VWEM đã được Bộ Công Thương phê duyệt thiết kế chi tiết, lộ trình triển khai gồm hai giai đoạn: Thí điểm từ năm 2016-2018, chính thức vận hành từ năm 2019. 
Việc vận hành an toàn thị trường phát điện cạnh tranh đã làm tăng thêm tính minh bạch, công bằng khi huy động các nguồn điện thông qua bản chào giá của nhà máy; bảo đảm giá phát điện được thiết lập theo quy luật cung - cầu khách quan và minh bạch hóa giá điện theo chủ trương của Chính phủ. Cùng đó, đưa tính cạnh tranh trong khâu phát điện đã giúp các đơn vị phát điện giảm chi phí sản xuất và có chiến lược chào giá tốt trên thị trường điện, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Thời gian qua, EVN HCMC đã tham gia vận hành VWEM thí điểm thông qua việc tiếp nhận từ Công ty Mua bán điện 3 hợp đồng mua, bán điện với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (320MW); Nhà máy Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 1 (450MW) và Nhà máy Nhiệt điện than Hải Phòng 1 (600MW). Thông qua các hợp đồng này, EVN HCMC đã bắt đầu làm quen công tác quản lý hợp đồng mua điện với các dạng công nghệ phát điện khác nhau; thực tập tính toán thanh toán qua trị trường điện giao ngay và qua hợp đồng.
Năm 2017, VWEM tiếp tục được Bộ Công Thương triển khai thí điểm với mục tiêu và khối lượng công việc cao hơn so với năm 2016. Cụ thể, thử nghiệm các cơ chế vận hành trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh, như: Vận hành thị trường điện giao ngay; phân bổ hợp đồng, thanh toán trên thị trường điện giao ngay, thanh toán hợp đồng và cơ chế điều tiết giữa các tổng công ty điện lực; đánh giá tác động đối với doanh thu của đơn vị phát điện, chi phí mua điện của tổng công ty điện lực; tổng kết, rút kinh nghiệm vận hành VWEM thí điểm để xem xét, điều chỉnh cơ chế vận hành hoàn chỉnh.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, EVN HCMC tiếp tục thực hiện thí điểm VWEM theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, thu thập số liệu đo đếm điện năng, dự báo biểu đồ phụ tải, tính toán phân bổ hợp đồng và tính toán nhu cầu điều tiết giữa các tổng công ty điện lực. Giai đoạn 2, mô phỏng vận hành và tính toán thanh toán trong thị trường bán buôn thí điểm theo 2 kịch bản tương ứng với 2 phương án phân bổ hợp đồng. Giai đoạn cuối, phân bổ hợp đồng cho các nhà máy điện mới dự kiến vận hành trong năm 2017 và 2018, cho phép trực tiếp ký hợp đồng mua, bán điện với các tổng công ty điện lực; căn cứ kết quả thực hiện vận hành thí điểm giai đoạn 2, xem xét thực hiện thanh toán thật sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết.
Nhằm đạt được các mục tiêu, EVN HCMC đã triển khai lập kế hoạch chi tiết để thực hiện, xác định khối lượng công việc và tiến độ cụ thể. Nhiều hạng mục trọng tâm sẽ được thực hiện là: Tính toán giá thị trường và thanh toán thị trường điện, đo đếm điện năng; dự báo phụ tải; tính toán phân bổ hợp đồng; cơ chế điều tiết giữa các tổng công ty điện lực và đào tạo.
 
Để triển khai thí điểm vận hành VWEM, EVN HCMC đã chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ thông tin; đồng thời, thực hiện nhiều khóa đào tạo trong và ngoài nước về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ thị trường điện. Trong thời gian tới, EVN HCMC tiếp tục mở nhiều đợt đào tạo mang tính chuyên sâu hơn về các vấn đề: Kỹ năng quản lý đàm phán hợp đồng; nghiên cứu, dự báo phụ tải...
Trên cơ sở kinh nghiệm đã có, EVN HCMC tin tưởng sẽ triển khai thành công VWEM thí điểm 2017; chuẩn bị sẵn sàng để tham gia VWEM chính thức từ năm 2019 theo đúng lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra.
Nguồn: Mạnh Cường/Báo Công Thương điện tử