Chạy đua cấp phép cho dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội

 - Dự án lọc hoá dầu Nhơn Hội (Quy Nhơn, Bình Định) có thể khởi công vào cuối năm 2016 và vận hành chính thức vào năm 2021.

Ưu đãi lớn

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo, chủ đầu tư giúp địa phương nghiên cứu, đề xuất, vận dụng các cơ chế chính sách, pháp lý hoàn thiện thủ tục trong tháng 1/2015 để đến đầu tháng 2/2015 (trước Tết Nguyên đán Ất Mùi), UBND tỉnh cấp Giấy phép đầu tư cho dự án.

Dự án Lọc hóa dầu (Victory) Nhơn Hội do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan (PTT), đối tác chiến lược Saudi Aramco (Saudi Arabia) và các đối tác khác làm chủ đầu tư.

Dự án có quy mô diện tích khoảng 1.400ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội, công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm và đến sau 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 660.000 thùng/ngày (tương đương 30 triệu tấn/năm).

Tổng nguồn vốn đầu tư là 22 tỷ USD và khi mở rộng công suất lên 30 triệu tấn/năm tổng vốn đầu tư nâng lên 30 tỷ USD. 

Mô hình dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội.
Mô hình dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội.

Trước đó, ngày 19/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội-Bình Định vào quy hoạch chung phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025. Thủ tướng cũng chấp thuận một số ưu đãi đầu tư được tỉnh Bình Định và Bộ Tài chính đề xuất trước đó.

Cụ thể, dự án sẽ thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư. Theo quy định hiện hành, lọc dầu Nhơn Hội cũng sẽ được hưởng ưu đãi như các dự án khác triển khai tại địa bàn khó khăn, khu kinh tế, khu công nghiệp cao như: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Riêng đề xuất thuế xuất khẩu sản phẩm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm của chủ đầu tư sẽ được xem xét trong giai đoạn thu xếp vốn.

Ngoài ra, dự án cũng được miễn thuế thuê đất và thuế nhập khẩu dầu thô cũng như các thiết bị, máy móc, vật tư mà trong nước chưa sản xuất. Khi nhà máy hoàn thành, các sản phẩm lọc hóa dầu cũng được bán và phân phối tại thị trường Việt Nam, trong đó Chính phủ không cam kết mức thuế nhập khẩu sản phẩm lọc dầu, hóa dầu của dự án.

Trước đó, chủ đầu tư đã xin nhiều ưu đãi, trong đó có một số nội dung "vượt khung" như miễn tiền thuê đất trong 70 năm, thuế thu nhập trong 13 năm đầu... và các ưu đãi không thấp hơn đối với các dự án lọc dầu đã và đang xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đều cho rằng không phù hợp với quy định.

Giá đắt phải trả

Trong chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020, chỉ có 3 dự án lọc hóa dầu. Đó là nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, công suất 6,4 triệu tấn dầu thô/năm; Nghi Sơn (Thanh Hóa) vốn đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm.

Tuy nhiên, đến nay các nhà máy lọc hóa dầu phát triển ồ ạt với rất nhiều dự án, tập trung chủ yếu ở miền Trung.

Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang "bội thực" các dự án lọc hoá dầu với sự tham gia của các nhà đầu tư ngoài. Từng trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Đông Hải, nguyên lãnh đạo Tổng cục Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) lo ngại, công nghiệp lọc hóa dầu phát triển mạnh nhưng chưa ai nghĩ đến hậu quả ô nhiễm của nó.

Việc các nhà đầu tư ngoại chọn Việt Nam làm điểm đầu tư các dự án lọc dầu, theo ông Hải, đó là bài toán địa chính trị-kinh tế.

"Tại sao hầu hết các dự án lọc dầu đều được đặt tại miền Trung? Miền Nam là vựa lúa, phải dựa vào đó người dân mới sống được, còn miền Bắc ở mức độ nào đó cũng có nền công nghiệp, chỉ có miền Trung là khoảnh đất dài và cằn cối nhất. Thế nên đặt các nhà máy lọc dầu ở đây cũng là để thúc đẩy kinh tế miền Trung phát triển. Nhưng các nhà đầu tư ngoại sẽ được gì?

Thử nhìn dự án lọc dầu Nhơn Hội, tại sao nhà đầu tư PTT Thái Lan lại sốt sắng với nó vậy? Khi nhà máy này hoạt động, họ sẽ xuất các sản phẩm lọc dầu, hóa dầu cho ai nhiều nhất? Có lẽ là thị trường gần nhất với Việt Nam: Trung Quốc. Từ đây chở các sản phẩm lọc dầu, hóa dầu về Trung Quốc chỉ mất 1 ngày là tối đa".

Để có vốn và nguyên liệu, theo TS Nguyễn Đông Hải, Việt Nam phải chấp nhận đánh đổi, bị chi phối về kinh tế, hứng chịu rủi ro về môi trường và an ninh.

"Quyền chủ động không thuộc về Việt Nam. Tỷ lệ góp vốn vào các dự án lọc dầu của Việt Nam thấp nên không nắm được chủ thể của nhà máy. Việt Nam chỉ nắm chủ quyền, được hình ảnh là nước chủ nhà, mang nhiều ý nghĩa tượng trưng, mà trong làm ăn kinh tế thì không có tượng trưng!".

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng thẳng thắn, các dự án lọc hóa dầu chẳng khai thác được lợi thế gì của Việt Nam. Ngay nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam là Dung Quất có mỏ Bạch Hổ cũng đã phải nhập 10-20% sản lượng dầu thô, vậy nên tất cả các nhà máy khi đi vào hoạt động cũng đều phải nhập khẩu dầu thô, nghĩa là chịu sự chi phối của giá dầu thô thế giới.

Việt Nam chẳng thu được đồng thuế nào trừ chút thuế giá trị gia tăng, thậm chí còn phải bù thuế cho các nhà máy lọc dầu. Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn đang được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu.

"Ai đó nói rằng các nhà đầu tư ngoại sẽ đưa đến Việt Nam công nghệ hiện đại, kiểm soát được ô nhiễm môi trường nhưng thử hỏi, họ có đảm bảo được rằng đó là công nghệ hiện đại? Không loại trừ trường hợp nhà đầu tư tháo nhà máy lọc dầu cũ, bôi dầu mỡ làm bóng lại rồi đưa sang Việt Nam.

Hiện nay, các nhà máy cứ nói dây chuyền hiện đại, công nghệ cao nhưng có dám khẳng định không có hàng Trung Quốc?".

"Thiết bị như thế đương nhiên sẽ ô nhiễm môi trường. Việt Nam tập trung công nghệ kỹ thuật cho nhà máy lọc dầu Dung Quất như thế nhưng thử hỏi đã bị xì bao nhiêu lần? Tất nhiên đó là chuyện bình thường, khó tránh của công nghệ nhưng nếu là thiết bị kém chất lượng thì sẽ ra sao?", ông Dũng gay gắt.

Bởi thế, nguyên Phó Tổng giám đốc của PVN cho rằng, đứng ở góc độ kinh tế, cái duy nhất Việt Nam nhận được từ các dự án lọc dầu là nó trở thành đầu tàu phát triển các lĩnh vực khác, tạo công ăn việc làm ở vùng và khu vực. Nhưng như vậy không phải chỗ nào cũng có đầu tàu.

"Việt Nam chấp nhận hy sinh để phát triển kinh tế nhưng cái giá phải trả quá lớn. Điều gì sẽ xảy ra nếu nhà đầu tư khai thác hết các ưu đãi rồi rút đi? Hậu quả khi đó người dân sẽ phải gánh chịu", ông trăn trở.

Trích nguồn : http://baodatviet.vn

Hỗ trợ trực tuyến

3770453
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
2157
2035
18418
1700889
49746
3770453

Your IP: 3.131.36.247
Server Time: 2024-05-19 13:56:00

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
64 khách & 0 thành viên trực tuyến