Giữa lúc giá xăng dầu đang hạ nhiệt, liên bộ Công Thương - Tài chính lại dự kiến nâng chi phí hoa hồng xăng dầu thêm 10-22% từ ngày 1/11 tới. Xăng sẽ được tính hoa hồng đến hơn 1.000 đồng/lít, cao nhất từ trước tới nay.
Hoa hồng tăng, giá cũng sẽ tăng
Kế hoạch trên vừa được liên bộ Công Thương - Tài chính lồng ghép trong dự thảo Thông tư liên tịch về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, dự thảo thông tư này quy định, chi phí kinh doanh bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với xăng tối đa là 1.050 đồng/lít; dầu hỏa, dầu diezen tối đa 950 đồng/lít và dầu madut tối đa là 600 đồng/kg.
So với mức hiện nay, chi phí kinh doanh áp dụng cho xăng sẽ tăng 190 đồng/lít, tương ứng tăng 22%. Đối với dầu, mức chi phí mới tăng 90 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ tăng 10%, tăng 100 đồng/lít đối với dầu madut, tăng 20%. Đây sẽ là lần thứ 2 chi phí kinh doanh định mức được điều chỉnh tăng.
Xăng sẽ được tính hoa hồng đến hơn 1.000 đồng/lít, cao nhất từ trước tới nay.
Nếu như dự thảo này được thông qua, rất có thể giá xăng dầu bán lẻ cũng sẽ tăng theo, ít nhất là vì cộng thêm phần chênh lệch trên.
Năm 2009, khi Nghị định 84 ra đời để khởi động cho việc đưa giá xăng dầu tiệm cận giá thị trường, chi phí kinh doanh do Bộ Tài chính quy định theo Thông tư 234, chỉ ở mức 600 đồng/lít đối với xăng, dầu hoả và dầu diezen và 400 đồng/kg đối với dầu madut bán buôn.
Sau 3 năm doanh nghiệp liên tục kiến nghị, tháng 3/2013, mức chi phí này đã được tăng lên 260 đồng/lít đối xăng, dầu hoả và dầu diezen và thêm 100 đồng/kg đối với dầu madut, áp dụng cho đến nay.
Theo cơ chế hiện hành, ít nhất là một nửa trong mức chi phí trên sẽ được dành trả thù lao cho các đại lý bán lẻ xăng dầu. Mặc dù thực tế thị trường, doanh nghiệp cần chiếm thị phần, đẩy hàng thường thù lao hoa hồng luôn cao hơn mức quy định, có lúc lên tới hơn 1.000 đồng/lít.
Ngoài điểm mới trên, công thức tính giá cơ sở theo cơ chế mới vẫn như cũ, có 9 thành tố, trong đó, mức trích lập Quỹ bình ổn vẫn là 300 đồng/lít, kg. Lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp xăng dầu vẫn tiếp tục được tính là 300 đồng/lít, kg.
Giá CIF xăng dầu được được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc thay vì 30 ngày như Nghị định 84.
Doanh nghiệp được tự sử dụng quỹ 1 lần
Liên bộ Công Thương - Tài chính cũng đề xuất một cơ chế vận hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu linh hoạt hơn trước.
Trong đó, doanh nghiệp được nới thêm quyền sử dụng quỹ, như chủ động sử dụng một lần duy nhất Quỹ bình ổn giá để thực hiện mục tiêu bình ổn theo quy định, với điều kiện doanh nghiệp đầu mối đó cũng đã có trích quỹ đúng quy định.
Cho đến thời điểm hiện nay, việc vận hành quỹ của doanh nghiệp hoàn toàn theo hiệu lệnh của liên bộ.
Đặc biệt, để tránh tình trạng quỹ âm, quỹ ảo, dự thảo thông tư này còn cho phép, khi liên bộ yêu cầu xả quỹ để kiềm giá, nếu quỹ tại doanh nghiệp đã hết thì doanh nghiệp được phép vay vốn và trả lãi theo ngân hàng thương mại.
Các cơ chế trích xả quỹ sẽ theo nguyên tắc như Nghị định 83 đã quy định. Cụ thể, khi cần thiết, liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích và ra thông báo thời điểm ngừng trích cũng như thời điểm khôi phục lại mức trích quỹ. Trong đó, doanh nghiệp sẽ được giảm trích quỹ, thấp hơn 300 đồng/lít hoặc tạm thời ngừng trích khi giá cơ sở xăng dầu tăng trên 7%. Trường hợp khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với mức giá trước khi ngừng trích hoặc giảm mức trích thì Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu của liên bộ sẽ ra thông báo khôi phục lại mức trích Quỹ bình ổn giá
Về việc sử dụng Quỹ bình ổn giá, khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành từ 3% trở lên, nếu các doanh nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá thì liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ thông báo bằng văn bản việc xả quỹ.
Dự kiến, nếu được thông qua thì thời gian có hiệu lực cho các chính sách trên là từ 1/11 tới, cũng là thời gian bắt đầu thực hiện Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vừa ban hành hôm 3/9./.
(ST)