Tại thị trường nội dịa Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm nhẹ giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 31/10.
Cụ thể, từ 15h00 ngày 31/10, xăng E5RON92 giảm 218 đồng/lít; xăng RON95 - III giảm 350 đồng/lít; dầu diesel giảm 166 đồng/lít; dầu hỏa giảm 121 đồng/lít; dầu mazut giảm 299 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng E5RON92 không cao hơn 19.252 đồng/lít; xăng RON95 - III không cao hơn 20.445 đồng/lít.
Giá dầu diesel không cao hơn 16.057 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 15.137 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 12.517 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ tiếp tục thực hiện mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 và dầu diesel là 100 đồng/lít; xăng RON95 trích lập ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa trích lập ở mức 200 đồng/lít, dầu mazut trích lập ở mức 700 đồng/lít.
Đồng thời, liên Bộ ngừng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (kỳ trước chi 200 đồng/lít đối với xăng RON95).
Liên bộ cho rằng: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tiếp tục có sự gia tăng để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, đồng thời tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường.
Trên thế giới, tuần qua, đà tăng mạnh của giá dầu trong phiên cuối tuần đã không “cứu” được thị trường “vàng đen” thoát khỏi một tuần đi xuống, sau những phiên giảm giá trước đó.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 0,4%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm khoảng 0,8%.
Trong phiên đầu tuần (28/10/2019), giá dầu đi xuống trước những dự đoán lượng dầu dự trữ của Mỹ gia tăng và mối lo ngại về số liệu công nghiệp yếu của Trung Quốc đã lấn át khả năng nhu cầu dầu sẽ tăng nếu đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc có tiến triển.
Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích do hãng tin Reuters thực hiện, tổng dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến tăng khoảng 700.000 thùng trong tuần qua.
Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 9/2019, tháng giảm thứ 2 liên tiếp, khi giá sản xuất tiếp tục đi xuống cho thấy tác động tiêu cực của tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Sau khi biến động trái chiều trong phiên 29/10/2019, dầu lại xuống giá trong phiên 30/10/2019, giữa lúc lòng tin của nhà đầu tư giảm sút do dự trữ dầu thô của Mỹ tăng trong tuần trước, gây thêm lo ngại về khả năng nguồn cung dồi dào.
Theo số liệu được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 30/10/2019, trong tuần kết thúc ngày 25/10/2019, dự trữ dầu thô thương mại của nước này tăng 5,7 triệu thùng so với tuần trước đó.
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 31/10/2019, trước các số liệu cho thấy hoạt động chế tạo tại Trung Quốc suy yếu.
Trong tháng 10/2019, hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp, với mức giảm mạnh hơn dự kiến
Điều này cho thấy các nhà chế tạo tiếp tục đối mặt với sức ép, giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại và ghi nhận mức tăng yếu nhất trong gần 30 năm qua.
Tính trong tháng 10/2019, giá dầu Brent giảm gần 1%, trong khi dầu WTI tăng gần 1%.
Tuy nhiên, đến phiên cuối tuần (1/11/2019), giá dầu phục hồi và tăng gần 4%, trước những tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 2,07 USD (3,5%) lên 61,69 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 2,02 USD (3,7%) lên 56,20 USD/thùng.
Ngày 1/11, Trung Quốc và Mỹ đều thông báo đạt tiến triển hướng tới việc hoàn tất "giai đoạn 1" thỏa thuận thương mại song phương, sau gần 16 tháng áp thuế quan trả đũa qua lại khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Theo Tân Hoa Xã, Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong ngày 1/11/2019.
 
Hai bên đã tiến hành thảo luận "nghiêm túc và mang tính xây dựng" về những vấn đề thương mại "cốt lõi" và đạt được đồng thuận về mặt nguyên tắc. Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận về việc thu xếp cuộc tham vấn tiếp theo.
John Kilduff, một đối tác tại Again Capital Management ở New York (Mỹ) nhận định thị trường dầu mỏ đã phản ứng mạnh mẽ với những tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung, vốn được dự đoán sẽ cải thiện đáng kể triển vọng cho kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, Gene McGillian, một quan chức cấp cao tại Tradition Energy có trụ sở ở Stamford, Connecticut (Mỹ), cho rằng tuần này, thị trường “vàng đen” vẫn chịu sức ép đi xuống, do những lo ngại tăng trưởng nhu cầu chậm lại trước sự thiếu chắc chắn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung và thống kê về lượng dự trữ dầu thô.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy giá dầu sẽ vẫn chịu sức ép trong năm nay và năm tới. Theo kết quả khảo sát, 51 nhà kinh tế dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 64,16 USD/thùng năm 2019 và 62,38 USD/thùng năm 2020.
Dự báo, giá dầu tăng mạnh nhờ tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Nguồn: VITIC
Trích: http://vinanet.vn