Chất lượng sản phẩm vượt trội
Sản phẩm nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu Diesel L-62 của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được Cục Nhiên liệu và Chất cháy tên lửa - thuộc Bộ Tham mưu bảo đảm vật tư kỹ thuật các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga cấp phép sử dụng trên vũ khí trang bị, thiết bị quân sự và thiết bị đặc biệt của Nga tại Việt Nam kể từ ngày 16/10/2014. Đây là bước phát triển rất quan trọng của BSR về khả năng làm chủ công nghệ lọc hóa dầu và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm của nhà máy.
Với việc sử dụng xăng dầu Dung Quất, người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng sản phẩm xăng dầu tốt nhất nhì thế giới. Đó là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu do Viện Dầu khí Việt Nam thực hiện.

“Chất lượng vàng” của sản phẩm mang thương hiệu BSR được thể hiện qua hàm lượng lưu huỳnh trong xăng của Dung Quất chưa tới 1/3 so với quy chuẩn. Cụ thể, Quy chuẩn của Việt Nam (năm 2005) quy định hàm lượng lưu huỳnh tối đa là 500 phần triệu (ppm), nhưng xăng Dung Quất hiện có hàm lượng lưu huỳnh là 135ppm và thậm chí 30ppm. 

Chất lượng cao của xăng Dung Quất còn thể hiện ở trị số octan (liên quan tới chất lượng cháy, độ bền và công suất của động cơ). Xăng Dung Quất đang sản xuất có trị số RON 92, nhưng kết quả kiểm tra thực tế, chỉ số này là 92,6 và 92,3 (chưa cần pha thêm bất kỳ loại phụ gia nào).
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu Dung Quất trong khi chưa thực hiện xong dự án nâng cấp mở rộng (NCMR), BSR đang nghiên cứu một số giải pháp cho sản phẩm xăng RON 92 và RON 95 đạt tiêu chuẩn EURO 3 như tối đa hóa công suất chế biến của cụm phân xưởng sản xuất cấu tử pha trộn xăng có chỉ số octan cao hoặc nhập bổ sung các cấu tử pha trộn xăng có chỉ số octan cao.

 
Ngoài ra, BSR cũng sẽ áp dụng giải pháp nhập naphtha và BTBE bằng cách bổ sung 1 đường ống để đưa sản phẩm từ cảng xuất sản phẩm về khu vực sản xuất.
Trong kế hoạch NCMR, NMLD Dung Quất sẽ tiến hành xây dựng bổ sung các phân xưởng công nghệ để chế biến dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, sản lượng/tính sẵn có lớn hơn như Murban, ESPO, Arab Light… và sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng EURO 5.
Đa dạng hóa cách thức phục vụ khách hàng
Năm 2009, NMLD Dung Quất đi vào hoạt động với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm (tương đương 148.000 thùng/ngày), đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu nội địa (cung cấp khoảng 2,746 triệu tấn xăng và 3,068 triệu tấn dầu DO).
Nhằm thúc đẩy tiêu thụ, BSR đã lập kế hoạch bán hàng tại các kho công ty thuê phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là khu vực phía Nam, cũng như linh hoạt với nhiều hình thức giao hàng và tăng vận chuyển đường bộ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. BSR còn linh hoạt chính sách trong thanh toán triết khấu thương mại và giãn thời hạn thanh toán; chính sách thưởng khách hàng và chăm sóc khách hàng chu đáo.
Từ ngày 1/1/2017, Chính phủ bãi bỏ thu điều tiết đối với sản phẩm dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu tiêu dùng trong nước. Theo đó, BSR được tự tính giá thành sản phẩm theo hướng thu hút các đầu mối tiêu thụ trong nước. Cùng với giá hấp dẫn, lợi thế về nộp thuế chậm hơn thuế nhập khẩu, vận chuyển gần, bảo hiểm rẻ và thanh toán thuận lợi bằng tiền đồng Việt Nam cũng giúp thị phần trong nước của BSR có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng mạnh.
Trong tầm nhìn nhằm nâng cao sức cạnh tranh, BSR còn tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh để giảm giá thành sản phẩm, trong đó, chú trọng công tác lập kế hoạch sản xuất theo khả năng vận hành thực tế của Nhà máy và điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, tối đa công suất các phân xưởng công nghệ, áp dụng sáng kiến, cải tiến nhằm tối ưu hóa năng lượng, tiết giảm chi phí, giảm tồn kho và tập trung sản xuất ra nhiều sản phẩm hóa dầu, sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, công ty cũng xây dựng phương án xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước lân cận trong khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia…
Có thể chế biến gần 60 loại dầu thô
Khởi điểm NMLD Dung Quất chủ yếu chế biến nguồn dầu thô Bạch Hổ, với khối lượng chiếm ¾ tổng nguồn cung dầu thô. Sau nhiều nỗ lực đầu tư nghiên cứu và mạnh dạn thử nghiệm, theo đánh giá hiện Nhà máy có thể chế biến tới 57 loại dầu thô khác với sản lượng/tính sẵn có tăng lên gần 3 lần, (tương đương 2,5 - 7 triệu thùng/ngày). Do vậy, khi nguồn dầu thô Bạch Hổ cạn kiệt, nhà máy có nhiều cơ hội lựa chọn nguồn cung dầu thô phù hợp.

Hiện tại, Nhà máy đã chế biến thành công 15 loại dầu thô từ các khu vực khác nhau trên thế giới như: Azeri (Azerbaijan), Champion, SLEB (Brunei), Kikeh, Labuan, Miri (Malaysia), Kaji Semoga (Indonesia), NKossa (Congo), Amna (Libya), ESPO (Nga), Đại Hùng, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Chim Sáo, Thăng Long (Việt Nam). Trong đó, nhiều loại có tỷ lệ phối trộn cao và sản lượng lớn đáp ứng khả năng cung cấp cho NMLD Dung Quất trong dài hạn như dầu thô Azeri tỉ lệ phối trộn lên tới 70%. Không kể dầu Bạch Hổ, những loại dầu thô này đã được cung cấp cho NMLD Dung Quất theo các hợp đồng chuyến, hợp đồng dài hạn với tổng khối lượng cho tới nay khoảng 13,6 triệu tấn, góp phần đảm bảo khối lượng dầu thô cung cấp cho NMLD Dung Quất vận hành tại 105 - 107% công suất thiết kế.

Năm 2016, sản lượng dầu thô từ mỏ Bạch Hổ chỉ còn chiếm khoảng 58% nhu cầu sử dụng của NMLD Dung Quất.
BSR đã làm việc với các đối tác sở hữu các loại dầu thô trên để đàm phán ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) cung cấp dầu cho NMLD Dung Quất giai đoạn sau khi NCMR Nhà máy. Cụ thể, đàm phán với đơn vị sở hữu dầu thô Murban là ADNOC, BP và Shell; đàm phán, ký kết thỏa thuận với nhà cung cấp dầu ESPO là Rosneft và Gazpromneft.
BSR cũng phối hợp cùng Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) xúc tiến đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung cấp để ký kết các Biên bản ghi nhớ (MOU), Thỏa thuận khung (FA) và Hợp đồng khung (COSA) cung cấp dài hạn các loại dầu thô nhập khẩu chiến lược đến năm 2040.
Để chuẩn bị đón nhận các nguồn dầu thô cho nhà máy trong giai đoạn NCMR, BSR sẽ tiến hành xây dựng bổ sung một bến phao SPM mới (cách bến phao cũ 2 km về phía Bắc) có thể tiếp nhận tàu trọng tải 300 nghìn tấn - những con tàu siêu khổng lồ xuyên đại dương mang dầu khắp nơi trên thế giới cấp cho nhà máy.
Tính đến ngày 5/7/2017, khi NMLD Dung Quất nhập chuyến dầu đầu tiên sau bảo dưỡng tổng thể, BSR đã nhập 661 lô dầu thô an toàn với tổng khối lượng là 52,4 triệu tấn.
Nguồn: Năng lượng Việt nam vinanet.vn