Đà tăng mạnh gần đây của giá dầu thô dấy lên nhiều dự đoán rằng mặt hàng này sẽ lấy lại mốc 100 USD/thùng ngay trong năm nay hoặc đầu năm 2019. Khi đó, doanh nghiệp và chính phủ các nước xuất khẩu dầu chắc chắn sẽ hưởng lợi lớn, nhưng các nước tiêu thụ sẽ chịu thiệt hại vì lạm phát có thể tăng. 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bloomberg Economics, việc giá dầu lên 100 USD sẽ ít gây hại đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 so với đợt tăng mạnh vào năm 2011. Một phần nguyên nhân là các nền kinh tế đã bớt phụ thuộc vào năng lượng và ngành công nghiệp dầu đá phiến bùng nổ tại Mỹ.
 
Kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động như thế nào?
Giá dầu tăng sẽ kéo giảm thu nhập của các hộ gia đình và chi tiêu tiêu dùng, nhưng mức độ tác động sẽ tùy từng khu vực. Kinh tế châu Âu dễ bị tổn thương vì phần lớn thành viên trong khối đều là nước nhập khẩu dầu. Trong khi đó, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể phải chứng kiến lạm phát tăng.
Ngoài ra, một số tác động khác sẽ được thể hiện rõ theo mùa, đặc biệt là khi bán cầu Bắc đang chuẩn bị vào mùa đông. Người tiêu dùng có thể sẽ thay đổi nguồn năng lượng sang nhiên liệu sinh học hay khí tự nhiên, để kéo giảm chi phí sinh hoạt. Hiện tại, Indonesia đã triển khai loạt biện pháp để thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu sinh học và hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu.
Theo giới chuyên gia kinh tế, giá dầu cần phải trên 100 USD/thùng để giúp kinh tế toàn cầu duy trì đà tăng trưởng bền vững. Đà tăng giá của USD trong năm nay không thể đẩy giá dầu thô lên cao dù mặt hàng này được định giá bằng USD.
Bloomberg Economics cho biết kinh tế thế giới ngày nay đã chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng so với 7 năm trước, đặc biệt là sự bùng nổ của dầu đá phiến, nên mức độ thiệt hại cũng phần nào được giảm bớt. “Giá của một thùng dầu sẽ phải lên cao hơn rất nhiều thì kinh tế toàn cầu mới có thể trật khỏi 'đường ray' tăng trưởng”, một nhóm chuyên gia kinh tế dẫn đầu bởi Jamie Murray cho biết.
Nếu giá dầu lên 100 USD/thùng, người dành phần thắng sẽ là các quốc gia sản xuất dầu lớn nhất, mà phần lớn cũng đều là nền kinh tế mới nổi. Điển hình là Arab Saudi là quốc gia đứng đầu với sản lượng dầu thô ròng gấp hơn hai lần của Nga.
 Giá dầu tăng sẽ đẩy thu nhập của các quốc gia này lên cao, từ đó giúp cải thiện ngân sách và tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai. Các chính phủ theo đó có thể tăng chi tiêu để thúc đẩy đầu tư.
 Ở chiều ngược lại, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cấp và Ukraine sẽ là những quốc gia chịu thiệt hại nếu giá dầu lên cao. Các quốc gia sẽ phải chi trả nhiều hơn để mua dầu, và điều này sẽ gây áp lực lên tài khoản vãng lai và khiến nền kinh tế dễ bị đổ vỡ trước những đợt tăng lãi suất tiếp theo của Mỹ.
 Đối với Mỹ, việc giá dầu tăng liên tục cũng không gây ra nhiều rủi ro như trước nhờ sản xuất dầu đá phiến bùng nổ. Trước đây, các chuyên gia kinh tế tính toán mỗi khi giá dầu tăng 10 USD/thùng thì sản lượng dầu của Mỹ trong năm tiếp theo sẽ giảm khoảng 0,3%. Tuy nhiên, con số này đến nay chỉ là 0,1%, theo tính toán của chuyên gia kinh tế Mark Zandi tại Moody’s Analytics.
 Mỹ bớt phụ thuộc vào dầu nhập khẩu là một tín hiệu tốt đối với kinh tế nhưng lại là áp lực đối với những hộ gia đình nghèo khó. Họ phải chi trả khoảng 8% thu nhập trước thuế để mua xăng, trong khi những người có thu nhập cao hơn chỉ tốn 1%.
Giá dầu tăng, thế giới cũng sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ
 
Giá năng lượng tăng thường tạo gánh nặng lên các chỉ số giá tiêu dùng, buộc các nhà hoạch định chính sách phải chuyển sang đánh giá nền kinh tế thông qua các chỉ số lõi, tức là không tính giá năng lượng. Tuy nhiên, nếu giá dầu tăng mạnh, lạm phát chung cũng sẽ tăng dần đều.
Khi đó, các ngân hàng trung ương sẽ có ít lý do để duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Thái Lan, Indonesia, Philippines và Nam Phi có thể sẽ là những quốc gia nhanh tay thắt chặt chính sách tiền tệ nếu giá dầu đi lên.
Đâu là động lực để giá dầu tăng?
Căng thẳng địa chính trị vẫn là một yếu tố mang đến nhiều bất ngờ. Dù chưa bắt đầu nhưng lệnh tái trừng phạt Iran của Mỹ bắt đầu ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sức kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng nhưng công suất dư thừa của các nước thành viên khá hạn chế. Thêm vào đó, nguồn cung từ các quốc gia như Venezuela, Libya và Nigeria đang bị gián đoạn vì nền kinh tế bị sụp đổ và nội chiến kéo dài. 
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs dự đoán giá dầu không vượt quá 100 USD/thùng.

Trich nguồn: Phan Vũ/ Theo Bloomberg