Dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2018

 

Dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2018

 Theo Conference Board, sau khi tăng trưởng cao hơn dự đoán trong năm 2017, nền kinh tế thế giới có khả năng sẽ duy trì được đà hiện nay và đạt mức tăng 3% trong cả năm 2018.

 Tại cuộc họp báo công bố Bản Triển vọng Kinh tế toàn cầu 2018, nhà kinh tế trưởng của Conference Board có trụ sở tại New York, ông Bart van Ark, cho biết cuối cùng thì tăng trưởng toàn cầu đã thực sự phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính.

Nền kinh tế toàn cầu được dự đoán tăng trưởng 3% trong năm nay, cao hơn mức dự đoán 2,8% mà Conference Board đưa ra đúng một năm trước, và tốc độ 3% này có thể được duy trì cho đến hết năm 2018.

Tuy nhiên, ông van Ark thận trọng lưu ý rằng mặc dù xu hướng tăng trưởng của các thị trường phát triển là vững chắc trong tương lai gần, song khả năng đẩy nhanh được mức tăng trưởng còn bị hạn chế và tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại vào cuối thập niên này.

Trong khi đó, những thị trường mới nổi chủ chốt, nhất là Trung Quốc, đang trở nên chín muồi, do đó khó có thể khôi phục được những xu hướng tăng trưởng như trước đây.

Thông tin tốt lành là vai trò ngày càng lớn của các nhân tố tăng trưởng về chất - gồm kỹ năng của lực lượng lao động được cải thiện, tiến trình số hóa, và đặc biệt là mức tăng trưởng năng suất cao hơn - có thể đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững và tạo điều kiện tốt hơn cho các công ty phát triển trong thập niên tới.

Cụ thể, Conference Board dự báo các nền kinh tế phát triển sẽ đạt tăng trưởng 2,2% trong năm 2017 và 2,1% trong năm 2018 - cải thiện đáng kể so với mức trung bình 1,8% trong 5 năm qua (2012–2017).

Trong khi đó, các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục mạnh lên, dự kiến đạt 3,7% trong năm 2017 và 3,8% trong năm 2018, song có sự chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia. Trung Quốc tăng trưởng cao hơn dự đoán trong năm 2017, nhờ xuất khẩu phục hồi và chính phủ tích cực hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XIX. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2018.

Trong khi đó, sau khi đạt mức tăng trưởng yếu hơn dự đoán trong năm nay do gặp phải nhiều khó khăn trong việc thực thi các sáng kiến chính sách như ban hành thuế dịch vụ và hàng hóa trên toàn quốc hay hủy bỏ những tờ tiền mệnh giá lớn, Ấn Độ sẽ cải thiện được tốc độ tăng trưởng trong năm 2018, chủ yếu nhờ tiêu dùng.

Conference Board cũng cảnh báo một số nhân tố có thể rút ngắn thời gian nền kinh tế thế giới duy trì được đà tăng trưởng hiện nay. Trước hết, sự tăng trưởng khởi sắc trong năm 2017 phần nào là nhờ một loạt sự kiện đặc biệt như việc bình ổn giá năng lượng và hàng hóa, lòng tin kinh doanh được cải thiện dựa trên hy vọng vào các cuộc cải cách thuế và kích thích tài chính của chính quyền mới ở Mỹ, sự phục hồi mang tính chu kỳ ở châu Âu, và chính sách kích thích tăng trưởng của Trung Quốc.

Những sự kiện này không thể tạo ra sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Mặt khác, sự phục hồi thiếu thuyết phục của hoạt động đầu tư có thể hạn chế tốc độ mà công nghệ được "chuyển hóa" thành sự tăng trưởng năng suất. Ở một số quốc gia vẫn tiềm ẩn nguy cơ tốc độ tăng trưởng tiêu dùng chậm lại do mức tăng lương vẫn chậm.

Bên cạnh đó, những nguy cơ về chính sách và địa chính trị cũng có thể cản trở xu hướng tăng trưởng trong năm 2018. Một vài trong số đó liên quan đến chính sách đối nội, nhất là ở Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.

Một số nguy cơ khác mang tính chất địa chính trị và địa kinh tế, như hậu quả của những cuộc đàm phán kéo dài về Brexit và những mối đe dọa khác đối với sự ổn định của châu Âu, làn sóng chủ nghĩa bảo hộ lên cao hay thậm chí là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và sự xuất hiện nhiều nguy cơ nổ ra xung đột chính trị hoặc thậm chí là quân sự tại nhiều nơi trên thế giới.

Trong khi đó, những xu hướng kinh tế dài hạn và những thay đổi về cơ cấu đặt ra những nguy cơ thậm chí còn lớn hơn đối với nền kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động chậm lại do dân số già nua, những khó khăn trong việc biến công nghệ thành năng suất, và sự phân chia không đồng đều những lợi ích của sự thay đổi công nghệ - tất cả đều cản trở nền kinh tế phát huy hết tiềm năng.

 Những cơ chế thuế công ty và các quy định kinh doanh không thuận lợi cũng là những nhân tố mang tính cơ cấu cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh.

Conference Board đã nêu một số nhân tố có thể giúp củng cố sự tăng trưởng có chất lượng và bền vững trong thập niên tới, bao gồm: Tình trạng khan hiếm lao động có thể kích thích việc tăng đầu tư vào những khu vực cần người tài, từ đó tạo ra sự tăng trưởng năng suất lao động, nhất là ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu; Tăng trưởng đầu tư có thể được duy trì thông qua việc cải thiện "chất lượng" đồng vốn, dựa trên đầu tư nhiều hơn vào máy móc và thiết bị, đặc biệt là các tài sản và dịch vụ kỹ thuật số; Tác động của đầu tư công nghệ số vào tăng trưởng năng suất sẽ trở nên rõ rệt hơn theo thời gian; Yếu tố kỹ năng của lực lượng lao động sẽ đóng vai trò tích cực trong việc tạo ra sự tăng trưởng về chất. Các thị trường mới nổi sẽ có thêm nhiều cơ hội đưa những nhân công có trình độ và lành nghề tham gia lực lượng lao động nhờ một loạt lao động trình độ thấp hơn đến tuổi về hưu.

Nguồn: Bnews/TTXVN http:vinanet.vn

 

Quy định đầu tư dầu khí ở nước ngoài và ý kiến chuyên gia

 

Quy định đầu tư dầu khí ở nước ngoài và ý kiến chuyên gia

 Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Nghị định lần này quy định chi tiết các "hình thức góp vốn" và "điều kiện chuyển vốn" đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt là quy định việc nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm khi triển khai dự án phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và quy định của pháp luật có liên quan... Theo các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, quy định của Chính phủ là rất chi tiết, chặt chẽ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư dầu khí Việt Nam khi tham gia vào hoạt động dầu khí quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn tài chính hạn hẹp, thế giới có nhiều biến động khó lường, các doanh nghiệp cần cân nhắc thận trọng khi quyết định đầu tư cho một dự án cụ thể ra nước ngoài.
Theo quy định mới, để chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai dự án dầu khí tại nước ngoài, nhà đầu tư được phép thành lập, hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư, hoặc tại nước thứ ba theo quy định của pháp luật có liên quan, hợp đồng dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung.
Trường hợp nhà đầu tư quyết định thành lập công ty điều hành nhằm mục đích thay mặt nhà đầu tư tham gia, hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, công ty điều hành sẽ được ghi tên trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Công ty điều hành được sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án dầu khí.
Hình thức góp vốn
Nghị định quy định nhà đầu tư thực hiện góp vốn đầu tư theo hình thức sau:
1/ Góp vốn theo hình thức gọi vốn của người điều hành dự án.
2/ Góp vốn vào công ty liên doanh điều hành chung, công ty điều hành.
3/ Mua cổ phần của công ty sở hữu một phần, hoặc toàn bộ dự án dầu khí.
4/ Góp vốn theo hình thức cho công ty điều hành vay vốn.
5/ Các hình thức khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, hoặc do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án dầu khí nước ngoài trong hạn mức vốn đầu tư ra nước ngoài ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (bao gồm cả phần thay đổi so với vốn đầu tư ra nước ngoài đã đăng ký). Trường hợp nhà đầu tư có các khoản thu nhập từ việc đầu tư vốn cho dự án, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục kê khai và nộp thuế thu nhập (nếu có) đối với các khoản thu nhập này theo quy định của pháp luật về thuế.
Vốn đầu tư ra nước ngoài thể hiện dưới các hình thức sau:
1/ Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép, hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép, hoặc ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2/ Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam.
3/ Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hoá thành phẩm, hàng hoá bán thành phẩm.
4/ Giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu.
5/ Các tài sản hợp pháp khác.
Điều kiện chuyển vốn
Nghị định mới cũng quy định rõ nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư sau khi đáp ứng các điều kiện sau:
1/ Nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 5 Nghị định này.
2/ Dự án dầu khí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư, hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.
3/ Có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 63 của Luật đầu tư.
4/ Nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm đối với việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, đảm bảo đúng mục đích, đúng thời hạn và tuân thủ các quy định của hợp đồng dầu khí, hợp đồng mua bán cổ phần...
5/ Nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
Quan điểm chuyên gia
Theo các chuyên gia trong Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, quy định của Chính phủ là rất chi tiết, chặt chẽ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư dầu khí Việt Nam khi tham gia vào hoạt động dầu khí quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn tài chính hạn hẹp, thế giới có nhiều biến động khó lường, các doanh nghiệp cần cân nhắc thận trọng khi quyết định đầu tư cho một dự án cụ thể ra nước ngoài.
Tính đến ngày 31/12/2015, có tới 28 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng mức đầu tư ra nước ngoài (phần tham gia của doanh nghiệp Việt Nam ghi theo Giấy chứng nhận đầu tư) là 7.990,9 triệu USD. Trong đó, 17 dự án đang hoạt động và 11 dự án tìm kiếm thăm dò đã, hoặc đang thực hiện việc chấm dứt do hoạt động tìm kiếm thăm dò rủi ro cao.
 
Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực thực hiện công tác đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực tế cho thấy, hoạt động đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã được triển khai với tốc độ "vừa phải", có sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và bước đầu có hiệu quả.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các dự án đầu tư vào các mỏ dầu ở nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có chi phí cao và rủi ro lớn. Trong khi đó, các mỏ dầu khí ở Biển Đông - ngay trên "sân nhà" thì chúng ta lại phải liên doanh đầu tư và phân chia sản phẩm với nước ngoài.
Do đó, các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm cần thiết để rà soát, bổ sung chiến lược phát triển (bao gồm quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển theo hướng thích nghi với tình hình thay đổi nhanh trong lĩnh vực dầu khí). Đây cũng chính là giai đoạn cần đặt vấn đề hiệu quả toàn chuỗi hoạt động dầu khí và nâng cao năng lực hoạt động của toàn hệ thống lên trên hết. Làm tốt những khâu này là nhân tố quyết định để ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí chủ đạo của mình và cũng là nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Nguồn: Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Từ 15/12/2017, Petrolimex bán xăng E5 trên toàn hệ thống phân phối

 

Từ 15/12/2017, Petrolimex bán xăng E5 trên toàn hệ thống phân phối

Đó là cam kết của Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Phạm Đức Thắng trong buổi làm việc với Tổ công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu về việc triển khai kinh doanh xăng E5 và điêzen chất lượng cao.
Báo cáo với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải về tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn 10 tháng năm 2017, Tổng giám đốc Phạm Đức Thắng cho biết: Sản lượng xuất bản xăng dầu là 10.157.642 tấn, đạt 85% kế hoạch; tổng doanh thu 126.392 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 3.971 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch...
Thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống và Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô, xe môtô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai bán xăng E5, Euro 4, Euro 5 từ ngày 01/01/2018, Petrolimex đã lên kế hoạch, có sự chuẩn bị từ khá sớm, kể cả tổ chức thị trường, giá cả để triển khai đưa sản phẩm mới đảm bảo đúng yêu cầu của Chính phủ.
Theo đó, từ cuối năm 2014, Tập đoàn đã đầu tư, đến nay có 5 điểm phối trộn E5 (inline) trên đường ống xuất bộ tại các điểm kho trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã và đang vận hành hết công suất để đáp ứng nhu cầu E5 cho cho lộ trình chuyển đổi. Dự kiến nửa đầu năm 2018, Tập đoàn sẽ đầu tư thêm 2 điểm phối trộn E5 (inline) tại địa bàn tỉnh Bình Định và Nghệ An; đồng thời, nâng cấp điểm phối trộn E5 tại kho cửa hàng xăng dầu Khu vực 5. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2018, công suất các điểm phối trộn E5 (inline) sẽ cung cấp E5 khoảng 1,8 triệu m3/năm.
Bên cạnh đó, Petrolimex đã đầu tư các điểm phối trộn E5 tại bể. Cụ thể, Kho K130 thuộc Công ty Xăng dầu B12 (Quảng Ninh) với sản lượng mỗi lần phối trộn 20.000 m3, dự kiến đến ngày 20/12/2017 ; Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (Phú Yên) với sản lượng mỗi lần phối trộn là 30.000 m3, dự kiến hoàn thành ngày 20/11/2017; Kho xăng dầu Nhà Bè thuộc Công ty Xăng dầu Khu vực II (TP. Hồ Chí Minh) với mỗi lần phối trộn là 12.000 m3, tiến độ ngày 15/11/2017 hoàn thành.
Sau khi hoàn tất các điểm phối trộn inline và mẻ lớn tại bể, Petrolimex sẽ đảm bảo đủ nguồn E5 cho hệ thống phân phối trực thuộc, kể cả làm dịch vụ phối trộn hoặc bán xăng E5 cho các thương nhân đầu mối nhỏ lẻ chưa xây dựng được trạm phối trộn.
“Trên cơ sở năng lực hiện tại, Petrolimex sẽ bán xăng E5 tại tất cả các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trước 15 ngày so với yêu cầu của Chính phủ”, ông Thắng khẳng định.
Nói về tiến độ chuyển đổi ngừng bán xăng khoáng 92 sang bán xăng E5, ông Thắng cho biết thêm: Tính đến ngày 10/11/2017 khoảng 40% cửa hàng xăng dầu trực thuộc đã chuyển đổi và chậm nhất đến ngày 25/12/2017 sẽ ngừng bán xăng 92. Đối với hệ thống phối trộn trung gian, Tập đoàn đã có thông báo đến khách hàng về chủ trương của Chính phủ chấm dứt lưu thông xăng 92 và thay thế bằng E5 từ ngày 01/01/2018 để khách hàng chủ động kế hoạch chuyển đổi. Cùng với đó, Petrolimex đã triển khai chiến dịch truyền thông về xăng E5 trên phạm vi cả nước với quy mô lớn nhất, sâu rộng nhất để truyền tải ý nghĩa sử dụng nhiên liệu sinh học.
Để Chương trình ngừng bán xăng khoáng 92 chuyển sang bán xăng E5 thành công, Petrolimex kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo toàn bộ hệ thống xăng dầu thực hiện; Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai lộ trình bán xăng E5 của tất cả các thương nhân đầu mối kèm theo chế tài xử phạt đủ mạnh đối với những trường hợp vi phạm; Khẩn trương bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho việc kinh doanh nhiên liệu sinh học đảm bảo phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, Tập đoàn kiến nghị Liên Bộ tiếp tục và chỉ công bố cơ sở các mặt hàng tiêu dùng phổ biến như hiện nay bao gồm: xăng E5, DO 0,05S mức II và mức IV, FO 3,5, mặt hàng dầu hỏa; Đồng thời sớm điều chỉnh lại chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, nhất là xăng khoáng sát với thực tế của doanh nghiệp vì xăng khoáng cũng là nguyên liệu đầu vào của E5; Điều chỉnh kịp thời chi phí định mức E5 sau khi các thương nhân đầu mối có báo cáo kiểm toán; Trình Nhà nước điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường của E5 theo giá trị tuyệt đối để đơn giản và thuận tiện quyết toán thuế.

 
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh 10 tháng mà Tập đoàn đã đạt được rất đáng khích lệ. Thứ trưởng chúc mừng và mong Petrolimex tiếp tục cố gắng, phát huy tính chủ động sáng tạo trong công việc, xứng đáng là Tập đoàn đứng đầu của ngành kinh doanh xăng dầu Việt Nam.
Việc Petrolimex khẳng định đảm bảo đủ cung cấp trong thị phần của mình và sẽ triển khai sớm giúp người dân dần quen và cũng là sự tập dượt để đến ngày 01/01/2018 thực hiện tốt hơn.
“Qua báo cáo, tôi yên tâm hơn và biểu dương sự cố gắng, chủ động đáp ứng xăng E5 không những đúng thời gian mà còn vượt từ 15 đến 30 ngày so quy định của Chính Phủ. Chỉ cần với tốc độ này, chắc chắn Petrolimex sẽ đạt được mục tiêu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
“Sau buổi làm việc hôm nay, Tổ công tác tập hợp và sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho việc kinh doanh nhiên liệu sinh học đảm bảo phù hợp với thực tế”, Thứ trưởng chia sẻ.
 
Nguồn:Thúy Hà/Tạp chí Công Thương

Ngân hàng Nhà nước: Đồng VND ổn định nhất khu vực châu Á

 

Ngân hàng Nhà nước: Đồng VND ổn định nhất khu vực châu Á

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/10, tỷ giá USD/VND trung tâm tăng 1,41%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,22%, tỷ giá của Vietcombank giảm 0,18% so với cuối năm 2016.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực châu Á, đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực. Như vậy, thực chất VND đang giảm giá mạnh so với đồng tiền của các nước đối tác thương mại chính so với cuối năm ngoái (VND giảm giá 4,78% so với CNY, giảm 9,49% so với EUR, giảm 7,99% so với KRW, giảm 2,32% so với JPY, giảm 6,48% so với TWD, giảm 7,48% so với THB, giảm 5,67% so với SGD).
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản tiền đồng hợp lý, theo dõi sát tình hình thanh khoản thị trường và trạng thái ngoại tệ để điều chỉnh tỷ giá mua phù hợp. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng, nâng mức dự trữ ngoại hối nhà nước lên khoảng 45 tỷ USD.
Thị trường ngoại tệ, tỷ giá về cơ bản ổn định, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Trong 10 tháng qua, kinh tế vĩ mô trong nước và thị trường quốc tế có những diễn biến thuận lợi cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ như: cán cân thương mại thặng dư đạt 2,56 tỷ USD (đặc biệt liên tục thặng dư ở mức cao trong ba tháng là tháng 8, 9 và tháng 10 lần lượt là 1,59 tỷ USD, 1,1 tỷ USD và 2,18 tỷ USD). Vốn FDI giải ngân ở mức cao lên tới 14,2 tỷ USD tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức tín dụng mua ròng khoảng 2,5 tỷ USD từ nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, có một số giai đoạn thị trường ngoại tệ trong nước chịu tác động bất lợi từ các yếu tố như giai đoạn từ đầu tháng Hai tới giữa tháng Ba, USD thế giới tăng mạnh trước kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong khi nhập siêu ở mức cao trong tháng Hai và tháng Ba (nhập siêu 2,04 tỷ USD trong tháng Hai và 1,1 tỷ USD trong tháng 3).
Bên cạnh đó, đồng USD cũng biến động tương đối phức tạp do chịu tác động bởi nhiều yếu tố đan xen như tình hình kinh tế Mỹ phục hồi chưa thực sự vững chắc, khủng hoảng chính trị tại Mỹ, khả năng thực hiện chính sách cải cách thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump...
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ đi cùng với việc điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng trong những giai đoạn cung-cầu ngoại tệ thuận lợi để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đồng thời chủ động và linh hoạt điều tiết thanh khoản tiền VND hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá trong những giai đoạn nguồn cung kém thuận lợi và yếu tố tâm lý trước biến động trên thị trường quốc tế, qua đó góp phần giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá theo mục tiêu đề ra.
 

Nguồn: Vietnamplus.vn

 

Chính thức vận hành băng tải than Khe Ngát - Điền Công

 

Chính thức vận hành băng tải than Khe Ngát - Điền Công

Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa khánh thành hệ thống vận tải than bằng băng tải (giai đoạn 1) từ kho than Khe Ngát ra đến cảng Điền Công. Toàn tuyến băng tải có chiều dài hơn 6km, quy mô rộng 21 héc ta, chạy qua địa bàn ba xã, phường của Thành phố Uông Bí (gồm Điền Công, Bắc Sơn và Quang Trung). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.290 tỷ đồng, với công suất vận chuyển đạt 6 triệu tấn/năm.
Dự án này được khởi công vào cuối tháng 12/2015, gồm các hạng mục chính như: hệ thống băng khu vực Ga A đến kho Khe Ngát, với chiều dài hơn 1.590 mét và hệ thống băng tải uốn từ kho Khe Ngát ra cảng Điền Công dài 6.055 mét, 2 hệ thống băng tải được thiết kế đường băng rộng 1,2 mét, công suất vận tải 1.150 tấn than/giờ.
Cùng với các hạng mục trên là một kho chứa than kín Khe Ngát (gần khu vực Ga A) dài hơn 200 mét, rộng 60 mét, cao hơn 30 mét, với sức chứa 26 nghìn tấn than cũng như các công trình phụ trợ khác. 
Việc đưa hệ thống băng tải vận chuyển than vào hoạt động đã thay thế cho 300 đầu xe ô tô và hơn 500 toa tàu sắt thường xuyên vận chuyển than hàng tháng. Đồng thời góp phần bảo đảm an toàn giao thông và đặc biệt là cải thiện đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường của Thành phố Uông Bí.
 

Nguồn: Tạp chí năng lượng Việt Nam

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

3681379
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
10607
3064
25915
1587004
108541
3681379

Your IP: 3.146.255.127
Server Time: 2024-04-26 16:27:35

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
269 khách & 0 thành viên trực tuyến