Theo hãng phân tích GlobalData, thế giới hiện đang cần 880.000 máy thở. Hãng sản xuất thiết bị y tế hàng đầu Trung Quốc - Shenzhen Mindray Bio-Medical Electronics Co. – ước tính nhu cầu sử dụng máy thở trên toàn cầu hiện cao gấp khoảng 10 lần so với số máy hiện có. Trong khi đó, Hiệp hội Hồi sức Tích cực Mỹ dự đoán riêng tại Mỹ, tổng số bệnh nhân Covid-19 cần được máy thở hỗ trợ có thể lên tới khoảng 960.000 người, trong khi Mỹ hiện chỉ có khoảng 200.000 máy thở. Tại Italy, nước có nhiều ca tử vong vì Covid-19 nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại, tình trạng thiếu máy thở đã buộc các bác sỹ phải phân loại bệnh nhân được ưu tiên dùng máy thở.
Các nhà sản xuất máy thở hàng đầu thế giới là Gelinge, Hamilton Medical, Dräger, Mindray, Medtronic, Löwenstein, Vyaire Medical, Philips, GE Heathcare, và Fisher & Paykel đều đang nỗ lực tăng công suất sản xuất thêm 30 – 50% nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu đặt hàng – tăng khoảng 500 – 1000%. Những nhà máy khác đang gấp rút trang bị lại toàn bộ dây chuyền sản xuất để thực hiện các đơn hàng.
Tuy nhiên, khó khăn đối với các hãng sản xuất máy thở là tình trạng cách ly xã hội ở hầu khắp các nước khiến cho dây chuyền cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị máy móc bị đứt gãy.
Tất cả các hãng sản xuất máy thở trên thế giới hiện đã kín đơn hàng, không chỉ từ các khách hàng thường xuyên như các bệnh viện, mà còn là các đơn đặt hàng trực tiếp từ phía các chính phủ.
Các hãng sản xuất máy thở đang phải tăng sản lượng ngay cả khi đại dịch CovidD-19 làm gián đoạn nhiều mắt xích vận chuyển cũng như nguồn cung các linh kiện thiết yếu như ống thở, van, động cơ và bảng mạch điện tử. Một vài linh kiện trong đó được sản xuất tại Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Trong bối cảnh đó, công ty nào cũng phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 công suất bình thường. Một trong các nhà sản xuất máy thở lớn nhất thế giới, Công ty Hamilton Medical AG có trụ sở tại Thụy Sĩ, đặt mục tiêu nâng sản lượng lên khoảng 21.000 máy thở trong năm nay, tăng 6.000 chiếc so với 15.000 máy thở năm ngoái. Còn Công ty Siare Engineering International Group có trụ sở tại Bologna (Italy) với 25 kỹ thuật viên quân đội tham gia lắp ráp các máy hi vọng sẽ tăng gấp 3 sản lượng máy thở hàng tháng.
Theo Tina Deng, chuyên gia y tế cấp cao của GlobalDat – hãng phân tích và thu thập dữ liệu hàng đầu thế giới, một số giải pháp sau có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu máy thở hiện nay.
Thứ nhất là các công ty sản xuất thiết bị y tế (trong lĩnh vực hô hấp, nhưng từ trước tới nay chưa sản xuất máy thở) chuyển sang tập trung sản xuất máy thở. Điều này rất khả thi vì những công ty này có sẵn chuyên môn về kỹ thuật thiết bị y tế, có năng lực sản xuất và đã nắm vững các quy định của chị trường.
Thứ hai là tìm kiếm các công ty kỹ thuật ngoài lĩnh vực y tế để sản xuất máy thở. Để điều này mang lại thành công thì cần có sự hợp tác giữa các chính phủ và các nhà sản xuất máy thở hiện tại để hỗ trợ các công ty ngoài lĩnh vực y tế nhằm chuyển đổi nhanh chóng mục tiêu sản xuất. Điều này bắt đầu được triển khai rộng rãi khi hàng loạt các hãng ô tô đang chuyển hướng tập trung sản xuất máy thở.
Các hãng ô tô khắp thế giới như Ford, Toyota, Rolls-Royce…đang đẩy mạnh sản xuất khẩu trang thiết bị y tế và máy thở nhằm hỗ trợ giải quyết sự thiếu hụt trầm trọng thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 ở khắp Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á.
Tháng 3/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng đến quyền khẩn cấp để yêu cầu hãng ô tô General Motors phải nhanh chóng sản xuất máy thở là thiết bị y tế vô cùng cần thiết trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ông chỉ trích hãng ô tô lớn nhất nước Mỹ đang “lãng phí thời gian” cho những cuộc thương lượng.
Ngày 16/3/2020, Chính phủ Anh đề nghị các nhà sản xuất xe hơi đang hoạt động trong nước gồm Ford, Honda và Rolls-Royce tham gia sản xuất máy thở. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các nhà sản xuất trong việc góp sức vào công cuộc chống dịch Covid-19 của cả nước. Ngày 30/3, Chính phủ Anh đã đặt mua hơn 10.000 máy thở từ hiệp hội các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu thuộc lĩnh vực hàng không, kỹ thuật và các đội đua Công thức 1. Nhóm các công ty Airbus, BAE Systems, Ford và 7 đội đua xe Công thức 1 đã hợp tác để đẩy nhanh tiến độ sản xuất một loại máy thở hiện có của Hãng Smiths Group là mẫu máy Smiths Medical paraPAC plus. Các công ty của Anh, trong đó có Rolls-Royce và Meggitt, đã phải rút bớt nhân viên từ những dự án đang triển khai để dồn thêm nhân lực đáp ứng theo lời hiệu triệu ngày 30/3 của Chính phủ.
Tại Mỹ, hãng General Motors (GM) cho biết họ sẽ hợp tác với Ventec Life Systems để sản xuất máy thở tại nhà máy Kokomo của GM ở bang Indiana, bắt đầu từ tháng 4. Sản lượng sẽ lên đến 200.000 máy với năng suất 10.000 máy/tháng. GM cũng sản xuất khẩu trang y tế tại nhà máy ở Warren, bang Michigan từ đầu tháng 4. Sản lượng được đẩy mạnh đến 50.000 khẩu trang/ngày và có thể tăng gấp đôi. Ford Motor cũng tuyên bố sẽ hợp tác với GE Healthcare để mở rộng sản xuất máy thở của GE đồng thời nghiên cứu phát triển một mẫu sản phẩm đơn giản hơn để Ford có thể tự sản xuất tại nhà máy của mình. Ford cũng sẽ làm việc với hãng 3M để gia tăng sản xuất mặt nạ chống độc của 3M, đồng thời phát triển một mẫu đơn giản hơn để sản xuất tại nhà máy của Ford. Địa điểm có thể là một nhà máy ở Michigan, với sản lượng 100.000 chiếc/tuần.
Hãng Toyota Motor cho biết hãng đang chốt thỏa thuận với ít nhất 2 công ty để hỗ trợ tăng sản xuất máy thở và mặt nạ chống độc. Hãng hy vọng có thể bắt đầu sản xuất loại khẩu trang y tế đặc dụng này vào tuần tới và đang tìm kiếm đối tác để làm màng lọc cho khẩu trang.
Hãng Fiat Chrysler Automobiles công bố sẽ bắt đầu sản xuất hơn 1 triệu khẩu trang mỗi tháng. Bước đầu sản phẩm được phân phối cho đội ngũ hỗ trợ và nhân viên y tế ở Bắc Mỹ.
Hãng Tesla thông báo sẽ mở cửa lại nhà máy ở Buffalo, New York, để sản xuất máy thở Medtronic. Hãng ô tô Mahindra CIE cho biết đang làm việc với một nhà sản xuất máy thở ở Ấn Độ để giúp đơn giản hóa mẫu sản phẩm và đẩy mạnh sản xuất, bao gồm cả việc triển khai sản xuất ở vài nhà máy của Mahindra….
Theo tính toán của GlobalData, thời gian trung bình để một thiết bị hô hấp mới được đưa ra thị trường là 4,4-6,7 năm. Trong bối cảnh gấp rút hiện tại, các chính phủ cần loại bỏ những rào cản về quy định để giúp các nhà sản xuất máy thở tăng tốc độ thiết kế và kỹ thuật. Với sự phối hợp đó, có thể chỉ vài tuần là sản phẩm mới sẽ được cung ứng cho thị trường.
Được biết, phần lớn những máy thở chế tạo riêng cho bệnh nhân Covid-19 có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu, nhưng không phải là loại máy thở tiên tiến với nhiều chế độ và lựa chọn phức tạp. Thiết kế đơn giản sẽ giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng nâng công suất sản xuất lên mức tối đa, đồng thời rút ngắn thời gian hướng dẫn sử dụng.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Trích: http://vinanet.vn