Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 9/2014 là hơn 25,85 tỷ USD, tăng 1,5%, tương ứng tăng 380 triệu USD so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 12,63 tỷ USD, giảm 4,8% và nhập khẩu đạt gần 13,22 tỷ USD, tăng 8,3%. Do vậy, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 9 thâm hụt 582 triệu USD.
Tính trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt hơn 217,48 tỷ USD, tăng 13%; trong đó xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 109,87 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 107,61 tỷ USD.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Theo đó, trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của FDI là 128,47 tỷ USD, tăng 13,1 %. Tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn chiếm ưu thế, đạt gần 67,81 tỷ USD; nhập khẩu là hơn 60,66 tỷ USD. Tính riêng trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối này đạt gần 16,07 tỷ USD.
Xuất khẩu: Trung Quốc là thị trường chính
Các mặt hàng xuất khẩu của VN chủ yếu là nông sản có dấu hiệu giảm nhẹ và vẫn bị phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể với thủy sản, sản lượng xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 722 triệu USD, giảm 5,3% so với tháng trước; Cà phê, xuất khẩu là 97 nghìn tấn, giảm 0,4% về lượng và giảm 1,3% về trị giá so với tháng trước.
Riêng với thị trường xuất khẩu gạo, trong tháng 9 có dấu hiệu giảm khá mạnh đạt 519 nghìn tấn, giảm 21,7% và trị giá giảm 19,4% so với tháng trước. Như vậy, tính đến hết quý III/2014, lượng xuất khẩu nhóm hàng này là 5,01 triệu tấn, giảm 5,4% và trị giá đạt 2,28 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Biểu đồ lượng và giá trị nhập khẩu xăng dầu các loại trong 9 tháng/ 2014. (Nguồn: Hải quan) |
Nhưng 9 tháng qua, Trung Quốc vẫn là đối tác lớn nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 1,7 triệu tấn, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2013. Theo sau là thị thị trường Philippin đạt 1,13 triệu tấn.
Tương tự với thị trường cao su, Trung Quốc vẫn là đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 9 tháng với 292 nghìn tấn (trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 128 nghìn tấn), chiếm tới 42% lượng cao su xuất khẩu của cả nước; tiếp theo là Malaixia: 138 nghìn tấn…
Ngoài ra các sản phẩm dầu thô, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, điện thoại các loại & linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; Phương tiện vận tải và phụ tùng... Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Nhập khẩu: Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp chính
Cùng với việc xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng được coi là bạn hàng nhập khẩu quen thuộc của Trung Quốc.
Theo thống kê, ngành công nghiệp ô tô vẫn được coi là mục tiêu phát triển của Việt Nam, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Trên thực tế, số lượng ô tô tại Việt Nam hầu như vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn, Việt Nam chỉ đóng vai trò gia công, lắp ráp. Cụ thể: trong 9 tháng/2014, cả nước nhập về 44,08 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam với 11,64 nghìn chiếc; Thái Lan: 8,66 nghìn chiếc; Trung Quốc: 8,4 nghìn chiếc; Ấn Độ: 7,1 nghìn chiếc…
Đặc biệt với thị trường phân bón, lượng nhập khẩu phân bón trong 9 tháng tăng mạnh tới 33,2%. Thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc với tổng 1,54 triệu tấn.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 9 tháng qua với trị giá là 5,69 tỷ USD, tiếp theo là các thị trường: Nhật Bản: 2,63 tỷ USD; Hàn Quốc: 2,23 tỷ USD; Đài Loan: 1,06 tỷ USD...
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng qua cũng chủ yếu từ Trung Quốc (3,95 triệu tấn, tăng 50,7%) và chiếm 48,6% tổng lượng sắt thép cả nước nhập về.
Riêng với nhóm nguyên vật liệu dệt may, da, giày: trị giá nhập khẩu trong tháng là 1,43 tỷ USD, tính chung 9 tháng, cả nước nhập khẩu 12,61 tỷ USD. Thị trường cung cấp chính cho Việt Nam vẫn là trường Trung Quốc với 4,95 tỷ USD...
Với tỉ lệ hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng trung gian phục vụ sản xuất, hiện Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc khiến nhập siêu từ thị trường này ngày càng đáng lo ngại. Trong khi đó, sản xuất trong nước ngày càng tăng, ngành công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, việc phụ thuộc nguyên liệu kéo dài sẽ gây thất thoát ngoại tệ không nhỏ, “ăn” hết phần xuất siêu sang các quốc gia khác.
TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng, nếu lượng lớn hàng trung gian nhập về được các DN tạo ra sản phẩm xuất khẩu thì hoàn toàn không gây thâm hụt thương mại nhưng thực tế là hàng trung gian lại được các DN gia công phục vụ tiêu dùng trong nước nên giá trị gia tăng kém, thâm hụt thương mại lớn.
(ST)
Ông Giang Tử - 0913.329.033 |
Bà Nga - 0903.228.574 |
We have 80 guests and no members online