ASEAN và Nam Á đang phát triển CSHT ở tốc độ chưa từng có từ trước đến nay. Bất cứ ai khi đến thăm thủ đô của các nước trong khu vực đều có thể nhận thấy điều này. Đường bộ, đường sắt, cầu, cảng và các hệ thống metro, những công trình này đang giúp làm thay đổi bộ mặt của các thành phố, các trung tâm kinh tế cũng như cải thiện đời sống của 2,4 tỷ người trong khu vực, đồng thời kết nối người dân và các DN với các cơ hội mở ra trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, khi mà các công trình hạ tầng đang tiếp tục được triển khai thì ASEAN và Nam Á vẫn còn nhiều việc phải làm. Cách thức đánh giá, thẩm định, lên kế hoạch, cấp vốn và hỗ trợ các dự án này cũng sẽ cần được thay đổi để có thể tối đa hóa tiềm năng kinh tế.
 Nhu cầu phát triển CSHT tại ASEAN còn rất lớn
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF) diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, các nhà lãnh đạo chính phủ và DN đã nhất chí cần thiết phải thiết lập mối quan hệ đối tác công – tư chặt chẽ hơn để thu hẹp khoảng cách về CSHT. Nhằm cung cấp nguồn vốn đầu tư hỗn hợp cho việc phát triển CSHT một cách bền vững, WEF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhất trí sẽ thành lập một Trung tâm ASEAN (ASEAN Hub) với cách tiếp cận nguồn vốn theo mô hình công – tư. Trung tâm này sẽ quy tụ các chính phủ, NH, quỹ hưu trí và các tổ chức từ thiện để huy động 100 tỷ USD cho các dự án hạ tầng.
Đây là một bước đi đúng hướng dù vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính đến năm 2030, châu Á sẽ cần nguồn vốn đầu tư lên tới 26 nghìn tỷ USD để đáp ứng nhu cầu về CSHT tại khu vực. Việc huy động được số vốn này là cực kỳ cấp thiết và quan trọng. Bởi phát triển CSHT cũng đồng nghĩa với phát triển được một trung tâm kinh tế. Một nền tảng sản xuất và thị trường đồng bộ sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực, cũng như thúc đẩy giao thương giữa khu vực với phần còn lại của thế giới.
Theo kinh nghiệm và quan điểm của chúng tôi, nguồn vốn dành cho các dự án CSHT không hề thiếu hụt. Ngược lại, nhu cầu cấp vốn cho các sáng kiến đã được hoạch định và chuẩn bị kỹ càng cùng với mức cân bằng hợp lý giữa rủi ro và tỷ suất sinh lợi đang ở mức cao chưa từng thấy. Trong môi trường lợi suất thấp và khá ổn định, các dự án CSHT được xem là một loại tài sản với mức sinh lời hấp dẫn trong dài hạn. Và trong khi quan hệ đối tác công - tư là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề thiếu ngân sách dành cho CSHT thì vẫn có một mô hình hợp tác khác cần được đẩy mạnh.
Vai trò của NH trong việc tài trợ vốn cho các tài sản dài hạn đang thay đổi và sẽ còn tiếp tục thay đổi khi mà chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9 - với những thay đổi đáng kể - sẽ đi vào thực tiễn triển khai năm 2018. Nhưng mặc cho các thay đổi này, hệ thống NH vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình khởi tạo các tài sản liên quan đến CSHT.
Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa NH và các nhà đầu tư (NĐT) sẽ trở thành điều kiện cần thiết cho sự thành công của việc phát triển CSHT. Các NH có kinh nghiệm trong việc cấp vốn cho các dự án sẽ hiểu được các thách thức mà các NĐT tổ chức phải đối mặt khi đầu tư vào CSHT.
Đối với các NĐT, họ thiếu sự hiểu biết chuyên sâu cũng như các kỹ năng về xác định và định giá rủi ro cho các dự án hạ tầng, trong khi lại chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Trong bối cảnh đó, nếu có sự hợp tác của NH, các dự án sẽ được phân chia theo cấu trúc và được cấp vốn đến khi có thể nhận được nguồn tài trợ của các quỹ hưu trí, các quỹ đầu tư quốc gia và các tổ chức từ thiện.
Thế kiềng 3 chân bền vững
Bởi lẽ đó, sự hợp tác giữa chính phủ, NĐT và NH sẽ tạo thành thế kiềng 3 chân mạnh mẽ và bền vững. Một mô hình bình đẳng và được định hình rõ ràng sẽ giúp phân bổ rủi ro một cách hợp lý và giải quyết được các kỳ vọng tối thiểu của NĐT. Các dự án CSHT đáp ứng được các điều kiện tiên quyết này sẽ tạo ra cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.
Trong khi nhu cầu ưu tiên cho việc phát triển CSHT tập trung vào “phần cứng” đã đạt được sự đồng thuận, kêu gọi được vốn và dự án được triển khai thì sự tồn tại của những “phần mềm” để CSHT phát triển cũng không thể bị xem nhẹ. Và phần nhiều trong việc phát triển các “phần mềm” này cần được thực hiện từ lâu trước khi “động thổ” một dự án CSHT cứng trên thực tế.
Trong đó, một “phần mềm” quan trọng là môi trường chính sách. Yếu tố này đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo việc ra quyết định không bị gián đoạn và các mục tiêu không bị điều chỉnh khi các dự án đã đi được nửa quãng đường. Một hệ thống điều tiết độc lập, minh bạch và có thể dự đoán, được hỗ trợ bởi khung pháp lý mạnh mẽ sẽ giúp tăng cường niềm tin của NĐT.
Trong khi những điều kiện này có thể giảm thiểu tối đa các rủi ro về tiền tệ và hàng hóa cho các NĐT quốc tế, thì việc quản lý và đánh giá ngay từ giai đoạn đầu sẽ vẫn đóng vai trò quyết định đối với sự thành công của mỗi dự án. Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro liên quan đến các dự án hạ tầng, chính phủ có thể khuyến khích các tổ chức đa phương tham gia cung cấp bảo lãnh hoặc bảo hiểm cho các dự án.
 
Kỹ năng người lao động cũng là một “phần mềm” cực kỳ cần thiết khác để các dự án hạ tầng thành công. Việc liên tục trau dồi kỹ năng, có thể là thông qua trao đổi kinh nghiệm hoặc qua các khóa đào tạo tăng cường, đóng một vai trò quan trọng. Cách triển khai các dự án đã thay đổi theo thời gian. Chúng ta cần xây dựng một lực lượng lao động được đào tạo bài bản về công nghệ và các phương thức mới để đảm bảo phát triển CSHT một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Quan trọng hơn nữa, chúng ta cần phát triển một hệ thống tập trung các nguồn lực để có thể thực hiện các dự án xuyên biên giới với mức độ rủi ro và phức tạp cao hơn. Thông qua việc trao đổi nhân sự và chuyên môn, các đội nhóm sẽ nhanh chóng học hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện dự án. Rõ ràng là, các công cụ và kỹ năng phù hợp sẽ giúp cho ASEAN và Nam Á chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trên khía cạnh xây dựng một thế giới kết nối hiệu quả hơn.
Xét cả về nghĩa đen và nghĩa bóng thì ASEAN và Nam Á đều đang trong quá trình thực hiện những nội dung trên. Sự hợp tác mạnh mẽ giữa các đối tác và ý chí chính trị là những điều cần thiết nhất để tối đa hóa tiềm năng của làn sóng đầu tư khổng lồ đang chảy vào CSHT của khu vực.

Nguồn: Thoibaonganhang.vn