Đồng Bath Thái Lan tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế

 

Đồng Bath Thái Lan tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế

 20 năm trước đồng bath bất ngờ mất giá, gây ảnh hưởng lớn trên thế giới. Hiện nay, đồng Bath là đồng tiền mạnh nhất của châu Á, vì Thái Lan có đến 70% hoạt động kinh tế có được do xuất khẩu và phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng hóa của Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong năm nay đồng Bath đã tăng giá 8,1%. Các nhà đầu tư đang mất niềm tin vào chính sách kinh tế của Donald Trump, và đồng đô la. Ngân hàng trung ương Thái Lan đã buộc phải can thiệp, do lo ngại rằng Tổng thống Mỹ sẽ dán nhãn Thái Lan là nước thao túng tiền tệ. Trong khi đó, lợi nhuận từ lĩnh vực bất động sản của Thái Lan khá cao do đầu cơ.

Hiện nay, ngành thương mại du lịch tăng trưởng, lượng dự trữ ngoại tệ và thặng dư tài khoản vãng lai tăng, đồng baht tăng giá. Đầu tư cơ sở hạ tầng giảm, do chính phủ không khuyến khích đầu tư.
Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan đạt 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ Thái Lan đã đầu tư 45 tỷ USD để nâng cấp đường xá, bến cảng và lưới điện, khuyến khích Toyotas và Samsungs đầu tư vào Thái Lan để tạo thêm công ăn việc làm. Những nỗ lực bài trừ tham nhũng, cắt giảm thủ tục rườm rà và giảm tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Thái Lan vẫn chậm hơn Trung Quốc. Lực lượng lao động tay nghề yếu cần phải được nâng cao thu nhập từ mức 6.000 USD hiện nay lên trên 10.000 USD. Đầu tư của khu vực tư nhân đang suy giảm.
Về lâu dài, tiền tệ chỉ mạnh lên khi có nền tảng vững chắc. Hệ thống chính quyền này đã tồn tại lâu nhất, từ đầu những năm 1970 đến nay. Nếu chính phủ không đưa ra một số cải cách lớn về tiền tệ, đồng baht có thể làm giảm mức tăng trưởng kinh tế.
Thông tin liên quan
Tăng trưởng kinh tế quý 2 của Thái Lan đạt 3,7%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,9% của Trung Quốc, 6,5% của Philippines và 5% của Indonesia.
 
Ngày 21/8, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo số liệu về "lượng chuyển khoản giữa các tài khoản tiền bath vãng lai có thể liên quan đến đầu cơ tiền tệ" và họ cảnh báo có thể đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế đầu cơ, tăng giá trị của đồng Baht.
 Nguồn: VITIC/Reuters

 

Xăng E5 thay thế Ron 92: Cần bảo đảm nguồn cung

 

Xăng E5 thay thế Ron 92: Cần bảo đảm nguồn cung

 Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa, xăng sinh học E5 sẽ thay thế hoàn toàn xăng khoáng Ron 92 trên thị trường. Bên cạnh những khó khăn về nguồn cung, vẫn còn tâm lý dè dặt của người tiêu dùng đối với mặt hàng này. Vì thế, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành liên quan nhằm đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 486 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 140 cửa hàng xăng dầu có kinh doanh xăng E5, chiếm khoảng 28,8%, tăng 1 cửa hàng kinh doanh xăng E5 so với quý I/2017.
Về nguồn cung, hiện nay, có 3 trạm trộn xăng E5 của các thương nhân đầu mối cung cấp cho thị trường thành phố Hà Nội. Cụ thể: 1 trạm phối trộn của Công ty Xăng dầu Khu vực I tại Tổng kho Xăng dầu Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội với công suất là 15.000m3/tháng; 1 trạm phối trộn của Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội tại Hải Phòng, công suất 8.000m3/tháng; 1 trạm phối trộn của Tập đoàn Xăng dầu Dầu khí Việt Nam (PVOIL) tại Tổng kho Đình Vũ, Hải Phòng, công suất 20.000m3/tháng.
Ngoài ra, còn có 1 trạm trộn xăng E5 đang được đầu tư (tại kho xăng dầu thôn Đỗ Xá, xã Minh Cường, huyện Thường Tín của Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình), công suất 10.000m3/tháng. Dự kiến, ngày 01/01/2018, trạm trộn này sẽ bắt đầu xuất hàng.
Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc tổ chức kinh doanh xăng sinh học E5 vẫn tập trung vào các doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn, chiếm 88%; các doanh nghiệp là đại lý bán lẻ xăng dầu, các thương nhân nhượng quyền, cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa quyết liệt thực hiện chuyển đổi, kinh doanh xăng E5.
Nguyên nhân được ông Thăng cho hay là từ cả phía doanh nghiệp đầu mối, cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng. Cụ thể, theo báo cáo của doanh nghiệp đầu mối, nguồn cung xăng E100 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trên thị trường Việt Nam tại thời điểm này chỉ còn 1 nguồn cung đó là nguồn cung từ nhà máy lọc dầu của Công ty Tùng Lâm tại Bình Dương, nên chi phí vận chuyển về đến Hà Nội cao.
Trong khi đó, nguồn cung E5 hiện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về xăng E5 khi các cửa hàng xăng dầu chuyển đổi theo lộ trình. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay việc kinh doanh xăng E5 chưa đem lại hiệu quả kinh tế như với xăng khoáng Ron 92…
Về phía cửa hàng bán lẻ, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 306 cửa hàng xăng dầu có diện tích dưới 300 m2, với các cửa hàng trên, việc cải tạo, sửa chữa để bố trí thêm bể chứa xăng sinh học E5 gặp nhiều khó khăn do diện tích nhỏ, không bảo đảm khoảng cách từ bể chứa đến các công trình trong cửa hàng theo quy định...
Ngoài ra, người tiêu dùng chưa chủ động lựa chọn xăng E5 để sử dụng do tâm lý cho rằng sử dụng xăng E5 sẽ tiêu hao lớn hơn sử dụng xăng Ron 92, dễ hỏng hóc, cháy nổ phương tiện...
Cần chuẩn bị tốt nguồn cung
Để bảo đảm đến ngày 01/01/2018 chỉ còn kinh doanh xăng E5 và xăng Ron 95, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho hay, trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật, chuẩn bị về nguồn cung, nghiêm túc triển khai thực hiện kinh doanh xăng E5.
Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thống kê, rà soát các trang thiết bị hiện có để có hướng đầu tư, cải tạo…
Đồng thời, sẽ làm việc với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu để có phương án chuẩn bị nguồn cung bảo đảm khi triển khai thực hiện đồng loạt (ngày 01/01/2018) không bị thiếu hụt nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng trên địa bàn Thành phố.
 
Theo như báo cáo của 4 doanh nghiệp đầu mối có trạm trộn xăng E5 cho thành phố Hà Nội, tổng công suất trạm trộn chỉ đạt khoảng 53.000m3/95.000m3/tháng, chiếm khoảng 56% tổng nhu cầu thị trường nếu thay thế hoàn toàn xăng Ron 92 bằng xăng E5. Do đó, ông Lê Hồng Thăng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối có trạm trộn xăng E5 có phương án nâng công suất để đáp ứng được 100% nhu cầu xăng E5 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đồng thời, kiến nghị, UBND Thành phố chỉ đạo Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội xem xét, đề xuất cơ chế cho các DN có kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố được vay vốn đầu tư cải tạo, sửa chữa cửa hàng phục vụ việc chuyển đổi sang kinh doanh xăng E5 (nếu có nhu cầu) theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương.
Nguồn: Thùy Linh/Chinhphu.vn
 

Đưa mức tồn kho than dưới 6 triệu tấn trong năm 2018

 

Đưa mức tồn kho than dưới 6 triệu tấn trong năm 2018

Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam đang chỉ đạo các ban chuyên môn phối hợp tốt với các đơn vị trong điều hành để tăng cường tiêu thụ than, đưa mức tồn kho về dưới 6 triệu tấn trong năm 2018.
Đây là mức tồn kho trong điều kiện dự trữ cần thiết để luôn đảm bảo nguồn than cung cấp trong nước, đáp ứng yêu cầu an ninh năng lượng quốc gia. Theo kế hoạch đã được Hội đồng thành viên phê duyệt, năm 2018, dự kiến toàn tập đoàn sẽ đặt kế hoạch tiêu thụ 36 triệu tấn than các loại. Hiện tại, tập đoàn chỉ đạo các đơn vị sản xuất than nguyên khai theo 3 kịch bản: Sản xuất 36 triệu tấn, 35 triệu tấn hoặc 34 triệu tấn tùy theo mức độ tiêu thụ than trên thị trường để đạt được con số tồn kho trong giới hạn 5-6 triệu tấn.
Cùng với đẩy mạnh tiêu thụ để đạt được mục tiêu trên, năm 2018, tập đoàn cũng điều hành tiếp tục ổn định sản xuất đảm bảo tốc độ tăng trưởng hợp lý với mục tiêu “An toàn - Đổi mới - Phát triển”; giữ vững và phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; đảm bảo thu nhập cho người lao động năm 2018 phải cao hơn so với năm 2017, đặc biệt là đội ngũ thợ lò; tìm mọi biện pháp để giữ chân thợ lò; đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn và an sinh xã hội… Trong chỉ đạo điều hành khối sản xuất than hầm lò, cố gắng không giảm sản lượng, giao tối đa sản lượng cho các đơn vị khai thác bằng cơ giới hóa đồng bộ và các đơn vị khai thác có công suất cao. Khối sản xuất than lộ thiên cân đối sản xuất theo năng lực tài chính, hạn chế công tác thuê ngoài, phát huy tối đa năng lực tự có của đơn vị đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Các khối sản xuất khác phát huy tối đa năng lực, đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ giảm tồn kho, tăng trưởng hiệu quả sản xuất kinh doanh…
 
Nguồn: Thanh Mai/Báo Công Thương điện tử

 

Thị trường bán lẻ Việt Nam với những hướng chuyển động tích cực

 

Thị trường bán lẻ Việt Nam với những hướng chuyển động tích cực

Làn sóng trên thị trường bán lẻ “Thời trang nhanh” tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ

 Sau một thời gian phát triển khá cầm chừng, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang có những chuyển biến đáng kể, với sự góp mặt của hàng loạt các thương hiệu lớn từ các nhiều lĩnh vực nổi bật như thời trang hay cửa hàng tiện lợi. Sự cạnh tranh nội - ngoại vẫn luôn là một mối quan tâm lớn của dư luận. Song nhìn chung trong hiện tại thị trường vẫn đang có nhiều hướng chuyển động rất tích cực.
Làn sóng trên thị trường “Thời trang nhanh”
Từ sau cơn sốt Zara, thị trường thời trang Việt Nam lại xôn xao khi Hennes & Mauritz AB (H&M) sẽ chính thức ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 9/9 tới đây. Độ phủ của hai thương hiệu này không còn xa lạ với những tín đồ thời trang trong nước. Cho đến thời điểm này, những gì mà Zara Vietnam thể hiện tại cửa hàng đầu tiên của mình ở Trung tâm thương mại Vincom (TP. Hồ Chí Minh) sau 1 năm đã chứng tỏ sức hút đáng kinh ngạc của trường phái kinh doanh fast – fashion (thời trang nhanh) và không ít người tiêu dùng cũng trông chờ rằng, liệu H&M có “làm nên chuyện”?
Theo kinh nghiệm làm việc với hai đối tác trên của Bộ phận bán lẻ Savills, Việt Nam luôn được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập, bất kể nền kinh tế đang chuyển động thế nào. Đối với thị trường trong nước, đơn vị quản lý Zara tại Indonesia cũng áp dụng một chính sách giá đặc biệt cho thị trường Việt Nam thấp hơn các nước trong cùng khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… từ 15- 20%, với những mã hàng chọn lọc. Sau Zara, các “anh em” nhà Inditex như Stradivarius, Pull&Bear, Massimo Dutti cũng lần lượt thâm nhập thị trường Việt Nam, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng đầy tiềm năng.
Đối với H&M, hệ thống các nhà cung cấp và đối tác rộng khắp cho phép thương hiệu này sở hữu mức giá phải chăng và không có sự chênh lệch lớn giữa các thị trường. Chính sách giá “phải chăng” để thu hút số lượng lớn người mua đã được H&M áp dụng trên hơn 3.000 cửa hàng tại hơn 53 quốc gia.
Tại Việt Nam, giá thành của H&M cũng được dự đoán sẽ thấp hơn Zara, và mục tiêu hướng đến lượng người mua cao nhất cũng thể hiện trong tiêu chí chọn mặt bằng bán lẻ với diện tích từ 2.000-3.000m2 của hãng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc bắt tay với các nhà thiết kế danh tiếng như Karl Lagerfeld hay Balmain đã đem đến một vị thế mới cho nhà mốt Thụy Điển, trong mặt bằng “thời trang nhanh” đại chúng. Tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia thứ 5 sau Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan mà thương hiệu này có mặt.
Trong tương lai, sự góp mặt của Uniqlo- nhãn hiệu thời trang nổi tiếng của Nhật Bản với những mô hình bán lẻ đặc trưng từ Nhật cũng hứa hẹn sự sôi động cho thị trường này.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch kinh tế, với những thay đổi sâu sắc trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Cách đây khoảng 4-5 năm, các khảo sát từ nhiều đơn vị uy tín quốc tế đã nhận định rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam cần 1 thập kỉ để phát triển. Nhưng đến nay, nhiều chuyên gia đã thật sự bất ngờ với những gì họ đang chứng kiến. Bước đột phá đầy ấn tượng của thị trường xuất phát từ nhu cầu mua sắm hàng ngoại nhập giá bình dân bị dồn nén, và sự thỏa mãn nhỏ giọt từ hàng xách tay. Minh chứng cho điều này chính là doanh thu của Zara Việt Nam hiện nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của hãng và thứ bậc trên cũng tạo thêm động lực mạnh mẽ cho các nhà mốt khác như Uniqlo, Forever21… gia nhập vào thị trường Việt.
Ngoài ra, có thể được thấy rõ trong sự chênh lệch giữa tỷ lệ mở rộng của các ngành hàng bán lẻ khác nhau. “Thời trang nhanh” với đặc trưng nổi bật là giá cả hợp lý hiện đang là ngành hàng phát triển mạnh nhất, tiếp theo đó, các ngành hàng khác như rạp chiếu phim, giải trí và ẩm thực hiện cũng đang trên đà phát triển. Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ đang hoạt động tại Việt Nam đang dần nhanh nhạy hơn trong việc đáp ứng những nhu cầu thường nhật của khách hàng và đưa ra những mức giá phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng.
Cạnh tranh bán lẻ nội - ngoại
Nhìn một cách tổng quát, thị trường bán lẻ đã có sự mở cửa nhưng cánh cửa này vẫn chưa thật sự đủ rộng rãi, để nhằm mục tiêu bảo vệ các nhà bán lẻ nội địa. Vì vậy, để tránh mất thời gian và công sức, các nhà bán lẻ nước ngoài chủ yếu tập trung vào chiến lược mua bán sát nhập (M&A) bởi ba lý do: nhanh chóng, dễ dàng và an toàn.
Nhanh là nhờ có sẵn sự hỗ trợ, dễ là không bị vướng mắc nhiều vấn đề thủ tục pháp lý, giấy tờ… và an toàn nhờ có lượng khách ổn định. Nếu so với những hình thức đầu tư truyền thống thì chiến lược này giúp tiết kiệm cả tiền, công sức lẫn thời gian.
 
Theo ước tính khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về DN nước ngoài. Trong tương lai, hoạt động của các DN bán lẻ nội có khả năng bị thu hẹp hơn do thiếu kinh nghiệm, quy mô đầu tư và nguồn nhân lực. Đặc điểm của các DN ngoại là sự bài bản, cẩn trọng và chiến lược, tầm nhìn dài hạn, trong khi đó, DN Việt Nam được đánh giá là linh hoạt, dễ thích ứng vì thấu hiểu được thói quen và văn hóa người tiêu dùng. Thế nhưng, ở sân chơi quốc tế thì sự linh hoạt này không còn là ưu điểm dù thế mạnh đó có thể áp dụng cho một số thị trương mới ở các tỉnh. Nếu muốn phát triển bền vững, các DN Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho “cuộc đua” cần sức bền này.
Ngoài ra, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng là mảnh đất màu mỡ cho các quỹ đầu tư nước ngoài. Các đơn vị này sẵn sàng đổ vốn vào một số DN nội để phục vụ mục đích phát triển, mở rộng thị trường bán lẻ trong một số các lĩnh vực như ẩm thực (F&B), giải trí, giáo dục… Lĩnh vực sản xuất để phục vụ cho bán lẻ cũng có các bước chuyển dịch đáng kể, khi xu hướng sản xuất tại nước sở tại đang có chiều hướng tăng vì giá thành cạnh tranh hơn và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thói quen, thị hiếu tiêu dùng.
Nguồn: Thanh Thanh/Báo công thương điện tử

EVN đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải và có dự phòng

 

EVN đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải và có dự phòng

EVN đã thực hiện nghiêm quy định của nhà nước về điều tiết nước hồ chứa

Đây là cam kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc quản lý vận hành hệ thống điện an toàn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong tháng 9/2017 cũng như các tháng còn lại của năm 2017.
Trong tháng 8/2017, EVN đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân cũng như các sự kiện, hoạt động dịp lễ kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 8/2017 đạt 18,1 tỷ kWh (trung bình 585,4 triệu kWh/ngày), sản lượng ngày cao nhất đạt 641,9 triệu kWh và công suất cao nhất toàn hệ thống là 30.854 MW. Lũy kế 8 tháng sản lượng toàn hệ thống đạt 130,4 tỷ kWh, tăng 7,64% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 8/2017 ước đạt 15,8 tỷ kWh; lũy kế 8 tháng năm 2017 ước đạt 113,9 tỷ kWh, tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 9,03%.
EVN và các đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc vận hành điều tiết các hồ thủy điện lớn ở phía Bắc, thực hiện nghiêm việc đóng/mở các cửa xả lũ các công trình thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đảm bảo an toàn công trình và hạ du theo điều hành của Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai. Công tác chủ động ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6 và số 7 được các đơn vị triển khai thực hiện rất tích cực, khôi phục nhanh nhất có thể các sự cố về điện tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong tháng, EVN đã vận hành hệ thống điện linh hoạt, an toàn, nhất là hệ thống truyền tải Bắc - Nam, đảm bảo đủ điện cho miền Nam, kể cả trong thời gian hệ thống khí PM3 - Cà Mau ngừng khai thác để bảo dưỡng sửa chữa định kỳ. Các hồ thủy điện nước về tương đương hoặc khá hơn giá trị trung bình nhiều năm. Do đó trong tháng 8 các nhà máy thủy điện tiếp tục được huy động cao, các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí huy động hợp lý theo tình hình thực tế.
Về đầu tư xây dựng, trong tháng 8/2017 đã phát điện hòa lưới tổ máy 2 Nhiệt điện Thái Bình. Tính chung 8 tháng, tập đoàn đã đưa vào vận hành, phát điện thêm 8 tổ máy với tổng công suất là 1.535 MW, gồm: Thủy điện Trung Sơn (4x65MW), Nhiệt điện Thái Bình (2x300MW), Thủy điện Thác Mơ mở rộng (75MW), tổ máy 2 - Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (600MW). Về lưới điện, trong tháng 8, EVN và các đơn vị đã khởi công 9 công trình; hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 18 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500kV; lũy kế 8 tháng năm 2017, đã khởi công 127 công trình, hoàn thành và đưa vào vận hành 145 công trình.
Về việc cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo, vào ngày 10/8/2017, EVN và UBND tỉnh Quảng Trị đã ký Biên bản bàn giao, tiếp nhận hệ thống điện trên huyện đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị.
Theo tính toán của EVN, tháng 9/2017, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 563 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 30.300 MW. Như vậy, hệ thống điện sẽ đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng.
Để hoàn thành mục tiêu này, EVN sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm theo quy trình điều tiết liên hồ chứa, đồng thời tranh thủ khai thác tối ưu lượng nước về các hồ, ưu tiên khai thác các nhà máy thủy điện đang có mực nước cao và/hoặc nước về tốt. Các nhà máy nhiệt điện than và tua bin khí khai thác theo kế hoạch điều tiết thủy điện, đảm bảo cung cấp điện miền Nam, trong đó ưu tiên huy động tối đa các nguồn điện chạy khí. Tiếp tục đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam. Ngoài ra, các đơn vị thuộc EVN tiếp tục chấp hành nghiêm Chỉ thị số 1627/CT-EVN ngày 17/4/2017 của tập đoàn về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nhất là các đơn vị ở khu vực miền Trung, sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống xảy ra lụt bão, đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thuỷ điện, rà soát kỹ việc ban hành và thực hiện quy chế phối hợp giữa các nhà máy thủy điện và chính quyền địa phương trên địa bàn.
Về công tác đầu tư xây dựng nguồn điện: Trong tháng 9/2017, tiếp tục công tác chạy thử nghiệm tổ máy 1 Nhiệt điện Thái Bình; khẩn trương hoàn thiện công trình để tiến hành nghiệm thu bàn giao các dự án Thủy điện Trung Sơn, Thác Mơ mở rộng; Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và các dự án sau khi được cấp PAC như Nhiệt điện Mông Dương 1, Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1.
 
Về lưới điện, trong tháng 9/2017, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện các công trình: Đường dây 500/220kV Đông Anh - Bắc Ninh 2, các đường dây 220kV Hòa Bình - Tây Hà Nội, Bảo Thắng - Yên Bái, Thái Bình - Tiền Hải - Trực Ninh, nhánh rẽ 1C sau trạm biến áp 500kV Phố Nối, lắp máy 2 Đô Lương, lắp kháng bù ngang trên lưới 500kV; Tổng công ty Điện lực miền Bắc khẩn trương hoàn thành các đường dây 110kV: Vĩnh Yên - Vĩnh Yên 2, Hải Dương - Phố Nối, Than Uyên - Phong Thổ, Séo Chung Hô - Sử Pán; Tổng công ty Điện lực miền Trung tiếp tục hoàn thiện các công trình đảm bảo cấp điện cho các sự kiện của Hội nghị APEC 2017; Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các công trình 110kV đồng bộ sau các trạm biến áp 220kV Long Biên, Tây Hà Nội, các trạm biến áp 110kV Thủ Lệ, công viên Thống Nhất và các tuyến cáp ngầm 110kV Nhật Tân - Yên Phụ, Thành Công - Thượng Đình...
Bên cạnh đó, EVN tiếp tục tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017-2020.
Nguồn: Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

3692609
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
3177
18660
37145
1587004
119771
3692609

Your IP: 18.221.141.44
Server Time: 2024-04-27 03:11:36

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
255 khách & 0 thành viên trực tuyến