Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Trụ sở Chính phủ, sáng 16/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định, Việt Nam cần tiếp tục ngăn chặn dịch mạnh mẽ và dứt khoát để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
* Thực hiện nghiêm cách ly y tế bắt buộc khi nhập cảnh vào Việt Nam
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo nhận định, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến nhanh. Đến sáng 16/3 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận gần 170.000 trường hợp mắc tại 154 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, Việt Nam cần kiên trì các giải pháp giám sát chặt chẽ công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận các biện pháp phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng chức năng trong việc tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về khai báo y tế bắt buộc, cách ly y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh vào Việt Nam đến từ vùng dịch, đi qua vùng dịch trong vòng 14 ngày hoặc có các biểu hiện lâm sàng của dịch bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 16/3, Việt Nam ghi nhận 57 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có tới 17 bệnh nhân nước ngoài. Tình hình mắc COVID-19 ở Việt Nam hiện tại chủ yếu là các trường hợp xâm nhập, tỷ lệ lây thứ phát trung bình với hệ số lây nhiễm 0,77%.
Trong thời gian gần đây, một số nước trên thế giới đã tiến hành các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Điển hình, Chính phủ Singapore thông báo từ 23 giờ 59 phút ngày 16/3, toàn bộ hành khách nhập cảnh vào Singapore từ các nước thuộc ASEAN, Nhật Bản, Anh và Thụy Sĩ, kể cả các công dân Singapore, sẽ phải tự cách ly 14 ngày. Những người này có thể sẽ được xét nghiệm nhanh ngay cả khi không có triệu chứng mắc bệnh. Khách du lịch đến từ các nước ASEAN phải hoàn thành thủ tục khai báo y tế và chờ được chấp thuận trước khi bay. Ngoài ra, Singapore cũng khuyến cáo người dân hạn chế việc đi ra nước ngoài khi không cần thiết trong vòng 30 ngày tới.
Tại Trung Quốc, mặc dù số ca lây nhiễm chéo trong nước đang tiếp tục giảm mạnh, song ca nhiễm mới có liên quan đến người nước ngoài tại Trung Quốc tăng. Từ ngày 16/3, chính quyền thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) quyết định đưa toàn bộ những người từ nước ngoài tới thành phố này đến các cơ sở cách ly do lo ngại về nguy cơ nguồn lây nhiễm. Trong khi đó trước đây, những người từ nước ngoài tới Bắc Kinh được phép cách ly tại nhà trong 2 tuần.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Chính phủ Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh phong tỏa gần như toàn bộ đất nước, trong đó, cấm người dân ra khỏi nhà, trừ trường hợp đi làm, chăm sóc y tế hoặc mua thực phẩm.
Tại Iran, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour khuyến cáo người dân nên hủy các chuyến đi và ở nhà cho đến khi tình hình cải thiện trong những ngày tới.
Bắt đầu từ ngày 15/3, thủ đô Manila của Philippines thực hiện biện pháp phong tỏa 1 tháng theo quyết định của chính quyền thành phố nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tại Anh, phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định London sẽ công bố các biện pháp khẩn cấp trong ngày 17/3, dự kiến gồm lệnh cấm tụ tập đông người. Theo một số nguồn tin, một số biện pháp khác được cân nhắc như yêu cầu những người trên 70 tuổi cách ly chặt chẽ ở nhà hoặc các trung tâm chăm sóc trong 4 tháng.
Tại Hà Lan, thủ đô Washington (Mỹ)… đã ra lệnh đóng cửa hoặc hạn chế tất cả các trường học, quán bar, nhà hàng, quán cà phê, hộp đêm… để chống lại sự lây lan của dịch COVID-19. Một số thành phố của Mỹ cũng thông báo cấm các cuộc tụ họp và tổ chức các sự kiện có đông người tham gia.
* Phát huy mạnh mẽ vai trò của chính quyền cơ sở
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp cơ sở cần phát huy mạnh mẽ vai trò trong công tác chống dịch. Ban Chỉ đạo cấp xã/phường do Chủ tịch UBND xã/phường đứng đầu với lực lượng nòng cốt là công an, y tế và thanh niên, có nhiệm vụ đi đến từng hộ để thu thập thông tin về sức khỏe và di chuyển. Trong trường hợp cần thiết, các nhóm công tác này sẽ giúp người dân có dấu hiệu lâm sàng lấy mẫu tại chỗ để xét nghiệm.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ lập tổ công tác công nghệ thông tin (gồm nhân viên bưu điện, các tập đoàn Viettel và VNPT) để hỗ trợ Ban Chỉ đạo cấp xã/phường trong quá trình thu thập và truyền tải thông tin về sức khỏe người dân bằng việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin.
Ban Chỉ đạo cũng nhất trí việc khuyến khích công dân Việt Nam kê khai y tế toàn dân. Việc làm này sẽ giúp ngành y tế tổ chức phân loại các trường hợp có bệnh nền, người già và người có yếu tố nghi nhiễm một cách thuận lợi hơn để từ đó bảo vệ sức khỏe người dân hiệu quả.
* Tăng cường thiết bị bảo hộ cho các lượng lượng làm nhiệm vụ
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo thống nhất giao Tiểu ban Hậu cần xây dựng và triển khai phương án đảm bảo trang thiết bị bảo hộ y tế và chế độ hỗ trợ cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch; phối hợp với Ban Chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận tài trợ từ doanh nghiệp và cộng đồng, giúp ngành y tế bổ sung các trang thiết bị và vật tư chuyên dùng cho phòng, chống dịch.
Đại diện ngành y tế cho biết, trong thời gian tới sẽ tiến tới thiết lập hệ thống xét nghiệm di động, đồng thời huy động lực lượng y tế tư nhân sẵn sàng tham gia vào việc phòng, chống dịch.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Về chi phí xét nghiệm, điều trị COVID-19, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn chi phí xét nghiệm đối với các trường hợp cách ly do cán bộ y tế chỉ định xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả; đối với người không thuộc đối tượng cách ly, có nhu cầu xét nghiệm thì phải tự chi trả.
Riêng đối với người nước ngoài, theo thông báo số 98/TB-VPCP, kể từ 16/3 chỉ được miễn phí xét nghiệm lần đầu, trong quá trình điều trị phải tự trả tiền. Đối với chi phí điều trị, người không có thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả, người có bảo hiểm y tế do bảo hiểm y tế chi trả theo quy định, phần còn lại do ngân sách nhà nước chi trả.
* Tổng hợp tình hình dịch bệnh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 8 giờ ngày 16/3/2020, trong tổng số 57 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, 41 bệnh nhân (24 người Việt Nam và 17 người nước ngoài) đang được điều trị tại 8 bệnh viện trên cả nước, 16 trường hợp đã được chữa khỏi.
Cụ thể, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 17 người (9 người Việt Nam, 1 người Ireland, 1 người Đức và 6 người Anh); Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình 1 người Việt Nam; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế 4 người Anh; Bệnh viện Đà Nẵng 3 người (1 người Việt Nam, 2 người Anh); Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh 1 người Việt Nam, 1 người Latvia; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận 9 người Việt Nam; Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi 2 người Việt Nam, 1 người Séc; Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh 1 người Việt Nam; Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam 1 người Anh.
Trong đó, 4 bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng, bao gồm: Bệnh nhân số 20 (người Việt Nam, bệnh nền rối loạn tiền đình), bệnh nhân 21 (người Việt Nam, bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường); bệnh nhân số 24 (người Ireland), bệnh nhân số 26 (người Anh, thở máy, bệnh nền tăng huyết áp và đái tháo đường tuýp II).
Theo các chuyên gia, tình hình mắc bệnh COVID-19 ở Việt Nam hiện tại chủ yếu các trường hợp xâm nhập, tỷ lệ lây thứ phát trung bình với hệ số lây nhiễm 0,77%.
Tính đến 8 giờ ngày 16/3, thế giới ghi nhận 169.368 trường hợp mắc COVID-19, 6.501 người tử vong tại 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tại Trung Quốc có 80.847 trường hợp mắc tại 31/31 tỉnh, thành phố. Tại 155 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận 88.521 ca mắc, 3.199 người tử vong.
Cụ thể, Italy có 21.747 ca mắc, 1.809 người tử vong; Iran 13.938 ca mắc, 724 ca tử vong; Tây Ban Nha 7.845 ca mắc, 292 người tử vong; Đức 5.813 trường hợp mắc, 11 ca tử vong; Pháp ghi nhận 5.423 trường hợp mắc, 127 người tử vong; Mỹ ghi nhận 3.680 ca mắc, 69 người tử vong. Tình hình dịch bệnh tại các nước Thuỵ Sỹ, Anh, Na Uy, Thuỵ Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Áo, Bỉ… có diễn biến rất phức tạp./.
Nguồn: BNEWS/TTXVN
Trích: http://vinanet.vn