CHÀO MỪNG BẠN TRUY CẬP WEBSITE

      Xin gửi tới Quý Khách hàng lời chào trân trọng !

      Công ty cổ phần Dầu khí Trung Đông Á thành lập ngày 23 tháng 10 năm 2006, Ngành nghề kinh doanh chính: dầu nhờn, mỡ bôi trơn, dầu đốt và các loại phụ gia của dầu. Cung ứng tàu biển, kinh doanh hoá chất các loại(trừ mặt hàng Nhà nước cấm), vật tư, máy móc, thiết bị, phụ tùng, lốp ô tô. Dịch vụ vệ sinh công nghiệp...

Sức hấp dẫn từ cảng biển Hải Phòng

Bất chấp tình trạng giảm sút tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, hoạt động của hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng vẫn duy trì được tốc tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, chi phí dịch vụ hậu cần (logistics) lớn khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và sức hấp dẫn của cảng biển khu vực Hải Phòng bị giảm đáng kể. Năm 2013, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng tăng 11% so với năm 2012, nhu cầu của thị trường vận tải cũng theo đó mà lên, tạo cơ hội cạnh tranh mạnh mẽ cho các nhà đầu tư thâm nhập thị trường logistics. Cuộc cạnh tranh trong ngành công nghiệp logistics trên bình diện toàn cầu được thể hiện bằng chất lượng sản phẩm và năng lực của các công ty logistics. Theo đó cần nâng cao hiệu quả vận chuyển của tàu biển, hạn chế thời gian lưu kho của hàng hóa, giảm chi phí bốc dỡ và tăng khả năng cạnh trạnh.

THỰC TRẠNG ĐÁNG QUAN NGẠI

Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải - Bộ GTVT, các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện chỉ chiếm 20-30% thị phần cung cấp dịch vụ logistics của nước ta (phần còn lại do khoảng hơn 25 doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ). Chỉ số năng lực logistics (LPI) của Việt Nam đứng thứ 53/155 trên thế giới và đứng thứ 5 trong khu vực với tốc độ phát triển bình quân 16-20%/năm. Chi phí logistics của Việt Nam lên đến 25% GDP, quá cao so với một số nước trên thế giới, cao hơn 10% so với mức bình quân của các nước đang phát triển trong khu vực.

Dịch vụ logistics ở Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng không chỉ có chi phí cao, mà còn hiệu quả thấp. WB nêu ra một số nguyên nhân khiến dịch vụ logistics ở nước ta có chi phí cao, đó là nhiều chi phí “không tên”; vận tải đường bộ còn thiếu sự liên kết, chưa cung cấp được các dịch vụ đủ tiêu chuẩn cho chủ sở hữu hàng hóa; chưa khai thác hết tiềm năng của các cảng nước sâu…

Đảm nhận tới hơn 70% hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng, QL5 đóng vai trò chính với lưu lượng vận chuyển lớn nên ùn tắc thường xuyên, lưu thông chậm. Hệ thống đường sắt quốc gia kết nối Hà Nội - Hải Phòng dài 102km và các tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối ga Hải Phòng với các khu bến Vật Cách, Hoàng Diệu, Chùa Vẽ hiện vẫn là khổ ray 1.000mm, quá lạc hậu, cũ kỹ. Hệ thống kho, bãi của Hải Phòng tập trung chủ yếu ở các khu cảng biển và khu công nghiệp tập trung, ít có khả năng cải tạo nâng cấp và mở rộng.

Hệ thống đường thủy nội địa chưa phát huy được vai trò hỗ trợ đường bộ do thiếu trang thiết bị chuyên dụng phục vụ vận tải, bốc dỡ container theo tuyến đường sông quốc gia… Tất cả những cái đó đang là khó khăn cần vượt qua để phát triển Hải Phòng thành một trung tâm dịch vụ logistics của khu vực và cả nước.

Theo đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, cả nước hiện có khoảng 1.200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu với các hình thức: dịch vụ vận tải (đường bộ, đường biển, hàng không…); khai thác hạ tầng tại các điểm nút (cảng, sân bay, ga…); khai thác kho bãi và dịch vụ logistics; giao nhận hàng hóa; tư vấn, giám định, kiểm tra, tài chính…

Trừ các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, đa số các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ và vừa, vốn điều lệ bình quân khoảng 4-6 tỷ đồng và nguồn nhân lực đào tạo bài bản chuyên ngành logistics chỉ chiếm 5-7% mà thôi. Trong khi đó, nhiều công ty logistics đa quốc gia và hãng tàu hàng đầu thế giới như: MOL (Nhật Bản), MaerskLine (Đan Mạch), Mitsui O.S.K Line (Nhật Bản), APL (Mỹ), Hanjin Shipping (Hàn Quốc) và Wan Hai Lines (Đài Loan)… đã có mặt tại Hải Phòng.

ĐIỀU KIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

 Hải Phòng là địa phương duy nhất trong khu vực phía Bắc có đủ các phương thức vận tải kết nối với các khu vực khác trong nước và quốc tế. Hệ thống đường bộ nối QL5, QL10, QL37; đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chuẩn bị đưa vào khai thác, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh chuẩn bị khởi công và hệ thống tỉnh lộ, đường chuyên dùng của các khu công nghiệp, cảng biển đang gấp rút hoàn thiện.

Hệ thống cảng biển gồm 42 bến cảng với tổng chiều dài cầu bến trên 11km, sản lượng hàng hóa thông qua 55,4 triệu tấn/năm (năm 2013, chiếm 70% khu vực phía Bắc), có khả năng tiếp nhận tàu đến 20.000 DWT và đang triển khai xây dựng cảng tổng hợp quốc tế (Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện) với khả năng tiếp nhận tàu 100.000 DWT, 8.000 TEU.

Hệ thống đường sắt quốc gia kết nối Hà Nội - Hải Phòng và hệ thống đường sắt chuyên dùng kết nối đến các khu cảng như Vật Cách, Hoàng Diệu, Chùa Vẽ… Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đang được nâng cấp, dự kiến hoàn thành trong năm 2015 với khả năng tiếp nhận máy bay B747 hạn chế trọng tải, B777-300, B777-200, A321… Hệ thống đường thủy nội địa kết nối với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng hiện đang được đầu tư nâng cấp theo dự án WB6. Với các lợi thế về giao thông vận tải nói trên, Hải Phòng hoàn toàn hội đủ điều kiện để trở thành một trung tâm logistics lớn nhất phía Bắc Việt Nam, trung tâm logistics tầm cỡ của khu vực Đông Nam Á.

Dịch vụ logistics là một dịch vụ phức tạp, có chức năng gắn kết, kết nối các loại dịch vụ với nhau như: dịch vụ vận tải, lưu kho, gom hàng, đóng gói, dán nhãn, lắp rạp sản phẩm, hỗ trợ tài chính… nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng với mục tiêu nhanh nhất và chi phí thấp nhất. Khi cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đi vào hoạt động sẽ kết nối trực tiếp các tuyến hàng hải đi châu Âu và châu Mỹ, giúp chủ hàng giảm thời gian do không phải trung chuyển qua Singapore, HongKong. Đây sẽ là tiền đề để Hải Phòng thu hút một số lượng lớn hàng hóa từ các địa phương phía nam Việt Nam và vùng tây nam Trung Quốc.

Việc phát triển cảng nước sâu Lạch Huyện thành cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các hoạt động cung ứng dịch vụ logistics và đưa Hải Phòng thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo quy hoạch, khu logistics trung tâm của Hải Phòng dự kiến sẽ được đặt tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ với quy mô 369ha, phục vụ chủ yếu hoạt động đưa, rút hàng của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. UBND thành phố đã giao cho các sở, ngành liên quan tính toán, xác định nhu cầu đầu tư cả về hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dịch vụ logistics của thành phố.

Hỗ trợ trực tuyến

3734553
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1586
3619
24997
1623386
13846
3734553

Your IP: 3.129.67.26
Server Time: 2024-05-05 21:37:54

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
6 khách & 0 thành viên trực tuyến