Hầu hết các nhà phân tích đã chỉ ra xung đột Trung Đông leo thang, khủng hoảng tại Venezuela, việc cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác là động lực chính khiến giá dầu Brent và dầu WTI trong tuần trước đã lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 lần lượt tại 75 USD/thùng và 70 USD/thùng. Tuy nhiên, một lý do yếu tố cơ bản hơn nhiều cũng khiến giá dầu tăng là nhu cầu của châu Á, mà Goldman Sachs đã dự kiến giá trung bình 80 USD/thùng trong năm 2018.
Ngân hàng đầu tư Mỹ Jefferies cho biết “căng thẳng ở Trung Đông ngày càng tăng có thể đóng một vai trò đối với giá dầu mạnh, nhưng chúng tôi tin tưởng thị trường giao ngay hạn hẹp là một động lực chủ chốt”.
Số liệu giao dịch của Thomson Reuters Eikon cho thấy nhập khẩu dầu thô của các khách hàng chính châu Á sẽ đạt kỷ lục trong tháng này, phần lớn sẽ làm giảm cơn khát của Trung Quốc.
Vào cuối tháng 4, Trung Quốc có thể nhập hơn 9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, mạnh nhất từ trước tới nay, chiếm gần 10% tiêu thụ toàn cầu và hơn 1/3 nhu cầu tổng thể của châu Á. Ở mức giá 75 USD/thùng, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc là hơn 20 tỷ USD trong tháng này.
Nhu cầu đạt kỷ lục bất chấp đang trong mùa bảo dưỡng, thường giảm nhập khẩu tại thời điểm này trong năm, và cho thấy nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc lớn hơn dự kiến.
Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs cho biết “nhu cầu của Trung Quốc tăng trưởng mạnh”, bổ sung rằng nhu cầu có thể cao hơn so với ước tính hiện nay.
Michal Meidan tại công ty tư vấn Energy Aspects cho biết các khách hàng Trung quốc đang tích trữ lại sau khi tồn kho giảm cuối năm ngoái. Nhiều nhu cầu mới của Trung Quốc cũng đến từ các nhà máy lọc dầu tư nhân - thường gọi là teapot - như các nhà nhập khẩu dầu thô. Ngoài nhu cầu tư lưu trữ lại và các nhà máy lọc dầu teapot, các nhà phân tích cho biết diễn biến kinh tế của Trung Quốc cũng mạnh hơn dự kiến.
Barnabas Gan, nhà phân tích tại OCBC Bank cho biết “tăng trưởng của Trung Quốc là 6,8% trong quý 1 cao hơn mục tiêu 6,5% trong năm nay. Môi trường tăng trưởng hỗ trợ tại Trung Quốc là một lý do quan trọng của câu chuyện nhu cầu dầu mỏ nói chung”.
Suresh Sivanandam tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết ông dự kiến nhu cầu dầu mỏ tổng thể của Trung quốc tăng 370.000 thùng/ngày trong năm nay lên 12,78 triệu thùng/ngày.
Bổ sung thêm các khu vực khác, Goldman cho biết nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong quý 1/2018 có thể tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ quý 4 năm 2010. Một thị trường hạn hẹp hơn cũng cho thấy trong chi phí giao hàng sang châu Á ngày càng tăng khi các nhà sản xuất Trung Đông nâng giá bán chính thức của họ. Giá bán chính thức dầu thô Murban của Abu Dhabi và dầu Light của Saudi Arabia hiện nay cao nhất so với dầu Dubai kể từ năm 2014.
Với nhu cầu đang tăng khắp nơi, một số nhà phân tích cho biết có ít lý do để mong đợi bất cứ điều gì nhưng giá sẽ tăng hơn nữa. Ngân hàng Standard Chartered trong tuần trước cho rằng không có xu hướng giảm giá trong thị trường dầu mỏ.
 
Cho đến nay các nhà máy lọc dầu tại châu Á vẫn đang hoạt động ở mức độ cao để đáp ứng nhu cầu mạnh, bất chấp giá dầu đang tăng ăn vào lợi nhuận lọc dầu. Lee Dal-seok, nhà nghiên cứu cao cấp đồng thời là thành viên Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc cho biết “các nhà máy lọc dầu không thể giảm nhập khẩu hay giảm hoạt động bất chấp giá tăng”.
Sinopec của Trung Quốc, nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á có kế hoạch cắt giảm nhập khẩu dầu thô trong tháng 5 để sửa chữa lớn. Một số thương nhân cho biết nhiều đợt cắt giảm như vậy trong tháng 5 và tháng 6, có thể giảm nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong những tháng tới.
Trong tuần trước Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng phát hành Triển vọng Kinh tế Thế giới trong đó cảnh báo rằng hạn chế thương mại Mỹ - Trung ngày càng tăng đã đe dọa tăng trưởng toàn cầu.
Nguồn: VITIC/Reuters