Khủng hoảng chính trị và nhân đạo
Khủng hoảng chính trị và nhân đạo tại Venezuela đã gây ra một loạt cuộc đình công qui mô quốc gia tại nước này. Đồng thời, người dân Venezuela được báo cáo đang thiếu lương thực và thuốc men.
Do đó, tình hình hiện tại và những hậu quả tiềm tàng của nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến nguồn kinh tế cơ bản của Venezuela - ngành dầu mỏ - đều được giới phân tích theo dõi sát sao.
Venezuela - một thành viên của OPEC - đang phụ thuộc vào dầu mỏ vì 98% lợi nhuận từ xuất khẩu của Venezuela đến từ loại nhiên liệu này.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 1/2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp dụng biện pháp trừng phạt lên PDVSA, công ty dầu khí quốc doanh của Venezuela, để doanh nghiệp này không được xuất khẩu sang quốc gia đồng minh - Cuba.
Tình trạng bất ổn ở Caracas sau khi Mỹ siết chặt trừng phạt lên dầu thô Iran đã đè nặng lên thị trường.
Bà Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hoá toàn cầu của RBC Capital Markets và nhóm của bà đã đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra đối với Venezuela, và ý nghĩa của chúng đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Kịch bản 1: Tổng thống Nicolas Maduro từ chức, ông Juan Guaido lên nắm quyền
Sự ra đi đột ngột của Tổng thống Maduro và sự chuyển giao quyền lực sang chính phủ cải cách của ông Juan Guaido sẽ tạo ra những hi vọng tốt nhất cho sự hồi sinh của nền kinh tế Venezuela, bà Croft và nhóm của mình chia sẻ hôm 1/5.
Nhà lãnh đạo phe đối lập, ông Juan Guaido, từng tuyên bố sẽ trở thành Tổng thống lâm thời và buộc người đương nhiệm Nicolas Maduro phải từ bỏ quyền lực.
"Kịch bản này sẽ không mang lại lợi ích cho giá dầu, đặc biệt là khi nhiều nhà đầu tư có thể cho rằng hoạt động sản xuất dầu tại Venezuela sẽ hồi phục nhanh chóng và không phức tạp. Tuy nhiên, ngay cả khi trường hợp này xảy ra, chúng tôi vẫn đưa ra cảnh báo sự hồi phục của ngành dầu mỏ Venezuela sẽ rất gian nan".
Croft và nhóm của bà, gồm hai chiến lược gia hàng hóa Christopher Louney và Michael Tran cùng chiến lược gia điều phối Megan Schippmann, đã cảnh báo ngay cả khi ông Guaido lên nắm quyền, tình hình an ninh của Venezuela vẫn còn nhiều căng thẳng.
Họ cũng không cho rằng ông Guaido sẽ giành chiến thắng trong giai đoạn này.
Kịch bản 2: Tổng thống Maduro tiếp tục nắm quyền
Nếu Tổng thống Maduro có thể vượt qua những làn sóng phản đối và tiếp tục nắm quyền, RBC lưu ý nền kinh tế Venezuela sẽ bị sụp đổ một cách nhanh chóng khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt.
"Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ khiến doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela giảm sâu hơn bằng cách buộc các nước tiêu thụ như Ấn Độ phải hạn chế mua dầu. Washington cũng có thể đưa ra yêu cầu buộc các công ty năng lượng Mỹ ngừng hoạt động ở Venezuela và các công ty châu Âu ngừng cung cấp chất pha loãng cũng như các dịch vụ khác cho PDVSA".
Các biện pháp trừng phạt như trên, cùng với việc cắt điện, sẽ tiếp tục kìm hãm hoạt động sản xuất dầu của Venezuela và đưa sản lượng dầu của nước này về gần bằng 0 vào thời điểm cuối năm nay, các chiến lược gia lưu ý.
Đây có thể là kịch bản giá lên tốt nhất của giá dầu và điều này này là khá hợp lí khi Tổng thống Nicolas Maduro đang nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Nga.
Cũng trong kịch bản này, nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ gây áp lực lên Arab Saudi để nước này tăng sản lượng dầu thêm 400.000 - 500.000 thùng/ngày vào thị trường để bù đắp nguồn cung giảm từ Venezuela.
Kịch bản 3: Tổng thống Maduro ra đi, quân đội tiếp tục nắm quyền
Một kịch bản ngắn hạn khác được Croft và nhóm của bà xem là hợp lí chính là khả năng quân đội sẽ lật đổ Tổng thống Maduro và ủng hộ một ứng viên khác, người mà họ cho rằng sẽ tránh càn quét các cải cách kinh tế và chính trị - vốn có thể xóa xổ bộ máy bảo trợ hiện hành tại Venezuela.
"Một cuộc đảo chính như thế có thể tạm ngưng các lệnh trừng phạt hiện tại bởi Nhà Trắng sẽ cân nhắc liệu họ nên dành bao nhiêu thời gian và nguồn lực cho Venezuela khi ông Maduro đã rời đi", các nhà phân tích cho hay.
Điều này sẽ dẫn đến khả năng giá dầu thô tăng vừa phải. "Một ứng viên quân sự có thể sẽ không giành được sự hỗ trợ cần thiết từ quốc tế để kéo ngành dầu mỏ Venezuela đi lên, ngay cả khi các lệnh trừng phạt bổ sung không được áp dụng ngay lập tức".
Theo đó, OPEC nhiều khả năng sẽ áp dụng chiến thuật "chờ và xem" trong việc lấp đầy khoảng trống nguồn cung do Venezuela gây ra.
Trích nguồn: Trần Nam Thi/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng