Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết thành công, cả doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người sản xuất vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện tốt các tiêu chí đã được đặt ra; trong đó, các vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và tuân thủ quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm không bao giờ thiếu trong mỗi đơn hàng xuất khẩu.
Chỉ là khởi đầu
Nhận định về lợi thế của Việt Nam khi Hiệp định EVFTA được ký kết thành công hồi cuối tháng 6/2019, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, đàm phán thương mại nông sản quốc tế bao giờ cũng có 2 nhánh, một nhánh đàm phán về thuế nhập khẩu, do Bộ Công Thương phụ trách. Một nhánh đàm phán về khả năng quản trị chất lượng và an toàn thực phẩm, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, về thuế nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đàm phán với các đối tác. Các đối tác này đã đồng ý xóa bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu cho nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, ở nhánh thứ 2, công việc không thể thực hiện nhanh như hoạt động đàm phán, mà cần phải có một lộ trình hoàn thiện về chất lượng sản phẩm.
Trong số đó, phải nói đến các hoạt động hoàn thiện chất lượng khác như, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mất khoảng 10 năm để chứng minh với Trung Quốc về khả năng quản trị an toàn thực phẩm đối với mặt hàng sữa của Việt Nam. Mãi tới gần đây, Trung Quốc mới đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu sữa vào thị trường của họ.
"Cho nên, khi gặp khó với xuất khẩu nông sản, cả Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp cần phân định rõ khó khăn thuộc nhánh nào. Nếu gặp khó ở nhánh quản trị chất lượng sản phẩm, thì chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tích cực thực hiện các bộ tiêu chí quản lý chất lượng sản phẩm để hoàn thiện", ông Trần Quốc Khánh nói.
Như vậy, có thể thấy Hiệp định thương mại tự do EVFTA vừa được ký kết thành công chỉ là bước khởi đầu cho quy trình hoàn thiện hệ thống sản xuất nông sản của Việt Nam.
Thực hiện các tiêu chí về truy xuất nguồn gốc và quy tắc xuất xứ sẽ được thực hiện rộng rãi, toàn diện trên các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp; trong đó, phải kể đến ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, một ngành mang lại nguồn kim ngạch 9 tỷ USD/năm, giải quyết được nhiều vấn đề về phát triển thủy sản trong nước.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các đối tác của Hiệp định thương mại tự do EVFTA cam kết xóa bỏ thuế quan cho hàng thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Song, để được hưởng mức thuế 0% thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Hàng thủy sản phải có nguyên liệu và được sản xuất trong lãnh thổ nước xuất khẩu hoặc có xuất xứ nội khối các nước tham gia hiệp định.
Cơ hội cho thủy sản Việt Nam chính là lợi thế cạnh tranh hơn so với những nước xuất khẩu chưa có các FTA (như Ấn Độ, Thái Lan). Bởi chúng ta có thể đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ các nước nội khối của hiệp định, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, môi trường kinh doanh được đảm bảo và thể chế ổn định, minh bạch hơn (nhờ cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản FTA).
Chuẩn bị nguồn nhân lực tiếp cận thế giới
Trước sự khởi đầu thuận lợi của việc ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA, ngoài yếu tố sản phẩm và người sản xuất, chuẩn bị nguồn nhân lực để theo kịp xu thế phát triển chung của thị trường thế giới cũng được doanh nghiệp chú trọng.
Theo luật sư, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, cho đến khi Hiệp định thương mại tự do với châu Âu được Quốc hội các bên phê chuẩn vẫn còn một giai đoạn khá dài, có thể tới một năm. Khoảng thời gian ấy, chính là lúc Chính phủ nên tranh thủ để biến nó thành kiến thức toàn xã hội.
Để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị tốt cho sự nhập cuộc với thế giới, Bộ Tư pháp cũng đang tổ chức một lớp đào tạo các luật sư quốc tế, bài học khó nhất là về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tiêu chí cạnh tranh thương mại tự do. Đến nay, WTO đang được giảng dạy trong các lớp học chính thức của Bộ Tư pháp, mà những lớp học này lại không phổ biến.
Trong khi đó, kiến thức để hội nhập WTO có dấu hiệu lỗi thời, nhưng vòng đàm phán mới chưa hoàn thành. Việt Nam chấp nhận tham gia WTO, có nghĩa là thừa nhận luật WTO là một bộ luật của Việt Nam. Thế nhưng bộ luật ấy lại chưa trở thành kiến thức của xã hội Việt Nam thì làm thế nào để thực hiện một cách có hiệu quả.
Chính vì vậy, với sự thành công khi ký kết Hiệp định EVFTA, rút kinh nghiệm của giai đoạn trước, Chính phủ nên xúc tiến một cách tích cực hơn trong việc phổ biến nội dung của các cam kết mới đến các chuyên ngành kinh tế, ngoại thương, luật của các trường đại học; trong đó, chất lượng sản phẩm cùng với sự phát triển kinh tế toàn cầu đã trở thành tiêu chuẩn cố định trong các quan hệ. Điển hình là tiêu chuẩn Euro 4, 5, 6 là tình huống cố định. Doanh nghiệp Việt Nam muốn bán hàng cho thị trường châu Âu thì buộc doanh nghiệp phải có sản phẩm đạt chất lượng do họ quy định, ông Nguyễn Trần Bạt nhấn mạnh.
Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phổ biến các tiêu chí cần được thực thi khi tham gia Hiệp định EVFTA trên báo chí mới chỉ là một hình thức sơ khai. Khi Chính phủ đã cam kết, tức là Việt Nam có thêm một bộ luật mới về EVFTA, các trường Đại học Luật, Ngoại thương cần nhanh chóng cập nhật chương trình để có thể đào tạo cung ứng nguồn nhân lực mới, chất lượng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Mỗi một FTA phải có chuyên gia luật sư chuyên biệt. Tức là phải biến các FTA trở thành trí tuệ có chất lượng phổ biến, chắc chắn và cơ bản trong đời sống xã hội.
Trích nguồn: Bnews.vn