Xây dựng chuỗi cảng xanh

Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài Nguyên- Môi trường), xây dựng cảng biển Hải Phòng theo xu thế xanh chỉ là khái niệm mới, nhưng trên thực tế, thành phố Hải Phòng đã xây dựng chiến lược này từ trước. Một hệ thống cảng biển phát triển bền vững đi kèm với những điều kiện về quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn những điều kiện tự nhiên chung quanh…

Yêu cầu tất yếu của hệ thống cảng biển Hải Phòng

Hệ thống cảng biển Hải Phòng đã đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế thành phố. Hơn 100 năm hình thành và phát triển, cảng biển Hải Phòng là cầu nối quan trọng trong việc giao lưu hàng hóa trong và ngoài nước. Cảng biển đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Hải Phòng thông qua các hoạt động kinh doanh, khai thác Cảng biển, các ngành dịch vụ hàng hải phụ trợ, vận tải đường bộ, kho bãi và hàng loạt các loại hình dịch vụ phụ trợ vận tải khác. Đó còn chưa kể đến nguồn thu thuế hàng năm của Hải quan nộp vào ngân sách nhà nước.

 Để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống cảng biển, trong những năm qua, thành phố tạo nhiều cơ chế hợp lý cho các doanh nghiệp cảng và hướng mở được ưu tiên tại khu vực Đình Vũ. Đồng thời, có phương án di rời dần cảng dọc sông Cấm đến Đình Vũ, bởi khu vực đó là tương lai của cảng biển Hải Phòng. Từ chủ trương này, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp đầu tư vào Đình Vũ, biến vùng đất hoang hóa này trở thành khu vực hoạt động cảng biển nhộn nhịp nhất miền Bắc. Hệ thống cảng biển Hải Phòng trong năm 2014 này dự kiến sẽ vượt mức 60 triệu tấn hàng hóa thông qua. Sự tăng trưởng của hệ thống cảng biển Hải Phòng trong nhiều năm qua đã đạt được tiêu chí phát triển bền vững.

Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng được xây dựng theo tiêu chí cảng xanh. Trong ảnh: Thi công khoan cọc cầu cảng. 					Ảnh: duy thính

Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng được xây dựng theo tiêu chí cảng xanh. Trong ảnh: Thi công khoan cọc cầu cảng.

Tuy nhiên, bất cập của cảng biển Hải Phòng hiện nay là việc đầu tư manh mún, các cảng đan xen bất hợp lý là một trong những hạn chế lâu đời và có lẽ là lớn nhất của hệ thống cảng biển Hải Phòng. Tính toán của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho thấy, toàn thành phố có 42 bến cảng với chiều dài cầu cảng lên đến hơn 10km, trừ một số bến cảng mới được xây dựng và đưa vào khai thác từ những năm trở lại đây được trang bị các thiết bị xếp dỡ hiện đại, còn lại hầu hết vẫn sử dụng thiết bị thông thường với công nghệ lạc hậu, chi phí sản xuất cao, không thân thiện với môi trường và người sử dụng.  Bình quân năng suất xếp dỡ hàng tổng hợp chỉ bằng khoảng 50% - 60% các cảng tiên tiến trong khu vực. Ngoài ra, nguy cơ về môi trường, bảo tồn thiên nhiên trong khu vực chưa kiểm soát được hết... Vì vậy, xu hướng duy trì và  bảo vệ môi trường cảng biển là tiêu chí cốt lõi để xây dựng chính sách phát triển kinh tế theo hướng kinh tế xanh - cảng biển xanh thành phố đang hướng đến phù hợp với xu thế chung của thế giới.

 Cảng Lạch Huyện sẽ là cảng xanh đầu tiên đủ tiêu chí?

 Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Bùi Văn Minh cho biết, mô hình hệ thống cảng biển hiện tại không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong thời hội nhập thương mại quốc tế. Vì vậy, Hải Phòng cần có một khu vực cảng biển mới, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong công tác quản lý, vận hành và cân bằng được mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi hiện có nhằm phát triển kinh tế trong nhiều năm,  duy trì phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân trong khu vực. Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện) là địa điểm cần được hướng đến để xây dựng mô hình thí điểm cảng xanh, vì những lợi thế ít cảng nào có được. Theo ông Minh, cảng xanh là cảng mà ở đó chính quyền Cảng cùng với các doanh nghiệp khai thác cảng tập trung phát triển dựa trên tiêu chí về tăng trưởng kinh tế xanh theo một kế hoạch dài hạn, có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

 Để xây dựng cảng Lạch Huyện theo tiêu chí xanh, trước hết cần kiểm soát về khói, bụi tại cảng bằng việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, hạn chế các phương tiện cũ nát vận chuyển hàng hóa ra, vào cảng, khuyến khích các tàu áp dụng công nghệ mới đến cảng. Quản lý nguồn nước cũng là việc cần chú ý vì cảng biển sẽ sử dụng một khối lượng lớn nước ngọt phục vụ trong hoạt động sản xuất. Do đó, phải xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước tổng thể tại cảng, sử dụng hệ thống giám sát nguồn nước. Kiểm soát nước thải để tránh ô nhiễm môi trường được thực hiện từ tàu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để xác định mẫu nước dằn tàu, xây dựng các cơ sở tiếp nhận rác thải, tổ chức thu dọn rác thải hàng ngày khi tàu tại cảng… Nạo vét duy tu luồng cũng phải được kiểm soát chất thải, khuyến khích sử dụng phương tiện mới, công nghệ hiện đại. Ngoài ra, kiểm soát tiếng ồn tại cảng phải thực hiện nghiêm túc…

 Xây dựng cảng xanh Lạch Huyện cũng chính là điều kiện để phát huy hiệu quả chiến lược đầu tư, đồng thời gìn giữ, bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, bảo đảm môi trường sống cho những người dân chung quanh. Trong tương lai không xa, mô hình cảng xanh tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện sẽ được nhân rộng ra các cảng biển khác trong cả nước, Hải Phòng sẽ trở thành điểm đến thân thiện và gần gũi đối với các hãng tàu biển trên thế giới.

(ST)

Hỗ trợ trực tuyến

3559449
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
2017
2263
16930
1488066
96608
3559449

Your IP: 3.230.76.153
Server Time: 2024-03-28 08:37:04

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
62 khách & 0 thành viên trực tuyến