Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về việc kiểm tra quá trình thực hiện việc tăng giá điện và cách tính giá bán lẻ điện. Theo đó, quá trình đề xuất và phương án tăng giá giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 lên 1.864,44 đồng/kWh, tăng 8,36% kế từ ngày 20/3đều được Chính phủ đồng ý.
Theo Bộ Công Thương, tính toán trên thông số đầu vào cho thấy chi phí mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.000 tỷ đồng. Cụ thể, giá than bán cho điện trong 2 lần tăng từ đầu năm 2019 và giá than trộn nội địa với nhập khẩu làm chi phí mua điện tăng hơn 7.330 tỷ đồng. Giá dầu và khí làm tăng chi phí gần 7.390 tỷ đồng. Giá điện đầu vào tăng 1.218 tỷ đồng do tỷ giá USD tăng. Chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán với các nhà máy ảnh hưởng tới giá điện 3.825 tỷ đồng.
Với các thông số trên, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh, tương ứng tỉ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%. Mặt khác, theo Bộ, phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 khoảng 3.266 tỷ đồng.Nếu bổ sung chi phí này, giá bán sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tăng tương ứng 9,26%.
Do đó, Bộ Công Thương cho biết thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, căn cứ mức giá 1.864.44 đồng/kWh, Bộ đã ban hành quyết định 648 ngày 20/3 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.
Về biểu giá điện bậc thang, Bộ cho rằng nhiều nước trên thế giới áp dụng. Bộ Công Thương đã lấy ý kiến rộng rãi, phương án như hiện nay được nhiều người chấp nhận hơn cả. Tuy nhiên, thời gian tới, biểu giá bậc thang mới sẽ được nghiên cứu, đề xuất để giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.
Niêm yết, chốt sổ, tính tiền cho khách hàng đúng quy định
Báo cáo khẳng định sau kiểm tra cho thấy, việc niêm yết, công khai giá điện mới đã được thực hiện theo đúng Luật Giá. Bộ cũng đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng.
Về việc ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện (trong tháng thay đổi giá), cáp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện, các đơn vị đã thực hiện theo đúng quy trình kinh doanh, tuân thủ theo đúng quy định.
Bộ Công Thương cho rằng hoá đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 tăng là do 3 nguyên nhân. Thứ nhất, sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. Thứ hai, tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%. Thứ ba, kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3.
Bộ Công Thương cũng khẳng định các đơn vị điện lực làm đúng quy định khi chốt chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng lớn.
Theo thống kê của EVN, từ 20/3 đến 4/5,Tập đoàn đã tiếp nhận và giải quyết hơn 71.500 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện. Trong đó có hơn 14.500 kiến nghị thắc mắc về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện. Báo cáo cho hay, các thắc mắc đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả. Các đơn vị cũng chủ động giải đáp các thắc mắc của khách hàng trên phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội.
Ngày 20/3, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng thêm 8,36%, lên mức 1.864 đồng một kWh. Nhiều khách hàng phản ánh tiền điện trong tháng 4 tăng đột biến, các doanh nghiệp sản xuất ý kiến về việc tăng giá đột ngột không báo trước gây thiệt hải. Cơ cấu giá thành điện cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Trích nguồn: Nam Anh/Người đồng hành