Bình ổn thị trường Tết Mậu Tuất 2018

 

Bình ổn thị trường Tết Mậu Tuất 2018

Thông tin từ Bộ Tài chính và một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cho thấy, công tác kiểm soát giá và cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2018 đang diễn ra tích cực, bảo đảm nguồn cung, ổn định giá.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo điều hành giá, trong dịp Tết Mậu Tuất, sức mua của người dân sẽ không có nhiều biến động lớn so với năm 2016. Tính hình kinh tế năm 2017 phát triển tích cực nên nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, giá cả sẽ ổn định và ở mức hợp lý do các doanh nghiệp (DN) thương mại, phân phối, bán lẻ đã chủ động dự trữ hàng hóa, kết nối tiêu thụ các sản phẩm vùng miền.
 Ngành Công Thương các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, đã tiến hành khảo sát thực tế, làm việc và kiểm tra tại một số DN lớn để thúc đẩy thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất. Tại TP. Hồ Chí Minh, các DN cho biết, nguồn cung hàng hóa, thực phẩm trong dịp Tết sẽ phong phú, dồi dào. Các DN tham gia bình ổn thị trường cam kết sẽ ổn định giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm (thịt, trứng gia cầm, thực phẩm khô các loại…) trước và sau Tết một tháng, đồng thực hiện khuyến mãi giảm giá sâu trong 3 ngày cận Tết.
 Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, từ nay đến Tết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại các hội chợ Xuân. Đồng thời tổ chức khoảng 150 chuyến bán hàng lưu động về các khu vực nông thôn, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết. Khuyến khích các DN mở cửa bán hàng đến hết ngày 30 Tết. Trong 3 giờ đồng hồ, nếu tiếp nhận các thông tin về biến động cung - cầu, giá cả hàng hóa bất thường qua đường dây nóng trên địa bàn, Sở sẽ chủ động triển khai các giải pháp điều tiết thị trường, giá cả, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại các địa điểm có biến động để tránh gây tác động xấu đến thị trường và tâm lý người tiêu dùng.
 Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch chủ động phối hợp với các DN chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phục vụ trước, trong và sau Tết với tổng giá trị khoảng 830 tỷ đồng. Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cũng đã ra quân tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết, tập trung vào các nhóm mặt hàng bánh, kẹo, rượu ngoại, các loại hàng cấm nhập khẩu, buôn bán như pháo, đồ chơi bạo lực; kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, phân phối hàng hóa từ nội thị đến các vùng nông thôn để ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp Tết.
 Về phía Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 15/1/2018, các đoàn công tác của Bộ đã tiến hành kiểm tra, nắm tình hình giá cả thị trường, thực hiện đăng ký, kê khai giá, cũng như công tác quản lý giá trong dịp Tết Mậu Tuất tại một số địa phương có chỉ số giá năm 2017 tăng cao, nhất là các địa phương chưa xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn mức giá của các dịch vụ chuyển từ phí sang cơ chế giá thuộc thẩm quyền… để có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý, bảo đảm ổn định giá.
 
Để giữ ổn định thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2018, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ.

Nguồn: Lan Ngọc/Báo Công Thương điện tử

Lan Hồ Điệp giá tiền triệu hút khách dịp Tết

 

Lan Hồ Điệp giá tiền triệu hút khách dịp Tết

Những chậu hoa lan được rao bán với giá từ 3- 4 triệu đồng tại Hà Nội được người bán khẳng định là Lan Hồ Điệp đang hút lượng lớn khách mua về chưng tết.
Thị trường hoa tết bắt đầu sôi động, năm nay ngoài các loại cây quen thuộc và truyền thống như quất, đào, bưởi, cam canh, cây ngũ quả.... trên thị trường còn xuất hiện hoa lan với màu sắc bắt mắt thu hút nhiều người quan tâm.
Theo khảo sát của người viết, chợ hoa bên đường Hoàng Minh Giám, Thanh Xuân và chợ hoa lan Hà Đông đã có một số hàng mở cửa bày bán hoa, còn lại nhiều kiôt mới chỉ dựng xong lán, chưa kịp đưa hoa về nhưng đã bắt đầu trưng biển mời chào người mua.
Tại điểm bán hoa tết trên Đường Hoàng Minh Giám, chị Khánh - một người có nhiều năm kinh doanh hoa lan chia sẻ: Để hạn chế chi phí thuê chỗ kinh doanh chị thường chuyển hoa về sau ngày Rằm tháng Chạp. Theo chị, hoa lan có thời gian chơi được dài nên đây là thời điểm thích hợp để nhiều người tiêu dùng mua sắm về chơi cũng như mua làm quà biếu tặng.
Theo quan sát, mới có một số hàng hoa có hoa bán, nhưng số lượng người mua cũng đã khá đông. Theo chia sẻ của một số người mua, hoa lan có nhiều chủng loại khác nhau, hoa bền, đẹp quyết rũ và đặc biệt nó mang nhiều ý nghĩa.
 
 
Hoa lan Hồ Điệp được bày bán tại chợ hoa tết rất thu hút khách mua
Chị Lan Anh, nhân viên văn phòng ở Nguyễn Trãi cho biết chị rất thích hoa lan, mỗi loài hoa lan lại cho cảm xúc khác nhau, như: Phong lan đem lại cho ta nét đẹp vương giả, tinh tế, quyết rũ và bí hiểm; địa lan mang nét đẹp quyến rũ và thêm một chút kiêu sa, huyền bí làm cho người ta không khỏi tò mò, thích thú.
Năm ngoái chị cũng mua 1 chậu lan hồ điệp về chơi tết, thấy loại hoa này để được trong thời gian dài như năm trước chị chơi từ 27 tết cho tới hết tháng Giếng hoa vẫn tươi đẹp, nên năm nay sự lựa chọn của chị vẫn là hoa lan Hồ Điệp.
Trên thị trường đang bày bán rất nhiều loại hoa để người mua có thêm lựa chọn, như phong lan Hồ điệp trắng, tím, đa sắc, vàng, cánh én, …; địa lan vàng hoàng hậu, vàng chanh, satto vàng chanh, satto tím, vàng mít, xanh ngọc, xanh sứ, địa lan kiếm …
Theo những người kinh doanh hoa lan cho biết, lan đẹp nhất vẫn là nhập khẩu từ Trung Quốc, có cành dài, cánh hoa nở căng mỡ màng, tuy nhiên số lượng không nhiều. Nhiều nhất trên thị trường vẫn là lan Sapa, Đà Lạt và lan ở các vùng trồng ngoại thành Hà Nội.
Chị Thúy, kinh doanh hoa tết trên đường Mai Dịch cho biết, mấy năm gần đây người ta có xu hướng chọn mua Lan Hồ Điệp về chơi Tết rất nhiều, như năm ngoái quầy hoa của chị đến 28 tết đã cháy hàng. Năm nay chị phải gom lượng hoa nhiều hơn để phục vụ cho người đi sắm tết.
Chị cho biết thêm, năm nay nhìn chung thị trường hoa cây hoa cảnh tết sẽ có chiều hướng tăng giá hơn so với năm ngoái. Do thời tiết mưa nắng thất thường ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng và chất lượng hoa, nguồn hàng mà cửa hàng nhập về chủ yếu là lan có nguồn gốc từ bên Trung Quốc, nhưng năm nay chị đi nhập hàng giá tăng từ 10 – 20% so với thời điểm năm ngoài mà lượng hoa còn khan hàng thiếu nguồn cung.
 
Cụ thể, giá phong lan Hồ điệp trồng tại Sapa, Đà Lạt cành dài, đẹp sẽ có giá từ 150.000 – 200.000 đồng/giò. Cũng là lan Hồ điệp nhưng được trồng tại các nhà vườn Hà Nội cành ngắn có giá thấp hơn từ 50.000 – 100.000 đồng/giò. Địa lan hầu hết đều được đưa về từ Đà Lạt, Sapa cành dài, hoa đẹp có giá từ 150.000 – 250.000 đồng/giò.
Mỗi chậu lan đứng có giá từ 3-7 triệu đồng, tùy theo số số lượng cây và hoa quấn trên thân cây gỗ.
Hoa Lan Hồ Điệp từ lâu được biết tới là thương hiệu đi đầu bởi hoa có nhiều nụ, kích thước hoa to, cành hoa dài, cuống hoa dày nên để lâu cho mùi hương thơm, còn Lan Hồ Điệp trong nước không có.
"Đáp ứng nhu cầu chơi hoa mới lạ của người dân thành phố, cửa hàng đã vận chuyển hoa từ Trung Quốc trực tiếp bằng máy bay về để bán", Chị Thúy chia sẻ
Nguồn: http://Cafef.vn

Cảnh báo hiện tượng doanh nghiệp Việt Nam bị doanh nghiệp Thái Lan lừa đảo

 

Cảnh báo hiện tượng doanh nghiệp Việt Nam bị doanh nghiệp Thái Lan lừa đảo

Thời gian qua, Thương vụ tại Thái Lan đã nhận được một số đề nghị từ phía doanh nghiệp Việt Nam về việc hỗ trợ xử lý các vụ lừa đảo trong quá trình liên hệ và giao dịch thương mại với doanh nghiệp Thái Lan.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nhà sản xuất, xuất khẩu Thái Lan trên mạng Internet và tiến hành giao dịch trong khi chưa xác minh đầy đủ thông tin về đối tác. Lợi dụng tâm lý chủ quan, ham rẻ và thiếu nghiệp vụ ngoại thương của một số doanh nghiệp Việt Nam nên đã xảy ra nhiều vụ việc doanh nghiệp Thái Lan lừa tiền đặt cọc của các nhà nhập khẩu Việt Nam và không chịu giao hàng, nhiều nhất là đối với mặt hàng giấy A4.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tìm kiếm thông tin đối tác tại Thái Lan và hạn chế gặp những trường hợp đáng tiếc trong quá trình giao dịch, Thương vụ xin chia sẻ một số khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với đối tác: 1. Doanh nghiệp phải xác minh rõ các đối tác, đặc biệt là các đối tác lần đầu giao dịch, hạn chế tìm kiếm và giao dịch với các khách hàng trên các trang web không uy tín và không kiểm chứng thông tin doanh nghiệp. Do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Thái Lan tương đối gần, đường bay thuận tiện, doanh nghiệp nên trực tiếp sang địa bàn để thẩm định và làm việc trực tiếp với đối tác hoặc có thể nhờ các kênh chính thống như Thương vụ Việt Nam xác minh thông tin.
Lưu ý: Theo quy định, các doanh nghiệp Thái Lan đăng ký giấy phép kinh doanh với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Department of Businesss Development). Thông tin đăng ký doanh nghiệp đăng tải tại cổng thông tin www.dbd.go.th/Applications/cds/. Để tránh trường hợp mạo danh, lừa đảo, cần kiểm tra kỹ thông tin về tên doanh nghiệp, số điện thoại liên hệ và địa chỉ email sử dụng tên miền công ty thay vì các tên miền công cộng như yahoo, gmail,...
2. Trong quá trình trao đổi, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tác (chuyển tiền làm visa, thanh toán trước giá trị lô hàng, chi trả các chi phí phát sinh). Đối với các giao dịch trong quá trình làm việc, yêu cầu đối tác cung cấp thông tin đầy đủ kèm theo hóa đơn để tiện xác minh với cơ quan có thẩm quyền.
3. Liên quan đến thanh toán xuất nhập khẩu, khi đàm phán và ký kết hợp đồng, doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn phương thức thanh toán, phương thức giao hàng an toàn; hợp đồng phải quy định rõ điều khoản bồi thường và cơ quan giải quyết tranh chấp để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh; không ký kết hợp đồng và gửi qua hình thức điện tử, chia sẻ trên các ứng dụng mạng xã hội (viber, facebook, line, etc) hay qua email; không chấp nhận hình thức thanh toán TT (trả trước một phần của tổng giá trị giao dịch) khi chưa biết rõ về doanh nghiệp đối tác bởi đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam không liên lạc được với đối tác Thái Lan sau khi chuyển tiền.
 
Khi phát hiện nghi vấn trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan theo địa chỉ sau:
- Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan
- Địa chỉ: 83/1 Wireless Road, Lumpini, Pathumwan, Bangkok 10330 Thailand
- Điện thoại: (+66) (0) 2251 3352 (Ext. 118)
- Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. ; This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Nguồn: Baocongthuong.com.vn

Nhập khẩu gặp khó, thị trường ô tô đầu năm có khan hiếm?

 

Nhập khẩu gặp khó, thị trường ô tô đầu năm có khan hiếm?

Đã được dự báo trước, thị trường ô tô tháng đầu tiên của năm 2018 bắt đầu có sự khan hiếm một số mẫu xe do hoạt động NK của nhiều hãng bị ngừng trệ.

 Thông tin từ một số hãng ô tô như Honda, Ford, Toyota… cho biết tạm ngừng XK ô tô vào Việt Nam. Tuy nhiên, lựa chọn xe nào, giá nào là do khách hàng quyết định bởi thị trường vẫn có nhiều mẫu xe khác.

Tăng ngoài dự kiến

Người Việt Nam thường thích mua sắm vào dịp trước tết Âm lịch, ô tô không nằm ngoài xu thế chung đó. Chưa nói đến nhu cầu mua xe ô tô đã bị nén lại trong 3 tháng cuối của năm 2017, bởi tâm lý chờ đợi giá xe sẽ còn tiếp tục giảm thêm khi thuế NK ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% từ năm 2018.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (VINASTAS):

Việc Toyota và Honda quyết định tạm dừng XK xe ô tô sang Việt Nam là quyền của DN, không can thiệp được. Tuy nhiên, đứng từ góc độ của người tiêu dùng có thể thấy, quyền lợi có thể bị ảnh hưởng. Bởi hàng hóa NK vào Việt Nam càng nhiều với mức giá cả cạnh tranh thì người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn. Việc Toyota và Honda tạm ngừng XK xe vào Việt Nam sẽ khiến người tiêu dùng hạn chế bớt cơ hội lựa chọn…

Vậy nên hiện đang là giai đoạn nhu cầu mua ô tô tăng cao. Dạo quanh một vòng các đại lý ô tô du lịch nhận thấy lượng khách hàng đến showroom rất đông, nhiều mẫu xe đang bán rất chạy, thậm chí ngoài dự kiến của các hãng.

Đại diện Thaco cho hay, 2 mẫu xe Peugeot mới vừa được ra mắt hồi đầu tháng 12/2017 là 3008 và 5008 đang lắp không kịp bán. Cũng tương tự như vậy CX5 thế hệ mới của Thaco cũng ở tình trạng khan hàng. Hiện tại, phiên bản CX-5 2.5L FWD thế hệ mới đã ngừng nhận đặt cọc đối với khách muốn nhận xe trước Tết Nguyên đán, do phía nhà máy không đủ nguồn cung.

“Chúng tôi cũng không dự báo được tình trạng mua xe lại tăng mạnh ngay trong tháng 1/2018 như vậy”, vị đại diện này cho biết.

Thậm chí mẫu xe CR-V của Honda, mặc dù giá mẫu xe này hiện được chính thức chốt cao hơn giá dự kiến trước đó khi ra mắt xe tới khoảng 200 triệu, thậm chí khách hàng còn bắt buộc phải mua thêm bộ phụ kiện, nhưng không ít khách hàng vẫn chấp nhận để có xe trước Tết.

Thuế giảm, giá không giảm

Có thể thấy thị trường ô tô tháng đầu tiên của năm 2018 đang có những chiều hướng không được như khách hàng mong muốn.

Đó là việc giá xe ô tô đã không giảm ngay như kỳ vọng của mặc dù thuế NK ô tô từ ASEAN đã giảm từ 30% xuống 0% kể từ ngày 1/1/2018.

Trước thời điểm 1/1/2018, một số thông tin hiếm hoi về mức giá giảm chút ít đến từ các mẫu xe lắp ráp trong nước. Đơn cử, Thaco công bố giá bán năm 2018 cho Peugeot 3008 và 5008 với mức giảm 40 triệu đồng so với giá trước đó. Giá giảm được lý giải là nhờ thuế TTĐB dòng xe này giảm từ 1/2018.

Mua xe gì, vào thời điểm nào, chấp nhận giá bao nhiêu là quyền quyết định của mỗi khách hàng

Hay thương hiệu Nissan cũng có mức giá giảm 127 triệu với Nissan X-Trail và 50 triệu với Nissan Sunny; Mẫu xe cỡ nhỏ City của Honda cũng có giá mới thấp hơn giá cũ từ 5 đến 9 triệu đồng…

Tuy nhiên hầu hết còn lại đã không có sự thay đổi giá trong tháng đầu năm 2018 này, thậm chí còn cao hơn như CR-V của Honda do vẫn phải chịu thuế NK 30%.

Hay Mazda CX-5 trong tháng 1 này cũng tăng giá nhẹ (10-30 triệu đồng) so với năm 2017 do lượng đặt hàng CX-5 thế hệ mới quá lớn, trong khi phía đối tác cung cấp linh kiện không kịp để lắp ráp, buộc hãng phải nhập một số linh kiện qua đường hàng không, khiến giá thành tăng nhẹ so với dự kiến.

Nhiều mẫu xe ô tô khác tuy không tăng giá bán trực tiếp nhưng lại bị cắt giảm ưu đãi, khiến giá bán thực tế năm 2018 cao hơn năm 2017. Chẳng hạn, mẫu bán tải Ford Ranger hiện không còn được hưởng các ưu đãi, khiến giá xe trở về mức giá cũ từ 660-870 triệu đồng từ tháng 12/2017. Còn Toyota Fortuner bản thấp nhất vẫn duy trì mức giá niêm yết 1,1 tỷ đồng từ đầu năm 2017 đến nay. Nhưng nếu mua xe vào thời điểm này, khách hàng còn phải chi thêm 100 - 150 triệu đồng cho các đại lý.

Khan hiếm xe NK

Tiếp theo đó là tình trạng khan hiếm, thậm chí không có xe ở khá nhiều mẫu xe NK. Tình trạng khan hiếm một số mẫu xe NK được dự báo là sẽ kéo dài trong thời gian tới.

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông vận tải)

Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô NK thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, NK và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được Vụ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện, trình Bộ Giao thông vận tải ngay trong năm 2017, theo đúng thời hạn đặt ra. Bộ Giao thông vận tải cũng đã phê duyệt Thông tư và sắp sửa đăng công bố. Dự kiến, trong đầu tuần tới, việc đăng công bố rộng rãi sẽ được triển khai.

Thông tin mới nhất được đại diện Toyota Việt Nam xác nhận tối ngày 17/1 là Toyota tạm ngừng XK ô tô sang Việt Nam. Mặc dù có đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam, nhưng hiện lượng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia và Nhật bản của Toyota đang chiếm khoảng 20% số xe bán ra trên thị trường, tương đương 1.000 xe mỗi tháng (gồm Hilux, Yaris, Fortuner và các mẫu xe Lexus).

Cũng tương tự như vậy Honda Việt Nam xác nhận phía công ty mẹ đang dừng XK ô tô sang Việt Nam. Ngoài Toyota và Honda, những liên doanh khác tại Việt Nam cũng cho biết họ không thể nhập xe về bán như Ford, Mitsubishi hay Suzuki.

Chưa thực hiện được các quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP là lý do của việc tạm ngừng nói trên. Hiện Nghị định này chưa có thông tư hướng dẫn và các hãng đều đang chờ để biết chính xác loại giấy Chứng nhận kiểu loại (VTA) có thể tìm kiếm từ những tổ chức, cơ quan nào ở nước ngoài.

Không chỉ vậy, kể cả khi có thông tư hướng dẫn thì các hãng cũng cần vài tháng chuẩn bị đủ giấy tờ nên trong thời gian trước mắt thị trường sẽ không có, hoặc có ít, một số mẫu xe NK như Ford Ranger, Ford Focus, Toyota Fortuner, Toyota Camry, Corrolla Altis, Toyota Yaris, Honda CR-V, Honda City, Honda Civic, Nissan Sunny, Nissan Navara, Mitsubishi Triton, Mistubishi Pajero,...

Sản xuất trong nước đang nỗ lực cạnh tranh với sản phẩm NK về chất lượng và giá cả

 Tuy nhiên, các hãng xe NK từ châu Âu như Mercedes, BMW, Porsche lại không mấy lo lắng và cho rằng hoàn toàn có thể cung cấp loại giấy VTA như Chính phủ Việt Nam yêu cầu.

Mới đây, ngày 12/1, ông Paul de Courtois, Giám đốc điều hành BMW châu Á cho biết: hãng tại Đức đang tiến hành chuẩn bị loại giấy tờ quy định tại Nghị định 116 và tin rằng "đáp ứng đủ chứng từ như Việt Nam yêu cầu".

Có thể thấy sự tác động của chính sách tới thị trường kinh doanh sản xuất ô tô Việt Nam đã ngày một rõ nét, và điều này nằm trong chủ trương của Chính phủ.

Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Công Thương vừa được tổ chức mới đây, Bộ Công Thương khẳng định sẽ có một số các biện pháp nhằm để kiểm soát tốt lượng ô tô NK và hỗ trợ cho sản xuất trong nước.

Cơ quan này cũng cho biết sẽ tập trung xây dựng chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước.

Lượng xe hiện nay chỉ khan hiếm 1 số mẫu, và trong một thời điểm nhất định. Việc lựa chọn các sản phẩm và chấp nhận ở mức giá nào tùy thuộc vào quyền quyết định của khách hàng.

Có ý kiến cho rằng, ô tô không phải mặt hàng thiết yếu, việc một số mẫu xe tạm ngừng không NK không ảnh hưởng gì quá lớn tới thị trường. Hiện khách hàng không nên “quyết tâm” phải mua bằng được xe vào thời điểm trước Tết bởi sẽ phải chịu mức giá cao, thậm chí bị đại lý ép giá, ép mua linh kiện.

Tháng 10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh ô tô. Hai điểm được cho là khó khăn với các DN NK là DN cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA); và mỗi lô hàng đều phải kiểm định một mẫu xe.

Được biết hiện nay có 4 DN là: Ford Việt Nam, Toyota Việt Nam, Thaco, Mercedes Benz Việt Nam đã có Giấy phép NK ô tô do Bộ Công Thương cấp.

Nguồn: Baohaiquan.vn

Toyota và Honda ngừng xuất xe sang Việt Nam vì Nghị định 116?

 

Toyota và Honda ngừng xuất xe sang Việt Nam vì Nghị định 116?

Các hãng xe lớn của Nhật Bản đã dừng sản xuất các dòng xe cho thị trường Việt Nam sau khi Nghị định 116 có hiệu lực, Nikkei đưa tin.
Theo Nikkei, hai “ông lớn” sản xuất ô tô của Nhật Bản là Toyota và Honda đã tạm dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam kể từ đầu năm nay sau khi một quy định mới yêu cầu kiểm tra khắt khe các xe nhập khẩu. Đây được coi là một động thái nhằm bảo hộ công nghiệp ô tô trong nước.
Quy định mới này có hiệu lực khi Việt Nam dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với xe ô tô từ ASEAN kể từ tháng 1/2017 từ mức 30% trước đó, chậm hơn 2 năm so với các quốc gia thành viên khác.
Toyota hôm thứ Ba cho biết hãng này đã dừng việc sản xuất các loại xe để xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Dù có nhà máy sản xuất xe tại Việt Nam, nhưng lượng xe nhập khẩu của “ông lớn” này từ Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản vẫn chiếm khoảng 20% số xe bán tại thị trường này, tương đương 1.000 xe/tháng. Các dòng xe nhập khẩu bao gồm xe bán tải Hilux, xe du lịch Yaris, xe đa dụng Fortuner và xe hạng sang Lexus.
“Tiêu thụ xe tại thị trường xe Việt Nam giảm tốc trong năm ngoái bởi người tiêu dùng chờ đợi việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu vào cuối năm 2017”, Chủ tịch Toyota Thái Lan Michinobu Sugata cho biết.
Số liệu thống kê cho thấy doanh số bán xe tại Việt Nam trong 11 tháng đầu năm giảm 10% so với cùng kỳ còn 245.000 xe. “Chúng tôi dự báo doanh số sẽ tăng mạnh trong năm 2018, nhưng vì các hàng rào phi thuế quan do Chính phủ Việt Nam đề ra, chúng tôi không thể xuất khẩu sang thị trường này”, ông Sugata nói.
Nghị định 116 do Chính phủ ban hành tháng 10/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô yêu cầu kiểm tra khí thải và an toàn đối với mỗi lo hàng nhập khẩu. Trước đó, việc kiểm tra chỉ áp dụng đối với lô nhập khẩu đầu tiên của mỗi dòng xe.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam cho rằng, mỗi lần kiểm tra khí thải phải mất đến 2 tháng và gây tốn kém 10.000 USD. “Điều này sẽ gây tốn kém nhiều về thời gian và tiền bạc”, đại diện cơ quan này cho biết trong một phát biểu vào tháng 12/2017.
Nghị định cũng yêu cầu tất cả các mẫu xe phải có giấy chứng nhận VTA do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. VTA được dùng để chứng minh rằng chiếc xe đạt tiêu chuẩn của quốc gia mà nó sẽ được tiêu thụ và thường được các đơn vị trong nước của nước nhập khẩu cấp.
Kể từ khi Nghị định 116 được ban hành tháng 10 năm ngoái, chính phủ các nước có xe xuất khẩu như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại với phía Việt Nam về những khó khăn khi xuất khẩu ô tô sang thị trường này. Thậm chí, các nước đó còn cho rằng nghị định có thể vi phạm các quy định của WTO.
Tác động lớn
Nghị định 116 cũng khiến các nhà sản xuất ô tô khác bị bất ngờ. Honda trước đó đã chuyển việc sản xuất dòng xe CR-V cho thị trường Việt Nam sang Thái Lan. Trước đó, các phụ tùng được nhập từ Thái Lan được lắp ráp và hoàn thiện ở Việt Nam.
Hãng này tính tận dụng thuế suất nhập khẩu về 0% để hoàn thiện dòng xe SUV này ở Thái Lan để tiết kiệm chi phí. Với quy định mới này, Honda đã phải dừng việc sản xuất này từ đầu tháng 1.
Trước đó, Honda lên kế hoạch nhập khẩu 10.000 xe CR-V trong năm 2018, tăng 70% so với lượng xe sản xuất ở Việt Nam trong năm ngoái, nhất là sau khi hãng tung ra mẫu xe mới.
 
Một đại lý xe ở Hà Nội cho biết đã nhận được đặt hàng cho dòng xe mới này, nhưng cho biết phải sớm nhất đến tháng 4 xe mới được nhập về.
Một “ông lớn” xe Nhật khác là Mitsubishi cũng đã ngừng sản xuất dòng xe Pajero Sports tại Thái Lan cho tại trường Việt Nam.
Đại diện Ford Thái Lan cũng bày tỏ lo ngại về tác động của Nghị định 116 đối với việc kinh doanh.
Việt Nam, cùng với Campuchia, Lào và Myanmar, đã có thời gian ân hạn 2 năm để dỡ bỏ tất cả thuế quan đối với các mặt hàng đã được các thành viên ASEAN thống nhất khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.
Các công ty, đặc biệt là các nhà sản xuất, đã tận dụng khuôn khổ này để thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới và thiết lập các chuỗi cung ứng trong khu vực.

Nguồn: ANH MINH/bizlive.vn

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

3527028
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
730
2693
6884
1454158
64187
3527028

Your IP: 54.84.65.73
Server Time: 2024-03-19 04:48:46

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
110 khách & 0 thành viên trực tuyến