Đó là nhận định của DBS – Công ty nghiên cứu hàng đầu Singapore về tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam trong những năm gần đây.
“Việt Nam là ngôi sao mới nổi trong ngành điện tử châu Á” (Ảnh minh họa)
Theo đánh giá của DBS - Công ty nghiên cứu hàng đầu Singapore, năm 2014 Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á nhờ ngành sản xuất. Trong đó, công nghiệp điện tử là ngành mũi nhọn với mục tiêu trở thành công xưởng của thế giới.
Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang từng bước phát triển mạnh trong những năm gần đây. Xuất khẩu điện tử tăng trưởng 78% mỗi năm trong vòng 4 năm qua và cán mốc 35 tỷ USD năm 2014. Xuất khẩu điện tử trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế; chiếm 23,4% tổng GDP năm 2014, tăng cao so với con số 5,2% năm 2010.
Cuộc cách mạng công nghiệp điện tử tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2010 xuất phát từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, do đối mặt với tổng cầu yếu và áp lực chi phí, nhiều nhà sản xuất trên toàn cầu tìm các địa điểm sản xuất mới với chi phí rẻ hơn.
Thứ hai, do cạnh tranh tăng lên, nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng càng trở nên bức thiết. Các chính sách thu hút FDI hiệu quả của Việt Nam, kết hợp với đồng nội tệ giảm và nguồn lao động giá rẻ đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành điện tử.
BDS nhận định, sự vươn lên của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam một phần nhờ sự dịch chuyển mang tính cấu trúc trong mạng lưới cung cấp khu vực. Khi tiền lương và chi phí lao động tại các quốc gia khác tăng lên, cơ hội sẽ mở ra cho những “tay chơi mới” có chi phí sản xuất thấp hơn như Việt Nam.
Chẳng hạn, sau nhiều năm tăng trưởng nóng, tiền lương trung bình tại Trung Quốc hiện cao gấp 3 lần Việt Nam. Thực tế này tạo sức ép lên tỷ suất lợi nhuận, buộc các nhà sản xuất phải dịch chuyển trụ sở sản xuất.
Ngoài lợi thế về chi phí, vị trí địa lý cũng góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với vai trò công xưởng của thế giới. Việt Nam nằm gần Trung Quốc, do vậy việc thâm nhập chuỗi cung cấp đã có sẵn khá thuận lợi.
“Việt Nam là ngôi sao mới nổi trong ngành điện tử châu Á” (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Nhiều nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới như Samsung, Intel, LG, Panasonic… đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất mới thay cho Trung Quốc. DBS đánh giá, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai.
So với các nước trong khu vực, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế. Chỉ tính riêng năm 2014, khi 8 nền kinh tế châu Á xuất khẩu khoảng 1 nghìn tỷ USD kim ngạch hàng điện tử thì Việt Nam chiếm 3,5%; tăng so với con số khiêm tốn 0,4% năm 2010.
“Việt Nam đã vượt Philippines và Thái Lan và chuẩn bị soán ngôi Singapore trở thành nhà xuất khẩu điện tử lớn thứ năm khu vực Châu Á trong hai năm tới” – báo cáo nhận định.
Trong dài hạn, chính phủ Việt Nam kỳ vọng đặt mục tiêu xuất khẩu hàng điện tử đạt kim ngạch 40 tỷ USD vào năm 2017, tương ứng mức tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm.
Tuy nhiên, khả năng duy trì sự bền vững của ngành công nghiệp này trong dài hạn còn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể đẩy mạnh sản lượng và chuỗi giá trị không.
Nếu không làm được điều này, Việt Nam có nguy cơ bị mất thị phần vào tay những quốc gia có chi phí lao động rẻ hơn như Indonesia, Campuchia, Lào hay Myanmar.
Trích nguồn :http://www.tinkinhte.com/