hàng. Một số DN sau  thời gian dài chờ đợi,  không còn nghe ngóng động thái nới lỏng của cơ quan chức năng, đã tự cưa, cắt thùng xe để hạ tải, mua thêm phương tiện để giữ ổn định lưu lượng vận chuyển hàng hoá theo các hợp đồng đã ký kết…

TP Hải Phòng là địa phương có số lượng xe container rất lớn, có nhiều cầu cảng nên việc kiểm tra, kiểm soát tải trọng của loại phương tiện này đã trở thành hoạt động được thực hiện thường xuyên. CSGT đường bộ - Đường Sắt và Thanh Tra Sở GTVT Hải Phòng đã phân công lực lượng triển khai cân kiểm tra tải trọng xe lưu động theo đợt bắt đầu từ ngày 15/1/2014. Có 3 điểm đặt cân: Quốc lộ 5 có 1 điểm, Quốc lộ 10 có 2 điểm. Tuy nhiên theo lực lượng chức năng thì trong một lúc nếu thực hiện cân ở QL 5 thì không thể kiểm soát được QL 10 và ngược lại. Mỗi điểm cân chỉ phát huy hiệu quả những ngày đầu khi các tài xế chưa biết thông tin. Sau đó, lượng xe lưu thông vắng hẳn.

Ông Hoàng Tiến Nam – Phó phòng phụ trách Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng cho biết: Qúa trình triển khai thực hiện, hệ thống cân thường xảy ra sự cố, trong khi đó thiết bị cung cấp thiết bị cân lại không kịp thời khắc phục. Vì thế một lần bị lỗi phần mềm phải mất 3 ngày mới khắc phục được. Mà từ khi triển khai việc KTTTX lưu động thì hệ thống cân của Hải Phòng rất hay gặp sự cố. Do không có mái che nên những khi trời mưa, trạm cân buộc phải tạm ngừng hoạt động. Việc kiểm tra tải trọng chưa đồng bộ ở nhiều tuyến đường khiến số lượng vi phạm bị phát hiện ít. Những ngày đầu triển khai trạm cân, tỷ lệ chở quá tải bị phát hiện có khi chiếm 50-70% số lượt kiểm tra, đến nay tỷ lệ giảm xuống 20-30%.

Và thực tế...

 

Tình trạng xe quá khổ, quá tải đang tránh 2 trạm cân ở QL 5 bằng cách đi đường vòng qua đường 391 đang ngày một phổ biến.

Qua tìm hiểu của PV báo DĐDN, để “né” 2 trạm cân của lực lượng chức năng trên QL 5, lực lượng lái xe thường “lách luật” bằng cách đi vòng qua tuyến đường 391- đường huyện liên tỉnh  đoạn từ Tứ Kỳ đi TP Hải Dương. Đi theo lối này, lái xe tránh được cả 2 trạm cân này. Theo quan sát của chúng tôi, những xe quá khổ quá tải thường nối đuôi nhau, nhộn nhịp từng đoàn đi về đêm qua đường 391. Qua 2 ngày thực mục sở thị chúng tôi thấy: đường 391 là một con đường huyện. Lòng đường rộng từ 8 đến 10 m, ban ngày con đường tương đối yên bình, rất ít xe to qua lại. Nhưng cứ tầm 11h đêm tới 3h sáng nơi đây nhộn nhịp “lạ thường”, chủ yếu là xe tải, xe container. Khoảng 1h đêm ngày 5/7, theo quan sát của chúng tôi, đường 391 cách ngã tư Quý Cao chừng 500 m đoạn qua địa phận làng An Tứ xã Quang Trung có tới hơn 50 xe container nằm tại đó. Bằng mắt thường cũng nhận thấy hầu hết các xe đều là xe chở quá khổ, quá tải: bao gồm xe chở sắt thép cuộn, chở tôn, chở gỗ, các xe thùng đóng kín… Xe chạy ì ạch tới gần lề đường thì tấp vào. Một lái xe tải chở thép cuộn từ cảng Hải Phòng đi Hưng Yên cho biết “bọn em hàng ngày vẫn phải làm “luật” mỗi xe giao động từ 150 - 200.000đ tiền đưa cho một người làm “cò” và mình cũng không rõ được mặt người cuối cùng nhận tiền. Người ta sẽ đảm bảo cho mình ra tới Quốc lộ 5 an toàn. Đưa tiền xong thì ngồi đợi đến bao giờ có tín hiệu đi được thì đồng loạt cả đoàn cùng đi”. Một lái xe chở gỗ đi Lạng Sơn còn cho biết: “Bọn em cứ ngồi đợi ở đây, khi nào có tín hiệu cho đi thì đi. Tùy từng hôm, không cố định giờ nào được chạy, có hôm 12h được đi, có hôm tới gần 2h sáng. Đi đường này, tiền làm luật ít hơn. Nếu đi đường kia gặp TTGT thậm chí người ta bắt dỡ tải. Mà chi phí cho việc hạ tải với hàng rời thì rất tốn kém…”.  

Chốt mà lực lượng CSGT Tứ Kỳ làm việc cách chỗ các xe quá tải đỗ khoảng 8Km đoạn qua địa phận xã Văn Tố. Tại thời điểm 11h đêm ngày 2/7, khi PV hỏi về việc có biết tình trạng các xe quá tải đang ùn ứ, đỗ phía dưới không? Đại diện CSGT Tứ Kỳ có mặt trong ca làm việc tối đó cho biết: "Ca tối nay, chúng tôi chỉ làm tới 11h là nghỉ. Lực lượng CSGT còn quá mỏng nên cũng chưa bao quát hết được. Lái xe chỉ chờ chúng tôi thay ca, hoặc về là cho xe chạy. Thời gian tới, có thể chúng tôi sẽ xin với lãnh đạo cấp trên đặt bất chợt trạm cân di động tại đoạn đường này…"

Rõ ràng, tình trạng xe quá khổ, quá tải đang tránh 2 trạm cân ở QL 5 bằng cách đi đường vòng qua đường 391 là có thật. Mặc dù sự việc  diễn ra về đêm nhưng lại rõ như ban ngày. Và lực lượng chức năng có biết ? Và xử lý như thế nào, có đủ sức răn đe không thì lại là chuyện cần bàn thêm. Nhìn lại quá trình thực hiện kiểm tra xử lý xe quá khổ quá tải trong suốt thời gian qua, các ban ngành của Bộ GTVT và Bộ CA đã phối hợp làm tương đối chặt chẽ và quyết liệt. Nhưng đâu đó vẫn còn chưa được sát sao và triệt để. Mong thời gian tới cơ quan chức năng và DN kinh doanh vận tải sẽ thực hiện thật sự nghiêm túc vấn đề này.

Hỗ trợ trực tuyến

3669486
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1778
3465
14022
1587004
96648
3669486

Your IP: 18.119.162.67
Server Time: 2024-04-25 19:40:14

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
32 khách & 0 thành viên trực tuyến