Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất ethanol mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Cả nước hiện có 4 nhà máy nguyên liệu sinh học sản xuất cồn E100 đặt tại Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Nam, Dung Quất. Tuy vậy, chỉ có 2 nhà máy đang hoạt động ở Đồng Nai và Quảng Nam với công suất 200.000 m3/nhà máy. Nhu cầu sắn khô của 2 nhà máy là 500.000 tấn/năm, nếu 4 nhà máy hoạt động nhu cầu khoảng 1 triệu tấn sắn khô/năm.
Để các nhà máy hoạt động hiệu quả, đáp ứng đủ xăng E5 trong thời gian tới, vấn đề đặt ra là cần vùng nguyên liệu sắn với sản lượng và giá bán ổn định cho sản xuất ethanol. Điều này đồng nghĩa, phải có cơ chế để cây sắn phát triển bền vững, nhất là bảo đảm về giá sắn cho nông dân. Bên cạnh đó, cần rà soát xây dựng lại quy hoạch vùng trồng phù hợp với lộ trình cũng như sự phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.
Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình bắt buộc áp dụng tỷ lệ phối trộn xăng sinh học, nhu cầu cồn nhiên liệu dự kiến đạt mức 773 triệu lít và 860 triệu lít vào năm 2020 và 2030. Nhu cầu sắn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học tương ứng là 4,8 triệu tấn sắn tươi vào năm 2020 và 5,4 triệu tấn vào năm 2030. Thống kê của Bộ NN&PTNT, quy hoạch vùng nguyên liệu sắn ở nước ta như sau: Đến năm 2020, diện tích sắn ổn định 550.000ha, sản lượng 12,65 triệu tấn sắn tươi; trong đó, dành cho cơ sở chế biến tinh bột sắn đạt 4,2 triệu tấn, sản xuất ethanol khoảng 4,8 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 3,02 triệu tấn. Giai đoạn 2021 - 2030, diện tích sắn ổn định 550.000ha, tốc độ tăng trưởng về năng suất, sản lượng đạt bình quân 2,69%/năm, tương đương sản lượng 16,5 triệu tấn; trong đó các cơ sở chế biến tinh bột sắn đạt 5,35 triệu tấn, dành cho sản xuất ethanol đạt 5,4 triệu tấn, xuất khẩu đạt 4,93 triệu tấn.
Hiện, diện tích trồng sắn đã vượt quy hoạch. Năm 2016, diện tích trồng sắn đạt 569.000ha, năng suất trung bình cả nước đạt 19,17 tấn/ha, cao hơn 1,5 lần so với bình quân thế giới. Tuy nhiên, rất khó để mở rộng thêm diện tích trồng sắn, chỉ có thể tăng năng suất bởi ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc mở rộng diện tích trồng sắn sẽ bị cạnh tranh với các cây trồng khác; còn ở những vùng đất tốt, người dân không mặn mà vì đầu tư trồng cây ăn quả cho giá trị cao hơn nhiều so với trồng sắn.
Để cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã giao Cục Trồng trọt làm đầu mối rà soát, xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu sắn. Chú trọng gắn kết chặt chẽ vùng nguyên liệu với các nhà máy sản xuất, chế biến ethanol; đặc biệt phải bảo đảm lợi ích lâu dài của người trồng sắn thông qua hỗ trợ kỹ thuật, cam kết thu mua ổn định, mức giá hợp lý.
Theo lộ trình, kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng; đồng thời tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp.
Nguồn: Nguyễn Hạnh /Báo Công Thương điện tử