Khi đánh giá về công tác ứng dụng KH&CN trong ngành điện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, ngành điện Việt Nam đã chú trọng thực hiện đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ mới tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước đáp ứng nhu cầu tăng trưởng ngày càng cao. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào vận hành hệ thống điện đã giúp ngành điện đạt trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.

Chẳng hạn, với việc vận hành Trung tâm Điều khiển hệ thống và thị trường điện mới giúp công tác vận hành hệ thống điện và giao dịch thị trường điện trở nên dễ dàng hơn do cập nhật nhanh tình hình thực tế của hệ thống, hỗ trợ đắc lực trong giám sát, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện, giúp công tác lập lịch huy động nguồn điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng chính xác và kịp thời. Đồng thời, khẳng định những bước đi chắc chắn trong đầu tư ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế hệ thống điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Về vấn đề này, Thạc sỹ Lê Hoàng - Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho biết, EVN đã và đang tiếp cận đổi mới công nghệ, thiết bị góp phần tích cực nâng cao năng lực hệ thống điện, chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện, cũng như góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ điện khí hóa nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc gia. Đặc biệt, các đơn vị trong nước đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và sản xuất thành công được các loại máy biến áp, đánh dấu bước đột phá quan trọng của ngành điện.
Cụ thể, năm 2005, Công ty Cổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đã sản xuất thành công máy biến áp 220kV - 250MVA. Việc chế tạo thành công máy biến áp 220kV vận hành an toàn tại Trạm 220kV Thái Nguyên, đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí điện, đóng góp thiết thực có hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời làm đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm tương tự vào Việt Nam phải giảm giá thành từ 20 - 30% khi đấu thầu tại Việt Nam, góp phần giảm nhập siêu cho nền kinh tế. Tiếp nối thành công của máy biến áp 220kV, ngày 22/11/2011, máy biến áp 500kV do EEMC chế tạo đã được đóng điện thành công và đưa vào vận hành tại Trạm 500kV Nho Quan - Ninh Bình.
Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trong các quốc gia ở Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500kV. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã nghiên cứu làm chủ các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thiết kế, thi công, vận hành các công trình thủy điện quy mô lớn như: Thủy điện Sơn La, Lai Châu; giúp ngành điện hoàn thành trước thời hạn việc thi công công trình thủy điện Sơn La, tiết kiệm kinh phí hàng nghìn tỷ đồng… Những minh chứng này cho thấy, KH&CN đã khẳng định vai trò then chốt, là nền tảng và động lực quan trọng giúp ngành điện phát triển mạnh mẽ.
 
EVN đề ra mục tiêu đến năm 2020, KH&CN điện đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, hầu hết các lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới, đáp ứng các yêu cầu của một nước công nghiệp...
Nguồn: Quỳnh Nga/Báo Công Thương điện tử