Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn mua hai cảng biển lớn nhất

- Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức bày tỏ nguyện vọng được mua lại cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng.
Thông tin này đã được lãnh đạo cấp cao của Bộ Giao thông Vận tải xác nhận chiều 5/3. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ là thương vụ chuyển nhượng lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng cảng biển từ trước đến nay ở Việt Nam.
Với cảng Sài Gòn, Vingroup đề xuất mua 80% cổ phần trước khi nhà nước thoái vốn với mức không thấp hơn giá IPO dự kiến diễn ra nửa đầu năm nay. Doanh nghiệp này cũng kiến nghị tham gia vào quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa của cảng Sài Gòn.
Theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp mới được Bộ chủ quản thông qua, tại thời điểm đầu năm 2014, Cảng Sài Gòn có giá trị xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Riêng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.160 tỷ đồng.
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức bày tỏ nguyện vọng được mua lại cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng.
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức bày tỏ nguyện vọng được mua lại cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng với 80% phần vón Nhà nước mỗi cảng.
Với cảng Hải Phòng, Vingroup đề nghị mua lại 80% phần vốn nhà nước với giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân mà các nhà đầu tư đã bỏ ra để trở thành cổ đông của cảng. Cảng biển lớn nhất miền Bắc có vốn điều lệ 3.270 tỷ đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau khi IPO hồi năm ngoái. Hiện phần vốn Nhà nước tại đây vẫn chiếm gần 95%, do Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) nắm giữ.
Theo quyết định của Thủ tướng giữa năm ngoái, doanh nghiệp trong lĩnh quản lý, khai thác vực hạ tầng cảng biển, sân bay thì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa không dưới 75%.
Cảng Sài Gòn liệu có về tay Vingroup?
Khi phê duyệt quyết định cổ phần hóa Vinalines, tỷ lệ này tại cảng Hải Phòng và Sài Gòn cũng được Bộ giao thông ấn định ở 75%. Nhưng sau một mùa IPO ế ẩm, Chính phủ đã đồng ý giảm tỷ lệ này xuống còn 51% theo đề nghị của Bộ chủ quản và Vinalines.
Thế nên, với đề nghị mua vượt khung, lên đến 80% mà Vingroup đưa ra, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho hay đều phải báo cáo Thủ tướng quyết định.
Với Cảng Sài Gòn, dù chưa phải cạnh tranh với đối tác tiềm năng nào, song trở ngại với Vingroup tại đây là tiêu chí để được chọn làm nhà đầu tư chiến lược.
Khi phê duyệt tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược, Vinalines đặt ra cho các ứng viên phải là doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh chính trong ngành vận tải hàng hóa. Nếu không cũng phải là doanh nghiệp về dịch vụ logistics hay quản lý và khai thác cảng biển. Kinh nghiệm tối thiểu tham gia trong những lĩnh vực này phải là 5 năm.
Vingroup không phải là cái tên quá xa lạ với lĩnh vực cảng biển hay với chính Vinalines. Doanh nghiệp này tiếp quản cảng Nha Trang từ tay Vinalines khi chuyển giao về cho địa phương theo yêu cầu của Chính phủ. Thế nhưng cuộc đổi chủ này chỉ mới diễn ra từ nửa sau năm 2014.
Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI), một thành viên thuộc Quỹ Dự trữ quốc gia Vương quốc Oman đã không ít lần bày tỏ nguyện vọng trở thành nhà đối tác chiến lược của cảng Hải Phòng. Quỹ đầu tư ngoại từng gửi văn bản lên nhà chức trách xin được chuyển nhượng gần 30% vốn điều lệ của cảng này theo phương thức thỏa thuận giá. Đề xuất của đối tác nước ngoài đã không ít lần được các Bộ ngành cho ý kiến và cơ bản đồng thuận.
Dù vậy, lãnh đạo Tập đoàn cho rằng, một khi đề xuất mua lại hai cảng lớn nêu trên được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến trong quản lý và vận hành để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này./.
Trích nguồn :http://www.ktdt.vn/

VNA khai thác tàu bay mới và thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu

 Vietnam Airlines cho biết sẽ đưa vào khai thác tàu bay mới Boeing 798-9, Airbus A350-900 và thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu trong đó có đồng phục dành cho phi công, tiếp viên và nhân viên.
Đồng phục mới của VNA được trình diễn để lấy ý kiến khách hàng.
Đồng phục mới của VNA được trình diễn để lấy ý kiến khách hàng.
Trên 2 chuyến bay khứ hồi hành trình Hà Nội - TP Hồ Chí Minh ngày 7 - 8/3, Vietnam Airlines đã tổ chức trình diễn đồng phục mới dành cho tiếp viên mới và khảo sát lấy ý kiến khách hàng về mẫu đồng phục này.
Ông Lê Trường Giang, người phát ngôn của Tổng Công ty Hàng không Quốc gia Việt Nam -Vietnam Airlines (VNA) cho biết: "Trong quá trình thiết kế, nghiên cứu, phát triển ý tưởng và tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực mỹ thuật, thời trang, lần giới thiệu lấy ý kiến công chúng này là bước cuối cùng để hoàn thiện trước khi chính thức đưa vào sử dụng mẫu thiết kế này vào cuối tháng 5 năm nay".“Đây là hạng mục quan trọng trong hệ thống nhận diện thương hiệu. Đồng phục phi công, tiếp viên và nhân viên cũng được thay đổi cho phù hợp trong định hướng tổng thể, phù hợp với màu sắc của logo, máy bay và các hạng mục khác như thiết kế phòng chờ, quầy vé, quầy làm thủ tục, hệ thống thẻ nhãn, biển hiệu...”, đại diện VNA nói.
Cũng trong thời điểm này, VNA sẽ đưa vào khai thác tàu bay mới Boeing 798-9, Airbus A350-900 và thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu.
Được biết, VNA đã lựa chọn Công ty tư vấn thiết kế của Mỹ là Kubo Design để tư vấn thực hiện kế hoạch nhận diện mới của VNA trong nhiều năm qua. Chủ trì thiết kế đồng phục lần này là nhà thiết kế Minh Hạnh, thực hiện các sản phẩm dành cho phi công, tiếp viên nam là các công ty May Đức Giang, May 10. Riêng áo dài và tất cả những trang phục dành cho tiếp viên nữ do công ty May Tiền Tiến thực hiện.
Đồng phục dành cho phi công và nam tiếp viên là hình tượng hoa sen của logo Vietnam Airlines và hình triện chữ Vạn - tượng trưng cho bình an, may mắn, tốt lành. Với nữ tiếp viên, hoa văn trên đồng phục là mô típ hoa sen cách điệu - tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và sự thanh cao.

 Trích nguồn : chinhphu.vn

Hai nữ tướng Việt Nam lọt danh sách quyền lực nhất châu Á

- Danh sách của Forbes năm nay có tên cả 2 bà chủ doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam là Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm CEO Vinamilk và Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH.
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen). Các đại diện năm nay đến từ 16 quốc gia và tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh. Trung Quốc thống trị danh sách với 14 đại diện, theo sau là Ấn Độ, Thái Lan và Singapore.
Năm nay, Việt Nam chỉ có 2 đại diện. Đó là bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH.
Bà Mai Kiều Liên đã 4 năm liên tục vào top doanh nhân nữ quyền lực châu Á. Ảnh:Forbes
Bà Mai Kiều Liên đã 4 năm liên tục vào top doanh nhân nữ quyền lực châu Á.
Forbes nhận xét Vinamilk là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. Theo hãng nghiên cứu Nielsen, hãng hiện có 51% thị phần sữa nước. Doanh thu năm 2014 của công ty đã tăng 14% lên 1,7 tỷ USD nhờ có 2 nhà máy mới. Bà Mai Kiều Liên đang nỗ lực đưa con số này lên 3 tỷ USD năm 2017 bằng cách mở rộng ra nước ngoài.
Vinamilk hiện xuất khẩu sang 30 quốc gia và đang tăng bán sản phẩm tại Trung Đông, châu Phi và Cuba. Dù vậy, Vinamilk cũng đang đối mặt với một số khó khăn. Lợi nhuận năm ngoái gần như đứng yên do giá nguyên liệu thô - chủ yếu là bột sữa nhập khẩu - tăng cao.
Bà Thái Hương là đại diện thứ 2 của Việt Nam năm nay. Ảnh: Forbes
Bà Thái Hương là đại diện thứ 2 của Việt Nam năm nay.
Bà Thái Hương là đại diện mới nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này. Bà mới chỉ tham gia vào lĩnh vực sữa từ năm 2009 với cam kết thay đổi ngành sữa Việt Nam. Từ đó, Tập đoàn TH đã đầu tư 450 triệu USD để nhập khẩu và nuôi bò, nhằm sản xuất sữa sạch với công nghệ Israel. Hãng hiện sở hữu đàn bò 40.000 con trên diện tích 8.100 hécta và đang có kế hoạch nâng lên 37.000 hécta. TH ước tính doanh thu năm 2014 vượt 200 triệu USD với một phần ba thị phần sữa tươi trong nước. Đây là thách thức với hãng sữa lớn nhất Việt Nam - Vinamilk. Bà Thái Hương tham gia kinh doanh năm 1994 và là nhà sáng lập Ngân hàng Bắc Á. Hiện bà vẫn là chủ tịch nhà băng này.
Để chọn ra danh sách năm nay, Forbes dựa trên các tiêu chí: doanh thu công ty (thường là hàng tỷ USD), vị trí của ứng cử viên trong công ty và mức độ tham gia vào công việc. Bà Mai Kiều Liên đã lọt danh sách này từ năm 2012. Năm 2013, Việt Nam có thêm một đại diện là bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang. Còn năm ngoái, Việt Nam có 3 đại diện, thêm bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á (SeAbank)./.
Trích nguồn: Vnexpress.net

Lãi suất giảm, lý thuyết và thực tế

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại vừa nêu quyết tâm giảm lãi suất cho vay thêm 1,5 - 2%/năm. Đây là việc giống như tấm huy chương, nghĩa là có hai mặt.

Về lý thuyết, giảm lãi suất sẽ khuyến khích đầu tư tăng, kích cầu nền kinh tế, đẩy GDP tiếp tục tăng... Mặt tích cực là vậy. Nhưng còn những tác động khác cũng cần tính tới. Nhiều chuyên gia cho rằng để giảm lãi suất cho vay thì phải giảm mạnh lãi suất huy động chứ không thể ép các NHTM giảm tiếp chi phí hoạt động

Lãi suất 1%/năm: có thể chứ!

Cũng như mọi năm, NHNN đã sớm công bố kế hoạch năm 2015. Năm nay, vì là năm cuối cùng trong thực hiện kế hoạch tái cơ cấu của ngành nên chủ trương của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là những gì cần làm thì phải làm ngay. Bằng chỉ thị 01 rồi chỉ thị 02/CT – NHNN, Thống đốc đưa ra đến hơn 70 đề mục cho tất cả các vụ, cục, cơ quan chức năng trong hệ thống ngân hàng. Với người ngoài ngành, vấn đề đáng quan tâm nhất là lãi suất. NHNN đưa ra kế hoạch giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1 - 1,5%/năm. Rồi việc Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất có thể áp dụng mức lãi suất 1%/năm khiến thị trường thêm… nức lòng. Người nói được, kẻ bảo không tưởng. Cả hai luồng ý kiến đều có lý!

Ở phía được, trước hết mức giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm là hoàn toàn có cơ sở. Vì tuyên ngôn về vấn đề lãi suất của NHNN là “điều chỉnh theo diễn biến CPI”. Mà thực tế hiện CPI vẫn đang theo xu hướng giảm. Tất nhiên với một, hai tháng đầu năm thì còn quá sớm để nói về CPI cả năm. Nhưng nếu trong tháng thường có sức cầu mạnh nhất, giá cả hay leo thang nhất (giáp Tết Nguyên đán) mà CPI thấp thì cũng là dấu hiệu cảnh báo sớm.

Mặt khác, những con số tổng kết năm 2014 cho thấy hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đang rất dư thừa vốn. Cụ thể, trong khi tiền gửi tăng 16,31% thì cho vay ra chỉ tăng trên 14%. Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động năm 2014 đã giảm 1,5 - 2%/năm so với năm 2013, nhưng không chỉ ở các thành phố lớn mới có mức tăng trưởng huy động cao mà ở các địa phương, tỉnh thành xa thường phải nhận vốn điều hòa từ Trung ương thì nay cũng thừa vốn. Không những thế, vì mặt bằng lãi suất những năm gần đây theo xu hướng giảm nên người gửi tiền cũng chọn kỳ hạn gửi dài hơn. Đây là yếu tố quan trọng để NHNN quyết định yêu cầu các NHTM giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn.

Hơn nữa, ngành ngân hàng còn phải gánh trọng trách hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% trong năm nay. Do đó, dù đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 13-15%, nhưng Thống đốc cũng để ngỏ khả năng tín dụng sẽ tăng đến 17%. Mà nếu không hạ lãi suất thì khó có thể đẩy tín dụng ra.

Còn về mức lãi suất huy động 1%/năm  mà VAFI đề xuất, con số này khiến người gửi tiền Việt Nam sốc. Vì lâu nay người ta đã quen với yêu cầu lãi suất tiền gửi tiết kiệm phải thực dương. Nhưng với thế giới thì khác. Họ coi ngân hàng chỉ là nơi giữ hộ tiền. Thậm chí người gửi tiền còn lấy làm mừng vì vẫn còn được hưởng lãi, dù chỉ 0,5%/năm. Vì nếu không, họ sẽ phải mất tiền thuê két ở ngân hàng (điều này cũng giải thích tại sao ở Việt Nam, dịch vụ cho thuê két đã có từ lâu, nhưng chỉ một vài ngân hàng triển khai với số lượng két rất khiêm tốn).

…nhưng phải tính chuyện lâu dài

Tuy nhiên, với sự mở cửa của nền kinh tế, với sàn chứng khoán, sàn bất động sản và tới đây là các kênh đầu tư mạo hiểm… thì có lẽ người dân Việt Nam cũng dần dần phải làm quen với nhiều kênh đầu tư chứ không phải coi gửi tiền tiết kiệm là kênh đầu tư như hiện nay. Do đó đề xuất mức lãi suất huy động 1%/năm của VAFI là có cơ sở. Có điều, việc này chắc chắn chưa thể diễn ra trong năm nay, vì thay đổi tư duy, nếp nghĩ của người dân không thể chỉ trong ngày một, ngày hai. Thực tế lâu nay lãi suất vẫn là giải pháp được sử dụng  nhiều nhất. Nếu trước năm 2011, các NHTM sử dụng việc tăng lãi suất huy động làm công cụ cạnh tranh chính, thì nay họ chuyển sang giảm lãi suất cho vay. Thậm chí có trường hợp lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động, dù chỉ một số rất ít khách hàng được hưởng mức này.

Trở về vấn đề giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm 1,5-2% của NHNN. Như trên đã phân tích, về mặt lý thuyết, đây là điều hoàn toàn có thể. Nhưng để giảm lãi suất cho vay thì phải giảm mạnh lãi suất huy động chứ không thể ép các NHTM giảm tiếp chi phí hoạt động. Vì thực tế, sau vài năm nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ trên 20%/năm xuống dưới 10%/năm như hiện nay, các NHTM đã khá mệt mỏi. Giờ yêu cầu NHTM giảm thêm, tất nhiên họ vẫn phải làm, nhưng liệu lãi suất cho vay có giảm thực sự hay không? Hay cùng với mức lãi suất ưu đãi thì khách hàng buộc phải sử dụng thêm các dịch vụ ngân hàng khác hoặc trả thêm các loại phí liên quan? Không cần Thống đốc yêu cầu, các NHTM cũng biết tín dụng sẽ sớm không còn là mảnh đất màu mỡ, nhưng họ cũng cần thời gian để chuyển đổi, để có nguồn thu từ dịch vụ bù đắp khoản hụt thu từ tín dụng.

Mặt khác, yêu cầu giảm tiếp lãi suất cho vay trung và dài hạn trước mắt rất phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng lại đi ngược với xu thế chung của kinh tế các nước. Với tỷ lệ cho vay trung dài hạn khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng, các ngân hàng Việt Nam đang được coi là “làm thay nhiệm vụ của đầu tư  Chính phủ và đầu tư tư nhân”. Trong khi các nước đang nỗ lực giảm tỷ lệ cho vay trung, dài hạn thì với xu hướng giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn, Việt Nam đang làm ngược lại. Ở các nước, đầu tư cho những lĩnh vực hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… thường là từ nguồn vốn Chính phủ hay đầu tư tư nhân theo hình thức hợp tác công tư, thì ở Việt Nam, một tỷ trọng rất lớn là từ các NHTM. Trước đây là điện, giờ là đường. Vay vốn NHTM tất nhiên là nhanh, nhưng lãi suất thì khó có thể thấp. Vậy là phí đường bộ lại tăng! Mà phí tăng sẽ dẫn đến hàng loạt hệ lụy khác cho nền kinh tế.

Tóm lại, người vay luôn muốn lãi suất cho vay thấp hơn với thời hạn cho vay dài hơn. Nhưng thời hạn cho vay càng dài thì rủi ro càng lớn, ngân hàng cần được dự phòng rủi ro bằng lãi suất cho vay cao hơn. Đó là thực tế mà bản thân nhà điều hành biết rất rõ. Chính vì vậy, nếu lãi suất trung, dài hạn giảm, cũng đừng vội mừng!

Trích nguồn : http://cafef.vn/

Ngành công nghiệp tăng tốc ngay từ đầu năm

 - Kinh tế sau nhiều năm chịu khủng hoảng của kinh tế toàn cầu, nhưng nhờ có những chính sách vĩ mô đi đúng hướng, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, mà ngay từ đầu năm 2015 chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp cả nước đã tăng trưởng đáng kể.
Hầu hết các lĩnh vực trong sản xuất công nghiệp đều tăng trưởng
Thực hiện kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thị trường, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ... đó là hàng loạt các chính sách vĩ mô của nhà nước đã được triển khai trong thời gian dài nhằm giúp sản xuất kinh doanh phục hồi. Kết quả của những chính sách này cho thấy 2 tháng đầu năm 2015 chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng bứt phá so với cùng kỳ 2014.
Tháng Hai có k
 nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, tuy chỉ số công nghiệp có giảm 19,2% so với tháng Một, song vẫn tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014. 
Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014. Chỉ số này của năm 2014 chỉ tăng 5,4%.
2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014.
Hai tháng đầu năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014. Ảnh minh họa.
Những ngành có chỉ số sản xuất tăng cao đó là sản xuất công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 9%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành chế biến, chế tạo tăng 12,9%, đóng góp 9,1 điểm phần trăm. Sản xuất, phân phối điện tăng 13,3%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Những lĩnh vực trong ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 2 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đó là: Sản xuất xe có động cơ tăng 44,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 28,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 26%; sản xuất kim loại tăng 22,4%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng hơn 21%; dệt tăng 20,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 20,2%. Những lĩnh vực có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dưới 20% là: Sản xuất thiết bị điện tăng 14,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 10,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 9,8%; khai thác dầu thô và khí ðốt tự nhiên tăng 9%; khai thác than cứng và than non tăng 8,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8%; sản xuất thuốc lá tăng 7,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,5%; sản xuất trang phục tăng 3,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 3,3%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 2,5%; sản xuất đồ uống giảm 0,6%.
Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 2 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, đó là: Điện thoại di động tăng 89,3%; ti vi tăng hơn 64%; ô tô tăng hơn 52%; sắt thép thô tăng 47,6%; thức ăn cho thủy sản tăng 45%; sơn hóa học tăng 33,3%; thép thanh, thép góc tăng 25,8%; giày,dép da tăng 25,6%; thủy sản chế biến tăng 20,8%; xi măng tăng 19,8%; điện sản xuất tăng 13,6%. 
Ngành cán thép sau một thời gian dài gặp khó, đến nay đã có tăng trưởng hơn 12%; sữa tươi tăng 11,3%; dầu thô tăng 9,7%; than đá tăng 8,4%; thuốc lá điếu tăng 7,2%; phân hỗn hợp (NPK) tăng 1,4%; đường kính tăng 1,2%; sữa bột tăng 0,5%.
Những lĩnh vực sản xuất giảm, đó là: bia giảm 1,2%; xe máy giảm 4,4%; dầu gội đầu, dầu xả giảm 8,8%; khí hóa lỏng giảm 8,9%.
Các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng qua tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đó là: Thái Nguyên tăng 578,8%, do địaphương này có nhà máy Samsung Electric Thái Nguyên đi vào hoạt động, đẩy mạnh sản xuất; Hải Phòng tăng 16,9%; Quảng Nam tăng 11%; Vĩnh Phúc tăng 10,5%; Quảng Ninh tăng 10,4%; Đà Nẵng tăng 9,4%; Hà Nội tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,5%; Bình  Dương tăng 5,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,7%...
Tiêu thụ sản phẩm gia tăng, hạn chế hàng tồn kho, và tăng chỉ số việc làm 
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo tháng 01/2015 tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tháng Một năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đó là: Sản xuất kim loại tăng hơn 64%; sản xuất xe có động cơ tăng 56,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 42,5%; dệt tăng 32,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 23,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng18,8%.
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản phẩm từ cao su và plastic tăng 18,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 15,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,2%; sản xuất trang phục tăng 4,4%; sản xuất đồ uống giảm 2,4%; sản xuất thuốc lá giảm 11%.
Chỉ số tiêu thụ hàng hóa tăng 6%, như vậy
Chỉ số tiêu thụ hàng hóa tăng 3,6%, và  chỉ số việc làm tăng 6% trong 2 tháng, cho thấy ngành công nghiệp đang phục hồi đáng kể. Ảnh minh họa.
Tại thời điểm 01/02/2015, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm 2014, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 10,5%; sản xuất thuốc lá tăng 8,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 5,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 1,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 16,5%. 
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều mức tăng chung: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 122,3%; sản xuất đồ uống tăng 59,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 56,6%; sản xuất trang phục tăng 31,5%; sản xuất kim loại tăng 22,6%.
Những ngành có chỉ số hàng tồn kho tăng trong tháng 2 là do các doanh nghiệp tăng cường sản xuất và tích trữ hàng hóa nhằm cung cấp trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Cùng với sự phục hồi phát triển của các ngành sản xuất thì chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trong 2 tháng qua cũng tăng 6% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 2%, doanh nghiệp dân doanh tăng 3,7% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8,7%.
Những ngành, lĩnh vực sử dụng lao động tăng đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,5%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện tăng 10% và công nghiệp cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6%, duy chỉ có công nghiệp khai khoáng giảm 3,9% so với cùng thời điểm năm trước.
Những tỉnh, thành phố có chỉ số việc làm tăng cao, đó là: Thái Nguyên tăng 142,9%; Hải Dương tăng 10,5%; Đồng Nai tăng 6,8%; Quảng Nam tăng 5,5%; Hải Phòng tăng 4,6%; Vĩnh Phúc tăng 3,8%; Quảng Ngãi tăng hơn 3%; Bà Rịa Vũng Tàu tăng 3,7%; Đà Nẵng tăng 2,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,9%; Cần Thơ tăng 1,4%; Hà Nội tăng 1,1%./.
Trích nguồn: http://www.ktdt.vn/

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

3769204
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
908
2035
17169
1700889
48497
3769204

Your IP: 18.218.25.67
Server Time: 2024-05-19 09:45:56

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
62 khách & 0 thành viên trực tuyến