PVN khai thác dầu thô vượt kế hoạch Chính phủ giao

 

PVN khai thác dầu thô vượt kế hoạch Chính phủ giao

Trong 9 tháng đầu năm nay, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức từ 2,0% - 22% kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, khai thác dầu thô trong nước 9 tháng vượt 297 nghìn tấn so với kế hoạch Chính phủ giao.
 
Việc tăng cường khai thác dầu thô vượt kế hoạch đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế (GDP) đất nước 9 tháng đầu năm.
Theo công bố của PVN ngày 3/10, tổng sản lượng khai thác quy dầu 9 tháng đầu năm đạt 19,01 triệu tấn, bằng 73,6% kế hoạch năm. Cụ thể, sản lượng khai thác dầu đạt 11,70 triệu tấn, vượt 2,8% so với kế hoạch 9 tháng; trong đó: khai thác dầu ở trong nước 9 tháng đạt 10,25 triệu tấn, vượt 3,0% - tương đương vượt 297 nghìn tấn; khai thác dầu ở nước ngoài 9 tháng ước đạt 1,46 triệu tấn, vượt 1,4% kế hoạch.
Cùng với việc vượt chỉ tiêu khai thác dầu thô, các chỉ tiêu sản lượng khác như sản xuất đạm đạt 1,32 triệu tấn, vượt 10,1% kế hoạch, sản xuất xăng dầu đạt 4,46 triệu tấn, vượt 22,6% kế hoạch.
Sản xuất kinh doanh vượt kế hoạch nên các chỉ tiêu tài chính 9 tháng của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Theo đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn vượt 16% kế hoạch 9 tháng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016; Nộp Ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn vượt 21% kế hoạch 9 tháng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo lãnh đạo Tập đoàn, trong những tháng còn lại của năm 2017, PVN quyết tâm tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo khai thác dầu thô trong nước năm 2017 theo kế hoạch Chính phủ; tăng cường kiểm soát, vận hành an toàn, ổn định các nhà máy/công trình dầu khí; Tiếp tục xử lý một số dự án chưa hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương;
Cùng với đó, PVN sẽ chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển Đông.

Nguồn: Lê Kim Liên/Báo Công Thương điện tử

Kinh tế toàn cầu: Triển vọng tươi sáng

 

Kinh tế toàn cầu: Triển vọng tươi sáng

Kinh tế toàn cầu đang ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ. Tại nhóm các nền kinh tế phát triển, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản vẫn là động lực dẫn dắt tăng trưởng của cả khối. Khu vực EU phục hồi vững chắc nhờ cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục mở rộng, trong khi các hoạt động sản xuất, thương mại đều giữ đà tăng trưởng ổn định...

Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản đang ghi nhận giai đoạn tăng trưởng tốt nhất trong vòng một thập kỷ qua với diễn biến tích cực được ghi nhận trên mọi mặt sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu của nền kinh tế. Điểm đáng chú ý là lạm phát của Nhật Bản trong quý III vẫn tiếp tục nối dài chuỗi tăng kể từ tháng 10 năm ngoái, đẩy lùi những quan ngại về căn bệnh giảm phát kinh niên tại quốc gia này.

 
Kinh tế Mỹ cũng ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng tốt hơn sau nửa đầu năm có phần chững lại. Khu vực sản xuất tiếp tục duy trì đà mở rộng với tháng 8 vừa qua chỉ số PMI đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, hoạt động tiêu dùng cũng có nhiều cải thiện; doanh số bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng trưởng 3,3% so với quý trước, mức tăng cao nhất trong vòng 1 năm qua.

Tuy nhiên, sự phục hồi này diễn ra không đồng đều trong nhóm các nền kinh tế phát triển. Nhiều quốc gia đang nằm trong chu kỳ thoái trào với tăng trưởng kinh tế có chiều hướng đi xuống trong thời gian gần đây như Canada, Australia…

Nền kinh tế Anh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ Brexit khiến hoạt động sản xuất và thương mại giảm sút, trong khi lạm phát có chiều hướng tăng cao cũng gây trở ngại đến chi tiêu dùng nội địa tại quốc gia này. Lạm phát qua các tháng trong quý III tại Anh dao động ở mức 2,6-2,9%, cao hơn nhiều mục tiêu lạm phát 2%; chỉ số PMI trong 3 tháng qua chỉ ở ngưỡng 54 điểm, thấp hơn mức trung bình 55 điểm của 2 quý trước; chi tiêu dùng tại Anh tính cho đến thời điểm hiện tại chỉ đạt tăng trưởng bình quân 0,2%/tháng, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Tương tự như nhóm các nền kinh tế phát triển, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng khác nhau giữa các nhóm nước. Kinh tế Trung Quốc tiến bước vững chắc nhờ đà tăng trưởng của hoạt động tiêu dùng, sự khởi sắc của xuất khẩu và hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục mở rộng.

Một loạt các nền kinh tế có sự phụ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu dầu như Brazil, Nga cũng đang cho thấy những tín hiệu tăng trưởng tốt trước xu hướng đi lên của giá dầu trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc lại đang gặp khó khăn, xuất phát từ những vấn đề bất ổn chính trị trong nước.

Sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế toàn cầu được thể hiện rõ nhất qua hoạt động thương mại vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay. Diễn biến tốt của hoạt động thương mại vừa thể hiện ở sự gia tăng giá trị thương mại giao dịch trên toàn cầu, vừa thể hiện ở sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tại các quốc gia.

Cụ thể, theo thống kê của Markit, hiện có gần 90% các quốc gia tham gia khảo sát báo cáo về sự gia tăng lượng đơn hàng xuất khẩu mới trong quý vừa qua. Còn theo thống kê của WTO, giá trị giao dịch thương mại toàn cầu hiện đang tăng trưởng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ nửa cuối năm 2011 đến nay.

 Với diễn biến như vậy, các tổ chức quốc tế cùng chung nhận định cho rằng, những yếu tố tích cực về mặt thương mại sẽ tiếp tục diễn ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn hạn. Theo nhận định của MarketIntello, điểm sáng lớn nhất cho thương mại toàn cầu đến từ hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, những rủi ro về chủ nghĩa bảo hộ dần lắng xuống khi các ứng viên chính trị cực hữu ở EU đã đón nhận thất bại trong các cuộc bầu cử Tổng thống cũng sẽ là triển vọng tích cực cho thương mại quốc tế những tháng cuối năm 2017.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới như chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch có chiều hướng gia tăng; bất ổn chính trị vẫn tiếp tục xảy ra đe dọa sự hồi phục của các nền kinh tế chủ chốt.

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Kỳ vọng nhiều hơn vào nền kinh tế Trung Quốc

 

Kỳ vọng nhiều hơn vào nền kinh tế Trung Quốc

Viện nghiên cứu kinh tế ZEW của Đức mới công bố báo cáo cho thấy những kỳ vọng đối với nền kinh tế Trung Quốc trong 12 tháng tới tiếp tục được cải thiện đáng kể.

 Khảo sát của ZEW, phản ánh những dự đoán của các chuyên gia thị trường tài chính quốc tế liên quan đến phát triển kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, đã tăng từ 0 điểm trong tháng Tám lên 8,3 điểm trong tháng Chín, trên mức trung bình trong dài hạn là 5,1 điểm.

Thêm vào đó, tỷ lệ tăng trưởng dự kiến của kinh tế Trung Quốc trong năm 2018 cũng tăng từ 6,6% lên mức 6,7%, còn dự báo cho năm 2017 không đổi ở mức 6,8%.

Theo chuyên gia Michael Schroeder của ZEW, những đánh giá về tình hình kinh tế hiện nay đã cải thiện một lần nữa và hiện đứng ở mức 25 điểm, mức cao nhất ghi nhận được kể từ khi khảo sát này bắt đầu.

Nhìn chung, triển vọng đối với nền kinh tế đã được cải thiện đáng kể trong vài tháng qua và ổn định ở mức tương đối cao. Một năm trước, vẫn còn những lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ suy yếu đáng kể, đặt ra mối đe dọa cho kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những lo sợ này dường như đã mờ dần.

 Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,9% trong nửa đầu năm nay và trên mục tiêu 6,5% mà chính phủ đề ra.

Nguồn: Bnews/TTXVN

 

Trung Quốc: Công nghệ nhận dạng khuôn mặt “nở rộ“

 

Trung Quốc: Công nghệ nhận dạng khuôn mặt “nở rộ“

Công nghệ nhận diện khuôn mặt, vốn là một điểm nhấn trong những bộ phim như Minority Report, giờ đã nhanh chóng len lỏi vào cuộc sống thường nhật của ngày càng nhiều người dân Trung Quốc.

Bạn có muốn khuôn mặt mình bị những chiếc camera hiện hữu xung quanh theo dõi, để rồi người khác có thể biết được danh tính và tung tích của bạn hay không? Trong khi câu trả lời dường như sẽ là "Không" ở nhiều nước phương Tây, kịch bản này đang dần trở thành hiện thực ở Trung Quốc. 

Từ các ứng dụng thương mại… 

Giáo sư Wang Shengjin từ Khoa Kỹ thuật Điện tử trường Đại học Thanh Hoa nổi tiếng của Trung Quốc cho biết các công nghệ nhận diện khuôn mặt ở Trung Quốc cũng tiến bộ như ở các nước phát triển phương Tây, nhưng Trung Quốc lại tiến xa hơn nhiều khi ứng dụng chúng trong thương mại. 

Một số ngân hàng ở nước này đã tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt vào mạng lưới ATM. Trong đó, các cây ATM ở 3 chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) tại thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, đã ứng dụng công nghệ mới này thay thế thẻ ngân hàng trong mỗi giao dịch rút tiền hoặc gửi tiền. 

Ngoài ABC, Ngân hàng China Merchants Bank (CMB) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cũng đã tích hợp công nghệ này vào mạng lưới ATM.

Theo đó, khách hàng cần thực hiện các thao tác nhấn nút kích hoạt hệ thống nhận dạng khuôn mặt, quét hình ảnh khuôn mặt thông qua camera, nhập số điện thoại di động hoặc số thẻ căn cước (ID), nhập số tiền cần giao dịch và mật khẩu.

ABC nhận định công nghệ này có thể loại trừ nguy cơ sao chép trái phép thông tin thẻ cũng như khả năng ATM “nuốt” thẻ, đồng thời nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. 

Các chuyên gia kỹ thuật của ABC khẳng định công nghệ trên có độ an toàn cao bởi không chỉ so sánh hình ảnh khuôn mặt của khách hàng trong hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) của cơ quan công an mà còn đòi hỏi số ID hoặc số điện thoại di động và mật khẩu. Ngoài ra, camera hồng ngoại thế hệ mới nhất cũng có khả năng giảm thiểu nguy cơ về các hành vi trái pháp luật. 

Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ nhận diện khuôn mặt còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác. Ant Financial, công ty trực thuộc gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, đã hợp tác với KFC tại thành phố Hàng Châu để ra mắt dịch vụ "cười để thanh toán". Dịch vụ này cho phép khách hàng chọn “quét hình ảnh khuôn mặt” như một phương thức thanh toán sau khi đặt hàng. 

Trong một số trường hợp, quá trình chứng thực sẽ yêu cầu người sử dụng xác nhận bằng video trực tiếp. Khi đó máy tính có thể phân tích những chuyển động khuôn mặt và đối chiếu với ảnh chứng minh nhân dân để xác thực danh tính. Ông Xie cho biết công nghệ này còn có thể phân biệt giữa ảnh chụp với người thật. 

Trong khi đó, nhiều khách sạn, trường học và nhà trẻ cũng lắp đặt camera để quét hình ảnh khuôn mặt của mọi người trước khi cho vào. Một số trường đại học thậm chí còn sử dụng công nghệ này để phát hiện thí sinh đi thi hộ. Và một cửa hàng KFC ở Bắc Kinh cũng đang áp dụng công nghệ quét hình ảnh khuôn mặt của khách hàng để gợi ý các món ăn dựa trên các yếu tố như tuổi tác, giới tính và tâm trạng. 

…Đến sự quản lý của chính phủ 

Trong nỗ lực nhằm giám sát công dân chặt chẽ hơn, giới chức Trung Quốc đang tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt vào mạng lưới camera giám sát rộng khắp ở nước này, hiện đã lên đến con số 176 triệu camera, trong khi ở Mỹ chỉ có 50 triệu, theo kết quả điều tra của công ty tư vấn IHS Markit. 

Giống như ở Mỹ, các cơ quan chức năng Trung Quốc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để đối chiếu các đoạn phim từ camera giám sát an ninh với cơ sở dữ liệu ảnh chứng minh nhân dân khổng lồ để truy bắt tội phạm và khủng bố.

Công nghệ này thực sự đã phát triển đến mức có thể tìm được một người chỉ bằng những bức hình chụp từ 10 năm về trước, và còn có nhiều cách để nâng cao chất lượng ảnh bị mờ nhòe. 

Tuy nhiên, những mục đích sử dụng khác của công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể khiến nhiều người phương Tây e ngại. Nằm trong khuôn khổ chiến dịch quốc gia nhằm thúc đẩy những hành vi văn minh, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để chỉ đích danh những người vi phạm giao thông ở nhiều tỉnh thành Trung Quốc, trong đó cóThâm Quyến và Tế Nam. 

Theo Tân Hoa Xã, chẳng hạn như ở Tế Nam, camera nhận diện khuôn mặt có thể ghi lại những video ngắn của người đi bộ qua đường khi chưa có tín hiệu cho phép từ đèn giao thông. Thông tin cá nhân của người vi phạm, bao gồm tên và địa chỉ nơi ở sẽ được hiển thị trên màn hình ở lề đường như một lời cảnh cáo. 

Theo luật Trung Quốc, việc này không cấu thành hành vi vi phạm quyền riêng tư. Ông Ronald Cheng, đối tác của Công ty luật quốc tế O’Melveny, cho biết mặc dù công nghệ nhận diện khuôn mặt đã xuất hiện nhiều năm, song phải đến tháng Sáu vừa qua thì bộ luật liên quan nhất đến lĩnh vực này mới có hiệu lực cho.

Luật an ninh mạng được áp dụng mới đây của Trung Quốc có những điều luật về việc thu thập thông tin cá nhân, bao gồm cả các đặc điểm sinh trắc học, để phục vụ cho mục đích thương mại, song luật này lại không áp dụng với các chính quyền địa phương, ông Cheng cho biết. 
Chuyên gia này cho hay về phía các công dân, họ có thể yêu cầu xóa thông tin cá nhân hay tìm kiếm các biện pháp khắc phục nếu các công ty bị phát hiện có hành vi vi phạm luật an ninh mạng.

Tuy nhiên, do bộ luật chỉ mới được ban hành nên việc thực thi vẫn còn phải theo dõi. Dù sao thì Trung Quốc cũng đang hướng tới một tương lai mà camera nhận diện khuôn mặt sẽ hiện diện ở khắp mọi nơi. 

Phó Giáo sư Leng Biao từ Trường Khoa học và Kỹ thuật Máy tính thuộc Đại học Beihang của Trung Quốc nhận định rằng Trung Quốc sẽ vẫn đi trước các nước phương Tây trong việc ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, và từ phương diện chiến lược của chính phủ, công nghệ này ở Trung Quốc sẽ tiến bộ nhanh hơn so với Mỹ và các nước châu Âu.

 Nguồn: BNEWS/TTXVN

 

Thế giới có thể lâm cảnh thiếu dầu trong năm tới

Thế giới có thể lâm cảnh thiếu dầu trong năm tới

 Thay vì có sự gia tăng sản lượng dầu, rất có thể sẽ xuất hiện tình trạng thiếu cung dầu vào đầu năm 2018...
Những ai trên thị trường dầu lửa còn đang lo chuyện thừa cung dầu từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nên chuẩn bị sẵn sàng cho sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng này trong năm 2018 - theo nhận định mới được ngân hàng Citigroup đưa ra.
5 quốc gia thành viên OPEC, gồm Libya, Nigeria, Venezuela, Iran và Iraq, có thể đã đạt công suất khai thác dầu tối đa trong năm nay - ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản toàn cầu của Citigroup, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg. Theo vị chuyên gia, cả 5 nước này đều yếu về đầu tư cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu, nên công suất khai thác khó có thể sớm tăng thêm.
Bởi vậy, ông Morse cho rằng, thay vì có sự gia tăng sản lượng dầu, rất có thể sẽ xuất hiện tình trạng thiếu cung dầu vào đầu năm 2018.
“Thị trường vốn đang lo là sản lượng dầu của OPEC sẽ tăng mạnh”, ông Morse nói. “Nhưng sự thiếu hụt nguồn cung có thể sẽ xuất hiện, dẫn tới một thị trường dầu thắt chặt hơn”.
So với thời điểm giữa năm 2014, giá dầu thế giới hiện vẫn đang thấp hơn 50%. Sáng ngày 27/9 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI giao dịch tại New York đứng trên mức 52 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tại thị trường London đứng gần 59 USD/thùng, tăng nhẹ so với chốt phiên ngày 26/9.
Nhiều ý kiến cho rằng việc OPEC cắt giảm sản lượng là chưa đủ để giải quyết tình trạng thừa mứa dầu trên toàn cầu. Trong một cuộc họp diễn ra ở Vienna, Áo vào tuần trước, OPEC và các đối tác trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng, gồm Nga, vẫn chưa đưa ra quyết định về có gia hạn thỏa thuận này khi thỏa thuận hết hạn vào cuối quý 1/2018 hay không.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể tăng theo sự phục hồi của giá dầu, khiến đà tăng giá sớm bị chặn lại.
Tuy nhiên, ông Morse nói rằng, nếu OPEC kéo dài việc cắt giảm sản lượng, thì triển vọng về một thị trường dầu lửa bị thắt chặt nguồn cung càng trở nên rõ ràng hơn. Ông nhấn mạnh rằng, sự thiếu hụt nguồn cung này sẽ chủ yếu đến từ OPEC thay vì các nước sản xuất dầu ngoài khối.
“Họ không còn khả năng tăng sản lượng thêm nữa”, ông Morse nói về nhóm 5 nước trong OPEC.
“Chúng tôi nhận thấy rằng không phải các công ty dầu lửa quốc tế hiện nay đang chậm về đầu tư cho khai thác mới, mà chính các nước OPEC đang chậm trong lĩnh vực này, nhất là 5 nước kia”, vị chuyên gia phát biểu.
Riêng tại Iran, các nhà đầu tư trong ngành dầu lửa có thể chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Nước này hiện đang xuất khẩu 2,6 triệu thùng dầu mỗi ngày và dự kiến sẽ tăng mức xuất khẩu vào cuối năm 2017, theo dữ liệu từ công ty dầu khí quốc gia National Iranian Oil.
 
Về Iraq, ông Morse nói các điều khoản hợp đồng khai thác dầu của nước này kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Một loạt công ty năng lượng lớn như Lukoil hay Shell đều đã rút dự án hoặc giảm vốn đầu tư ở nước này.
Về Libya và Nigeria, ông Morse cho rằng hai nước này đã khôi phục được hầu hết phần sản lượng suy giảm vì nội chiến trước đây và khó có thể khai thác mạnh hơn. Trong khi đó, bất ổn chính trị ở Venezuela đã khiến đầu tư vào ngành dầu lửa của nước này sụt giảm, khiến lượng dầu xuất khẩu của nước này khó có thể sớm hồi phục.
 
Trích nguồn: http://Vneconomy.vn

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

3669857
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
2149
3465
14393
1587004
97019
3669857

Your IP: 18.188.66.13
Server Time: 2024-04-25 22:53:47

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
62 khách & 0 thành viên trực tuyến