Kiến nghị Thủ tướng cho phép mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở biên giới với Trung Quốc
 Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nông sản và trái cây tươi qua biên giới phía Bắc.
Quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới của chính quyên hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam dự kiến sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản của Việt năm
Bởi Bộ Công Thương cho hay hiện nay các mặt hàng trái cây tươi đều đang đến chính vụ thu hoạch để tiêu thị và xuất khẩu sang Trung Quốc.
"Nếu cả phía Trung Quốc và Việt Nam đều dừng giao dịch qua các cửa khẩu phụ, lối mở và cặp chợ biên giới, lượng trái cây này sẽ bị ùn ứ, không có khả năng chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu khác do chưa được nước khác cho nhập khẩu chỉnh thức hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn thông thường về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì.
Bên cạnh đó, trái cây tươi lại chịu sức ép thời gian bảo quản nên khó xoay chuyển tính thế trong thời gian ngắn", Bộ Công Thương trình bày tại báo cáo.
Do đó, để đảm bảo công tác phòng chống dịch nhưng cũng không gây ảnh hưởng quá mức đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở biên giới quan trọng đối với xuất khẩu nông sản.
Xuất khẩu rau quả không thể trông chờ vào mở cửa trở lại từ Trung Quốc
  Cần có sự nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong đó, EU là một trong những thị trường tiềm năng khi EVFTA vừa chính thức được phê chuẩn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong năm 2019 đã không về đích như mục tiêu đề ra từ đầu năm, chỉ đạt 3,74 tỉ USD, thậm chí so với năm 2018 thì kim ngạch đã giảm 1,7%. Sự sụt giảm về giá trị xuất khẩu trong năm qua là do giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại rau quả của Việt Nam, chiếm tới 64,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã giảm sâu tới gần 13%, đạt 2,43 tỉ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho hay Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả chủ yếu của Việt Nam song đang bị chững lại, chủ yếu do doanh nghiệp chưa thích nghi được với biện pháp quản lí mới từ thị trường láng giềng.
Đặc biệt ngay sau Tết Nguyên đán, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid - 19 lan rộng, Trung Quốc đã tạm đóng cửa biên giới nên hoạt động xuất khẩu sang thị trường này phải tạm dừng, nông sản ùn ứ khiến người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu đều “điêu đứng”.
Cụ thể, tính đến ngày 16/2, tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai đang ùn ứ gần 780 xe hàng là nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn... Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, hàng nghìn tấn nông sản cũng đang trong tình trạng lo ngại ùn ứ kéo dài.
"Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài tháng nữa sẽ thì nhiều cơ sở doanh nghiệp đóng gói, xuất khẩu trái cây có thể sẽ phải giảm bớt công nhân. Đây là viễn cảnh không được sáng sủa đối với ngành rau quả Việt hiện nay", ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.
Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay thực tế nông sản Việt Nam đã nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng thu mua.
Trong tình hình hiện nay, ông Nguyên cho rằng: "Để tránh thiệt hại cho người nông dân khi cung vượt cầu, mặt hàng nào sản xuất trái vụ nên hạn chế, giảm bớt qui mô để khống chế số lượng nhiều quá sẽ không tiêu thụ được, khi đó giá nông sản giảm sâu càng gây thiệt hại cho người trồng. Vậy nên chúng ta nên chờ thị trường tốt lên hãy tăng tốc sản xuất", ngoài ra các doanh nghiệp cần nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA.
Quãng Ngãi: Ớt rớt giá hơn một nửa vì thị trường Trung Quốc đóng cửa
 Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc “đóng băng” khiến giá ớt tại Quảng Ngãi giảm mạnh. Thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020, giá ớt được thương lái thu mua 15.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 8.000 đồng/kg. Với giá bán này nông dân lại lâm vào cảnh thua lỗ.
Tại cánh đồng ở thủ phủ ớt như Bình Sơn, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi, nhiều diện tích ớt đã đến lứa thu hoạch nhưng nông dân không muốn ra đồng thu hoạch.
Theo người trồng ớt, thời điểm này nếu thu hoạch ớt thì tiền bán ớt không đủ chi phí cho một ngày công nên nhiều người bỏ mặc ngoài đồng. Nếu vài ngày tới, ớt không tăng giá thì nông dân đành chặt bỏ.
“Năm ngoái, đầu vụ, ớt đã có giá 20.000 đồng/kg, sau tăng lên hơn 50.000 đồng/kg. Vụ này tình hình dịch bệnh bên Trung Quốc kéo dài thì lỗ nặng. Ớt phải có giá 15.000 đồng/kg mới có lãi”, một nông dân tại thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà chia sẻ với báo Quảng Ngãi.
Để tiêu thụ ớt cho nông dân hiện nay, các tư thương thu mua ớt tươi về cấp đông chờ thị trường Trung Quốc ổn định trở lại và đang tìm kiếm thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, các thị trường mới yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, qui trình kiểm định nghiêm ngặt và số lượng tiêu thụ ít hơn nhiều so với thị trường Trung Quốc.
Bộ trưởng yêu cầu, phải giảm giá thịt lợn ngay lập tức
 Dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, tốc độ tái đàn tăng nhanh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu doanh nghiệp chăn nuôi lớn ngay trong tuần tới phải giảm giá thịt lợn hơi xuống mức 75.000 đ/kg.
Nguồn cung thịt lợn tăng mạnh nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 5/2/2020, tổng đàn lợn cả nước thời điểm hiện tại là trên 24 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con lợn nái.
Sau khi dịch qua đỉnh điểm vào tháng 5/2019, việc tái đàn đã được triển khai ngay tại các địa phương. Tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn lợn cần khoảng 5-7 tháng. Do đó, theo báo cáo của các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi, từ tháng 1/2020 đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn. Dự báo, sản lượng sẽ tăng cao từ tháng 2/2019 và nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP).
Thực tế, những ngày gần đây giá thịt lợn đã hạ nhiệt, song lợn hơi xuất chuồng vẫn ở mức giá khá cao. Cụ thể, tại miền Bắc giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 80.000-81.000 đ/kg, ở các tỉnh ở miền Trung - Tây Nguyên giá trên dưới 83.000 đ/kg, trong khi tại các tỉnh miền Nam giá lợn hơi ở mức dưới 81.000 đ/kg. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải giảm giá thịt lợn hơi xuống mức 75.000 đ/kg
 
Theo Bộ trưởng Cường, giá lợn hơi ở mức 75.000 đ/kg là hợp lý. Nếu doanh nghiệp không chịu giảm giá thì đã có luật, Bộ sẽ rà soát những ưu đãi trước đó mà doanh nghiệp được hưởng để tiến hành thay đổi. Còn doanh nghiệp nào thực hiện tốt việc giảm giá sẽ được biểu dương ngay. Bộ trưởng Cường cho rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành phải biết bảo vệ thị trường, sản xuất bền vững. Phải gặp người tiêu dùng ở một điểm đó là văn hóa. Giá thịt lợn phải ở mức độ hợp lý, hài hòa.
Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới
  Bộ Công Thương đang liên tục khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.
Theo Bộ Công Thương, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra đang diễn biến phức tạp, khó lường và có tác động tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây. Do đó, các lô hàng nông, lâm, thủy sản và trái cây Việt Nam mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Bộ Công Thương đang liên tục khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.
Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đã và đang chỉ đạo các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch.

Nguồn: VITIC

Trích: http://vinanet.vn