Nguồn cung bảo đảm
Ngày 1/1/2018 là mốc không thể rời đối với việc sản xuất, kinh doanh xăng E5 RON 92. Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho rằng, việc đưa xăng sinh học E5 RON 92 vào thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Đây không những là xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới, mà còn phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam, khi việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Theo ông Ruệ, để đưa xăng E5 vào cuộc sống, vấn đề quan trọng đầu tiên là đảm bảo đủ nguồn cung ethanol trong nước để phối trộn. Hiện nay, trong số các thương nhân đầu mối, có 5 thương nhân có hệ thống phối trộn xăng E5 đang hoạt động là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội và Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu. Việc 2 nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước và Dung Quất được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tái khởi động vào cuối năm nay là một tín hiệu đáng mừng cho thấy các cơ quan quản lý đã chạy nước rút để đảm bảo cho sự thành công của Đề án phát triển nhiên liệu sinh học.
Chia sẻ rõ hơn về việc đảm bảo nguồn cung xăng E5, ông Vũ Kiên Chỉnh - Phó chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam - cho biết: Theo tính toán của Bộ Công Thương, từ ngày 1/1/2018 khi loại bỏ xăng RON 92 thay thế bằng xăng E5, cả nước sẽ cần khoảng 5,5 triệu tấn xăng E5 RON 92/năm; 275.000 m3 E100/năm. Hiện tại, có hai nhà máy đang hoạt động gồm Nhà máy cồn Đồng Nai, đạt 100% công suất, sản lượng 6.000 m3/tháng; Nhà máy cồn Quảng Nam đạt 90% công suất và nâng lên 100% công suất trong tháng 1/2018, sản lượng đạt 10.000 m3/tháng. Bên cạnh đó, Nhà máy cồn Bình Phước đang duy tu bảo dưỡng, dự kiến đến 15/1/2018 vận hành sản xuất; Nhà máy cồn Dung Quất, dự kiến đến tháng 3/2018 vận hành sản xuất.
Kích cầu tiêu thụ
Những lợi ích từ xăng sinh học đã rõ và hiện có hơn 50 nước đã sử dụng, song ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - thừa nhận, xăng khoáng là nhiên liệu truyền thống, đã quen sử dụng, được kiểm nghiệm thực tế qua thời gian; xăng sinh học mới được đưa vào cho nên hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế. Vì vậy, việc thay đổi thói quen là một thách thức, nhất là khi mức chênh lệch giá xăng E5 so với răng RON 92 chưa đủ khuyến khích người tiêu dùng. Người kinh doanh cũng còn băn khoăn do việc chuyển đổi mặt hàng phải đầu tư trang thiết bị nhưng đầu ra lại chưa được khẳng định.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 có doanh thu thấp hơn so với xăng khoáng RON 92 và RON 95. Do đó, cần nghiên cứu chính sách, cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (hiện nay doanh nghiệp phải đóng 10% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng và 8% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5), chiết khấu hoa hồng, phí, môi trường… để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng sinh học E5 thấp hơn giá bán xăng khoáng RON 95 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít, tạo được yếu tố hấp dẫn, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng.
Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Trình - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) - cho hay: Để chuẩn bị việc kinh doanh đại trà xăng E5 RON 92, PVOIL đã tiến hành rà soát, cân đối giữa nhu cầu dự kiến tiêu thụ xăng E5 RON 92 của toàn hệ thống năm 2018 và năng lực pha chế hiện hữu để đầu tư/nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Tuy nhiên, để triển khai thành công lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học, các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương) cần xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với sản xuất và kinh doanh xăng E5, E10 để tạo sự chênh lệch về giá bán lẻ xăng E5 thấp hơn xăng khoáng từ 1.000 - 1.500 đồng/lít nhằm khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng xăng sinh học. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra và có các chế tài đủ mạnh đối với những đơn vị không thực hiện nghiêm theo quy định, tạo mặt bằng kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện lộ trình của Chính phủ.
Hiện, tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 trên thị trường mới chỉ đạt 9% trên tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng. Vì vậy, bên cạnh việc tổ chức tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, rất cần có cơ chế về giá để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn xăng sinh học.
Nguồn: Nguyễn Nga/Báo Công Thương điện tử