Thủ tướng nêu rõ: Đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, cần tập trung vào 04 loại doanh nghiệp:
1. Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi;
2. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất;
3. Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội;
4. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.
Theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, định hướng, hỗ trợ tối thiểu 5 – 10 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển một số sản phẩm số trọng điểm quốc gia, trở thành trụ cột của hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trước năm 2025.
Thứ hai, phát triển tối thiểu 5 – 10 nền tảng công nghệ số dùng chung để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy phát triển sản phẩm số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đưa vào sử dụng trước năm 2025.
Thứ ba, tuyên dương các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiêu biểu thực hiện tốt chiến lược “Make in Viet Nam” và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Nguồn: VITIC
Trích: http://vinanet.vn