Theo nhà kinh tế quốc tế, Tiến sĩ Mamdouh Salamed, các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga vì không còn nguồn cung cấp dầu mỏ từ Venezuela. Mỹ đã mua tổng cộng 5 triệu thùng dầu thô của Nga trong tháng 5/2019 và sẽ tiếp tục mua nhiều hơn nữa.
Chuyên gia James Williams, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng WTRG Economics, cũng cho rằng việc Mỹ tăng lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga là do nhu cầu lớn từ các nhà máy lọc dầu của Mỹ nhằm thay thế lượng dầu nhập khẩu từ Venezuela, trong bối cảnh nước này đang phải chịu các lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ từ tháng 1/2019.
Tuy nhiên, liên quan đến lý do vì sao Mỹ lại không tăng nhập khẩu dầu từ các nước đồng minh truyền thống ở vùng Vịnh, nhà kinh tế Salamed đưa ra ba lý do. Thứ nhất, Saudi Arabia đã giảm sản lượng dầu của mình vượt quá mức cam kết theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
OPEC và các nhà sản xuất ngoài khối, trong đó có Nga (OPEC+), đã thống nhất cắt giảm tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng từ tháng 1/2019 để đảm bảo giá dầu thô tăng lên 80 USD/thùng, mức mà Saudi Arabia cần để cân bằng ngân sách.
Lý do thứ hai là khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn là điểm đến chính của dầu thô Saudi Arabia, chiếm gần 75% tổng lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Trung Đông này. Lý do cuối cùng là các nước vùng Vịnh xuất khẩu sang Mỹ để gia tăng dầu thô dự trữ của Mỹ, điều sẽ cho phép Mỹ sử dụng để giảm giá dầu.
Theo Sputnik, ngay sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA của Venezuela, giới kinh doanh dầu mỏ Mỹ bắt đầu tính toán thiệt hại. Mặc dù Mỹ có sản lượng dầu với hàm lượng lưu huỳnh thấp rất dồi dào nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu thô.
Một số nhà máy lọc dầu của Mỹ - đặc biệt là ở Bờ Đông và Vịnh Mexico - tập trung vào tinh chế dầu thô nặng, chủ yếu từ Venezuela. Theo số liệu của công ty đầu tư Caracas Capital Markets, trong tuần cuối tháng 2/2019, hai tàu chở dầu từ Venezuela đến Mỹ chỉ giao được 766.000 thùng dầu. Trong khi các công ty Nga đã có 9 chuyến tàu với hơn 3 triệu thùng dầu và sản phẩm dầu mỏ đến Mỹ trong tuần đó.
Đến đầu tháng Tư, lượng dầu xuất khẩu của Venezuela sang Mỹ giảm 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 139.000 thùng/ngày. Sau khi lệnh cấm vận của Mỹ bắt đầu có hiệu lực ngày 28/4, hoạt động giao hàng đã chấm dứt hoàn toàn.
Hạn chế này đã gây ra sự thiếu hụt tạm thời tại thị trường Mỹ, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Tất cả những công ty quan trọng trong ngành công nghiệp lọc dầu của Mỹ, như Citgo Oil, Valero Energy và Chevron đều bị ảnh hưởng.
Trong nửa đầu tháng 5/2019, các công ty của Mỹ đã mua 5 triệu thùng dầu Urals - tương đương với lượng dầu xuất khẩu của Nga sang Mỹ kể từ đầu năm. Động thái này bắt nguồn từ sự thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng do Washington áp dụng lệnh trừng phạt đối với Venezuela. Các chuyên gia cũng dự đoán Washington sẽ tăng lượng dầu nhập khẩu từ Nga lên gấp ba lần trong năm nay.
Mặt khác, các nhà máy lọc dầu châu Âu sử dụng các loại dầu nặng cũng khẩn trương tìm kiếm sự thay thế cho nguồn cung truyền thống đã biến mất khỏi thị trường. Họ trở thành nạn nhân ngẫu nhiên của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt chốt lại Iran và Venezuela, do thị trường mất đi gần 800.000 thùng/ngày.
Theo số liệu của Refinitiv Eikon, từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, Saudi Arabia đã giảm một nửa lượng dầu nặng xuất khẩu sang châu Âu, còn Iraq giảm hơn 40%. Hồi tháng Tư vừa qua, tình trạng không thể tiếp cận nguồn dầu mỏ Iran và Venezuela đã khiến những khách hàng châu Âu thực sự “tranh giành” dầu Urals của Nga.
Hãng tin Reuters dẫn lời một thương nhân trong ngành cho hay, tất cả các nhà máy lọc dầu đang tìm kiếm dầu Urals. Rõ ràng là lượng dầu này sẽ không đủ cho tất cả các khách hàng có nhu cầu.
Trích nguồn: vietnambiz.vn