Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Xe máy điện phát wifi, kết nối với iPhone ra mắt tại Việt Nam

Chiếc xe máy điện có khả năng phát wifi, kết nối với iPhone sản xuất tại Việt Nam vừa chính thức trình làng với giá khá ngất ngưởng 89,99 triệu đồng.

Dòng xe máy điện A4000i đầu tiên sản xuất tại Việt Nam vừa được hãng xe điện của Nhật Terra Motors (Nhà máy tại KCN Cát Lái, TP.HCM) công bố ngày 27/9.

Mẫu xe máy điện có khả năng phát  wifi và kết nối với các dòng iPhone, Terra A4000i vừa chính thức trình làng với giá khá ngất ngưởng 89,99 triệu đồng.

Điểm tiện dụng là pin có thể dễ dàng tháo rời để sạc năng lượng tại bất kỳ nơi nào có nguồn điện dân dụng 220V. Bộ pin cao cấp này được Terra Motors bảo hành trong vòng 2 năm.

Xe máy điện phát wifi, kết nối với iPhone ra mắt tại Việt Nam - Ảnh 1

Xe sở hữu kiểu dáng khá lạ mắt với hai tông màu chủ đạo là xanh và trắng. Terra A4000i có chiều dài 1.790mm, chiều rộng 750 mm và chiều cao 1.230 mm. Chiều dài cơ sở ở mức 1.280 mm, chiều cao yên vừa phải với mức 750mm.

Ở trung tâm điều khiển, xe có thiết kế một hộc riêng để đựng điện thoại iPhone. Hộc này có nắp đậy và đủ chỗ để đặt một chiếc iPhone thuộc các dòng từ 3G đến 5GS. Tuy nhiên, hộc này lại chưa đủ chỗ cho mẫu iPhone 6 và iPhone6 Plus. Khi đặt điện thoại iPhone vào hộc, người sử dụng có thể kết nối wifi phát ra từ xe để biết thông tin về tình trạng xe, kết nối với GPS, tra cứu Google map để tìm đường hoặc sử dụng dịch vụ nghe gọi qua bluetooth.

Xe máy điện phát wifi, kết nối với iPhone ra mắt tại Việt Nam - Ảnh 2

Xe trang bị khóa điện an toàn với các chức năng và cách dùng tương tự các mẫu xe tay ga hiện có trên thị trường giúp người sử dụng thao tác theo thói quen.

Đây là một tính năng khá tiện lợi và an toàn nhưng hiện mẫu xe này chưa có hỗ trợ cho các dòng  smartphone sử dụng hệ điều hành Android của Samsung, Sony hay nhiều hãng điện thoại khác. Hộc này mới chỉ có tác dụng để và kết nối Wifi chứ không có tính năng xạc pin.

Dòng xe điện này vận hành hoàn toàn bằng pin sạc với bình điện Lithium-ion 48V 40Ah cho công suất 4.000 W. Về lý thuyết, xe có thể đạt vận tốc tối đa 60 km/h và đi được 60 km cho một lần sạc pin.

Xe máy điện phát wifi, kết nối với iPhone ra mắt tại Việt Nam - Ảnh 3

Hộp đựng iPhone đặt ngay dưới đồng đồ. Chi tiết này được đánh giá cao nhờ sự tiện dụng. Điểm đáng tiếc là nhà sản xuất chưa cập nhật kịp cho kích thước lớn của mẫu iPhone 6 vừa có mặt trên thị trường. iPhone sẽ được kết nối của bộ phát wifi tích hợp sẵn trên xe.

Thời gian cần để sạc đầy pin vào khoảng 4h30' với nguồn điện dân dụng 220V. Tuổi thọ bình điện lên đến 50.000 km. Xe được bảo hành 2 năm cho bình điện và 1 năm cho thân xe.

Đại diện nhà sản xuất cho biết không chỉ tiến hành lắp ráp xe để cung ứng xe cho thị trường trong nước mà hãng còn dự kiến  xuất khẩu xe trở về Nhật. Được biết, các bộ phận quan trọng của xe đều được nhập khẩu từ Nhật về Việt Nam lắp ráp. Các chi tiết được nội hoá không nhiều và tập trung chủ yếu ở khung vỏ nhựa hoặc hệ thống dây điện.

Xe máy điện phát wifi, kết nối với iPhone ra mắt tại Việt Nam - Ảnh 4

Hai hộc đựng đồ đặt phía dưới tay lái có thể chứa được nhiều vật dụng kích thước nhỏ.

Xe máy điện phát wifi, kết nối với iPhone ra mắt tại Việt Nam - Ảnh 5

Hộc đựng đồ dưới yên xe có thể chứa 2 mũ bảo hiểm nửa đầu. Pin xe đặt dưới đáy hộc đựng đồ và có thể dễ dàng tháo lắp.

Tại Việt Nam, xe có giá bán lẻ đề xuất 89,99 triệu đồng, thấp hơn không đáng kể so với giá dự kiến trước đây của phiên bản nhập khẩu.

Đại diện Terra Motors Việt Nam cho biết hiện số lượng 100 chiếc A4000i cung cấp tại Việt Nam đã được bán gần hết. Trong thời gian tới, Terra sẽ cung cấp các dòng sản phẩm bình dân hơn với khoảng giá bán lẻ từ 15-30 triệu đồng.

Xe máy điện phát wifi, kết nối với iPhone ra mắt tại Việt Nam - Ảnh 6

Tay nắm sau rộng và có thể tận dụng làm giá chở hàng tiện dụng.

Xe máy điện phát wifi, kết nối với iPhone ra mắt tại Việt Nam - Ảnh 7

Bánh trước có kích thước 12 inch và bánh sau kích thước 13 inch, xe trang bị phanh đĩa cho cả bánh trước và bánh sau.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2014, hãng  xe máy điện Nhật Bản đã đưa nhà máy lắp ráp đặt tại khu công nghiệp Cát Lái (Tp.HCM) đi vào hoạt động. Hiện Terra Motors Việt Nam cũng đã đưa vào hoạt động hơn 10 đại lý chính hãng tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TpHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Nam Định, Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang, Phú Yên, Thanh Hóa và Buôn Mê Thuột…

Sau mẫu Terra A4000i, từ nay tới cuối năm công ty này sẽ tung ra thị trường thêm hai mẫu xe nữa giá mềm hơn với kiểu dáng và kích thước gần tương tự.

 (ST)

DN khởi kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: Sai phạm nhỏ, hậu quả lớn

DN khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước bởi những quyết định ảnh hưởng tới quyền lợi, thời gian gần đây không hiếm gặp. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm hơn cả, những quyết định hành chính được ban hành cần phù hợp và tương đương với những sai phạm.

 


Những thùng sữa dê Danlait bị Cục quản lý thị trường thu giữ 3 tháng và bảo quản không đúng cách

 

Sau hai lần hoãn, ngày 23 – 24/9 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hành chính sơ thẩm vụ Cty TNHH Mạnh Cầm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội liên quan đến sản phẩm sữa dê Danlait.

Thời gian tạm giữ quá dài

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 21/2/2013 Đội Quản lý thị trường số 12 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra kho hàng của Cty TNHH Mạnh Cầm tại địa chỉ 32 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội và niêm phong toàn bộ 5.600 hộp sữa dê Danlait của Cty do nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm.

Cơ quan QLTT đã gửi mẫu đi kiểm nghiệm chất lượng. Đến tháng 3/2013, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế đã có kết luận kiểm nghiệm sữa Danlait do Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi mẫu. Kết quả cho thấy tất cả chỉ số của sữa đều trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, QLTT Hà Nội vẫn giữ lô hàng gần 3 tháng. Sau gần 3 tháng tạm giữ từ ngày 21/2-13/5/2013, phía Chi Cục QLTT Hà Nội đã trả lại toàn bộ số sữa dê Danlait bị tạm giữ. Đáng chú ý, cùng với việc trả lại sữa, Chi cục QLTT Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Cty Mạnh Cầm vì lỗi ghi sai nhãn phụ hàng hóa và xử phạt 15 triệu đồng trên toàn bộ giá trị lô hàng.

Theo đại diện Cty Mạnh Cầm, do không được bảo quản theo đúng quy trình đã khiến hầu hết sản phẩm bị mốc, móp méo và không bán được nên DN đã khởi kiện Chi cục QLTT ra tòa án. Đơn khởi kiện Cơ quan QLTT và cá nhân ông Vương Trí Dũng - Phó Chi cục trưởng, Chi Cục QLTT Hà Nội (người ký quyết định) đã được TAND TP Hà Nội tiếp nhận từ 9/7/2013.

Theo đơn kiện, Cty Mạnh Cầm cho rằng, lô hàng 5.600 hộp sữa đã thu giữ bị Chi cục QLTT Hà Nội bảo quản không tốt khiến hư hỏng gây thiệt hại 1,25 tỷ đồng. Cty Mạnh Cầm yêu cầu Chi cục QLTT Hà Nội phải bồi thường hoàn toàn. Bên cạnh đó, QLTT Hà Nội đã có những phát biểu không đúng sự thật trước một số cơ quan báo chí về sản phẩm sữa dê Danlait, gây thiệt hại về uy tín, thương hiệu cho công ty. Do đó, Cty Mạnh Cầm yêu cầu mức bồi thường thiệt hại lên tới 26 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Vinh Sang - Phó GĐ Cty Mạnh Cầm, các mẫu kiểm tra sữa dê Danlait đều được cơ quan y tế của cả phía VN và Cộng hòa Pháp khẳng định, đây là sản phẩm nhập khẩu và phân phối tại VN đạt chất lượng như thành phần đã công bố trên nhãn mác, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn cho người tiêu dùng. Cty Mạnh Cầm là DN phân phối độc quyền sản phẩm này tại VN. Trong khi chưa có kết quả kiểm nghiệm, ông Vương Chí Dũng đã cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Việc làm này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và thương hiệu của DN. Tính đến nay, cơ hội tồn tại của sản phẩm sữa dê Danlait tại thị trường VN đã gần như không còn.

Thiệt hại DN chịu

Tại phiên tòa, luật sư đại diên cho cơ quan QLTT cho rằng, Đội GLTT số 12 kiểm tra Cty Mạnh Cầm theo công văn khẩn của Cục trưởng Cục QLTT, Bộ Công Thương. Việc làm của Đội là đúng vì đã phát hiện sai phạm của Cty Mạnh Cầm và đã xử phạt hành chính. Do số tiền xử phạt hơn 10 triệu đồng, Đội trưởng 12 không đủ thẩm quyền phải đề xuất Chi cục ra quyết định. Chi cục trưởng có thẩm quyền ra quyết định xử phạt đã ủy quyền cho cấp phó là ông Dũng. Theo luật sư, điều đó đúng quy định của pháp luật.

Theo vị LS này, qua kiểm tra, đã phát hiện Cty Mạnh Cầm vi phạm. Trong đó, nhãn phụ hàng hóa của sữa Danlait bắt buộc phải chú thích thêm khuyến cáo là pha chế bằng cốc chén, muỗng và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, trên các sản phẩm sữa của Cty Mạnh Cầm không hề có nội dung này. Sữa Danlait được xác định là thực phẩm bổ sung, nhưng trên tờ khai hải quan lại ghi là sữa.

Đặc biệt là quá trình kiểm tra đã phát hiện sự chênh lệch rất lớn giữa giá trị sản phẩm ghi trong phiếu xuất kho và giá trị sữa ghi trong hóa đơn GTGT của DN. Điều này cho thấy, Cty Mạnh Cầm có dấu hiệu trốn thuế. Theo QLTT Hà Nội, 190 tờ phiếu xuất kho của Cty Mạnh Cầm ghi giá trên phiếu là 410.000 đồng một lon song trên hóa đơn GTGT chỉ là 115.000 đồng. Vì vậy Chi cục chuyển số tang vật này cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đại diện DN thì cho rằng, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan QLTT còn yêu cầu chuyển 190 phiếu xuất kho của DN cho cơ quan thuế quận Thanh Xuân là trái luật. Bởi vì, trong biên bản vi phạm hành chính không hề đề cập đến số phiếu xuất kho là đối tượng bị xử lý.

Ngoài việc đòi bồi thường, phía DN đã đề nghị tòa tuyên buộc ông Vương Trí Dũng phải xin lỗi công khai vì đã cung cấp thông tin cho báo chí không đúng sự thật, gây ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín của thương hiệu. Đồng thời, Cty Mạnh Cầm cũng yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định do ông Vương Trí Dũng đã ký về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với DN.

Trong ngày thứ hai của phiên xử, đại diện VKS đã chỉ ra một số thiếu sót của hội đồng xét xử. VKS cho rằng, trong vụ kiện này TAND Hà Nội không xác minh, thu thập chứng cứ cũng như yêu cầu các bên đương sự cung cấp bằng chứng làm rõ các tình tiết. Với 190 phiếu xuất kho thu giữ của Cty Mạnh Cầm rồi chuyển cơ quan thuế, đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cho là đã giải quyết đúng quy định vì nghi có vi phạm pháp luật về thuế. Nhưng theo VKS, đến giờ Chi cục chưa cung cấp kết luận của cơ quan chức năng xác định Cty Mạnh Cầm sai phạm như thế nào. Hơn nữa, tòa án cũng chưa thu thập chứng cứ trong việc này để làm căn cứ giải quyết. Thứ hai, với 7.190 lon sữa được phía nguyên đơn cho là có giá trị 1,25 tỷ đồng và coi đây là số tiền thiệt hại để đòi bị đơn bồi thường, VKS cho rằng tòa chưa yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ hay tổ chức xác minh thẩm định. Tòa nghỉ nghị án đến 27/9.

Tính đến nay, cơ hội tồn tại của sản phẩm sữa dê Danlait tại thị trường VN đã gần như không còn.

Định giá thiệt hại

 

 


LS Lưu Vũ Anh - Văn phòng LS Tinh Hoa Việt, Đoàn LS Hà Nội

 

Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/1/2010. Tại Điều 13 của Luật đã liệt kê 11 nhóm hành vi mà nếu gây ra thiệt hại thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Đây là những hành vi có ảnh hưởng lớn đến các quyền cơ bản của công dân như quyền tự do thân thể, quyền tự do kinh doanh, quyền tự do sở hữu... do đó cần được Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, bằng cách cam kết sẽ bồi thường nếu các hành vi này gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân.

 

Những quyết định hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức sẽ được nhà nước bồi thường. Thực tế, việc bồi thường này đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Điển hình là vụ việc Cảnh sát Giao thông Hải Dương đã phải bồi thường trên 600 triệu đồng cho lô hàng đông lạnh của một DN. Cán bộ cảnh sát giao thông đã ra quyết định tạm giữ lô hàng không đúng thẩm quyền gây hư hỏng, thiệt hại tài sản của DN và đã phải bồi thường.

Cơ quan cấp nào ra quyết định sai trái gây thiệt hại thì ngân sách cấp đó sẽ phải chi trả bồi thường. Giả sử trong trường hợp Cty Mạnh Cầm được tòa tuyên thắng kiện thì ngân sách thành phố sẽ phải trích ra để chi trả. Vì đây là quyết định hành chính của một cơ quan do một người chịu trách nhiệm ký nên cơ quan đó sẽ phải đứng ra bồi thường. Sau đó, cơ quan có thể sẽ đòi lại cá nhân sai phạm sau.

Điều đáng bàn tại vụ việc trên, trong khi vi phạm của DN được cơ quan QLTT chỉ ra chỉ là sai về nhãn mác. Lỗi này liệu đã đủ để tạm giữ lâu đến như vậy và gây thiệt hại cho DN với giá trị rất lớn. So sánh với vụ việc tại Hai Dương, sữa có thể để lâu hơn hàng đông lạnh. Nhưng người ra quyết định xử phạt cũng cần tính đến khả năng, DN không vi phạm thì lô hàng đó sẽ phải trả lại.

Bên cạnh đó, các thiệt hại như DN nêu về thương hiệu cũng cần phải tính đến. Rõ ràng nếu cơ quan QLTT có những tuyên bố thiếu chuẩn xác hoặc xử lý vấn đề chưa đúng thì thiệt hại về mặt thương hiệu chắc chắn là có. Thành lập một cơ quan định giá thương hiệu trong trường hợp này là cần thiết.

 

Loạn tên sữa

Từ việc nhãn mác của vụ sữa dê Danlait của Cty Mạnh Cầm trong thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng dường như "tỉnh ngộ" và bắt đầu giật mình về tên gọi của những sản phẩm sữa cho trẻ em. Hiện nay thị trường những mặt hàng đóng hộp như người tiêu dùng vẫn gọi là sữa rất đa dạng và phong phú. Ngay một hãng sữa cũng đã có rất nhiều các loại sữa hay thực phẩm bổ sung với quá nhiều tên gọi khác nhau.

Ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm cho hay, trước kia chưa có Quy chuẩn Việt Nam QCVN 5-2:2010/BYT nhiều sản phẩm không đủ hàm lượng 34% vẫn gọi là sữa bột nhưng kể từ ngày 1/1/2011 Quy chuẩn trên có hiệu lực các sản phẩm không đủ hàm lượng protein 34% được gọi theo các tên khác như thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức dinh dưỡng để đúng với bản chất sản phẩm hơn và dễ phân biệt cho người tiêu dùng.

Ông Giang cho hay, việc chia nhỏ các tên gọi của các sản phẩm trên là cần thiết để phù hợp cho tùy từng đối tượng.

Tuy nhiên, dường như chính sự thay đổi đó để các loại sữa trở về với đúng bản chất của mình nhưng lại trở thành bài toán khó đối với người tiêu dùng bởi nó nảy sinh ra quá nhiều tên gọi.

Có một thực tế hiện nay là rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thực phẩm cho trẻ nhỏ lại ghi những dòng chữ về thực phẩm bổ sung hay thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ. Tuy nhiên, do những cái tên mới này nằm ở những góc khuất rất khiêm tốn, cao chưa đến 1cm nên ít người tiêu dùng để ý. Khi được hỏi về vấn đề ghi nhãn chữ chưa thống nhất cách ghi, ông Giang lý giải, đúng là sau khi đổi tên, nhiều hãng vẫn ghi nguyên tên cũ, chỉ bỏ đi một chữ sữa và họ thay vào đó là cụm từ thực phẩm tăng cường chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung... rất nhỏ và khó đọc.

Cụm từ này nhiều khi người tiêu dùng và cả nhà quản lý tìm nhòe cả mắt cũng không ra. Tuy nhiên, những quy định về cỡ chữ và vị trí ghi nhãn vẫn chưa hoàn thiện. Bởi vậy, cơ quan chức năng vẫn không đủ pháp lý để xử lý, vì DN vẫn ghi đầy đủ, chỉ khác kích cỡ chữ to nhỏ.

 

Công nhân bỏ thuốc chuột vào hàng xuất khẩu, DN điêu đứng

Nhà máy phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng qua sau khi lô thủy sản xuất khẩu sang Nhật bị phát hiện có chứa thuốc chuột, phân người.

Cuối tháng 7.2014, 2 hãng tin lớn của Nhật là Japan Times và NHK đồng loạt đưa tin chính quyền tỉnh Yamaguchi (Nhật) phát hiện một số lô cá đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam có dính thuốc diệt chuột và chất bị nghi là phân người. Các vật phẩm này được tìm thấy trong các hộp các tông loại 5kg chứa cá đông lạnh, gói trong túi nilon tại hai siêu thị.

Quan chức y tế tỉnh Yamaguchi sau đó đã xác định chất bột này là loại thuốc diệt chuột có chứa diphacinone - hóa chất có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Nếu bị nhiễm lượng lớn, người dùng có thể bị đau đầu, nôn mửa dẫn đến tử vong. Sau đó, Imura đã bắt đầu thu hồi số sản phẩm trên. Đây là lô hàng được nhập khẩu từ tháng 5, do Công ty Rich Beauty (Thái Bình, Việt Nam) sản xuất.

Công nhân tại nhà máy của Công ty TNHH Rich Beauty Việt Nam. 

Sau sự việc, phía Nhật Bản đã gửi thông báo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và ngừng nhập hàng của Rich Beauty. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết do đây là sự việc rất nghiêm trọng, có dấu hiệu của sự phá hoại và ảnh hưởng lớn đến uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không riêng tại thị trường Nhật mà cả ở những quốc gia khác nên cơ quan này đã phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ. 

Mới đây, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến sự việc này. Nghi phạm là Trần Xuân Trình - công nhân tổ bảo quản sản phẩm xuất khẩu của Rich Beauty. Theo điều tra ban đầu Trình đã cho thuốc diệt chuột, chất thải, dao mổ cá và ốc vít vào hàng xuất khẩu sang Nhật Bản làm mất uy tín của công ty nhằm ít việc để được nghỉ theo cam kết.

Trao đổi với VnExpress, đại diện công ty cho biết từ khi xảy ra sự việc (khoảng 2 tháng nay), doanh nghiệp phải ngừng sản xuất vì thị trường chính là Nhật Bản đều bị "đóng cửa".

"Trước đó, chúng tôi chỉ tập trung thị trường Nhật nên không đẩy mạnh việc mở rộng các quốc gia khác. Khi xảy ra sự cố, không được xuất sang quốc gia này nữa, nhà máy buộc phải ngừng sản xuất để chờ đợi kết luận từ phía cơ quan điều tra. Doanh thu và uy tín đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đầu tháng 9, chúng tôi mới xin được chứng thư để xuất hàng sang thị trường khác, tuy nhiên chưa có nhiều khách hàng nên nhà máy vẫn đóng cửa", vị này nói.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, sau khi có kết luận của cơ quan điều tra sẽ làm việc với Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, phía cơ quan chức năng cũng như các đối tác Nhật để tiếp tục được xuất khẩu hàng sang thị trường này. "Tuy nhiên, có lẽ phải mất một vài tháng hoạt động mới trở lại bình thường được. Hơn nữa, chưa chắc chúng tôi đã tiếp tục ký được hợp đồng với các đối tác cũ", vị này lo ngại. 

Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng tháng 8 năm 2007 tại Khu cảng cá Tân Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đây là đơn vị chế biến hải sản cao cấp 100% vốn của Đài Loan. Các sản phẩm chế biến chính của doanh nghiệp là tôm và cá đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Australia. Trung bình, Rich Beauty có 400 công nhân, lúc cao điểm là 700 người. 5 tháng đầu năm 2014, ước tính doanh thu của công ty đạt trên 4 triệu USD.

 

Từ tháng 12, được đổi Giấy phép lái xe qua mạng

Tổng cục Đường bộ cho biết từ đầu tháng 12 tới, các sở GTVT sẽ tiến hành cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) qua mạng cho người dân.

 Theo đó, người dân có nhu cầu cấp đổi GPLX sẽ đăng ký, gửi các thông tin và nhận được lịch hẹn của cơ quan cấp đổi GPLX qua mạng điện tử. Tới ngày hẹn, người dân chỉ việc đến chụp ảnh, làm một số thủ tục và lấy GPLX.

 Cảnh chen chúc đổi giấy phép lái xe tại TP Hồ Chí Minh hồi đầu năm 2014

Như vậy sắp tới, người dân có nhu cầu đổi giấy phép lái xe sẽ chỉ một lần phải đến cơ quan cấp đổi để được nhận GPLX thay vì hai lần như hiện nay.Hiện nay việc cấp đổi GPLX là khâu có nhiều cải cách so với trước. Sau 5 ngày người dân được cấp đổi GPLX mới thay vì 15 ngày so với trước.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trước mắt, việc cấp đổi GPLX qua mạng sẽ được thí điểm ở Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Được biết, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là tới hạn chót hoàn tất cấp đổi GPLX ô tô bằng bìa giấy sang GPLX bằng vật liệu mới nhưng vẫn còn gần 1,2 triệu GPLX ô tô chưa được đổi.

 (ST)
 

Công nghiệp phụ trợ: Ngành xương sống vẫn phát triển èo uột

     Công nghệ lạc hậu nên sản phẩm hỗ trợ của Việt Nam mới chỉ phục vụ được một số lĩnh vực như xe máy, điện tử


Được coi là lĩnh vực xương sống đối với công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, tuy nhiên việc phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian qua tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng kịp, phần lớn sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang phải nhập khẩu.

Chính vì vậy, để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng là một thách thức không chỉ cho các nhà hoạch định chính sách mà bản thân các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Đây cũng là những ý kiến nổi bật tại Hội thảo "Tham vấn Dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ," do Bộ Công Thương tổ chức sáng 25/9, tại Hà Nội.

Nhiều năm công nghiệp hỗ trợ vẫn èo uột

Để xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ, từ năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN nhằm phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tiếp đến năm 2011, tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo động lực cho lĩnh vực này.

Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, các chính sách trên dường như vẫn chưa “chạm” đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Theo bà Trương Thị Mỹ Bình, thành viên tổ soạn thảo Nghị định Công nghiệp hỗ trợ (Viện Chiến lược phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương), quyết định 12/QĐ-TTg chưa quy định rõ danh mục sản phẩm nào được ưu tiên mà chủ yếu đây chỉ là cơ chế xin cho, doanh nghiệp thiếu gì thì đề xuất và chỉ duy nhất một doanh nghiệp được hưởng ưu đãi khi thực hiện quyết định này.

Tổng kết lại những thất bại trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thời gian qua, bà Bình cho biết thêm, nguyên nhân chính vẫn là do dung lượng thị trường nội địa còn nhỏ trong khi sự chi phối của các nhà lắp ráp nước ngoài còn quá lớn làm doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào chuỗi cung ứng.

Ước tính của ban soạn thảo thì trong 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ khoảng 200 doanh nghiệp trong nước tham gia được sản xuất cho nước ngoài nhưng mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xe máy và điện tử, trong khi nhiều ngành khác như dệt may, da giày, cơ khí, ôtô... lại bỏ ngỏ.

"Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam sẽ hướng mạnh đến các ngành công nghiệp chế tạo, nhưng nếu không quyết liệt sẽ không đạt được mục tiêu về công nghiệp hóa vào năm 2020," bà Bình nêu ý kiến.

Theo báo cáo của Viện Chiến lược Công nghiệp, tỷ lệ linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước mới chỉ đạt 27,8%, trong khi đó tại Thái Lan đã đạt 60% và Trung Quốc cũng đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%.

Nhiều lĩnh vực không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể ngành công nghiệp ôtô đặt mục tiêu 2010-2020 nội địa hóa 60% nhưng hiện chỉ đạt 7% - 8%. Ngành dệt may có kế hoạch nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2013, ngành này vẫn phải nhập khẩu 99% bông, 60% sợi, 70% vải.

Ngành cơ khí dự kiến 2020 nội địa hóa 75% nhưng công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản. Ngành điện tử nội địa hóa gần 20% nhưng thực chất chưa có công nghiệp điện tử mà chỉ mới có ngành lắp ráp điện tử.

Thêm chính sách hỗ trợ

Đặc điểm của ngành công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp phải đầu tư chuyên sâu các máy móc chuyên dụng, có trình độ công nghệ tiên tiến để tham gia vào chuỗi liên kết. Đồng thời, các doanh nghiệp phải có mặt bằng và môi trường thuận lợi cho tổ chức sản xuất và hợp tác liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp khác. Vì vậy, bên cạnh việc giải quyết vướng mắc về vốn cho doanh nghiệp, bố trí mặt bằng cho doanh nghiệp cũng là việc cần kíp.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài, cần phải xác định rõ rằng công nghiệp hỗ trợ là ngành đóng vai trò xương sống trong nền công nghiệp.

Làm rõ hơn, ông Trương Thanh Hoài cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI, cụ thể đó là các ngành dệt may, cơ khí-điện tử, lắp ráp máy… Các ngành này có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

"Giải pháp cần thiết nhất hiện nay đó là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn," ông Hoài nói.

Đồng tình ý kiến trên, theo thứ trưởng Bộ Công Thương, Cao Quốc Hưng, nhiều năm qua Chính phủ đã có định hướng về ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng việc hiểu cách hỗ trợ thế nào cho đúng cần sự tham vấn của doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo ra sự lan tỏa chung.

"Nhằm thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để Nghị định sớm được ban hành thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh về chất lượng, về giá cả theo các cam kết quốc tế," thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.

Để tạo động lực mới, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong Nghị định về phát triển Công nghiệp hỗ trợ dự kiến sẽ được trình Chính phủ và ban hành vào cuối năm 2014 sẽ tập trung vào các biện pháp nhằm hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, tiếp cận khách hàng… nhằm khắc phục các điểm yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Nghị định cũng bổ sung một số ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định về đầu tư xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cung cấp linh kiện và vật liệu toàn cầu đầu tư vào Việt Nam.

"Mục tiêu của Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp hỗ trợ là đến năm 2020 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cơ bản đáp ứng 45% nhu cầu trong nước và nâng lên 60% vào năm 2025," lãnh đạo Bộ Công thương cho hay./.

Dự thảo Nghị định về Công nghiệp hỗ trợ đề xuất việc áp dụng thí điểm đến năm 2020, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư. Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân cũng được miễn 50% so với mức thu nhập cá nhân thông thường áp dụng cho chuyên gia đào tạo, chuyển giao công nghệ với thời gian tối đa 1 năm.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư từ từ Quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ với lãi suất không quá 80% lãi suất vay thương mại, và thời gian vay lên đến 10 năm; và có thể được Qũy tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ xem xét bảo lãnh.

Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn được gia hạn nộp thuế 6 tháng kể từ ngày đến thời hạn nộp thuế lần đầu theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng.

Nhằm đảm bảo cho việc phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết sẽ dành nguồn vốn 30.000 tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực này, trong đó Vốn điều lệ của Quỹ do Ngân sách nhà nước cấp là 2.000 tỷ đồng, hai năm đầu tiên mỗi năm cấp 500 tỷ đồng, năm thứ ba cấp 1.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ của Quỹ do Thủ tướng Chính Phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương sau khi thống nhất với Bộ Tài Chính./.

(ST)

Hỗ trợ trực tuyến

3722276
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1569
2723
12720
1623386
1569
3722276

Your IP: 18.118.138.223
Server Time: 2024-05-01 11:35:31

SUPPORT ONLINE

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs. Nga - 0903.228.574

 

 

We have 39 guests and no members online