Bloomberg thống kê, kể từ đầu năm đến giữa tháng 3, tài sản của 500 người giàu nhất thế giới đã sụt giảm 950 tỷ USD do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên bên cạnh những thiệt hại riêng, nhiều tập đoàn lớn đã vì nỗ lực chung, đồng hành cùng cộng đồng nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Tesla ủng hộ hàng nghìn máy thở cho các bệnh viện tại Mỹ. PepsiCo tài trợ 45 triệu USD cho các quốc gia trên thế giới đối phó với dịch, tập đoàn Dyson chế tạo máy móc thiết bị cho bệnh viện Anh. Quỹ Bill và Melinda Gates cam kết quyên góp 100 triệu USD.
 
Tại Việt Nam, những tập đoàn lớn cũng đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng trong những hoạt động cấp bách, có ý nghĩa thực tiễn, trên tinh thần chấp nhận hy sinh hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận để chung sức vượt qua khó khăn của dịch.
 
Từ những chuyến bay nghĩa tình, trách nhiệm
 
Vingroup là một trong những đơn vị tiên phong khi ngay từ đầu dịch đã hỗ trợ 20 tỷ đồng cho nghiên cứu vaccine kháng virus, 100 tỷ đồng bổ sung các trang thiết bị cho các bệnh việc, quyết định tài trợ một chuyến bay đưa hơn 200 người Việt từ Ukraina.
 
 
Một kỹ sư tại viện nghiên cứu trực thuộc Vingroup.
 
Mới đây tập đoàn này còn tuyên bố dừng sản xuất ôtô để chuyển sang máy thở, đồng thời tặng nhà nước 5.000 máy. Đây được đánh giá là hành động kịp thời cả về mặt dịch tễ và công nghệ. Máy thở đang là mặt hàng khan hiếm nên việc chủ động sản xuất tại Việt Nam là bước tiến lớn, góp phần chủ động trong việc chống dịch. Các hãng lớn của Mỹ như Ford và GM cũng cho dừng một số nhà máy để sản xuất máy thở, theo lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump.
 
Ở mảng dịch vụ, sự tham gia chủ động của Vietjet ngay những ngày đầu dịch bùng phát cũng thể hiện quyết tâm hỗ trợ cộng đông của người đứng đầu hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Một cách không ồn ào, hàng ngàn chuyến bay được khẩn trương tổ chức thực hiện, trong đó rất nhiều chuyến bay không tải một chiều, đưa người dân Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... về Việt Nam. Khách quốc tế cũng được giải tỏa về nước, không ai bị kẹt lại.
 
Vietjet cho biết chi phí bù lỗ cho những chuyến bay này lên tới vài trăm tỷ đồng. Đặc biệt là nỗ lực để đảm bảo an toàn bay lẫn phòng chống dịch của phi hành đoàn.
 
"Nhưng trên hết là tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm với cộng đồng, vốn là một phần văn hoá Vietjet, hãng hàng không của người dân và du khách", đại diện hãng bay chia sẻ.
 
Đồng hành cùng Chính phủ, người dân và tấm lòng
 
Ở HDBank, ngân hàng mà nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giữ vị trí Phó chủ tịch thường trực HĐQT, cũng đang là một trong những tổ chức đi đầu thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19. Nổi bật trong số đó là những gói tín dụng dành cho doanh nghiệp bình ổn giá, cung cấp sản phẩm thiết yếu cho người dân như gói ưu đãi lãi suất tới 10.000 tỷ đồng. Nhà băng này còn dành 3.000 tỷ đồng ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thuốc men, dược phẩm, các thiết bị - vật tư y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu và bình ổn thị trường sản phẩm y tế, góp phần ổn định an sinh xã hội.
 
Bên cạnh đó, chuỗi nông nghiệp nông thôn gắn với bà con nông dân đang khó khăn do hạn mặn còn được HDBank dành 1.000 tỷ đồng vay ưu đãi. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tiền trả lương cho người lao động được giảm lãi vay nhằm giúp vượt qua khó khăn cao điểm mùa dịch bùng phát. Người dân, khách hàng trên cả nước thì được giảm lãi suất vay từ 2-4,5%...
 
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch HĐQT HDBank trao biểu trưng 10 tỷ đồng cho đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng vừa trao tặng 10 tỷ đồng cho chương trình phòng chống dịch Covid-19 của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tặng 1.000 giường y tế cao cấp cho Sở Y tế TP HCM. Với bà con nghèo, HDBank kịp thời trao thẻ bảo hiểm y tế tái tục để người dân chăm sóc sức khỏe mùa dịch bệnh. Đây cũng là hoạt động thường niên của ngân hàng này với trên 25.000 thẻ đã được trao trong thời gian qua. Vào mùa dịch, nhân viên của nữ tỷ phú lại mỗi ngày nấu hàng nghìn suất ăn đưa tới các phường dành cho những người lao động phổ thông đang mất việc làm trong những ngày cách ly toàn xã hội.
 
 
Nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Techcombank cũng đã trao hàng chục tỷ đồng để chung tay chống dịch, hạn mặn.
 
Các tập đoàn khác trong nước cũng chung tay đóng góp hàng nghìn tỷ đồng và triển khai nhiều hoạt động cấp bách để đẩy lùi dịch bệnh. Tập đoàn FPT vừa tặng 20 tỷ đồng phục vụ việc mua trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, buồng khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế... đến những đơn vị tuyến đầu chống dịch, trích 80 tỷ đồng để hỗ trợ 20% học phí cho sinh viên cao đẳng và sinh viên đại học... Với thế mạnh là công ty công nghệ, FPT phối hợp Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) ra mắt trợ lý ảo tư vấn 24/7 thông tin kịp thời, chính xác về dịch bệnh cho người dân.
 
Trước đó, ngày 24/3, Đại học FPT đón đoàn kiều bào cách ly tập trung với hơn 2.000 chỗ ở sạch sẽ tại ký túc xá trong Khu công nghệ cao Hoà Lạc. Tại đây, công ty dành tặng sách, trang bị hạ tầng wifi, hệ thống Internet tốc độ cao miễn phí để người cách ly và đội ngũ cán bộ hỗ trợ luôn cập nhật thông tin đầy đủ.
 
Tập đoàn Hòa Phát, Masan, Tập đoàn Thaco... đều là những doanh nghiệp tầm cỡ của Việt Nam nhanh chóng có động thái tương trợ Chính phủ và cộng đồng nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
 
"Mọi đóng góp lớn lao hay bé nhỏ đều không kém phần trân quý. Tất cả đã và đang kết nối tình người, kết nối 'một vòng tay lớn', toàn dân một lòng vì công cuộc chống dịch. Đó cũng chính là triết lý sống cho đi mà không mong nhận lại điều gì, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet chia sẻ.

Nguồn: vnexpress.net

Trích: http://vinanet.vn