Theo đó, trong kịch bản xấu nhất, khi tác động xấu của dịch Covid-19 kéo dài tới tận quý IV/2020, GDP của Việt Nam có thể sẽ ở mức tăng trưởng âm với -1%.
3 kịch bản kinh tế do các chuyên gia VEPR xây dựng dựa trên 3 kịch bản về khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới với giả định bệnh dịch không bùng phát mạnh ở Việt Nam như Vũ Hán.
Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, với kịch bản 1, còn gọi là kịch bản lạc quan, bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa.
Theo kịch bản này, tăng trưởng GDP quý II rơi vào tăng trưởng âm với -3,3%, quý III là 7,2% và quý IV là 7,4%, cả năm tăng trưởng 4,2%.
Với kịch bản 2 (trung tính), bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý III/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý III/2020.
Với kịch bản này, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 4,9%; GDP quý III là -1,1% quý IV là 7% và cả năm 1,5%.
Kịch bản 3, kịch bản xấu nhất, theo tính toán của VEPR sẽ diễn ra trong bối cảnh bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau quý IV/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng.
Trong kịch bản này, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm (giảm 1-5%), ngành khai khoáng tăng trưởng âm trong cả năm; ngành chế biến chế tạo kéo dài mức tăng trưởng âm trong quý II và quý III.
Tăng trưởng kinh tế theo đó giảm xuống -5,1% ở quý II, quý III là -5,3% và quý IV là 2,8%. Tăng trưởng GDP cả năm chỉ ở mức -1%.
Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang XK sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.
 
“Con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thật của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây”, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết.
Chuyên gia VEPR nhấn mạnh, cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch, theo đó cần chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”. Trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các DN còn có khả năng hoạt động, có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương.
 Nguồn: Haiquanonline
 Trích: http://vinanet.vn