Ngân hàng Nhà nước tăng cung tiền trong tuần sát Tết

- Nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp và người dân dịp Tết Nguyên Đán lên cao khiến việc vay vốn của hệ thống ngân hàng tăng trong vài tuần gần đây.
Dẫn số liệu từ Bloomberg, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết tuần từ 2/2 - 6/2, tức trước kỳ nghỉ Tết một tuần, Ngân hàng Nhà nước bơm ra 20.603 tỷ đồng trên thị trường mở, gấp 2,8 lần lượng cung trong tuần trước đó, đưa giá trị bơm ròng trong kỳ đạt gần 13.300 tỷ đồng, mạnh nhất kể từ đầu năm.
Năm nay, nhu cầu của nhà băng trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước đã có 4 tuần liên tiếp bơm ròng, trong khi dịp này năm ngoái, nhà điều hành vẫn còn hút ròng tuần trước Tết. "Diễn biến sôi động của thanh khoản hệ thống ngân hàng, cùng với giao dịch trên thị trường mở nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động trong tuần này trước khi trở lại trạng thái bình thường", BVSC nhận định.
Anh minh họa
Ảnh minh họa.
Trên kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước cũng bơm ròng 7.974 tỷ đồng trong tuần qua, duy trì tuần thứ 5 liên tiếp bơm ròng qua kênh này. Lãi suất trúng thầu tín phiếu cũng có dấu hiệu chững lại sau khi liên tục tăng mạnh trong gần hai tháng trở lại đây. 
Với sự hỗ trợ thanh khoản từ kênh thị trường mở cũng như phát hành trái phiếu, trên thị trường liên ngân hàng, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm nhẹ ở những phiên đầu tuần, sau đó ổn định và đi ngang trong những phiên còn lại. Lãi suất cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần giảm 0,2-0,35%, dao động từ 4,65% - 4,8% một năm.
Theo nhóm phân tích của BVSC, việc lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ trở lại sau khi tăng khá mạnh trong tuần trước đó cho thấy nhu cầu vay vốn ngắn hạn giữa các ngân hàng đã bớt căng thẳng hơn.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) nhận định thông thường thời điểm cuối năm, ngân hàng thường phải vay mượn tển thị trường mở để đáp ứng nhu cầu thanh toán. "Tuy nhiên, thanh khoản của ngân hàng năm nay vẫn dồi dào nên nhu cầu vay trên thị trường mở không lớn", vị lãnh đạo này cho biết.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhận định Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát diễn biến cung cầu trên thị trường tiền tệ để có giải pháp ứng phó kịp thời, ổn định thanh khoản, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong đó, nghiệp vụ thị trường mở được Ngân hàng Nhà nước điều hành hàng ngày để điều tiết thị trường, trên cơ sở nắm chắc thanh khoản của các nhà băng, diễn biến lãi suất cũng như các yếu tố kinh tế vĩ mô tiền tệ, tỷ giá.
Theo các công ty chứng khoán, nhiều khả năng trong tuần này Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bơm ròng trên thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống trong thời điểm cao điểm về hoạt động thanh toán. Tuy nhiên, với trạng thái thanh khoản khá ổn định, mức độ bơm ròng có thể sẽ không quá lớn. Lượng tiền bơm ròng này cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng hút về sau thời điểm Tết Nguyên Đán, do vậy sẽ không gây áp lực lên lạm phát./.

 Trích nguồn : VnExpress.net

Ồ ạt xả hàng dịp Tết Nguyên Đán

- Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Ất Mùi 2015. Đây là thời điểm mà nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nhất trong năm. Trái ngược với việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm thì các cửa hàng kinh doanh giày dép, quần áo, mỹ phẩm, túi xách lại đua nhau xả hàng giảm giá nhằm lôi kéo khách hàng.
Giảm 70%, khách hàng vẫn thờ ơ
Dạo qua các tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội, ở bất cứ đâu ta cũng có thể bắt gặp dòng chữ “xả hàng” hay “sale off” gắn trên cửa kính hoặc treo trên biển hiệu các shop thời trang, mỹ phẩm, chăn ga gối đệm... Mức giảm giá vô cùng hấp dẫn, thông thường là từ 20 - 50%, thậm chí có cửa hàng treo biển giảm giá từ 50 – 70% trên toàn bộ sản phẩm, sốc hơn nữa thì “Xả hàng dịp Tết, lỗ cũng bán hết” (?). Nhưng, lạ là, khách hàng vẫn không mấy thiết tha với mức giá mà “cả năm mới có 1 lần” này.


Chị Hường, nhân viên bán hàng tại một shop thời trang trên đường Tôn Đức Thắng cho biết: “Cửa hàng thực hiện giảm giá 30 – 50% trên toàn bộ sản phẩm từ ngày 15/1 – 15/2 nhưng đến hôm nay thì lượng khách cũng không tăng nhiều, có khi còn vắng khách. Căn bản là vì, giáp Tết, cửa hàng nào cũng giảm giá không riêng gì cửa hàng mình, thậm chí họ còn giảm đến 70% nên khách hàng cũng không thiếu sự lựa chọn”.
Có thể nói, bên cạnh nguyên nhân “quá nhiều sự lựa chọn” như chị Hường nói ở trên thì xả hàng, giảm giá dịp cuối năm là một chiêu hút khách đã không còn quá mới với người dân. Mặt khác, với nhiều khách hàng đã có kinh nghiệm săn đồ giảm giá thì con số 70% vẫn chẳng nói nên điều gì, trừ phi họ được mục sở thị sản phẩm.
Chị Huệ (Đống Đa) chia sẻ: “Nói là giảm 70% đấy nhưng chắc gì. Làm ăn kinh doanh ai lại để lỗ bao giờ. Bán hàng phải lãi, cùng lắm xả hàng Tết thì ít cũng phải hòa vốn chứ lỗ thì ai mà dám kinh doanh nữa. Có khi họ lại tăng giá thật lên rồi giảm giá, vẫn lãi như thường mà mình cứ tưởng đã mua được hàng rẻ”.

Đang phân vân lựa chọn giữa những sản phẩm quần áo giảm giá tại một cửa hàng trên đường Bạch Mai, cô Oanh cho rằng: “Đi mua hàng giờ cũng như chơi trò hãy chọn giá đúng ấy. Mặc dù thấy người ta treo biển giảm giá tới 50 – 70% nhưng khi vào xem hàng thì cũng phải đoán xem cái áo, cái quần ấy với chất vải ấy có đến cái giá ấy không. Nhiều khi cứ ham của rẻ, mua về mặc rồi giặt được vài lần đã giãn ra hết rồi lại vứt xó. Tôi thì cứ phải thấy hợp lý thì tôi mới mua”.
Hay như phản ánh của chị Hiền (Cầu Giấy): “Chị thuê nhà ở đây cũng được 5 năm rồi nên hầu như những shop quần áo, giày dép nào trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy chị cũng thuộc hết. Có riêng một trường hợp đặc biệt mà chị thấy có một cửa hàng quần áo đã mở ở đây được 3 năm rồi mà ngày nào cũng thấy họ treo biển nhượng lại cửa hàng, thanh lý toàn bộ sản phẩm. Lúc đầu thấy hấp dẫn nên cũng vào xem, giá cả thì chẳng rẻ hơn các shop khác mà tối nào nhạc nhẽo cũng linh đình, chào khách í ới thanh lý giá rẻ rồi bán hòa vốn như sắp giải tán đến nơi. Thế mà từ ngày khai trương đến giờ vẫn chưa thấy… thanh lý xong. Làm thế thì chỉ hút được khách lạ chứ khách quen thì người ta cạch mặt”.
Thế mới thấy, đối với những khách hàng thông thái thì chiêu bài xả hàng, giảm giá sốc đã không còn phát huy tính hiệu quả. Ngoài việc cân nhắc đến giá cả, để khách hàng bỏ tiền túi chọn mua một sản phẩm còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm đó tốt hay kém.
Để săn được hàng tốt giá rẻ
Khi được hỏi về việc liệu có chuyện tăng giá lên rồi lại giảm giá xuống như suy đoán của một số khách hàng hay không, anh Hải – chủ cửa hàng giày 88 Shoes trên phố Chùa Láng cho biết: “Trong kinh doanh buôn bán thì tôi cũng không đảm bảo chắc chắn là có trường hợp cửa hàng nào tăng giá rồi giảm giá hay không. Thực tế, với kinh nghiệm bán hàng của mình thì tôi thấy, thời trang quần áo, giày dép hay túi xách là mặt hàng thay đổi mốt liên tục, năm nay chuộng mẫu này, sang năm mẫu khác. Cuối năm, nhu cầu mua đồ đi chơi Tết tăng cao nên chúng tôi tranh thủ xả hàng tồn kho. Ra Tết, sức mua giảm hẳn, khách vắng, nếu không xả hết hàng vào dịp này thì xác định là sang năm cũng chẳng bán được vì lỗi mốt rồi. Tâm lý khách hàng thì cứ ra Tết là họ chờ đến khi hàng hè ra mới sắm nhiều. Cửa hàng khác thì tôi không biết chứ riêng cửa hàng tôi, khách nào mua quen thì biết, không có chuyện tăng giá để giảm. Mác sản phẩm vẫn giữ nguyên và giảm giá 10 - 20% so với ngày thường mà khách vẫn rất đông bởi giá cả hợp lý”.
Còn theo kinh nghiệm của những người chuyên săn hàng giảm giá thì để chọn được mặt hàng chất lượng tốt, giá rẻ trong muôn vàn sản phẩm giảm giá dịp cuối năm, điều đầu tiên là khách hàng cần lựa chọn những cửa hàng đã có thương hiệu, uy tín hoặc các cửa hàng đã quen mặt và thuộc giá cả. Tiếp đó, để tránh mua phải hàng nhái trà trộn, khách hàng cũng cần trang bị cho mình những hiểu biết nhất định về sản phẩm, lựa chọn kỹ càng, xem thông tin nhà sản xuất, chất liệu, đường may và các thông số kèm theo…

 
Canifa - thương hiệu thời trang nổi tiếng được khá nhiều khách hàng ưa chuộng cũng giảm giá tới 50%.
Canifa - thương hiệu thời trang nổi tiếng được khá nhiều khách hàng ưa chuộng cũng giảm giá tới 50%.
Chia sẻ của chị Thu (Cầu Giấy): “Tất nhiên là để mua được một sản phẩm giá rẻ mà chất lượng tốt, mẫu mã đẹp thì ai cũng thích nhưng không phải ai cũng đủ thông thái để không mắc bẫy của những cửa hàng kinh doanh buôn bán. Bản thân mình, mình luôn lựa chọn những chuỗi cửa hàng thời trang đã có tên tuổi như hàng Việt Nam xuất khẩu M2, Elise, Genviet, Canifa, thời trang nam thì có Phan Nguyễn… hoặc các shop thời trang gần nhà mà đối với họ thì mình đã quá quen mặt mà giá cả thì không có gì lạ. Có khi vào chọn mua 1 sản phẩm, đã ưng cái dáng áo và chất liệu rồi nhưng vì giá vẫn hơi cao so với túi tiền nên tạm thời để đó, đợi đến khi giảm giá thì vào rinh về. Đó cũng là một cách để mình mua được món đồ tốt với giá rẻ hơn ngày thường 20 – 30%”.
Về phía các cửa hàng kinh doanh, khuyến mại, giảm giá là một cách để thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, nó cũng là con dao hai lưỡi, bởi nếu lạm dụng, không những sẽ không thu hút được khách hàng mà còn gây mất thiện cảm đối với họ, nhất là đối với những cửa hàng thường xuyên treo biển giảm giá. Bên cạnh giá cả thì chất lượng, mẫu mã sản phẩm và thái độ phục vụ vẫn luôn là những tiêu chí hàng đầu không thể bỏ qua để làm nên uy tín của một thương hiệu thời trang.

 Trích nguồn : http://www.ktdt.vn

Bất động sản: Tan băng, 'khát' nhân sự

Năm 2015, có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm, trong đó có ngân hàng, tài chính và hoạt động kinh doanh BĐS.

Bất động sản: Tan băng, 'khát' nhân sự

Nội dung nổi bật:

- Bước vào năm 2015, với kế hoạch triển khai hàng loạt dự án, các DN BĐS đã đưa ra kế hoạch tuyển dụng một lượng lớn nhân sự ở hầu hết các bộ phận.

- Trung tâm Dự báo và thông tin thị trường lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) dự báo trong báo cáo về xu hướng việc làm cách đây 4 năm, rằng năm 2015, có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm, trong đó có ngân hàng, tài chính và hoạt động kinh doanh BĐS.


Khác với lĩnh vực tiêu dùng nhanh hay sản xuất với nhu cầu tuyển dụng tương đối ổn định hằng năm, nhân sự trong ngành bất động sản (BĐS) lại chịu cảnh “nóng - lạnh” theo độ lên xuống của thị trường.

Còn nhớ, năm 2006 - 2007, thời điểm BĐS nóng hầm hập, nhân viên kinh doanh của các công ty được thưởng Tết 4 - 5 tháng lương là chuyện bình thường, nhưng giai đoạn ảm đạm, từ 2009 - 2012, việc DN cắt giảm gần 50% để tinh gọn bộ máy, giảm thiểu chi phí điều hành DN cũng không phải là vấn đề to tát.

Thậm chí, một công ty nghiên cứu, tư vấn thị trường nước ngoài có tiếng tại thị trường Việt Nam đã cắt hẳn bộ phận kinh doanh căn hộ. Những công ty trong nước như Bất động sản Phúc Đức, nổi bật một thời tại TP.HCM, nhưng đến năm 2012, khi chúng tôi có dịp gặp lại người sáng lập công ty này thì được biết, DN đã cắt giảm gần như hoàn toàn bộ phận môi giới bán hàng, tinh giảm hơn 50% nhân sự.

Song, sang đầu năm 2014, với sự hồi phục của thị trường BĐS, nhân sự ngành BĐS cũng bắt đầu “có giá” trở lại. Theo Manpower Group, nếu năm 2013, BĐS không nằm trong Top 10 ngành tuyển dụng nhiều nhất thì 5 tháng đầu 2014, BĐS đã vọt lên vị trí thứ 4, chủ yếu rơi vào các vị trí như kinh doanh, marketing online, tư vấn BĐS.

Trong đó, mức lương của nhân viên kinh doanh dao động từ 8 - 15 triệu đồng/người (cộng thêm hoa hồng bán hàng). Mức độ thu hút của lĩnh vực BĐS diễn ra mạnh mẽ vào quý III, IV/2014, đặc biệt là vị trí quản lý cấp trung, cao cấp khi một số ngân hàng hình thành bộ phận đầu tư, xử lý nợ xấu (bất động sản thế chấp); cũng như sự gia nhập thị trường của nhiều quỹ đầu tư ngoại đã săn lùng ráo riết nhân sự có kinh nghiệm quản lý lẫn khả năng tìm kiếm, thương lượng mua bán dự án.

Và chắc chắn thị trường sẽ không quên việc 1 trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn của Việt Nam đã “cuỗm” gần hết bộ phận phân tích, tư vấn, kinh doanh tại thị trường TP.HCM của một công ty tư vấn ngoại.

Bước vào năm 2015, với kế hoạch triển khai hàng loạt dự án, các DN BĐS đã đưa ra kế hoạch tuyển dụng một lượng lớn nhân sự ở hầu hết các bộ phận.

Điều này đã được Trung tâm Dự báo và thông tin thị trường lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) dự báo trong báo cáo về xu hướng việc làm cách đây 4 năm, rằng năm 2015, có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm, trong đó có ngân hàng, tài chính và hoạt động kinh doanh BĐS.

Nói về kế hoạch tuyển dụng nhân sự sau Tết, ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Novaland Group, cho biết, hầu như DN nào cũng có kế hoạch tuyển thêm nhân sự cho năm mới để phát triển dự án.

Ngay như Novaland, cuối 2010, có 100 nhân viên, năm 2013, con số này đã tăng lên 400 và cuối 2014 là 1.000. Mức độ tuyển dụng của công ty BĐS này diễn ra liên tục, khoảng 100 người/tháng cho tất cả các bộ phận từ tài chính, đầu tư, kế toán cho đến nhân viên kinh doanh.

Năm 2015 này, với việc triển khai khoảng 17 dự án tại TP.HCM, số lượng nhân viên của Novaland sẽ tăng dự kiến 2.800 người.

Theo ông Huy, hiện nay, hầu như các vị trí đều khó tuyển dụng bởi 2 nguyên nhân, thứ nhất là trong thời gian vừa qua, nhiều DN ngừng xây dựng dự án, Novaland đã “thu nạp” ồ ạt những người có kinh nghiệm trong ngành; hai là các DN BĐS lớn khác cũng tung ra nhiều chính sách để thu hút nhân tài. Nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng không phải lúc nào các DN cũng tuyển được người như ý muốn.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2014, có 4.825 lượt đăng tuyển nhưng chỉ có 803 hồ sơ ứng tuyển. Ngoài ra, BĐS cũng là ngành có mức độ đào thải khắc nghiệt, cụ thể, với những DN lớn, tỷ lệ sa thải người ở khoảng 30%, trong khi những DN cỡ trung khoảng 10%.

Tỷ lệ này không bao gồm bộ phận kinh doanh vì với những DN có quy mô lớn thì sau 2 tháng được tuyển, nếu kết quả kinh doanh không đạt là nhân sự đã phải nói lời “giã từ” DN.

Cũng liên quan hoạt động tuyển nhân sự sau Tết, ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Thăng Long Real tiết lộ, năm 2015, Công ty sẽ triển khai ít nhất 3 dự án lớn ở khu Đông TP nên cần khoảng 100 - 120 người cho các vị trí quản lý cấp cao, giám đốc sàn, phát triển kinh doanh - marketing, nhân viên kinh doanh.

Tuy nhiên, chuyện cạnh tranh nhân sự trong ngành hiện nay diễn ra khá mạnh mẽ, cấp càng cao thì càng khó tuyển dụng. Trong khi đó, việc tuyển nhân viên kinh doanh cũng không hề dễ dàng do các DN lớn tung chiêu “càng quét” nên để có được nhân viên đủ kinh nghiệm, DN cần đáp ứng được chính sách lương, thưởng, hoa hồng tốt và có sản phẩm phù hợp, liên tục tung ra thị trường.

Theo ông Tuấn Anh, đây là hai yếu tố tối quan trọng để kéo nhân viên kinh doanh giỏi.

Trích nguồn : http://cafebiz.vn

Quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

 

Ngày 03/02/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1093/QĐ-BCT về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Quyết định số 1093/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với các nội dung như: Phát triển hệ thống kho bãi trở thành một trong các cơ sở hạ tầng thương mại nòng cốt phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu. Số lượng, loại hình, quy mô và công năng kho bãi do nhu cầu về kho bãi của hàng hóa xuất nhập khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu quyết định; Phát triển hệ thống kho bãi đồng bộ và tương thích với phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của khu vực cửa khẩu; Phát triển hệ thống kho bãi về công suất hay sức chứa đi đôi với phát triển về dịch vụ kho bãi (dịch vụ logistics về kho bãi hay gắn với kho bãi) theo hướng từng bước đi vào chuyên nghiệp và hiện đại; Phát triển hệ thống kho bãi dựa trên sự cân đối và tính khả thi trong từng thời kỳ giữa nhu cầu về kho bãi và khả năng nguồn lực đầu tư phát triển kho bãi của xã hội, trong đó chủ yếu là của thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu và thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics; bảo đảm kho bãi và kinh doanh khai thác kho bãi đạt hiệu quả kinh tế cao và ổn định, v.v...

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát triển hệ thống kho bãi đồng bộ cùng với tích hợp các dịch vụ logistics trọn gói kèm theo, từng bước đi vào chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng đầy đủ và thường xuyên nhu cầu tập kết lưu giữ và bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh và bền vững.

Cụ thể, đến năm 2025: Có các kho bãi chủ yếu đủ để đáp ứng 80% nhu cầu về quy mô kho bãi (diện tích, sức chứa) của hàng hóa xuất nhập khẩu; cung cấp các dịch vụ quan trọng và cần thiết nhất trong quá trình tập kết, lưu giữ, chỉnh lý, bảo quản, sang xe sang tải, kiểm tra và làm thủ tục hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu; duy trì sự ổn định và từng bước nâng cao tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Tầm nhìn đến năm 2035: Có hệ thống kho bãi hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng được 100% nhu cầu về quy mô kho bãi (diện tích, sức chứa) của hàng hóa xuất nhập khẩu; cung cấp trọn gói theo hướng tích hợp đồng bộ các dịch vụ logistics gắn với kho bãi (trong tất cả các công đoạn của xuất nhập khẩu hàng hóa); thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh và bền vững.

Tiêu chí quy hoạch bao gồm số lượng, quy mô, cơ cấu loại hình theo công năng và mục đích sử dụng của kho bãi phải phù hợp với nhu cầu về kho bãi (nhu cầu về sức chứa, nhu cầu về dịch vụ phục vụ kèm theo) của hàng hóa xuất nhập khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu.

Theo Quyết định số 1093/QĐ-BCT, Bộ Công Thương có trách nhiệm: chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển kho bãi thống nhất theo Quy hoạch. Tham gia và có ý kiến trong quá trình thẩm định, phê duyệt đối với những công trình kho bãi trọng điểm; Chủ trì rà soát cơ chế, chính sách và pháp luật có liên quan đến kho bãi để sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền; hoặc thống nhất ý kiến với các bộ, ngành liên quan để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung; Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng văn bản hướng dẫn vận dụng các chủ trương, chính sách hiện hành nhằm khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ cho đầu tư phát triển kho bãi tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Theo dõi, tổng hợp và đánh giá hàng năm về kết quả đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác kho bãi trong mối quan hệ với hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Chủ động thống nhất với các địa phương trong việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch này cho phù hợp với diễn biến và đòi hỏi của thực tế; Phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng và ban hành tiêu chuẩn/quy chuẩn kho bãi hàng hóa trong tổng thể bộ tiêu chuẩn/quy chuẩn quy hoạch - xây dựng các loại hình hạ tầng thương mại, v.v...

Chi tiết Quyết định số 1093/QĐ-BCT xem tại đây.

 Trích nguồn : Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

66% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa hoàn thành kết quả Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại dương năm 2014.

Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng

Theo kết quả khảo sát được JETRO thông báo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 điểm chính được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đó là việc đánh giá mở rộng thị trường tại Việt Nam; Vấn đề rủi ro trong môi trường đầu tư; Tình hình cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện; Kỳ vọng vào việc hội nhập kinh tế.

Đánh giá việc mở rộng thị trường tại Việt Nam, 66% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tiếp tục mở rộng thị trường ở Việt Nam và coi Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng.

Về rủi ro trong môi trường đầu tư, Việt Nam rơi vào vị trí thứ 3 trong số 15 quốc gia về “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không minh mạch”, hơn một nửa số doanh nghiệp chỉ ra vấn đề “Sự phức tạp về cơ chế”, “Chi phí nhân công tăng cao” nhưng bù lại “Thủ tục hành chính phức tạp” đã được cải thiện đôi chút và “Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện” cũng được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, tình hình cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện vẫn khiến doanh nghiệp Nhật không hài lòng. Tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam là 33,2%, tăng 1% so với năm 2013. Tỉ lệ này cao hơn Philippines (28,4%) nhưng thấp hơn Trung Quốc nhiều (66%), Thái Lan (55%). Để nâng cao năng lực cạnh tranh về mặt chi phí, Việt Nam cần tăng thu mua từ doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ bằng các hình thức như cho vay lãi suất thấp, ưu đãi về thuế, đào tạo nguồn nhân lực.

Kỳ vọng vào việc hội nhập kinh tế được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và mong muốn được cải thiện nhiều hơn. Trước hết là “Đơn giản hóa thủ tục thông quan”, tiếp đó là “Chế độ thuế”, “Bỏ thuế nhập khẩu”, “Giải thích, vận dụng Quy chế xuất xứ” cũng là những kỳ vọng có tỉ lệ cao.

Đã cải thiện tích cực nhưng DN mong đợi nhiều hơn

Đánh giá về kết quả khảo sát của JETRO tại buổi làm việc mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: Việc khảo sát này không chỉ giúp cho Chính phủ Nhật Bản mà còn giúp cho Chính phủ các nước nắm bắt được ý kiến đánh giá của các doanh nghiệp Nhật Bản, so sánh được quy định của nước mình với các nước xung quanh. Từ đó giúp các cơ quan của Chính phủ Việt Nam có những đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách của mình.

Qua kết quả Khảo sát năm 2014 của JETRO, tình hình chung đầu tư của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt, có thể chưa được như mong đợi của doanh nghiệp Nhật Bản nhưng đã có những cải thiện tích cực.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Trong năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Trong đó phải kể đến Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, nhiều vấn đề được minh bạch hơn, nhiều thủ tục hành chính được bãi bỏ. Tuy nhiên, đến ngày 1-7-2015 luật mới có hiệu lực nên chưa được phản ánh trong kết quả điều tra này.

Với việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tin tưởng rằng, trong năm 2015 môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực.

Trích nguồn :http://cafef.vn

Chuyên mục phụ

Hỗ trợ trực tuyến

3770069
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1773
2035
18034
1700889
49362
3770069

Your IP: 3.142.136.159
Server Time: 2024-05-19 12:34:59

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr Giang Tử - 0913.329.033
Mrs Nga - 0903.228.574

 

 

Trang web hiện có:
79 khách & 0 thành viên trực tuyến