Châu Âu đang trở thành “tâm dịch” của toàn cầu khi hàng loạt các quốc gia nằm trong số những nước có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.

Ngày 17/3, các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng euro - khu vực 19 thành viên nơi các quốc gia chia sẻ đồng euro - cho biết rằng các biện pháp liên quan đến đại dịch Covid-19 của họ sẽ lên tới 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, các chương trình về cộng đồng và hỗ trợ thuế của họ có thể đạt tới 10 % GDP khu vực đồng euro. Ngoài ra, 19 bộ trưởng đã đồng ý triển khai một sáng kiến với tổng trị giá lên tới 65 tỷ euro để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ và các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn khu vực: Để dành từ 8 tỷ đến 20 tỷ euro để cho các công ty vay đồng thời tạo ra một chương trình đầu tư khác trị giá 10 tỷ euro cũng để hỗ trợ các doanh nghiệp.
 
Tây Ban Nha. Trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới, ngày 17/3, Tây Ban Nha công bố gói tài chính trị giá 200 tỷ Euro (220 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các công ty, bảo vệ người lao động và các tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói tài chính này tương đương khoảng 20% GDP của nước này. 50% trong gói tiền nhằm bảo lãnh tín dụng cho các công ty do nhà nước hậu thuẫn và phần còn lại bao gồm các khoản vay và viện trợ cho những người bị ảnh hưởng.
Tây Ban Nha cũng sẽ trợ cấp cho người lao động tạm thời nghỉ việc và hoãn thanh toán thế chấp cho những người có việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Các biện pháp này sẽ được áp dụng cho giai đoạn kể từ ngày 14/3, khi Tây Ban Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Ngày 19/3, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha thông báo nước này sẽ giải ngân 210 triệu euro (227 triệu USD) hỗ trợ các cơ quan y tế địa phương trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Trước đó, ngày 17/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố gói biện pháp trị giá 200 tỷ euro (tương đương 219 tỷ USD), trong đó bao gồm các khoản vay, đảm bảo tín dụng, viện trợ trực tiếp nhằm giảm nhẹ tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, Thủ tướng Sanchez cho biết số tiền trên chiếm 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, trong đó chính phủ sẽ huy động 117 tỷ euro (128 tỷ USD) và số còn lại sẽ đến từ các công ty tư nhân. Các biện pháp này bao gồm 100 tỷ euro (109,7 tỷ USD) để đảm bảo tín dụng và duy trì thanh khoản không giới hạn cho các công ty.
Ngày 28/3, Thủ tướng Pedro Sanchez thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, theo đó những lao động làm việc trong ngành dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ở nhà trong 2 tuần. Ông Sanchez cho biết các lao động thuộc diện này sẽ vẫn được hưởng lương như bình thường nhưng muộn hơn. Bên cạnh đó, Thủ tướng Sanchez hối thúc EU hành động và kêu gọi khối này đưa ra “chiến lược thống nhất về xã hội và kinh tế”. Ông Sanchez cũng kêu gọi EU phát hành các trái phiếu phục hồi, cho rằng các nền kinh tế thành viên phải cùng chia sẻ gánh nặng nợ công nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Pháp. Trước tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19, nước Pháp tuyên bố sẽ chi 45 tỷ EUR (50 tỷ USD) để đối phó với sự bùng phát của Covid-19. Số tiền này để giúp người dân và các doanh nghiệp nhỏ đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh.
Thủ tướng Edouard Philippe ngày 17/3 khẳng định "nếu cần thiết" phải quốc hữu hóa các doanh nghiệp trọng điểm của đất nước, thì chính phủ sẽ làm điều đó để "bảo toàn năng lực sản xuất". Thủ tướng Philippe xác nhận khoản tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp lên đến 45 tỷ euro. Mục tiêu nhằm giữ cho các doanh nghiệp tồn tại và vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
Cũng ngày 17/3, Tổng thống Emmanuel Macron nói với người dân nước Pháp rằng trong thời gian này, họ chỉ được phép ra khỏi nhà cho những chuyến đi thiết yếu, chẳng hạn như mua thực phẩm và thuốc men, trong khoảng thời gian hai tuần. Ông cũng cho biết quân đội Pháp sẽ chuyển các bệnh nhân nhiễm virus từ các điểm nóng sang các khu vực khác của Pháp, nơi có khả năng cung cấp đầy đủ các điều kiện chăm sóc người dân. Ngoài ra, tổng thống Pháp cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính không giới hạn cho các nhà cung cấp và các doanh nghiệp.
Thụy Điển. Chính phủ ngày 20/3 thông báo sẽ mở rộng chương trình tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp đang tìm cách giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch Covid-18. Theo đó, mức trần nợ mà các doanh nghiệp có thể vay được điều chỉnh là 200 tỷ crown (khoảng 19,36 tỷ USD), cao hơn hẳn mức 125 tỷ crown lâu nay. Thụy Điển cũng đã tăng tổng các khoản vay thế chấp lên 500 tỷ crown, cao hơn 50 tỷ crown.
Hà Lan. Đầu tháng 3/2020, Chính phủ nước này đã công bố gói hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19, trong đó có viện trợ khẩn cấp trị giá 22 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp, cùng với khoản đền bù thất nghiệp cho những nhân viên bị sa thải hay nghỉ việc.
Các ngân hàng lớn của nước này, trong đó có ING Groep và ABN Amr, ngày 19/3 đã thống nhất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ hoãn thanh toán lãi suất trong 6 tháng. Hiệp hội ngân hàng Hà Lan cho biết những biện pháp này sẽ được áp dụng cho mọi khoản vay không vượt quá 2,5 triệu euro (2, 7 triệu USD). Trong khi đó, Giám đốc điều hành ABN Armo Kees van Dijkhuizen cho biết việc hoãn thanh toán lãi suất sẽ được áp dụng đối với 55.000 khách hàng thương mại. Theo đó, ngân hàng sẽ không thu các khoản lãi và nợ gốc đến hạn vào tháng 4 cho tới tháng 9 tới từ những khách hàng trên và họ có thể thanh toán các khoản này sau.
Thụy Sỹ. Chính phủ ngày 20/3 công bố gói tài chính trị giá 32 tỷ CHF (32,7 tỷ USD) để hỗ trợ cho thị trường lao động, bao gồm lĩnh vực du lịch, văn hóa và thể thao, bên cạnh gói 10 tỷ CHF đã được công bố tuần trước để đối phó với nguy cơ suy thoái do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra. Bộ trưởng Kinh tế Guy Parmelin cho biết các biện pháp trên nhằm bảo vệ công ăn việc làm, đảm bảo tiền lương và hỗ trợ người tự làm chủ, có công ty riêng. Ông Parmelin không loại trừ các gói viện trợ tiếp theo ở giai đoạn sau để tránh việc đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế. Theo ông Parmelin, nền kinh tế Thụy Sỹ hiện vẫn hoạt động ở mức 80% và thiệt hại hiện được ước tính khoảng 30 tỷ CHF.
Nauy. Ngân hàng trung ương Na Uy ngày 13/3 đã bất ngờ cắt giảm lãi suất từ 1,5% xuống còn 1% trong nỗ lực chống lại tác động kinh tế của đại dịch Covid-19. Trong tuyên bố chính thức, Ngân hàng Trung ương Na Uy cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường và sẵn sàng cắt giảm thêm lãi suất nếu cần thiết. Bên cạnh đó, Ngân hàng này cũng cam kết tài trợ cho các ngân hàng trong việc chống lại những biến động trên thị trường tài chính những tuần gần đây. Những khoản vay ngắn hạn trong 3 tháng cũng được cung cấp cho các ngân hàng.
Ngày 20/3, Ngân hàng trung ương Na Uy một lần nữa thông báo cắt giảm lãi suất chủ chốt từ 1% xuống mức thấp kỷ lục 0,25% trong nỗ lực đối phó với những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và giá dầu mỏ sụt giảm đối với nền kinh tế, ngày 20/3. Ngân hàng cũng lưu ý tình hình kinh tế Na Uy tiếp tục xấu đi.Trong thông báo của mình, ngân hàng cho biết lãi suất thấp có thể hỗ trợ nền kinh tế phục hồi cho tới khi các biện pháp phòng chống dịch bệnh được thu hẹp và tình hình bình thường trở lại.Đây là lần thứ hai ngân hàng này quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản chỉ trong vòng 1 tuần. Việc hạ lãi suất sâu có thể làm suy yếu giá đồng krone của Na Uy, vốn giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những ngày gần đây, song ngân hàng trung ương cho biết đang cân nhắc can thiệp. Là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Âu, nền kinh tế Na Uy đang chịu áp lực lớn do giá dầu sụt giảm cũng như tác động của các biện pháp được triển khai nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19, vốn khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động. Theo thống kê, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Na Uy đã tăng hơn gấp đôi trong 1 tuần, đưa tỷ lệ thất nghiệp của nước này lên mức 5,3%, mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990.
Chính phủ quyết định dành các khoản vay trị giá hàng chục tỷ crown trong quỹ khẩn cấp cho các công ty chịu thiệt hại do đại dịch Covid-19. Ngày 30/3, Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lượng trái phiếu chính phủ phát hành trong năm nay có giá trị lên tới khoảng 70 tỷ krone tới 80 tỷ krone (6,68 tỷ USD- 8,11 tỷ USD) so với kế hoạch ban đầu lượng trái phiếu trị giá 55 tỷ krone (5,2 tỷ USD). Quốc hội Na Uy đã thông qua việc thành lập Quỹ Trái phiếu chính phủ trị giá 50 tỷ krone (4,74 tỷ USD) tập trung đầu tư vào các trái phiếu do các công ty phát hành. Ngân hàng Trung ương hiện đặt mục tiêu tiến hành 19 cuộc đấu giá trái phiếu trong năm 2020, thay vì 15 cuộc như kế hoạch trước đó.
Trong khi chi tiêu ngân sách tài khóa của Na Uy được lấy từ tiền thuế, nguồn thu dầu mỏ và quỹ phúc lợi quốc gia quy mô lớn, các chương trình cho vay chính phủ dành cho học sinh, sinh viên và các công ty được huy động thông qua trái phiếu chính phủ.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Trích: http://vinanet.vn