Không phải vàng, đây mới là kim loại sẽ được thèm khát nhất trong tương lai

 

Không phải vàng, đây mới là kim loại sẽ được thèm khát nhất trong tương lai

Bắt đầu được giao dịch mạnh từ 2 năm trước đây, Lithium ngày càng trở nên đắt giá trong mắt nhà đầu tư. Chỉ trong vòng 10 tháng qua, giá kim loại này đã tăng gấp 3 lần lên 20.000 USD/tấn do lo ngại thiếu cung trên thị trường.
Nguyên nhân chính của sự tăng giá mạnh mẽ này là do nhu cầu sản xuất xe điện ngày một tăng, qua đó kích thích nhu cầu sử dụng ắc quy có chứa lithium, bên cạnh những sản phẩm cần ắc quy khác như smartphone hay laptop. Thêm vào đó, nguồn cung Lithium hiện nay không đủ cầu so với những nguyên liệu cũng được dùng cho ắc quy như Cobalt hay Nickel.
Số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy giá của loại mặt hàng này sẽ còn tăng trong tương lai khi sản lượng sản xuất xe điện theo dự đoán sẽ tăng hơn 30 lần vào năm 2030.
 
Doanh số xe điện được dự báo sẽ đạt 24,4 triệu vào năm 2030
Mặc dù vậy, khai thác Lithium hiện vẫn còn rất hạn chế và trong khoảng 12 năm tới, các công ty dự kiến mới chỉ khai thác được chưa đến 1% dự trữ Lithium trên toàn cầu. Bởi vậy theo dự đoán, các mỏ khai thác cũng như những dự án thăm dò Lithium sẽ tích cực được xây dựng trong tương lai.
 
Lithium là một trong những nguyên liệu chủ chốt cho ắc quy
Trong khi đó, số liệu của Sanford C. Bernstein cho thấy các hãng khai thác Lithium sẽ cần khoảng 350-750 tỷ USD để đầu tư nâng cấp, thăm dò thêm những mỏ mới.
 
Lượng Lithium cần cho mỗi chiếc xe điện là rất lớn
Hiện nay, những khu khai thác Lithium đang bị hạn chế khá nhiều do lo ngại ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Khoảng 49% số Lithium được khai thác hiện nay đến từ Chile và chính phủ đang gia hạn ngưỡng được phép khai thác trước lo ngại ô nhiễm nguồn nước và đất đai.
 
Các mỏ lhai thác Lithium chính trên thế giới
Mặc dù nhiều công ty khai thác hiện nay đã cam kết mở thêm 20 mỏ mới nhưng các chuyên gia lo ngại cung vẫn không theo kịp nhu cầu trên thị trường. Mỏ Lithium gần nhất chỉ được dự kiến đưa vào hoạt động năm 2019.
 
 
 
Ngay cả khi Lithium tăng giá 300%, giá ắc quy cũng sẽ chỉ tăng khoảng 2%
Tuy nhiên, dù các nhà cung cấp bắt kịp nhu cầu, việc Lithium được đáp ứng đầy đủ cũng không khiến giá nhiều loại sản phẩm như xe điện hay smartphone đi xuống bởi chúng chưa là gì so với những chi phí sản xuất khác.

Nguồn: Cafef.vn

Đêm nay, iPhone 8 và iPhone X ra mắtiPhone 8 và iPhone X ra mắt

 

 Đêm nay, iPhone 8 và iPhone X ra mắtiPhone 8 và iPhone X ra mắt

Sự kiện công nghệ được chờ đợi nhất trong năm sẽ được Zing tường thuật trục tiếp vào 0h ngày 13/9 (giờ Việt Nam).
Vào 0 giờ đêm nay, Apple sẽ ra mắt iPhone mới ngay tại khán phòng Steve Jobs, bên trong khuôn viên trụ sở hình phi thuyền vừa hoàn thành.
Trước giờ G, rất nhiều thông tin cho rằng iPhone mới sẽ mang tên iPhone X. Trong khi đó, các hãng tin, tạp chí lớn như Bloomberg, CNN, Forbes... đều dự đoán Apple sẽ ra mắt đến ba chiếc iPhone, gồm iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X - phiên bản kỷ niệm 10 năm của dòng điện thoại này.
Riêng iPhone X được đồn đoán dùng màn hình OLED để có khả năng hiển thị tốt hơn, tiết kiệm pin hơn, viền siêu mỏng, cảm biến nhận diện gương mặt để mở khoá, sạc không dây, phím Home cảm ứng.
Ngoài iPhone, còn rất nhiều điều đáng chờ đợi ở sự kiện này. Những ai đang ngóng chờ chiếc Apple Watch 3 hoặc bản nâng cấp của Apple Watch 2 có thể được thoả lòng. Người dùng iPhone có thể được nâng cấp lên iOS 11 bản chính thức và tải về macOS High Sierra cho Macbook.
 
Bên cạnh đó, Apple có thể giới thiệu phiên bản 4K của Apple TVTV. Ngoài việc stream nội dung 4K, Apple TV mới cũng sẽ hỗ trợ cả hai chuẩn HDR10 lẫn Dolby Vision, theo Bloomberg và The Verge.
Nguồn: http://vinanet.vn

Nhiều ô tô tại Việt Nam hiện rẻ giá ngang ngửa Thái Lan

 

Nhiều ô tô tại Việt Nam hiện rẻ giá ngang ngửa Thái Lan

 Những chương trình giảm giá liên tục từ đầu năm đến nay giúp người tiêu dùng Việt có cơ hội mua ôtô với giá tương đương các nước trong khu vực.

Xét mặt bằng chung, giá xe tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, một loạt chương trình hạ giá, khuyến mãi thời gian gần đây đã kéo giá của một số dòng xe xuống mức ngang ngửa, thậm chí thấp hơn so với ở Thái Lan.

Tích cực nhất trong chiến dịch giảm giá xe từ đầu năm phải kể đến Thaco, với hai thương hiệu Kia, Mazda. Giảm sâu, giảm liên tục là những gì doanh nghiệp này làm, với mong muốn chiếm lĩnh thị trường. Vì thế, mẫu crossover đắt khách Mazda CX-5 lập hết đáy này đến đáy khác về giá.
Hiện tại, giá bán của Mazda CX-5 là từ 799 triệu đồng (khoảng 35.156 USD) cho phiên bản 2.0 2WD, nhưng ở đại lý dòng xe này có giá bán thực tế chỉ khoảng 790 triệu đồng (34.000 USD). Trong khi đó, tại Thái Lan, Mazda CX-5 bản tương tự có giá khoảng 36.000 USD. Mức chênh lệch khoảng 2.000 USD là điều hiếm có trong tương quan giá xe tại Việt Nam và Thái Lan nhiều năm qua. Hiện tại, giá của những chiếc CX-5 thế hệ mới tại Indonesia và Malaysia lần lượt khoảng 40.000 USD và 32.000 USD, tuy nhiên phiên bản này chưa được bán tại Việt Nam.
Một mẫu crossover khác gây nên cơn sốt hồi đầu tháng 9 này là Honda CR-V cũng có thời điểm giá tốt hơn so với phiên bản đang bán tại Thái Lan, Indonesia. Mức giá gây sốc hồi đầu tháng 9 của CR-V 2.0 là khoảng 730-750 triệu đồng (32.000-33.000 USD), tương đương với mẫu CR-V thế hệ mới đang bán tại Indonesia và Malaysia. Honda CR-V 2.4 AT giá niêm yết 988 triệu đồng (43.000 USD), chưa kể đại lý giảm còn khoảng 780 triệu (34.000 USD), rẻ hơn khá nhiều so với bản CR-V 2.4 tại Thái Lan giá 45.000 USD. Tuy nhiên, mẫu xe đang bán tại Thái Lan là phiên bản mới, 7 chỗ ngồi.
Ngoài hai dòng xe có giá bán thấp hơn kể trên, nhiều mẫu xe khác tại Việt Nam hiện cũng không chênh lệch quá nhiều về giá so với các nước ASEAN. Toyota Vios hiện áp dụng giảm giá tại đại lý khoảng 70 triệu đồng, phiên bản 1.5G giá khoảng 552 triệu (24.000 USD), ở Thái Lan giá khoảng 22.000 USD, trong khi Indonesia là hơn 23.000 USD.
Mazda3 sedan tại Việt Nam hiện có giá 650 triệu (28.000 USD) cho bản 1.5 và 760 triệu (33.000 USD) cho bản 2.0. Trong khi đó, ở Thái Lan giá khoảng từ 25.000 USD đến 29.000 USD đối với phiên bản Mazda3 2.0.

 

Trên thực tế, nhiều nước thuộc khối ASEAN đều nằm trong top những quốc gia có giá xe ôtô đắt nhất thế giới. Việt Nam xếp sau Singapore về giá ôtô, trong khi xếp trên Thái Lan và Indonesia.
Một trong những nguyên nhân khiến giá xe tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực là do tỷ lệ nội địa hóa chưa cao. Toyota Việt Nam là hãng xe nội địa hóa nhiều nhất cũng chỉ đạt khoảng 37%, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện hiện áp mức từ 15 đến 18%. So với Thái Lan, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn tụt hậu khá xa, nên việc nhập khẩu linh kiện là không tránh khỏi với các đơn vị lắp ráp.
Trong khi đó, những chiếc xe nhập khẩu từ ASEAN hiện cũng phải chịu thuế nhập khẩu 30%, khiến một chiếc xe nhập nguyên chiếc về nước sẽ có giá cao hơn tại Indonesia hay Thái Lan, chưa kể các chi phí kinh doanh khác của doanh nghiệp.

 
Năm 2018, thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN sẽ về mức 0%, nên nhiều người hy vọng giá xe sẽ giảm đáng kể, tương đương với các nước trong khu vực. Đối với xe lắp ráp trong nước, việc thuế nhập khẩu nội khối ASEAN về 0% sẽ tạo ra sức ép lớn về cạnh tranh, do đó, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án để giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô trong 5 năm 2018-2022.
Với những diễn biến thuế mới trong năm 2018, hy vọng về giá ôtô ngang bằng với các nước trong khu vực là điều có thể xảy ra với những người muốn sở hữu ôtô tại Việt Nam.
Nguồn: http://vinanet.vn

Ngành than dồn sức về đích Ngành than dồn sức về đích

 

Ngành than dồn sức về đích

 Cùng với việc quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm đạt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật quan trọng trong tháng 9, làm cơ sở phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ tiếp tục điều hành sản xuất theo khả năng tiêu thụ sản phẩm, bám sát thị trường.
Thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh 
Theo Ban Kế hoạch TKV, 8 tháng đầu năm, cơ bản các đơn vị trong tập đoàn đã thực hiện tốt kế hoạch điều hành sản xuất - kinh doanh đề ra từ đầu năm. Cụ thể, toàn tập đoàn đã khai thác được 24,58 triệu tấn than nguyên khai; sản xuất 22,74 triệu tấn than sạch thành phẩm; tiêu thụ 22,24 triệu tấn than, trong đó, tiêu thụ trong nước 21,38 triệu tấn, xuất khẩu 866 nghìn tấn.
Bên cạnh đó, sản xuất khoáng sản cũng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra với trên 7,3 nghìn tấn đồng tấm; gần 7,1 nghìn tấn kẽm thỏi; hơn 725 nghìn tấn alumin quy đổi, đồng thời, tiêu thụ trên 664 nghìn tấn alumin, bằng 67,8 % kế hoạch năm 2017…
Kết quả trên đã giúp TKV đạt tổng doanh thu trong 8 tháng qua bằng 65,4% kế hoạch năm với số thực hiện ước đạt trên 69,8 nghìn tỷ đồng, bằng 109% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ than đạt trên 35,3 nghìn tỷ đồng, thu từ sản xuất, tiêu thụ khoáng sản đạt hơn 8,1 nghìn tỷ đồng; từ sản xuất, bán điện là gần 7,74 nghìn tỷ đồng; lĩnh vực sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp là 2,85 nghìn tỷ đồng và doanh thu từ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác đạt trên 14,4 nghìn tỷ đồng.
Đồng bộ nhiều giải pháp 
Để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2017, Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết: Lãnh đạo TKV chỉ đạo các đơn vị thành viên nỗ lực hơn nữa, hoàn thành các chỉ tiêu trong tháng 9 và những tháng tiếp theo với nhiều giải pháp đi kèm. Cụ thể, tháng 9, TKV phấn đấu sản xuất 2 triệu tấn than nguyên khai; tiêu thụ 2,5 triệu tấn than; tăng cường quản lý tài nguyên, chất lượng sản phẩm, giảm 5% tỷ lệ tổn thất trong khai thác so với năm trước; phấn đấu giảm tồn kho tối thiểu 500 nghìn tấn than các loại để đến cuối năm đưa tồn kho về mức hợp lý.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh khoáng sản cũng có những giải pháp phù hợp để bảo đảm sản xuất đạt kế hoạch đề ra trong tháng 9, gồm: 75 nghìn tấn alumin; 4 nghìn tấn tinh quặng đồng; 1 nghìn tấn đồng tấm; 900 tấn kẽm thỏi; 12 nghìn tấn tinh quặng sắt…; đẩy mạnh tiến độ các dự án đồng Tả Phời, mở rộng đồng Sin Quyền, mở rộng Luyện đồng Lào Cai.
Với nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai, vận hành ổn định, tối ưu hóa các chỉ tiêu công nghệ kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tổ chức khai thác đủ nguyên liệu quặng bauxite đáp ứng cho hai nhà máy để tăng hiệu quả kinh doanh. Riêng lĩnh vực sản xuất điện, trong tháng 9, sản xuất đạt 600 triệu kWh.
Đặc biệt, ngay trong tháng 9, các đơn vị thành viên phải xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cho năm 2018 và các năm tiếp theo trên nguyên tắc sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường và cân đối tồn kho ở mức hợp lý. Một nhiệm vụ quan trọng được TKV tiếp tục tập trung thực hiện là triển khai phương án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ; trong đó sẽ tập trung tái cơ cấu kỹ thuật và công nghệ, tổ chức, hệ thống quản trị, tài chính và lao động.
 
Năm 2017, TKV phấn đấu sản xuất 35,5 triệu tấn than sạch, tăng 2 triệu tấn theo chỉ đạo của Chính phủ; tiêu thụ 36 triệu tấn than; dự kiến tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 106.865 tỷ đồng; lợi nhuận dự kiến đạt trên 2.000 tỷ đồng; nộp ngân sách 12.600 tỷ đồng...
Nguồn: Hoàng Châu/Báo Công Thương điện tử

Trung Quốc toan tính gì với loạt doanh nghiệp “khủng long”?

 

Trung Quốc toan tính gì với loạt doanh nghiệp “khủng long”?

Theo tờ South China Morning Post, chính quyền Bắc Kinh đang tích cực đẩy nhanh việc thay đổi cơ cấu sở hữu trong các doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất nước, để biến chúng thành những doanh nghiệp đã lớn nay còn lớn hơn – hay còn được gọi là “khủng long”.

 Bằng cách hình thành loạt doanh nghiệp khổng lồ có tầm ảnh hưởng lớn, động thái này được cho là sẽ thay đổi cục diện kinh tế Trung Quốc trong tương lai. 

Hình thành loạt doanh nghiệp đã lớn nay còn lớn hơn

Theo South China Morning Post, Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các tổ chức tài chính nhà nước và hãng công nghệ tư nhân khổng lồ đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, đang chìm trong nợ nần và hình thành “cơ cấu sở hữu hỗn hợp”. 

Công ty mẹ của China Unicom, công ty yếu kém nhất trong số 3 nhà mạng quốc doanh của Trung Quốc, mới đây đã bán 35,2% cổ phần của mình cho hơn chục nhà đầu tư trong thương vụ trị giá 78 tỷ Nhân dân tệ (11,9 tỷ USD). Trong số các nhà đầu tư mới của công ty này có Tencent Holdings, JD.com, Baidu và Alibaba Group. 

Trong khi đó, Công ty đường sắt China Railway Corp với khoản nợ hơn 700 tỷ USD cho biết đang tiến hành tiến trình cải tổ sang mô hình sở hữu hợp và đã gửi “lời mời” đến nhiều nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có hãng xe quốc doanh FAW Group. Còn hãng chuyển phát nhanh SF Express cho biết sẽ “nghiên cứu một cách nghiêm túc và chủ động tham gia” vào quá trình cải tổ của China Railway Corp. 

Chính quyền Bắc Kinh cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước lớn tiếp quản lại các doanh nghiệp nhỏ hơn. 

Tháng trước, tập đoàn bất động sản quốc phòng Poly Group với tài sản 95,7 tỷ USD đã thâu tóm hai doanh nghiệp nhỏ hơn là Sinolight Corp và China National Arts & Crafts Group. 

Tập đoàn khai thác than lớn nhất Trung Quốc Shenhua Group mới đây cũng cho biết sẽ sáp nhập với công ty điện China Guodian, lập thành hãng điện lớn nhất thế giới với tổng tài sản trị giá 270 tỷ USD. 

Mỗi tỉnh, thành phố hay thậm chí một huyện nông thôn của nước này cũng có công ty quốc doanh riêng. Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, tính tới hết năm 2015, nước này có 133.631 đơn vị đăng ký là doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó, quan trọng nhất là 98 tập đoàn công nghiệp thuộc sự kiểm soát của Uỷ ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước. Sau khi được thành lập vào năm 2003, ủy ban này đã tiếp quản hơn 196 doanh nghiệp thuộc quản lý của nhiều tổ chức quân đội và chính phủ. Số lượng này đã giảm đi hơn một nửa sau loạt vụ sáp nhập diễn ra. 

Tới năm 2010, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm con số này xuống còn 100 nhưng phải tới 7 năm sau đó mới đạt được với những chiến lược hình thành doanh nghiệp “khủng long” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mục tiêu hiện tại của Bắc Kinh là giảm con số trên xuống còn 40 và mỗi công ty hình thành sau thâu tóm, sáp nhập sẽ là một gã khổng lồ hàng đầu thế giới. 

Công ty điện State Grid và các hãng xăng dầu Sinopec Group, China National Petroleum hiện đã lần lượt là những công ty lớn thứ 2, 3 và 4 trên thế giới về doanh thu, theo một danh sách của Fortune 500.

Đi theo mô hình chưa từng có


Không giống như thời kỳ Xô Viết vào những năm 1990 khi chính quyền Moscow quyết định tư nhân hóa toàn bộ tài sản quốc doanh, trong công cuộc cải tổ doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh, chính quyền sẽ không giảm bớt quyền sở hữu của mình tại các doanh nghiệp này.

“Chẳng có mô hình nào đã có để vận dụng vào nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc”, giáo sư tài chính Zhao Xijun của Đại học Renmin nói. Zhao cho rằng Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo Chủ tịch Tập Cận Bình, thận trọng hơn với mô hình thị trường tự do của các nước phương Tây bởi kinh nghiệm cho thấy nhiều đợt suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính đã xảy ra. 

“Trung Quốc đang phát triển theo con đường riêng mà chưa có nước nào từng làm – bằng cách để thị trường tự phân bổ các nguồn lực và đồng thời để ‘bàn tay vô hình’ của chính phủ điều tiết để mang lại hiệu quả tốt hơn”, Zhao nói.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, cần phải xem liệu các doanh nghiệp khổng lồ này có thể vừa để thị trường đóng vai trò “quyết định” vừa duy trì sự kiểm soát của nhà nước hay không. 

Theo chuyên gia Sheng Hong, giám đốc Viện Kinh tế Unirule, mô hình sở hữu hỗn hợp chỉ là biện pháp làm xoa dịu công chúng trước những doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả. Sheng cho biết việc các nhà đầu tư tư nhân sở hữu cổ phần thiểu số tại các doanh nghiệp quốc doanh không tạo ra mấy tác động đến việc điều hành bởi quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay nhà nước.  

Hu Xingdou, nhà kinh tế thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh thì cho rằng việc các doanh nghiệp “khủng long” có tốt cho nền kinh tế hay không vẫn là điều gây nhiều tranh cãi.

“Việc cải tổ này không thay đổi bản chất về tài chính và quyền kiểm soát của nhà nước đối với doanh nghiệp”, Hu nói. “Khu vực doanh nghiệp nhà nước phình to hơn sẽ làm suy giảm cấu trúc nền kinh tế, và thiệt hại nhiều nhất là những công ty tư nhân nhỏ hơn”. 

Alfred Schipke, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc, cho biết mục tiêu đặt ra cho các doanh nghiệp quốc doanh dường như khá rối rắm. 

Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc “có nhiều mục tiêu đến mức khó có thể đánh giá họ đang làm tốt hay không. Đôi khi mục tiêu là tạo lợi nhuận nhưng đôi khi lại là đảm bảo lực lượng lao động hay thực hiện các chức năng xã hội”, Schipke Schipke nói.

 Nguồn: Vneconomy.vn

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

3662416
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
2694
1388
6952
1587004
89578
3662416

Your IP: 3.17.150.89
Server Time: 2024-04-23 17:34:55

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
75 khách & 0 thành viên trực tuyến