Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều ngành hàng xuất khẩu gặp khó, có mức tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm như nhóm hàng điện thoại và linh kiện, dệt may…
Đáng lưu ý, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong cả tháng 4 chỉ đạt 36,1 tỷ USD, giảm mạnh 22%, tương đương trên 10 tỷ USD so với tháng 3 trước đó. Tuy nhiên, dữ liệu của Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận trong 4 tháng đầu năm có một số nhóm hàng là điểm sáng kéo kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt được tăng trưởng dương, trong đó có 2 nhóm hàng đạt con số tăng thêm tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Cụ thể, 4 tháng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12,14 tỷ USD tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 2,51 tỷ USD.
Nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã soán ngôi của dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau 4 tháng đầu năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Trung Quốc đạt 3,42 tỷ USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường chủ lực khác như: EU đạt 1,55 tỷ USD, giảm 6,3%; Hoa Kỳ đạt 2,67 tỷ USD, tăng gấp 2,1 lần; thị trường Hồng Kông đạt 945 triệu USD, tăng 33,6%; Hàn Quốc đạt 851 triệu USD, giảm 9,7%... Trong khi đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 6,78 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 1,46 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 2,22 tỷ USD, tăng mạnh 71%; EU đạt trị giá 1,07 tỷ USD, tăng 31,7%; Nhật Bản với 655 triệu USD tăng 9,4%; Hàn Quốc với 643 triệu USD, tăng 38,9% so với cùng thời gian năm 2019... Ngoài ra, 4 tháng đầu năm còn có một số ngành hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao như đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 308 triệu USD, tương ứng tăng 76,9%; dây điện và dây cáp điện tăng 202 triệu USD, tương ứng tăng 38,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 159 triệu USD, tương ứng tăng 5,1%...
Điện thoại, dệt may cùng giảm
Bên cạnh một số nhóm hàng tăng trưởng khá, 4 tháng đầu năm 2020 chứng kiến nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng âm. Điển hình là điện thoại các loại và linh kiện. Dù vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất nhưng 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15,38 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
4 tháng đầu năm, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang EU đạt 3,32 tỷ USD, giảm 24,1%; Hoa Kỳ đạt trị giá 2,99 tỷ USD, giảm 9,7%; Hàn Quốc đạt 1,59 tỷ USD, giảm 4,5%...
Trong các thị trường chủ lực của nhóm này, Trung Quốc có sự tăng trưởng ấn tượng tới 4,3 lần so với cùng kỳ 2019, đạt kim ngạch 2,73 tỷ USD.
Một nhóm hàng chủ lực khác trong Top 3 cũng chịu cảnh tăng trưởng âm là dệt may. 4 tháng đầu năm, nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 cả nước chỉ đạt 8,65 tỷ USD, giảm tới 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường, Hoa Kỳ vẫn là địa chỉ xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 3,95 tỷ USD, nhưng giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 45,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Cùng trong đà sụt giảm còn có nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su), với kim ngạch đạt 5,37 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 với trị giá 1,6 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là thị trường EU với 932 triệu USD, tăng 7,9%; Hoa Kỳ với 579 triệu USD, tăng 11,1%...
Cũng trong lĩnh vực nông nghiệp còn phải kể đến sự ảm đạm của nhóm hàng thủy sản. 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 2,23 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, nhóm hàng chủ lực nữa là giày dép các loại cũng mới đạt 5,36 tỷ USD, giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhập khẩu hơn 78 tỷ USD
Cũng theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 78,08 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3%. Xét về quy mô kim ngạch, châu Á đang là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam.
4 tháng đầu năm, trao đổi thương mại của Việt Nam với thị trường châu Á đạt 103,61 tỷ USD, dù giảm nhẹ 0,4 % so với cùng kỳ năm 2019 những vẫn chiếm tỷ 65,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 41,03 tỷ USD, tăng 1,5% và trị giá nhập khẩu là 62,58 tỷ USD, giảm 1,7%.
 
Trong bối cảnh sụt giảm chung, nhiều nhóm hàng nhập khẩu tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm. Nhóm hàng duy nhất có kim ngạch tăng thêm tỷ USD trong 4 tháng đầu năm là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Đây cũng là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 17,6 tỷ USD, tăng 11,5% (tương ứng tăng 1,81 tỷ USD) so với cùng kỳ 2019.
Một số mặt hàng nhập khẩu có sự tăng trưởng đáng chú ý khác như: Dầu thô tăng 440 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 256 triệu USD…
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận nhiều nhóm hàng nhập khẩu chủ lực có sự sụt giảm kim ngạch lên đến hàng trăm triệu USD.
Trong đó, nhóm hàng có kim ngạch giảm nhiều nhất là xăng dầu. 4 tháng đầu năm tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 2,4 triệu tấn, giảm 22,7%, trị giá là 1,12 tỷ USD, giảm tới 41,7% (tương đương 800 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ô tô nguyên chiếc các loại cũng là nhóm hàng giảm mạnh khi sản lượng chỉ đạt 31.586 chiếc, giảm 36,2%, kim ngạch đạt 689,3 triệu USD, giảm giảm 430 triệu USD (tương đương giảm 38,4%). Ngoài ra, sắt thép các loại giảm 405 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 290 triệu USD…

Nguồn: baochinhphu.vn

Trích: http://vinanet.vn