Kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực từ nợ và ô nhiễm môi trường

 

Kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực từ nợ và ô nhiễm môi trường

Các dữ liệu của Trung Quốc sẽ được công bố trong những tuần tới cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu áp lực ngày càng tăng vào tháng 11 do chính phủ tăng cường đàn áp các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và rủi ro tài chính.

Bên cạnh nỗ lực tăng cường đóng cửa các nhà máy ở một số tỉnh để giảm sương mù mùa đông, chính quyền đã tiết lộ các biện pháp quản lý mới cho khu vực tài chính, kiềm chế cho vay rủi ro cao và ngưng một số dự án cơ sở hạ tầng đáng ngờ, làm gia tăng nợ của các chính quyền địa phương.

Các nhà kinh tế tin rằng các biện pháp này khiến tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 4 giảm xuống còn khoảng 6,7% so với dự báo là 6,9% trong 9 tháng đầu năm.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters 23 nhà kinh tế, tăng trưởng sản lượng của nhà máy được cho là chậm lại lên 6% trong tháng 11 từ mức 6,2% của tháng 10.
Nhưng các dự báo đã thay đổi rất nhiều, với cuộc đàn áp ô nhiễm dự báo tạo ra ảnh hưởng tới dữ liệu công nghiệp. Ví dụ, một số nhà máy thép ở miền Nam đã tăng sản lượng để chiếm thị phần vì các đối tác của họ ở miền Bắc đã phải cắt giảm sản xuất.
Đầu tư tài sản cố định cũng được dự báo sẽ giảm xuống 7,2% trong 11 tháng đầu năm, so với mức tăng 7,3% trong 10 tháng đầu năm.
Các nhà phân tích dự báo rằng thị trường bất động sản đang chậm lại dưới sự kiềm chế của chính phủ liên tục cũng là nguyên nhân.
Nhưng các nhà phân tích không thấy nguy cơ suy thoái kinh tế mạnh vào thời điểm này, với ngành công nghệ và dịch vụ đang phát triển cùng với sự gia tăng tiêu dùng của hộ gia đình, bù lại phần lớn sự sụt giảm của ngành công nghiệp nặng.
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ dự kiến sẽ tăng lên 10,2% so với mức 10% của tháng trước, nhờ vào sức mua sắm mạnh trong ngày "Singles 'Day" của Alibaba BABA.N.
Sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và dữ liệu doanh số bán lẻ sẽ được công bố vào ngày 14/12.
Sự bùng nổ về xây dựng trong năm nay của chính phủ đã kích thích sự phục hồi của hàng hóa từ xi măng sang thép, khiến cho kinh tế dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 6,5%.
Nhưng chiến dịch "giảm nhẹ" của chính phủ cũng dẫn đến việc tăng chi phí đi vay và điều này làm hạn chế đầu tư và lợi nhuận của công ty.
Giải pháp của Bắc Kinh là duy trì điều kiện thanh khoản tương đối ồ ạt khi thị trường trở nên quá căng thẳng.
Trong khi thực hiện các biện pháp giảm các hoạt động rủi ro hơn như mức chi phí cho vay liên ngân hàng cao, ngân hàng trung ương cũng thường bơm tiền vào các thị trường tiền tệ để tăng lãi suất và đảm bảo các công ty và chính quyền địa phương có thể đáp ứng nhu cầu về kinh phí thường xuyên.
Ngân hàng cho vay dự kiến sẽ tăng khoản cho vay trong tháng 11 với trị giá lên 800 tỷ NDT (121 tỷ USD) từ khoảng 663 tỷ trong tháng 10.
Các dữ liệu khác dự kiến sẽ cho thấy áp lực lạm phát ở Trung Quốc điều chỉnh nhẹ.
 
Chỉ số giá sản xuất (PPI) dự kiến sẽ tăng lên 5,9% trong tháng 11, giảm mạnh từ 6,9% trong tháng 10 do chụi ảnh hưởng của biện pháp đàn áp môi trường nhưng vẫn tăng lên đủ để mở rộng tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp trong năm nay.
Tuy nhiên, các ước tính lại khác nhau rất nhiều vì giá nguyên vật liệu xây dựng như thép đã hồi phục mạnh do lo ngại việc ngừng sản xuất ô nhiễm có thể dẫn đến tình trạng thiếu cung.
Lạm phát tiêu dùng giảm nhẹ xuống còn 1,8%, nằm trong mục tiêu của chính phủ trong năm nay là 3%.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhẹ, tăng 10 tháng lên mức 3,12 nghìn tỷ USD, do việc kiểm soát vốn và đồng đô la yếu tiếp tục tràn ngập dòng tiền.
 Nguồn: VITIC/Reuters - http://vinanet.vn

Các nền kinh tế mới nổi trước thách thức duy trì đà tăng trưởng

 

Các nền kinh tế mới nổi trước thách thức duy trì đà tăng trưởng

Trong năm 2017, sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại và lợi nhuận công ty đi kèm với lãi suất bình quân vẫn ở mức thấp đã mang lại động lực tăng trưởng cho các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, khả năng các nền kinh tế này duy trì được môi trường tăng trưởng thuận lợi như vậy trong năm 2018 đang bấp bênh do tác động bất lợi trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Phóng viên TTXVN tại Anh dẫn nhận định của nhiều chuyên gia, cho rằng có thể coi sự xáo trộn thị trường trong nửa đầu năm 2017 là cơ hội mua tài sản (chứng khoán hay cổ phiếu) trên các thị trường mới nổi. Lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của các công ty nằm trong chỉ số chứng khoán của các thị trường mới nổi đang trên đà tăng 22,4% trong năm nay.
Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (BofA) dự báo đà tăng EPS sẽ chậm lại đáng kể, xuống mức 12,7% trong năm tới, dù đây vẫn được coi là chỉ số tăng trưởng tích cực. Trong số các thị trường mới nổi, Ấn Độ, Nam Phi, Trung Quốc, Indonesia là các thị trường được dự đoán sẽ đạt bước tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, y tế và công nghệ thông tin.
Ông David Hauner, người đứng đầu bộ phận kinh tế Đông Âu, Trung Đông và châu Phi thuộc chi nhánh ngân hàng BofA ở thủ đô London nhận định việc Chính phủ Mỹ phát đi tín hiệu giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng, đồng nghĩa giảm số tiền bơm vào hệ thống tài chính, năm 2018 có thể đặt ra thử thách lớn đối với các thị trường mới nổi kể từ năm 2013, thời điểm các thị trường tài chính chao đảo mạnh khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao.
Theo ông Hauner, nguy cơ tiềm ẩn trong năm 2018 có lẽ là việc kết hợp thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ và kích thích tài chính của Mỹ, động thái có thể cùng đẩy lãi suất trái phiếu thực và danh nghĩa của Mỹ tăng lên.
Điều khiến giới phân tích quan ngại hiện nay là chương trình cải cách thuế của Chính phủ Mỹ nếu được thông qua có thể dẫn tới làn sóng vốn công ty đổ trở lại thị trường Mỹ và đẩy đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác được lưu thông tại những thị trường mới nổi. Khi đó, các nguồn vốn thường có xu hướng chảy khỏi các thị trường này và đổ về hướng các tài sản được niêm yết giá bằng đồng USD.
Một yếu tố tiêu cực khác có thể đe dọa triển vọng các nền kinh tế mới nổi là chiều hướng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Khảo sát mới nhất của công ty Anh Consensus Economics cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2018 có khả năng sẽ chậm lại ở mức 6,4%.
 
Theo một số chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại từ quý III năm nay và chiều hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2018. Đây là kết quả chủ yếu của việc thắt chặt chính sách tài chính, bảo vệ môi trường và các biện pháp mới trong việc kiềm chế đà tăng trưởng quá nóng trên thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chừng nào cả 2 rủi ro lớn đối với các nền kinh tế mới nổi là chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc vẫn nằm trong tầm kiểm soát, thì các nhà đầu tư vẫn có thể tập trung vào các dự án đầu tư tích cực hơn.

Nguồn: Vietnamplus.vn

“Bắt bệnh” khó lớn của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

 

“Bắt bệnh” khó lớn của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Ngành công nghiệp điện tử (CNĐT) của nhiều nước châu Á chỉ mất chừng 20 năm để rõ hình hài cùng các sản phẩm chủ lực. Nhưng CNĐT của Việt Nam hiện đã có dư 30 năm phát triển mà vẫn ở chỗ thấp nhất trong chuỗi giá trị gia tăng. Vì sao vậy?
Nếu nhìn bằng những con số, người ta dễ có cảm giác ngành CNĐT Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua để trở thành ngành công nghiệp được kỳ vọng là mũi nhọn. Số lượng các doanh nghiệp tăng nhanh từ 256 lên 1.021 doanh nghiệp (giai đoạn 2005 - 2014). Bên cạnh đó, số lượng việc làm trong ngành công nghiệp điện tử tăng 7 lần trong vòng 8 năm, từ 46.000 lao động năm 2005 lên 327.000 lao động và khoảng 500.000 lao động năm 2016. Đặc biệt một vài năm trở lại đây, ngành CNĐT có bước phát triển vượt bậc, trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp FDI như Samsung, LG, Intel,…. Từ năm 2015, Việt Nam là nước xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam dự kiến vượt ngưỡng 70 tỷ USD.
Thế nhưng ngay cả với quan điểm thoáng đến độ, việc sản xuất ra sản phẩm điện tử "made in Vietnam" không quan trọng bằng việc xem xét tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nội địa trong giá trị sản xuất công nghiệp của ngành điện tử Việt Nam, thì hoàn toàn không khó để nhận thấy, hầu hết các sản phẩm trên thị trường điện tử đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước chỉ mới tham gia khâu hoàn thiện các sản phẩm bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện nhựa mà chưa làm được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Số doanh nghiệp sản xuất linh kiện chỉ chiếm khoảng 52,28%. Đặc biệt, sản xuất nội địa chỉ tập trung vào một số linh kiện cơ khí, nhựa - cao su, bao bì... với tỉ lệ nội địa hóa chỉ 20-30%.
Với khách hàng Hàn Quốc như Samsung hay LG, các doanh nghiệp Việt chỉ có thể ký hợp đồng với nhà thầu phụ nên thường không có được kế hoạch làm việc dài hạn mà chỉ theo từng đơn hàng. Các chuyên gia kinh tế đều nhất trí cho rằngViệt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong ngành công nghiệp điện tử, song nước ta cũng đang vấp phải không ít thách thức như công nghiệp điện tử mới dừng ở mức độ gia công, doanh nghiệp điện tử trong nước chưa tham gia nhiều trong chuỗi cung ứng hàng điện tử. Việc bỏ lỡ cơ hội này khiến cho Việt Nam có thể mất đi cơ hội vàng để chen chân vào chuỗi giá trị của ngành hàng hết sức tiềm năng này hoặc mãi không ra khỏi vòng xoáy ít lợi nhuận nhất trong chuỗi giá trị khi mà có đến 95% kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử có nguồn gốc từ các công ty nước ngoài tại Việt Nam, vai trò của doanh nghiệp trong nước rất mờ nhạt.
Vậy lối ra nằm ở chỗ nào? Các chuyên gia cho rằng, trước hết cần khắc phục sự chậm trễ trong thực thi chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tiếp đến giải cho được bài toán thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ngành điện tử, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử. Cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các dự án cấp quốc gia nhằm xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Mỗi doanh nghiệp cũng cần xác định phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp cũng như tính đến khả năng đón lõng xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới...
Được biết tới đây, Bộ Công Thương sẽ đưa ra thêm những giải pháp đẩy mạnh sự liên kết, xúc tiến thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI cũng như nâng cao trình độ về sản xuất, kỹ thuật của doanh nghiệp Việt.
 
Nhưng đó là chuyện dài hơi. Việc có thể làm được ngay trước mắt là khắc phục việc quá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào điện tử dân dụng, hiện chiếm khoảng 80% trong khi doanh số chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm (R&D) của các doanh nghiệp Việt Nam được nhìn nhận là có nhiều khả năng để từ đó chen chân được vào các công đoạn “chế biến sâu” trong chuỗi giá trị ngành.
Mặt khác cần vận động doanh nghiệp nước ngoài chủ động chuyển giao công nghệ hiện đại cho đối tác Việt Nam, kể cả kinh nghiệm, cách làm phù hợp để tiệm cận, làm chủ tình hình trong bối cảnh hội nhập. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế huy động nguồn lực tổng hợp, nhất là chất xám để tạo ra sự đột phá, ứng dụng chất xám trong việc sáng tạo ra sản phẩm mới, với ý tưởng táo bạo, độc đáo nhằm tạo dựng uy tín của ngành điện tử Việt Nam.
Nguồn: Quang Lộc/Báo Công Thương điện tử

120.000 mặt hàng “rẻ vô địch” sẽ được mở bán tại Shopee Super Sale

 

120.000 mặt hàng “rẻ vô địch” sẽ được mở bán tại Shopee Super Sale

 Với lời hứa “Ở đâu rẻ hơn, Shopee hoàn tiền”, Shopee cam kết các sản phẩm trong bộ sưu tập “rẻ vô địch” có giá cạnh tranh nhất thị trường và sẽ bồi hoàn 200% giá trị chênh lệch nếu khách hàng tìm thấy sản phẩm tương tự nhưng mức giá thấp hơn ở các trang mua sắm trực tuyến khác.
Nối tiếp sự thành công của 3 ngày mở màn 9 - 11/11, sự kiện mua sắm online lớn nhất trong năm - Shopee Super Sale - sẽ vào mùa cao điểm đợt 2 trong ba ngày 12-13-14/12 với 120.000 mặt hàng “rẻ vô địch”, có thể kể đến như SamSung J3 Pro, OPPO A39, lò nướng điện Mishio, son thời trang 3CE và hàng ngàn sản phẩm cao cấp khác.
“Ba ngày mở màn 9 – 11/11 của Shopee Super Sale đã được sự đón nhận nhiệt liệt của người tiêu dùng với lượng đơn hàng tăng hơn 7 lần so với năm 2016. Vào đợt cao điểm lần 2 trong 3 ngày 12 – 13 – 14/12, ngoài bộ sưu tập “rẻ vô địch” làm nên thương hiệu Shopee Super Sale, chúng tôi tiếp tục đem nhiều ưu đãi vượt trội như miễn phí vận chuyển trên toàn quốc, hàng ngàn ưu đãi độc quyền từ các thương hiệu, ngân hàng, đối tác hàng đầu của Shopee” – ông Pine Kyaw - Giám đốc Shopee Việt Nam chia sẻ.
Shopee Super Sale là sự kiện mua sắm lớn nhất mùa cuối năm do Shopee tổ chức đồng loạt trên 7 quốc gia khu vực Đông Nam Á và Đài Loan. Shopee là công ty trực thuộc tập đoàn SEA và ra mắt lần đầu tiên tại Singapore vào năm 2015 sau đó được nhân rộng ra Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Bằng sự phát triển của công nghệ, SEA mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của người dùng cũng như thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tâm điểm ba ngày “cuồng phong” này sẽ là bốn đợt flash sales vào 0h - 10h - 13h - 18h mỗi ngày thuộc các ngành hàng Mẹ & bé, Điện tử, Thời trang, Làm đẹp..., được miễn phí vận chuyển toàn quốc với đơn hàng có giá trị từ 99.000 VND. Người dùng có thể đồng thời kết hợp sử dụng voucher giảm tới 20% từ đối tác vận chuyển Giaohangtietkiem.vn hay hưởng các ưu đãi lên tới 800.000 VND khi sử dụng thẻ của các ngân hàng hàng đầu như LienVietPostBank, Standard Chartered, TPBank, SCB, VietinBank... Đặc biệt nhất trong chương trình flash sale là áo Bomber Sơn Tùng M-TP độc quyền trên Shopee.
Từ ngày 1 – 13/12, người dùng được khuyến khích tham gia game tương tác trực tuyến hấp dẫn - Giải “Vô địch săn Deal”. Ngoài cơ hội giành được voucher có giá trị lên đến 25% để mua sắm trong 3 ngày cao điểm Shopee Super Sale, 10 “thợ săn" giỏi nhất được tài trợ toàn bộ kinh phí bước thẳng tới sự kiện chung kết diễn ra vào ngày 9/12 tại Vivo City (TP.Hồ Chí Minh) để so găng với Sơn Tùng M-TP. Người chơi đeo đai vô địch sẽ nhận ngay voucher trị giá 12.000.000 VND. Cũng tại sự kiện, người tiêu dùng bất kỳ có cài ứng dụng Shopee trên điện thoại sẽ được nhận một hộp quà may mắn chứa một trong hàng trăm nghìn phần quà bất kỳ như OPPO F5, Biti’s có chữ ký Sơn Tùng M-TP, tai nghe bluetooth, gậy selfie, đồ trang điểm, bộ chăm sóc da, quần áo thời trang, túi du lịch, thú nhồi bông… Đêm chung kết dự kiến thu hút khoảng 100.000 người tham gia tại sự kiện và/hoặc theo dõi qua livestream trên App và Fanpage của Shopee.
 
Thông tin về khuyến mãi được cập nhật liên tục tại https://shopee.vn/shopee-super-sale.
Nguồn: baocongthuong.com.vn

EVNNPC: Không để sai sót khi thực hiện giá bán điện mới

 

EVNNPC: Không để sai sót khi thực hiện giá bán điện mới

Đây là yêu cầu của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đối với các đơn vị thành viên khi triển khai thực hiện giá bán điện mới theo Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 (QĐ 4495/QĐ-BCT) của Bộ Công Thương và công điện số 5657/EVN-KD của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về chỉ đạo chốt chỉ số công tơ.

Tổng công ty đã chỉ ra một số điểm lưu ý khi thực hiện biểu giá bán điện mới, đó là: Đối với biểu giá bán lẻ điện mới thì các thành phần, cấp điện áp và đối tượng giá quy định tại QĐ 4495/QĐ-BCT không thay đổi so với quyết định 2256/QĐ-BCT ngày 12/3/2015 của Bộ Công Thương (QĐ 2256/QĐ-BCT). Biểu giá bán lẻ điện mới quy định theo quy định tại QĐ 4495/QĐ-BCT chỉ thay đổi về đơn giá so với QĐ 2256/QĐ-BCT. Giá bán điện bình quân tại QĐ 4495/QĐ-BCT là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) và có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2017, tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân quy định tại QĐ 2256/QĐ-BCT.

 Quy định về thực hiện giá bán điện: Các đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/05/2014 của Bộ Công Thương và các văn bản hướng dẫn thực hiện giá bán điện của Tổng công ty, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực. Tổng công ty sẽ cung cấp file excel mẫu và bảng tra cứu hướng dẫn nguyên tắc tính toán tiền điện đối với các khách hàng sinh hoạt. Các CTĐL/ĐL nghiên cứu kỹ và thực hiện ngay việc đào tạo, hướng dẫn cho các cán bộ công nhân viên (CBCNV) có liên quan đến công tác thực hiện giá điện, đặc biệt là thu ngân viên, các tổ chức dịch vụ bán lẻ điện năng, các đơn vị thu hộ tiền điện nắm vững phương pháp tính toán và thể hiện thay đổi giá trên hóa đơn tiền điện, biên nhận thanh toán để giải thích thỏa đáng cho khách hàng. Các tài liệu liên quan về triển khai thực hiện giá bán lẻ điện mới liên tục được cập nhật trên đường truyền Internet của Tổng công ty.
 Để triển khai thực hiện giá bán lẻ điện mới từ ngày 1/12/2017, 27 Công ty Điện lực thành viên EVNNPC đãt ập trung bố trí lực lượng CBCNV thực hiện chốt chỉ số của toàn bộ công tơ đang vận hành trên lưới trong ngày 01/12/2017 (trừ các công tơ bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt). Việc chốt chỉ số của các công tơ ba giá, công tơ trạm chuyên dùng, công tơ tổng bán buôn điện phải có xác nhận của đại diện khách hàng hoặc người làm chứng. Đối với các công tơ đang thu thập chỉ số từ xa phải thực hiện chốt chỉ số và nhắn tin cho khách hàng chỉ số chốt khi đổi giá hoặc thông báo đến khách hàng trong vòng 24 giờ theo đúng cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện. Các công tơ chính và công tơ trừ phụ phải thực hiện chốt đồng thời.
 EVNNPC cũng chỉ đạo các đơn vị phải thực hiện ngay việc in ấn, niêm yết công khai Biểu giá bán lẻ điện mới tại các địa điểm giao dịch khách hàng của CTĐL/ĐL và trên Website của các đơn vị; Chủ động tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của địa phương như truyền hình, báo, đài truyền thanh…và website của đơn vị về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện.
 Đối với khách hàng, EVN yêu cầu các đơn vị phải tổ chức phúc tra chặt chẽ việc chốt chỉ số công tơ, đặc biệt là các khách hàng có sản lượng tiêu thụ lớn, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức mua buôn và khu vực mới tiếp nhận. Tổng công ty nghiêm cấm việc cố tình hoặc thông đồng khi chốt chỉ số công tơ để trục lợi, đơn vị phải lưu ý hướng dẫn và kiểm tra, phúc tra việc chốt chỉ số của các tổ chức dịch vụ bán lẻ điện năng trong tháng đổi giá đảm bảo chính xác, không gây thắc mắc cho các hộ sử dụng điện.
 Các đơn vị thành viên EVNNPC phải nghiên cứu kỹ Quy định biểu giá bán lẻ điện mới tại QĐ 4495/QĐ-BCT và các tài liệu, văn bản chỉ đạo của Tổng công ty, EVN và phổ biến đầy đủ đến lãnh đạo, các CBCNV có liên quan nắm vững để thực hiện; Tổ chức các bộ phận tiếp nhận thông tin và bố trí nhân lực đủ trình độ, có thái độ giao tiếp văn minh, lịch sự để giải đáp kịp thời, chính xác các ý kiến thắc mắc của khách hàng sử dụng điện và của nhân dân về giá bán điện, đặc biệt là việc phối hợp với Trung tâm chăm sóc khách hàng tiếp nhận, phản hồi các ý kiến liên quan đến giá bán điện; Các Công ty Điện lực trong tháng đổi giá phải tổ chức rà soát thật kỹ hóa đơn trước khi phát hành, đảm bảo không xảy ra sai sót, gây ra các phản ứng không cần thiết của khách hàng và cộng đồng. Lựa chọn theo xác suất để in ra giấy bảng kê chi tiết tiền điện theo các phiên ghi để rà soát nhằm đảm bảo tính tính xác của hóa đơn và biên nhận thanh toán.
EVNNPC cũng yêu cầu các đơn vị thành viên khi tiếp nhận các ý kiến của khách hàng liên quan đến tiền điện, lãnh đạo đơn vị phải khẩn trương tổ chức xác minh và giải thích, giải quyết đầy đủ cho khách hàng trong vòng 24h kể từ khi tiếp nhận thông tin. Các hóa đơn, giấy biên nhận thanh toán nếu sai, hỏng phải được rà soát sửa chữa kịp thời, đặc biệt lưu ý việc rà soát kỹ các hóa đơn của khách hàng có sự thay đổi trong tháng đổi giá như: Treo tháo định kỳ, thay đổi số hộ dùng chung, nâng, hạ cấp TI, thay đổi tỷ lệ áp giá, thay đổi đối tượng áp giá, các khách hàng có công tơ trừ phụ, khách hàng ghép tổng trước khi phát hành hóa đơn.
Các đơn vị thuộc EVNNPC hạn chế việc thay thế định kỳ thiết bị đo đếm trong kỳ đổi giá và thay đổi lịch ghi chỉ số của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng sinh hoạt, trường hợp bất khả kháng phải thông báo cho khách hàng và tính toán định mức số ngày sử dụng điện đúng quy định đảm bảo quyền lợi cho khách hàng sử dụng điện; Thường xuyên tổ chức kiểm tra áp giá bán điện đúng mục đích, đối tượng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng có nhiều mục đích cùng một địa điểm; rà soát lại số hộ sử dụng điện sinh hoạt dùng chung công tơ đo đếm điện để áp giá đúng mức bậc thang không để thất thu về giá.
 
Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Bắc khẩn trương phối hợp với Công ty Viễn thông và Công nghệ thông tin (EVNICT) tổ chức kiểm tra phiên bản cập nhật đổi giá điện của chương trình CMIS, đặc biệt là phần tính và in giấy biên nhận thanh toán và cập nhật kịp thời phiên bản đổi giá điện cho các Công ty Điện lực ngay khi có thông báo chính thức của EVNICT, tránh để xảy ra sai sót khi cập nhật phiên bản tính toán giá bán điện mới; Tập trung lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn và khắc phục kịp thời lỗi phát sinh (nếu có) khi cập nhật phiên bản đổi giá, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc tính toán, phát hành hóa đơn, thu tiền của các đơn vị. Bố trí cán bộ đủ năng lực chuyên môn trực hỗ trợ các đơn vị cập nhật phiên bản đổi giá của chương trình CMIS kể cả trong ngày nghỉ.
Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc tổ chức tập huấn, phổ biến Quy định biểu giá bán lẻ điện mới và các tài liệu hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của Tổng công ty, EVN cho tất cả các giao dịch viên để trả lời khách hàng; Tính toán, bố trí đầy đủ nhân lực để phối hợp với các Công ty Điện lực tổ chức tiếp nhận, giải quyết, phản hồi kịp thời các kiến nghị, thắc mắc liên quan đến giá bán điện cho khách hàng; Cập nhật biểu giá bán lẻ điện mới trên trang Web chăm sóc khách hàng của Tổng công ty; Phối hợp với NPCIT và EVNICT để thực hiện ngay việc kết nối Website CSKH của Tổng công ty vào trang Web tính toán hóa đơn trong kỳ đổi giá điện của EVN để khách hàng có thể chủ động tra cứu và tính toán tiền điện.
Nguồn: Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

3527324
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1026
2693
7180
1454158
64483
3527324

Your IP: 54.166.234.171
Server Time: 2024-03-19 06:00:58

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
46 khách & 0 thành viên trực tuyến