IEA: Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu chống lại sự gia tăng của xe điện

 

IEA: Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu chống lại sự gia tăng của xe điện

 Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ chỉ giảm nhẹ bên cạnh sự gia tăng của xe điện trong hai thập kỷ tới, với tiêu thụ trong hóa dầu và giao thông khác vẫn tăng trưởng.
Dầu mỏ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn năng lượng thân thiện môi trường và rẻ hơn khi người dùng nhiên liệu hóa thạch truyền thống chuyển sang các nhiên liệu sạch hơn, carbon thấp.
Trong Triển vọng Năng lượng Thế giới 2018, IEA cho biết họ đã cắt giảm dự báo giá dầu trong dài hạn từ năm ngoái, một phần do chi phí giảm với cả nguồn năng lượng tái tạo và thông thường, nỗ lực toàn cầu thúc đẩy để giải quyết biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng không khí và sự bùng nổ trong sản lượng dầu đá phiến của Mỹ và khí đốt.
Theo “Kịch bản Chính sách Mới” của IEA dựa trên pháp luật hiện có và chính sách dự định thông báo liên quan tới khí thải và biến đổi khí hậu, giá dầu sẽ tiếp tục tăng hướng tới 83 USD/thùng vào giữa những năm 2020.
Thị trường dầu mỏ sẽ có thể tìm thấy một cân bằng trong dài hạn, với giá dầu trong dải 50 - 70 USD/thùng.
IEA ước tính rằng sẽ có 50 triệu xe điện vào năm 2025 và 300 triệu xe vào năm 2040, từ gần 2 triệu xe hiện nay. Tuy nhiên dự kiến cắt giảm chỉ 2,5 triệu thùng dầu/ngày hay khoảng 2% khỏi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tại thời điểm đó.
Laura Cozzi, giám đốc bộ phận Triển vọng Nhu cầu Năng lượng cho biết “hoàn toàn ngoạn mục, vì chúng ta sẽ thấy số lượng ô tô trên đường tăng gấp đôi từ 1 tỷ xe thành 2 tỷ, nhờ xe điện và các tiêu chuẩn tiếp kiệm nhiên liệu”. “Nhiều nhà bình luận cho biết chúng ta đang viết cáo phó cho nhu cầu dầu mỏ ... nó thực sự đúng trong phân khúc xe chở khách và trong phát điện, nhưng nó không đúng trong 2 thành phần khác của nhu cầu: giao thông và hóa dầu”.
Ngành điện sẽ biến động nhanh rời khỏi sự phụ thuộc vào than và dầu thô, với nhiên liệu tái tạo chiếm một tỷ lệ lớn hơn nhiều của năng lượng toàn cầu.
Từ năm 2017 đến năm 2040, IEA ước tính rằng công suất điện mặt trời sẽ được bổ sung mỗi năm nhiều hơn bất cứ nguồn năng lượng nào khác, với sự gia tăng trung bình hàng năm gần 70 GW. Cơ quan này cho biết “những thay đổi này làm sáng sủa triển vọng về năng lượng bền vững và đòi hỏi đánh giá lại các tiếp cận an ninh năng lượng”.
Lực lượng gián đoạn lớn nhất tới nguồn cung tương lai sẽ là Mỹ. Mỹ sẽ có thể thiết lập để trở thành “nhà lãnh đạo không thể tranh cãi” trong sản xuất dầu mỏ và khí đốt vào năm 2040 nhờ tăng trưởng mạnh trong dầu đá phiến, mà đã chứng tỏ linh hoạt hơn với môi trường giá thấp so với hầu hết các nhà quan sát thị trường dự kiến.
 
Tim Gould, giám đốc bộ phận Triển vọng Nguồn cung Năng lượng nói “hiện nay chúng tôi chứng kiến một giai đoạn mở rộng trong sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ phù hợp hoặc vượt bất kỳ kỷ lục nào trong lịch sử đã đạt được trong ngành dầu mỏ và khí đốt”.
IEA ước tính rằng dầu thô của Mỹ được dự kiến tăng cho đến khi đạt được mức đỉnh khoảng 17 triệu thùng/ngày vào những năm 2020.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

 

Vì sao nền nông nghiệp Pháp dẫn đầu thế giới?

 

Vì sao nền nông nghiệp Pháp dẫn đầu thế giới?

Thức ăn cho bò có tiêu chuẩn rất cao. Ảnh: TG

Nền nông nghiệp Pháp từ lâu đã được xếp vào nhóm hàng đầu thế giới với những sản phẩm nổi tiếng như rượu vang, thịt bò, pho mai, xúc xích.

Để tiến đến và duy trì vị trí đó là cả một chuỗi mắt xích gắn kết rất chặt chẽ, hỗ trợ và giám sát lẫn nhau từ nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và người tiêu dùng… TBKTSG Online có dịp tìm hiểu chuỗi liên kết nông nghiệp đặc biệt đó trong một dịp đến Pháp hồi tháng 10.

Chuyện của một nông dân Pháp
Ông Bertot Thierry, một nông dân ở vùng Normandie, nhẹ nhàng kẹp vào tai con bê mới sinh một ngày tuổi hai tấm biển hiệu màu vàng nhạt. Trên đó ghi mã số quốc gia, tỉnh, trang trại, và một dãy số mà mỗi con bò đều phải mang suốt đời. Sau đó, ông phải khai báo thông tin về con bê trên trang web của cơ quan quản lý nhà nước. “Nếu không có biển hiệu, cơ quan chức năng sẽ phạt chúng tôi rất nặng và buộc phải tiêu hủy bò”, ông Thierry nói.
Ông phải trả 5 euro cho tấm bảng đó, mà nhờ nó ông không bao giờ phải lo mất trộm bò hay lo bò lạc và giúp truy suất nguồn gốc bò khi bán thịt sau này.
Đàn bò sữa 90 con cung cấp cho ông Thierry 900.000 lít sữa mỗi năm. Tất cả số sữa này được bảo quản lạnh theo quy trình nghiêm ngặt và phải được bán cho hợp tác xã trong vùng, tổ chức giúp xây dựng phòng thí nghiệm cho mỗi hộ nuôi bò. Khi đến thu mua sau mỗi ba ngày, người của hợp tác xã đều kiểm nghiệm chất lượng sữa, hàm lượng protein, vi khuẩn và đặc biệt là dư lượng kháng sinh, những chỉ số quyết định giá sữa cao hay thấp.
Điều đáng lo nhất ngại nhất là dư lượng kháng sinh. Ông Thierry giải thích: “Nếu phát hiện chất kháng sinh thì họ sẽ không thu mua và chúng tôi phải bỏ toàn bộ sữa trong bồn”.
Chính vì thế, ông Thierry cho biết, khâu thức ăn cho bò là rất quan trọng. Ông dành 20 ha trong tổng số 135 ha đất được thừa kế từ bố mẹ chỉ để trồng cỏ nuôi bò. Trang trại của ông cho bò ăn cỏ và bắp (ngô) chứ không dùng thức ăn công nghiệp do lo ngại thức ăn được trộn từ nhiều nguồn khác nhau, không đảm bảo chất lượng và có thể gây bệnh cho đàn bò.
Song, vấn đề của ông chính là giá sữa, thường được mua với giá 308 euro cho 1.000 lít. “Giá đó là quá thấp và không có lãi. Do chúng tôi xây dựng trang trại 20 năm hết khấu hao rồi nên còn chịu được, chứ bây giờ chả ai dám đầu tư mới”, ông nói và cho biết thêm, giá sữa phải lên 350 euro thì nông dân Pháp mới có lãi.
Vai trò của các nhà khoa học
Con bê ở trang trại của ông Thierry được uống sữa mẹ trong khoảng 10 ngày đầu tiên, trong khi những con bò sữa được thả ra đồng cỏ, được nghe nhạc và hưởng thụ máy mát xa.
Những hành động đó được Giáo sư Pierre Demont của Viện Đại học nghiên cứu thực phẩm, thú ý, nông học và môi trường (VetAgro Sub) đóng tại thành phố Lyon, mô tả là quyền của động vật, khái niệm đã được thừa nhận tại Pháp và nhiều nước châu Âu.
Ông nói, theo quan niệm trước đây, người ta coi động vật như tài sản, việc mua bán gia súc cũng như mua bán tài sản khác. Gần đây có sự thay đổi trong nhận thức, động vật không phải là tài sản mà là những cá thể đặc biệt, thậm chí nhiều người cho rằng gia súc có quyền như người. Do đó, Pháp có những thay đổi về pháp luật, áp đặt những quy định chặt chẽ về mối quan hệ giữa con người và động vật, trong chăm sóc động vật, quy định lò giết mổ ngặt nghèo hơn trước sao cho giết mổ không tàn nhẫn.
Giáo sư Pierre Demont cho biết, Pháp có đàn bò sữa lên đến 19 triệu con và có quy định rất chặt chẽ trong việc sử dụng thức ăn cho gia súc. Việc trộn kháng sinh tăng trọng vào thức ăn bị cấm hoàn toàn và lệnh cấm có hiệu lực hơn 10 năm nay. Trong trường hợp kháng sinh được sử dụng để chữa bệnh cho gia súc, Chính phủ đưa ra một danh sách hạn chế các loại kháng sinh có thể được sử dụng; chứ người nuôi không được tự ý sử dụng bất cứ loại kháng sinh nào để điều trị cho gia súc.
Điều đáng ngạc nhiên là VetAgro Sup là trường quốc gia của Pháp nhưng mỗi năm chỉ tuyển vỏn vẹn 120 sinh viên để đào tạo thành bác sĩ thú y. Nhà trường giải thích, nếu đào tạo quá nhiều bác sĩ thú y sẽ tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau, làm giảm lương và gây lãng phí.
Ông Olivier Faugere, Giám đốc Trường thú y quốc gia thuộc VetAgro Sub cho biết, tại Pháp chỉ có 1.000 công chức trong lĩnh vực thú y. Những người này có vai trò tổ chức mạng lưới ngăn chặn dịch bệnh gia súc, kiểm soát an toàn thức ăn gia súc. Khi có dịch bệnh như cúm gà, bò điên... thì 1.000 công chức này đóng vai trò lãnh đạo mạng lưới bác sĩ thú y trên cả nước. Họ có quyền chỉ định tiêu huỷ đàn gia súc, các bác sĩ thú y tư là những người thực thi.
Khi phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh, Pháp sẽ ra thông báo dịch chỉ trong vòng 24 giờ với Tổ chức Y tế thế giới và tổ chức này sẽ thông báo trên toàn cầu. Ông Faugere nói, đây là nghĩa vụ bắt buộc do Pháp đã ký các thỏa thuận quốc tế.
Nhà nước vẫn đóng vai trò lớn

 
Để có một nền nông nghiệp sạch và bền vững đáp ứng được những tiêu chuẩn rất cao của người tiêu dùng, Chính phủ Pháp một mặt áp dụng những chính sách rất nghiêm ngặt, một mặt hỗ trợ rất tốt cho các nhà sản xuất nông nghiệp.
Ông Alain Clergerie, Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Pháp cho biết, Pháp hiện có 13.500 doanh nghiệp và 474.000 cơ sở sản xuất nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp. Những cơ sở sản xuất nhỏ đang có chiều hướng giảm dần do người sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn, và đây là điều là Chính phủ Pháp đau đầu.
Ông Clergerie cho biết, chính phủ Pháp thực hiện rất nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu bán sản phẩm. Hàng năm có tới 30.000 cuộc kiểm tra tại các doanh nghiệp, hay chi nhánh ở từng tỉnh; 60.000 cuộc kiểm tra đối với các cơ sở giết mổ, các cơ sở bán hàng, quán ăn, các chợ, siêu thị, các trang trại tự bán các sản phẩm, và các lô hàng trước khi nhập khẩu vào Pháp.
Ngân sách chi cho riêng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm dự kiến lên tới 5,3 tỉ euro năm 2018. Hệ thống đào tạo trực thuộc bộ có 371 trường, trong đó 2/3 số trường là trường tư, 1/3 là trường công.
Từ đầu những năm 2000, Pháp bắt đầu nhận thức về chuyện chuyển sang làm nông nghiệp sinh thái. Đến 2010, Chính phủ Pháp đặt ra khái niệm rõ ràng hơn là sản xuất nông nghiệp phải có hiệu quả kép về kinh kinh tế và môi trường. Đến 2012-2017, Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Pháp chính thức khởi động nông nghiệp sinh thái với khẩu hiệu “sản xuất theo cách khác” nhằm vừa bảo đảm đa dạng sinh học và vừa bảo đảm chất lượng qua các chương trình cụ thể như làm sao giữ được nước, giảm sử dụng các kháng sinh trong nuôi súc vật và các loài thụ phấn.
Ông Clergerie cho biết, Chính phủ Pháp đang quan tâm giải quyết hàng loạt các vấn đề để định hướng tương lai cho ngành nông nghiệp Pháp như làm sao tạo ra giá trị và đảm bảo sự phân chia công bằng; hỗ trợ để chuyển đổi mô hình sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của người tiêu dùng; tạo điều kiện cho nông dân có thể được chi trả đúng mức vì hiện nay nhiều nông dân chưa được chi trả thỏa đáng; hỗ trợ tuyên truyền sao cho người tiêu dùng biết cách sử dụng sản phẩm có chất lượng và đảm bảo sức khỏe.

Nguồn: Tư Gia/Thời báo kinh tế Sài Gòn

121 thỏa thuận với giá trị hơn 20 tỷ USD được ký kết tại APEC 2017

 

121 thỏa thuận với giá trị hơn 20 tỷ USD được ký kết tại APEC 2017

Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, lãnh đạo các nền kinh tế đều có chung đánh giá Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã thành công tốt đẹp cả về mặt nội dung và công tác tổ chức. 

Theo Phó Thủ tướng, trong một thập kỷ qua, đây là một trong hai Tuần lễ Cấp cao có sự tham dự của hầu hết lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên. Đã có 21.000 đại biểu tham dự các hoạt động của Năm APEC, trong đó chỉ riêng Tuần lễ Cấp cao là trên 11.000 người.
Trong khi đó, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh có số lượng đại biểu tham dự kỷ lục, trên 2.000 người so với khoảng 1.000-1.500 trong các Hội nghị trước, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các vấn đề kinh tế trong khu vực.
Số lượng các nhà báo tác nghiệp trong Tuần lễ Cấp cao lên đến gần 3.000, qua đó nói lên sự quan tâm của truyền thông khu vực và thế giới đối với sự kiện quan trọng nhất của Năm APEC 2017.
Về mặt kinh tế, qua các chuyến thăm, cuộc gặp song phương, đã có 121 thỏa thuận trị giá hơn 20 tỷ USD được ký kết, mang lại cơ hội cho người dân và doanh nghiệp.

 
Phó Thủ tướng đánh giá Việt Nam đã rất thành công trong việc đưa ra chủ đề lớn trong của Năm APEC 2017, đó là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” cùng 4 ưu tiên được các nền kinh tế thành viên hết sức ủng hộ.
“Chúng ta chọn đúng vấn đề, chọn đúng ưu tiên” và “không một nền kinh tế nào thấy mình đứng ngoài” những ưu tiên đó, từ đó tạo sự quan tâm và đồng thuận chung, Phó Thủ tướng cho biết.
Ngay cả khi các nước nhất trí với chủ đề và các ưu tiên, chủ nhà còn có nhiệm vụ dung hòa, thu hẹp khác biệt trong từng vấn đề bởi mỗi nền kinh tế có mức độ quan tâm khác nhau, có quan điểm khác biệt, thậm chí trái ngược nhau được.
Nếu không thống nhất được quan điểm, sẽ không ra được văn kiện cuối cùng của Tuần lễ Cấp cao cũng như văn kiện của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế.
Đặc biệt, điểm mới trong các Tuyên bố cuối cùng của các nhà lãnh đạo và Tuyên bố chung của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế là đều có phụ lục kèm theo và là sáng kiến của Việt Nam.
Cũng theo Phó Thủ tướng, vị thế của Việt Nam còn được thể hiện ở việc lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc tham dự phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC (CEO Summit).

 Nguồn: Thanh Tâm/ndh.vn

Tổng thống Peru giải thích lý do chậm trễ giải quyết 3 kiến nghị của Petrovietnam

 

Tổng thống Peru giải thích lý do chậm trễ giải quyết 3 kiến nghị của Petrovietnam

Theo giải thích của Tổng thống Peru, quốc gia này muốn thay đổi trong việc khai thác và phát triển dầu khí, để sản phẩm có giá thành hợp lý hơn

Tại phiên đối thoại thứ 6 có chủ đề “Những chân trời mới cho thương mại”, đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) đã có câu hỏi gửi tới Tổng thống Cộng hòa Peru.
Ông Ngô Hữu Hải- Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (thuộc PVN) cho biết, 3 đề xuất của công ty đã từng được gửi tới ngài Tổng thống và Quốc hội Peru nhưng chưa có câu trả lời. Đây là 3 đề xuất về việc hoạt động của công ty tại Peru.
“Đúng 1 năm trước, tại diễn đàn như thế này bên Peru (APEC Peru 2016), chúng tôi đã đưa ra đề xuất. Tuy nhiên, dù trải qua nhiều cuộc họp liên chính phủ, vẫn chưa giải quyết được. Đề nghị Tổng thống cho biết, với mối cảm tình với đất nước Việt Nam, công ty Việt Nam và sự cởi mở như Tổng thống vừa chia sẻ thì đến khi nào kiến nghị này được giải quyết?” – ông Ngô Hữu Hải hỏi.
Ông Pedro Pablo Kuczynski- Tổng thống Cộng Hòa Peru đã trả lời câu hỏi của đại diện PVN ngay tại phiên đối thoại. Tổng thống Peru cho rằng, đây là một câu hỏi về khai thác dầu mỏ tại khu vực rừng Amazon, thuộc lãnh thổ Peru. Một vài đơn vị vận hành của phía Peru cũng tham gia dự án với PVN và có nhiều lý do khiến dự án bị chậm trễ.
“Chúng tôi còn có một vài đơn đơn vị vận hành mà ngài Hải vừa rồi cũng đã nói. Lý do dự án của chúng tôi hơi chậm là chúng tôi muốn có những thay đổi trong việc khai thác và phát triển dầu khí, để có sự thay đổi giá thành hợp lý hơn. Do đó, cả quá trình khá chậm. Chúng tôi cũng đang xây dựng một đường ống trung chuyển dầu trong khu vực. Đấy là những vấn đề lý giải cho sự chậm trễ của dự án” – Tổng thống Cộng hòa Peru nói.
Hiện nay, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (thuộc PVN) đang có 2 lô khai thác dầu khí cùng với Công ty Perenco (Cộng hòa Pháp) là 67 và 39, tại rừng Amazon thuộc lãnh thổ Peru. Ngày 20/11/2013, Tổng công ty và Perenco đã bắt đầu khai thác dòng dầu thương mại.
 
Trước khi trả lời các câu hỏi, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận về tự do hóa thương mại. Tổng thống Cộng hòa Peru đã nhắc tới Tập đoàn Viettel và coi đây như một một biểu tượng của sự hợp tác. Viettel đã đầu tư vào Peru và cung cấp dịch vụ viễn thông với thương hiệu Bitel. Tổng thống Peru khẳng định, Viettel – một doanh nghiệp Việt Nam đang đóng vai trò lớn trên thế giới, điều không ai nghĩ đến trước đây sau khi Việt Nam trải qua 2 cuộc chiến tranh.
Nguồn: PVEP/Báo Công Thương điện tử

 

Giá vàng hôm nay 14/11: Ồ ạt bán tháo, vàng chìm đáy thấp

 Giá vàng hôm nay 14/11 neo ở mức thấp cuối tuần trước do áp lực bán tháo vẫn còn lớn và giới đầu tư lo ngại những yếu tố hỗ trợ cho vàng đang thay đổi.
 
Tới đầu giờ sáng 14/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.278 USD/ounce.

Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.280 USD/ounce.

Hiện giá vàng cao hơn 11% (+127 USD/ounce) so với cuối năm 2016. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 35,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 1,2 triệu đồng/lượng.

 

Giá vàng thế giới đêm qua neo ở mức thấp cuối tuần trước do áp lực bán tháo vẫn còn lớn và giới đầu tư lo ngại những yếu tố hỗ trợ cho vàng đang thay đổi.

Những lệnh bán lớn hàng triệu ounce trên thị trường vàng thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần đã ghìm giữ giá vàng không thể tăng trở lại sau cú tụt giảm cuối tuần trước. Một đồng USD tĩnh lặng, không tăng giá cũng không giúp gì được cho thị trường vàng.

Vàng giảm giá chủ yếu do giới đầu tư lo ngại một số yếu tố hỗ trợ chính cho vàng đang thay đổi. Đồng USD vẫn đang trong xu hướng tăng giá do kế hoạch tăng lãi suất của Mỹ gần như chắc chắn sẽ xảy ra.

Đồng bạc xanh được cho là sẽ tăng nhanh hơn so với yen Nhật trong năm tới. Trong khi đó, những rủi ro địa chính trị trên thế giới được dự báo sẽ không nghiêm trọng hơn trong năm 2018 tới.

Mặc dù vậy, lo ngại về những vướng mắc của đạo luật cắt giảm thuế của ông Donald Trump đang hỗ trợ giá vàng.

Phân tích kỹ thuật cho thấy, vàng đang trong xu hướng giảm giá trong ngắn hạn. Ngưỡng kháng cự gần nhất là: 1.280 USD/ounce và sau đó là đỉnh cao tuần trước: 1.290 USD/ounce. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất là: 1.270 USD/ounce và sau đó là: 1.263,2 USD/ounce.

Trên thị trường vàng trong nước, trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng trong nước giảm 30-40 ngàn đồng so với phiên cuối tuần trước.

Chốt phiên 13/11, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 36,47 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 36,42 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,64 triệu đồng/lượng (bán ra).

Theo Doji, trong bối cảnh giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng điều chỉnh giảm nhẹ.

Trong vài phiên gần đây, nhà đầu tư trong nước tương tác với thị trường khá yếu và hướng sự quan tâm tới các thông tin kinh tế chính trị quan trọng ở tuần kế tiếp.

Trích nguồn: http://vietnamnet.vn

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

3674799
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
4027
3064
19335
1587004
101961
3674799

Your IP: 18.220.137.164
Server Time: 2024-04-26 03:40:20

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
316 khách & 0 thành viên trực tuyến