- Đầu năm mới, nhiều tên tuổi lớn nước ngoài đã đặt chân đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác kinh doanh hoặc triển khai các dự án đã ấp ủ từ lâu.
Netflix, dịch vụ truyền hình trực tuyến với giá thuê bao từ 180.000 đồng một tháng đầu năm nay đã công bố đặt chân đến Việt Nam. Với khoảng 70 triệu người dùng trả phí thường xuyên, Netflix được đánh giá là một trong những dịch vụ xem phim trực tuyến phổ biến nhất thế giới và đôi khi được xem là một tiêu chuẩn bắt buộc phải có ở nhiều nước khi người tiêu dùng chọn mua các thiết bị giải trí cho gia đình.
Việt Nam có cơ hội đón thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2016. Ảnh: WSJ
|
Việc đơn vị này thâm nhập vào Việt Nam chứng tỏ mảnh đất truyền hình trực tuyến, kênh giải trí đang có nhiều tiềm năng để các ông lớn khai thác. Tuy nhiên, điều này cũng khiến thị trường trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn khi miếng bánh thị phần bị chia sẻ với một ông lớn giàu tiềm lực mà khách hàng thì ngày một "thông thái" hơn.Singha Asia - một hãng bia của Thái Lan trực thuộc Tập đoàn đồ uống Boon Rawd Brewery dự kiến trong tháng 1 hoàn tất thương vụ đầu tư 1,1 tỷ USD vào Công ty cổ phần Tập đoàn Masan. Sau giao dịch, Singha sẽ nắm 25% cổ phần Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Masan Brewery - hai đơn vị đang nắm mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống của Masan với những thương hiệu tiêu dùng như Chinsu, Omachi, Vinacafe, bia Sư tử trắng...
Singha cho hay sự hợp tác này cho phép công ty mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống thành quy mô khu vực, với trọng tâm là các nước “Inland ASEAN” (Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào), bao phủ 250 triệu người tiêu dùng. Một nguồn tin cho biết Singha từng bày tỏ sự quan tâm đến việc mua cổ phần Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - nhà sản xuất bia hàng đầu Việt Nam nhưng không thành nên đã chuyển hướng sang Masan, một doanh nghiệp đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm 2016 dự báo là năm cấp tập dành cho tên tuổi bán lẻ Nhật Bản 7-Eleven khi hãng lên đã ấp ủ chiến lược mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 4/2017. Đây là lần đầu tiên hãng này gia nhập một thị trường tại khu vực Vành đai Thái Bình Dương từ sau Indonesia năm 2009.
7-Eleven Nhật Bản sẽ cử nhân viên sang Việt Nam để giúp các cửa hàng phát triển các sản phẩm độc đáo, đồng thời chọn địa điểm hợp lý tại TP HCM, đáp ứng những tiêu chí của một cửa hàng tiện lợi hiện đại.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, việc có thêm các ông lớn nước ngoài cho thấy một xu hướng mới trong lĩnh vực bán lẻ, đó là hình thức cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini dù cách đây 10 năm từng xuất hiện nhưng không thành công như mong đợi. Điều này đã được minh chứng khi số lượng các cửa hàng tiện tích tăng gấp đôi từ 147 lên 348 trong giai đoạn 2012-2014.
"Nhu cầu mới này đa phần xuất phát từ những người tiêu dùng trẻ tuổi và có cuộc sống bận rộn. Những người tiêu dùng này chủ yếu đến cửa hàng tiện ích để mua sắm thực phẩm hằng ngày, chính là yếu tố then chốt trong sự phát triển của chuỗi cửa hàng tiện ích", Nielsen nhận định.
Thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) cũng đón cú hích đầu năm mới khi hai thương vụ lớn đã chốt được đối tác sau thời gian dài để ngỏ. Thông tin sẽ bán tòa Landmark 72 tầng vào năm ngoái để trang trải nợ nần, đầu năm nay, giới kinh doanh bất động sản cho hay Keangnam đã tìm được chủ mới là tập đoàn tài chính AON Holdings.
Đơn vị này đã chi khoảng 450 tỷ won (380 triệu USD), vượt qua các nhà đầu tư tài chính khác như Goldman Sachs và Hana Financial Investment để giành quyền sở hữu tòa nhà cao nhất Việt Nam này. Trước đó, báo chí Hàn Quốc từng đưa tin tòa nhà Landmark 72 được định giá tới 830 tỷ won (tương đương 770 triệu USD).
Bên cạnh đó, siêu thị Metro Việt Nam đầu năm nay đã chính thức về tay Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) với giá trị 655 triệu Euro (khoảng 879 triệu USD). BJC cho biết sẽ tiếp tục giữ nguyên tên Metro Việt Nam và các mục tiêu phát triển, sản phẩm, dịch vụ, song thương vụ này sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa Thái Lan thâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, không chỉ qua các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, tạp hóa mà hiện còn sang kênh bán lẻ hiện đại - siêu thị.
"Với đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế và các công ty tiếp tục phát triển về quy mô, cơ hội cho các công ty nước ngoài tham gia vào các giao dịch trong nước khá lớn và quan hệ đối tác ngày càng trở nên hấp dẫn", Reuter dẫn lời Rehan Anwer, chuyên gia phân tích tại Credit Suisse cho hay.
Một phân tích mới đây của Bloomberg về triển vọng tăng trưởng của 93 nền kinh tế trên thế giới cũng cho biết Việt Nam đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng trong năm 2016, đạt 6,6%, chỉ kém hơn mức 7,4% dành cho Ấn Độ. Với tốc độ tăng trưởng được dự báo như trên, Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á năm nay, trên các mức tăng trưởng dự báo dành cho kinh tế Indonesia là 5,2%, Malaysia là 4,5%, Thái Lan là 3,2%, và Singapore là 2,3%.
Bằng cách so sánh tăng trưởng với các nền kinh tế láng giềng trong Đông Nam Á, nhà đầu tư thấy rõ sức hấp dẫn của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhận xét Việt Nam có cơ hội đứng trên vai những người khổng lồ khi thu hút được những nhà đầu tư chất lượng vào thị trường.
"So với Philippines, Việt Nam hấp dẫn hơn bởi họ có nhiều đảo nên tiếp cận khách hàng không đơn giản. Do đó, khi bàn tới châu Á, nhà đầu tư chủ yếu nhìn vào Việt Nam và Indonesia, đặc biệt là Việt Nam khi chúng ta nằm ở vị trí thuận lợi, cạnh một thị trường khổng lồ là Trung Quốc", ông nói.
Việt Nam có dân số đông thứ ba ở khu vực Đông Nam Á, với hơn 60% có độ tuổi từ 15 đến dưới 60 và thu nhập ngày càng khấm khá hơn. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ dân số có mức thu nhập dưới 2 USD một ngày tính theo sức mua tương đương đã giảm mạnh từ 86% năm 1993 xuống còn 12% năm 2012. Đặc điểm nhân khẩu học này tạo ra một cơ hội lý tưởng để gia tăng nhu cầu trong nước và thu hút những doanh nghiệp, nhà đầu tư thế giới. |
Trích nguồn : Vnexpress.net