Diễn đàn MEMS/Sensor là nơi để các nhà doanh nghiệp (DN), nhà khoa học trong nước và quốc tế, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước và các quỹ đầu tư, gặp gỡ trao đổi về những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiến tới hợp tác tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ MEMS/Sensor trong công nghiệp và trong đời sống. Đặc biệt diễn đàn tạo ra cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng hợp tác đầu tư sản xuất vi mạch tại Việt Nam. Đồng thời, hướng đến xây dựng và phát triển hệ sinh thái công nghiệp MEMS/Sensor cho TP bao gồm từ nghiên cứu đến đào tạo, ươm tạo, chuyển giao công nghệ và sản xuất. Đây cũng là cơ sở để phát triển bền vững cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở trình độ tiên tiến, tạo điều kiện cho việc làm chủ công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo đại diện Ban tổ chức, Diễn đàn có sự tham gia trình bày của nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cảm biến như: Ông Roger Grace, Chủ tịch Hiệp hội RGA; ông Tom Nguyen, Giám đốc điều hành DuAn Sensing; TS. Henderrik F.Hamann- Quản lý cao cấp Trung tâm nghiên cứu IBM T.J Watson…
Diễn đàn sẽ diễn ra từ ngày 8- 9/11 tại TP. Hồ Chí Minh, riêng trong ngày 9/11 sẽ tập trung đề cập đến các chính sách cho việc phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor; Các ứng dụng của MEMS/Sensor hướng đến thị trường. Cuối mỗi phiên sẽ có phần thảo luận bàn tròn giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà khoa học và các chuyên gia cùng có ý kiến đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor cho TP. Hồ Chí Minh.
Đến nay, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến 2030” với nhiều mục tiêu và hoạt động theo từng giai đoạn nhằm phát triển ngành vi mạch, gắn với ứng dụng Internet of Things (IoT) trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của TP, xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.
Ngoài ra, TP sẽ tạo cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để xây dựng nền tảng công nghiệp vi mạch bán dẫn theo hướng lấy dịch vụ, công nghệ hiện đại làm trọng tâm. Tập trung thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao trong và ngoài nước, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa TP với các đơn vị trong và ngoài nước, nghiên cứu và ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện cho hệ sinh thái phục vụ công nghệ vi mạch.
 
Được biết, đến nay kết quả ban đầu của ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã có tên trên bản đồ sản xuất chip của thế giới bằng việc thu hút nhiều công ty nước ngoài vào Việt Nam như Intel, Samsung, Microsoft… TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển ngành công nghiệp vi mạch theo hướng thương mại dịch vụ, phát triển sản phẩm ứng dụng phù hợp cho đô thị thông minh, hình thành phát triển cộng đồng vi mạch Việt Nam và kết nối với các tỉnh thành, bộ ngành để phát triển ngành công nghiệp vi mạch.
Nguồn: Thanh Thanh/Báo Công Thương điện tử