Warning
  • Sorry No Product Found!!.

10 dự báo kinh tế thế giới năm 2015

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể sẽ đồng nghĩa với một đợt giảm giá nữa của dầu trong năm 2015...

10 dự báo kinh tế thế giới năm 2015

IHS dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2015 từ mức tăng 2,7% ước tính đạt được trong năm nay.


Năm 2014 đã chứng kiến sự ì ạch của cỗ xe kinh tế toàn cầu, trong đó sự phục hồi ngày càng rõ nét của kinh tế Mỹ chỉ đủ bù đắp cho sự giảm tốc tăng trưởng ở châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm lúc này là nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao trong năm 2015?

“Các yếu tố nền tảng tích cực đã xuất hiện để tạo đà cho nền kinh tế toàn cầu khởi sắc trong năm 2015”, ông Nariman Behravesh, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc hãng nghiên cứu IHS đánh giá. IHS dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2015 từ mức tăng 2,7% ước tính đạt được trong năm nay.

Dưới đây là 10 dự báo về nền kinh tế toàn cầu trong năm tới mà IHS đưa ra:

1. Nền kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc

Nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn các nền kinh tế hàng đầu thế giới khác nhờ nhu cầu thị trường nội địa mạnh lên, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng.

Các nguồn động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng - lĩnh vực chiếm 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ - hiện vẫn đang tích cực, bao gồm tăng trưởng việc làm mạnh, tình hình tài chính của các hộ gia đình được cải thiện, và giá xăng giảm xuống mức thấp.

IHS dự báo, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5-3% trong năm 2015.

2. Nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục chật vật

Nền kinh tế khu vực Eurozone được IHS nhận định là sẽ tiếp tục chật vật trong năm 2015 do thị trường lao động èo uột. Tuy vậy, sự kết hợp giữa giá dầu giảm sâu, đồng Euro yếu, những thách thức về tài khóa giảm bớt, sức ép từ nợ nước ngoài nhẹ đi, và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế ở khu vực này.

Theo IHS, kinh tế Eurozone sẽ tăng tốc nhẹ, đạt mức tăng 1,4% trong năm 2015 từ mức tăng 0,8% dự kiến đạt được trong năm nay.

3. Kinh tế Nhật sẽ thoát suy thoái

Sau khi trải qua cuộc suy thoái lần thứ 4 trong 6 năm, nền kinh tế nhật sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2015, với mức tăng dự báo sẽ là khoảng 1%. Chính sách nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) và gói kích thích khổng lồ của Chính phủ Nhật, cùng với giá năng lượng thấp, sẽ là những yếu tố đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trở lại với tăng trưởng.

4. Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc


Sự hỗ trợ tiếp theo từ chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ không đủ để ngăn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc còn 6,5% trong năm tới - theo IHS. Mức tăng này là yếu theo “chuẩn” của Trung Quốc, nhưng vẫn là niềm mơ ước của tất cả các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.

5. Các nền kinh tế mới nổi sẽ có sự phân hóa về tăng trưởng

Hầu hết các nền kinh tế mới nổi sẽ đạt được mức tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2015 nhờ giá dầu giảm, thanh khoản toàn cầu tăng, và sự tăng tốc của nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, Mỹ Latin, Trung Đông, Bắc Phi, khu vực tiểu sa mạc Sahara sẽ đạt có sự tăng tốc mạnh nhất trong nhóm này.

Tuy vậy, kinh tế Nga được dự báo sẽ đuối so với các nền kinh tế mới nổi khác do tác động tiêu cực của lệnh trừng phạt, giá dầu lao dốc và sự tháo chạy của các dòng vốn - theo IHS.

6. Giá hàng hóa cơ bản sẽ tiếp tục xuống dốc


Giá dầu thô thế giới đã giảm khoảng 40% từ mùa hè năm nay do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu yếu đi giữa lú nguồn cung dầu tăng mạnh.

Trung Quốc vẫn là nhân tố quan trọng nhất trong vấn đề nhu cầu tiêu thụ dầu. Theo IHS, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể sẽ đồng nghĩa với một đợt giảm giá nữa của dầu trong năm 2015. Hãng phân tích này dự báo giá cả của các loại hàng  hóa cơ bản, trong đó có dầu thô, sẽ giảm bình quân 10% trong năm tới.

7. Nguy cơ giảm phát

Trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản tụt dốc và tăng trưởng toàn cầu yếu ớt, các yếu tố giảm phát đang xuất hiện mạnh nhất ở các nền kinh tế phát triển. Ngoại lệ của giảm phát đang là các nền kinh tế mới nổi như Nga. Nền kinh tế xứ bạch dương đang chứng kiến tỷ giá đồng nội tệ sụt chóng mặt kéo theo lạm phát tăng vọt.

8 . Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất


FED, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) được IHS dự báo sẽ bắt đầu tăng lãi suất trở lại trong năm 2015, tương ứng vào tháng 6, 8 và 10, ngoại trừ trường hợp có sự giảm mạnh trong tốc độ lạm phát.

Ngược lại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), BOJ, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) được nhận định sẽ hạ thêm lãi suất và/hoặc bơm thêm thanh khoản vào thị trường thông qua việc mua tài sản cùng với các công cụ khác.

9. Đồng USD sẽ tiếp tục là “vua”

Đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên nhờ triển vọng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế Mỹ và kỳ vọng FED tăng lãi suất.

Trong khi đó, khả năng ECB và BOJ tăng cường bơm thanh khoản vào thị trường đống nghĩa với việc cả đồng Euro và đồng Yên sẽ tiếp tục xuống giá trong năm 2015. IHS cho rằng, tỷ giá Euro/USD sẽ giảm về ngưỡng 1,15-1,2 USD/Euro trước mùa thu năm 2015, còn USD/Yên sẽ giao dịch trong khoảng 120-125 Yên/USD trong năm tới.

10. Những rủi ro về nợ nần giảm xuống

Mấy năm gần đây, nền kinh tế toàn cầu đã phải đối mặt với nhiều “lời nguyền” bao gồm nợ công và nợ của khu vực kinh tế của khu vực tư nhân ở mức cao, kéo theo quá trình giảm nợ (deleverage) của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ. 

Tuy vậy, theo IHS, sang năm 2015, những yếu tố cản trở tăng trưởng này sẽ giảm xuống ở một số quốc gia, nhất là Mỹ và Anh. Đó là lý do vì sao mà các nền kinh tế này sẽ tăng trưởng khả quan hơn.
 Trích nguồn: http://vneconomy.vn/
 

Rút tiền thuê từ thẻ tín dụng

Chủ thẻ tín dụng thường ngại rút tiền vì phí và lãi suất cao. Đánh vào điều này, nhiều điểm lắp đặt máy quẹt thẻ POS đã mở thêm dịch vụ nhận rút tiền và đáo nợ thẻ ngân hàng.

 

Rút tiền thuê  từ thẻ tín dụng
Minh họa: DAD

 

 

 
 

Nếu rút tiền tại máy ATM, chủ thẻ tín dụng sẽ mất 7% phí, lãi suất trong khi rút tiền qua dịch vụ quẹt thẻ qua POS, chủ thẻ chỉ mất từ 2,5 - 3%. Chênh lệch giữa 2 cách này là lý do dịch vụ rút tiền "thuê" từ thẻ tín dụng đang nở rộ

 
 
 

 

Liên hệ với số điện thoại 0906... giới thiệu “Nhận rút tiền mặt từ thẻ tín dụng và đáo hạn nợ thẻ tín dụng Visa, Master tại Hà Nội. Phí linh hoạt từ 2,2% đến 2,5%”, đầu dây là một giọng nam hướng dẫn thêm: “Nếu muốn rút tiền từ thẻ tín dụng chị cung cấp thêm số CMND đúng với chủ thẻ. Chị quẹt thẻ qua máy POS (máy thanh toán quẹt thẻ khi mua hàng), em sẽ đưa tiền cho chị và chị trả cho em một khoản phí từ 2,2 - 3%, tùy vào việc chị muốn nhận tiền ngay hay muốn em mang máy đến tận nơi để chị quẹt”. Người này cũng khẳng định: “Chị muốn quẹt bao nhiêu cũng được, miễn là trong hạn mức thẻ của chị”.

Không khó để tìm những nơi cung cấp dịch vụ này trên mạng. Chủ nhân số điện thoại 09131… thì cho biết, phí rút tiền từ thẻ tín dụng là 2,5% và chỉ cung cấp được phiếu mua hàng chứ không cung cấp được hóa đơn đỏ. 

Theo NHNN, tính đến tháng 9, thẻ tín dụng chiếm gần 4% tổng số các loại thẻ các ngân hàng phát hành, tương đương với 3 triệu thẻ. Cả nước có gần 160.000 máy chấp nhận thanh toán POS và hệ thống chấp nhận thẻ POS trên toàn quốc đã liên thông với nhau. Các NH hiện nay phát hành thẻ tín dụng dưới 2 hình thức tín chấp và thế chấp. Dựa vào thu nhập, hay số tiền thế chấp, NH sẽ cấp cho chủ thẻ một hạn mức tín dụng từ 10 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Ưu điểm của thẻ tín dụng là được miễn phí, lãi khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ trong vòng 45 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ thẻ dùng thẻ tín dụng rút tiền mặt từ máy ATM sẽ bị tính phí rút tiền 4%/tổng số tiền rút, đồng thời số tiền này ngay lập tức bị tính lãi suất từ 1,9 - 2,2%/tháng (22,8 - 26,4%/năm).

Nhưng những người làm dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng và theo một website triển khai dịch vụ nhận rút tiền từ thẻ tín dụng thì chủ thẻ rút toàn bộ số tiền trong thẻ, không bị tính lãi trong vòng 45 ngày. Như vậy, nếu rút tiền tại máy ATM, chủ thẻ tín dụng sẽ mất 7% phí, lãi suất trong khi rút tiền qua dịch vụ quẹt thẻ qua POS, chủ thẻ chỉ mất từ 2,5 - 3%. Chênh lệch giữa 2 cách này là lý do dịch vụ rút tiền "thuê" từ thẻ tín dụng đang nở rộ.

 

 
 

Ông Arn Vogels, Giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương cho biết hình thức rút tiền từ thẻ tín dụng tại các điểm chấp nhận thanh toán POS ở một số nước như Úc, New Zealand được các NH chính thức áp dụng với số tiền rút nhỏ và thường chỉ áp dụng cho thẻ thanh toán, thẻ ghi nợ (debit card). Còn ở VN chỉ là thỏa thuận giữa điểm chấp nhận POS và chủ thẻ, không phải do NH chính thức đưa ra nên dẫn đến những bất cập, lách để trốn phí, tránh lãi.

Ông Arn đề xuất: “Tùy NH đánh giá nhu cầu khách hàng, dịch vụ này tiện lợi hay không, tính rủi ro như thế nào để triển khai với cơ chế phí hợp lý, có lợi cho cả 3 bên: NH thanh toán, chủ cửa hàng và người tiêu dùng”.

 

 

Bắt tay chia lợi

Ông Huỳnh Trung Minh, Phó giám đốc khối khách hàng cá nhân NH TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) phân tích cụ thể hơn, đơn vị đặt POS chịu áp lực về doanh số. Nếu doanh số thấp thì trả phí cho NH 2%, doanh số cao trả 1,5 - 1,7%. Lách cho chủ thẻ rút tiền, họ vừa có doanh số cao lại vừa hưởng lợi từ chênh lệch phí. Chủ thẻ thì được hưởng phí thấp hơn và không bị tính lãi rút tiền mặt. Chưa kể, doanh số mua sắm cao nhiều khi còn được NH hoàn tiền hoặc tích lũy điểm. Phía NH cũng được ghi nhận doanh số giao dịch cao và thu phí từ điểm đặt POS.

Đại diện HSBC VN cho biết, chỉ có NH hoặc các đơn vị được cấp phép thực hiện rút tiền mặt tại quầy mới được cung cấp dịch vụ này.

Hơn nữa, về bản chất, việc rủi ro từ việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng cao hơn nhiều so với hoạt động thanh toán mua hàng. Khi dịch vụ này bùng nổ, các NH sẽ phải chịu tổn thất nhưng quan trọng hơn, khi doanh thu bị ghi nhận sai với thực tế phát sinh, hoạt động phân tích kinh doanh, đánh giá sức mua của người tiêu dùng cũng bị sai lệch. Chủ thẻ cũng đối mặt với rủi ro vì các điểm mua sắm có thể không ưu tiên bảo mật, dẫn tới thông tin thẻ bị lộ.

Ông Huỳnh Trung Minh thừa nhận, dù cả 3 phía đều hưởng lợi nhưng xét về bản chất nó không phải là một giao dịch mua sắm thật sự, điều này sẽ không tốt cho nền kinh tế khi đưa ra các nhận xét, đánh giá và định hướng phát triển. Chúng ta khuyến khích dùng thẻ để hạn chế sử dụng tiền mặt nhưng hình thức trên thực chất là dùng tiền mặt. Để hạn chế, các NH cần xem xét lại mức phí vì người thực hiện dịch vụ lách này chủ yếu hưởng lợi từ việc chênh lệch phí. 

 Trích nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/

Hôm nay là tỷ phú, mai bạn có thể trắng tay !

Trong kinh doanh không điều gì là không thể xảy ra. Hôm nay, bạn có thể nắm trong tay hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD. Nhưng có thể ngày mai bạn sẽ trở thành kẻ trắng tay.

 

Khi tỷ phú sa cơ

Thế giới đã chứng kiến không ít trường hợp những tỷ phú vô cùng giàu có bỗng chốc trắng tay. Trường hợp của tỷ phú Eike Batista vào cuối năm 2013 là một ví dụ điển hình. Batista-người từng là niềm tự hào của Brasil khi là nắm trong tay khối tài sản 34 tỷ USD và là người giàu thứ 8 trên thế giới. Thậm chí, vị tỷ phú này đã từng 'mạnh miệng' tuyên bố muốn trở thành người giàu có nhất hành tinh.

Cựu tỷ phú Eike Batista. - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, khi tham vọng của mình chưa thành hiện thực thì chỉ trong vòng 16 tháng, khối tài sản hơn 30 tỷ USD của ông đã nhanh chóng bốc hơi. Nguyên nhân xuất phát từ tập đoàn dầu khí OGX Petroleo & Gas Participacoes của Batista kinh doanh thua lỗ và cổ phiếu liên tục mất giá.

Cuối tháng 10/2013, Batista đã nộp đơn xin phá sản, chấm dứt chuỗi ngày vinh quang với vị trí người giàu nhất Brasil của mình.

Đứng lên sau những vấp ngã

Thất bại có thể là dấu chấm hết cho người này nhưng cũng có thể chỉ là khó khăn tạm thời của người khác.

Masayoshi Son-người sáng lập ra tập đoàn truyền thông Softbank, từng được mệnh danh là tỷ phú 'đen đủi' nhất thế giới khi để mất đến hơn 70 tỷ USD trong vòng 2 năm.

Tỷ phú Masayoshi Son

Tại thời điểm đầu năm 2000, tài sản của tỷ phú người Nhật này ước tính khoảng 78 tỷ USD. Khi đó ông đang sở hữu 42% của Softbank với giá trị thị trường tương ứng 180 tỷ USD. Đây được coi là một trong những công ty công nghệ Internet lớn nhất thế giới vào cuối những năm 90. Tuy nhiên, không lâu sau đó, bong bóng dotcom vỡ, thị trường chứng khoán đi xuống, sàn NASDAQ giảm 76% giá trị và Softbank rớt giá thảm hại xuống 2,5 tỷ USD.

"Đừng lo lắng về thất bại, bạn chỉ cần đúng một lần"

Drew Houston, nhà sáng lập và CEO Dropbox.

Sự việc này khiến Son mất phần lớn tài sản, với giá trị được coi là lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, CEO của Softbank không hề nản lòng, ông không ngừng cố gắng, nỗ lực để vực dậy công ty và lấy lại những gì đã mất. Theo thống kê mới nhất của Forbes, hiện nay Son đang sở hữu 15,1 tỷ USD và là người giàu thứ 2 tại Nhật Bản.

Thất bại là khởi đầu cho một thành công mới

Mất đi khối tài sản mà mình đã mất nhiều công sức, tâm huyết, mồ hôi và nước mắt để gây dựng lên chắc chắn là cú sốc lớn đối với bất kỳ ai. Thế nhưng, thực tế cho thấy những người thành công nhất lại là những người từng thất bại rất nhiều lần. Michael D. Eisner, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Disney đã từng nói rằng: "Phục hồi sau khi thất bại thường dễ dàng hơn là xây dựng sau khi thành công".Điều quan trọng là bạn có đủ bản lĩnh, niềm tin và ý chí để làm lại từ đầu hay không.

Trích nguồn: http://ndh.vn/

 

Nhiều nước chạy đua tích trữ vàng

Thời gian qua, một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đua nhau tích trữ vàng. Câu hỏi được đặt ra: Liệu đây có là dấu hiệu cho thấy tiền mặt không còn được tin tưởng và điều này báo trước một cuộc khủng hoảng sắp tới hay chỉ là phản xạ của những người lo xa vẫn tin tưởng vàng là nơi dự trữ an toàn nhất?

Cách đây vài năm, vàng từng bị chê là lỗi thời. Tuy nhiên, kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra ở khu vực đồng tiền chung euro (eurozone), chưa bao giờ các ngân hàng trung ương trên thế giới lại tỏ ra quan tâm đến kim loại quý đến thế. Nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy tích trữ vàng để đa dạng hóa các nguồn dự trữ ngoại tệ bên cạnh 2 đồng tiền mạnh của thế giới là USD và EUR.

Chỉ riêng trong năm 2013 các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào gần 500 tấn vàng. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (World Gold Council), đây là một kỷ lục chưa từng có từ năm 1964. Và theo các nhà quan sát, kỷ lục của năm 2013 sẽ sớm bị vượt qua trong năm nay do 10 tháng năm 2014, các nước Đông Âu đua nhau mua vàng.

Nga đã nhập cuộc và hiện đang giữ trong tay khối lượng vàng cao nhất kể từ năm 1993 với khoảng hơn 1.000 tấn. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính tới tháng 4-2014 là 7 tháng liên tiếp, không chỉ Nga mà cả Kazakhstan đã mua thêm vàng để dự trữ. Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Azerbaijan và Hy Lạp cũng có khuynh hướng tích trữ vàng.

Tại châu Á, theo các số liệu chính thức, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nắm trong tay hơn 1.000 tấn, tương đương với 1,6% khối dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Một số nguồn tin còn cho rằng lượng vàng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thực tế cao gấp 3 lần so với các thống kê chính thức vừa nêu.

 

Vàng vẫn được xem là kênh dự trữ an toàn.

 

Đến nay, vàng vẫn luôn được coi là phương tiện thanh toán sau cùng được quốc tế công nhận trong mọi trường hợp. Điều đó đã được chứng minh qua nhiều cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 cho tới gần đây nhất là khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008.

Mỗi lần như vậy, giá vàng lại được đẩy lên rất cao. Theo nghiên cứu mới nhất của World Gold Council, trong năm 2013 và 2014, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào rất nhiều vàng để đa dạng hóa các nguồn dự trữ gồm ngoại tệ, trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản...

Giá trị USD tới năm ngoái vẫn thấp hơn so với EUR trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ tương đối thấp. Nói cách khác, mua USD hay trái phiếu Hoa Kỳ, lãi ít mà rủi ro nhiều. Nhìn tới châu Âu, kinh tế eurozone tăng trưởng èo uột, đồng EUR bấp bênh, đồng bảng Anh trong năm 2013 và 2014 cũng không gây nhiều hào hứng cho các nhà đầu tư. Đó là động cơ khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới đua nhau tích trữ vàng.

Sau khi có thông tin về việc Ngân hàng Trung ương Đức có kế hoạch hồi hương vàng từ hải ngoại, rất nhiều trang mạng bình luận về “hồi kết không xa của eurozone”. Có những bài viết nêu lên những đe dọa đối với châu Âu trước khả năng Anh quốc từng bước rút lui khỏi Liên minh châu Âu; chính phủ Italia không vực dậy nổi nền kinh tế đứng thứ 3 eurozone; nợ tư nhân eurozone như quả bom nổ chậm đe dọa toàn thể khu vực...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những giả thuyết trên, dù có đáng tin cậy hay không, cũng không thể giải thích vì sao, một số quốc gia có khuynh hướng chuyển vàng về nước. Đơn giản bởi nếu muốn sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán quốc tế, việc cất giữ vàng ở hải ngoại hay trên lãnh thổ quốc gia không hề quan trọng.

 Trich nguồn: http://www.saigondautu.com.vn/

Xuất khẩu lô nhãn tươi đầu tiên sang Mỹ

Xuất khẩu lô nhãn tươi đầu tiên sang Mỹ

Thời sự VTVCập nhật 10:27 ngày 08/12/2014

 

Theo đó, phía Mỹ vừa gửi công văn chấp thuận về liều lượng chiếu xạ trong xử lý dịch hại cho tráinhãn của Việt Nam. Đây là công đoạn cuối cùng của quy trình kiểm dịch và xử lý dịch hại cho trái nhãn để được phép nhập khẩu vào Mỹ.

Tiếp theo công ty Ánh Dương, 3-4 doanh nghiệp khác cũng đang chuẩn bị đưa nhãn Việt Nam vào Mỹ bằng đường hàng không và đường biển.

Hai loại quả là nhãn và vải tươi của Việt Nam đã được cấp giấy phép nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 6/10/2014. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ cho khoảng 100ha nhãn tại Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV online

Trích nguồn: báo Điện tử VTV

Hỗ trợ trực tuyến

3726883
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
719
2211
17327
1623386
6176
3726883

Your IP: 3.144.98.13
Server Time: 2024-05-03 05:53:03

SUPPORT ONLINE

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs. Nga - 0903.228.574

 

 

We have 35 guests and no members online