Sáng ngày 21/8, Trung tâm nghiên cứu năng lượng sạch và Phát triển bền vững đã tổ chức Hội thảo về phát triển điện mặt trời tại Việt Nam "Những xu hướng gần đây và các vấn đề mới nổi" với sự góp mặt tham gia của nhiều chuyên gia ngành trong và ngoài nước.
Quang điện - "Miền đất hứa"
Theo ông Rainer Brohm, Cố vấn năng lượng tái tạo Berlin – Hanoi cho biết quang điện đang là nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất thế giới với tổng công suất năm 2016 đạt 303 GW trên toàn thế giới so với mức 6 GW hồi năm 2006.

Việt Nam có tiềm năng to lớn trong việc phát triển điện mặt trời. Theo ông Đỗ Đức Tưởng, đại diện Chương trình Năng lượng của USAID tại Việt Nam cho biết bức xạ nhiệt của Việt Nam lớn nhất là 2056 kWh/m2/năm chủ yếu tập trung ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa.
 Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện đến từ Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường cho biết bức xạ trực tiếp từ tia nắng chiếu thẳng (DNI) là 4-5kWh/m2/ngày, tổng thời gian có nắng là 1600-2700 giờ có nắng trong một năm với tổng tiềm năng từ năng lượng mặt trời là 1300 - 1500kWh/kWp.
Để thúc đẩy quá trình này, gần đây Chính phủ đã thông qua các chính sách hỗ trợ mới. Cụ thể, theo quyết định 11/QD-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam, đối với các dự án nối mạng biểu giá điện hỗ trợ (FIT) là 9.35 cent/kWh với thời hạn hợp đồng mua bán điện 20 năm. Đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà sẽ có cơ chế bù trừ khuyến khích tự tiêu thụ điện. Bù trừ số dư ở mức 9.35 cent/kWh vào cuối năm hoặc cuối thời hạn hợp đồng mua bán điện. Thuế và ưu đãi cho các hệ thống =< 50kWp sẽ được nghiên cứu và ban hành bởi Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, các dự án điện mặt trời sẽ được miễn thuế nhập khẩu với sản lượng nhập khẩu cố định cho mỗi dự án. Các dự án điện mặt trời, đường dây truyền tải và máy biến áp nối lưới phải được cắt giảm hoặc miễn thuế sử dụng đất và tiền thuê theo các cơ chế hiện tại cho các dự án đang được hỗ trợ đầu tư.
Những cơ chế này dự kiến sẽ hỗ trợ sự phát triển điện mặt trời trên toàn quốc. Kết quả là một số điện mặt trời quy mô lớn được công bố ở Việt Nam trong những tháng vừa qua.
Một số dự án lớn phải kể đến như Thiên Tân – 2019MW, Sao Mai Group – 210MW, Xuân Cầu - 2000MW (Tây Ninh), Thành Thành Công – 1000MW, TH True Milk – 1000MW (Dak Lak), EVN – 2000MW, Tập đoàn AES – 500MW, Xuân Thiện – 2000MW... Một số nhà đầu tư quốc tế lớn cũng tham gia vào các dự án này trong đó có First Solar, Jinko, Dragon Capital...
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện đến từ Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường cho biết giá năng lượng mặt trời đang có xu hướng giảm giá rất nhanh. Ví dụ như tại Mỹ, dự kiến mức báo giá từ nay đến năm 2020 là 8,9 cent/kWh và Mexico là 3,3 cent/kWh (9/2016), giảm 30% so với mức trước đó 6 tháng.
Con đường không bằng phẳng
Tuy thị trường điện năng lượng mặt trời khá tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Ông Nam cho chia sẻ mặc dù hành lang pháp lý đã rất rõ ràng tuy nhiên thời gian cấp phép khá dài. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu và thời gian hoàn vốn khá lớn, đặc biệt khi năng lượng điện mặt trời phải cạnh tranh với giá điện lưới quốc gia. Vấn đề kỹ thuật, về dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng sau lắp đặt và tuổi thọ của hệ thống cũng là trở ngại không nhỏ bởi công việc này đòi hỏi tính chính xác và chuyên môn cao.
Cho đến nay, các đơn vị cung cấp thiết bị và lắp đặt trọn gói tại Việt Nam có đủ khả năng hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu nói về mặt hỗ trợ về mặt kỹ thuật bảo trì bảo dưỡng và các giải pháp phát sinh thì vẫn chưa đủ khả năng để làm việc này.
Vấn đề về môi trường cũng là mối quan tâm lớn. Ông Nam cho biết tuy trong quá trình sử dụng hầu như pin mặt trời không gây ra khí thải hay các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quá trình sản xuất pin năng lượng mặt trời có thể gây ô nhiễm bởi vì các nhà sản xuất sử dụng rất nhiều hóa chất. Ngoài ra, sau khi các tấm pin đã hết hạn thì vẫn chưa có công nghệ xử lý triệt để các tấm pin này.
Về thời gian hoàn vốn, ông Nam cho biết, chỉ tính riêng Hà Nội nếu tiêu thụ điện thấp và lắp tấm pin năng lượng mặt trời công suất nhỏ thì thời gian hoàn vốn khá dài, gần như không thể hoàn vốn. Theo số liệu từ EVN năm 2017 cho thấy lượng tiêu thụ điện trung bình tại Hà Nội là 146,27 kWh/hộ/tháng.
Nếu lượng tiêu thụ điện trên 401 kWh thì thời gian hoàn vốn là 26,9 năm trong khi tuổi thọ hệ thống là 25 năm (trung bình thời gian bảo hành cả hệ thống là 2-3 năm, cho tấm pin là 10-15 năm). Thời gian hoàn vốn có thể thay đổi nếu mức lãi suất mà người dân vay để mua tấm pin năng lương mặt trời gần như bằng 0%.

 

Như vậy, chí phí hệ thống Solar PV (hệ thống quang điện mặt trời) vẫn khá cao so với giá điện lưới. Khả năng thương mại hóa tới các hộ gia đình không cao. Bên cạnh đó, các hộ sử dụng nhiều điện có động lực tài chính để đầu tư hệ thống Solar PV hơn các hộ sử dụng ít điện.
Tuy nhiên ông Nam cũng chỉ ra rằng thực tế nhiều hộ gia đình ở Hà Nội có lượng tiêu thụ điện cao hơn rất nhiều lần so với mức trung bình 146,27 kWh/hộ/tháng. Hơn thế nữa, chi phí lắp đặt thiết bị cũng đang có xu hướng giảm với tốc độ nhanh vì vậy thời gian thu hồi vốn sẽ được rút gọn.

 

 
Ông Nam nhận định cùng với những chính sách hỗ trợ vốn vay của nhà nước, thời gian hoàn vốn thậm chí sẽ có thể giảm xuống còn 8 năm.

Nguồn: Đức Quỳnh/ndh.vn