20 năm trước, một cuộc khủng hoảng trầm trọng đã tấn công châu Á khiến cho một loạt thị trường từ tiền tệ đến chứng khoán đều sụp đổ, đẩy hàng triệu người dân vào tình cảnh nghèo đói.
Châu Á 20 năm sau đã trưởng thành và mạnh mẽ hơn.
Tổng khối lượng dự trữ ngoại hối của các quốc gia châu Á hiện nay đã lên tới hơn 6.000 tỷ USD - chiếm hơn một nửa thế giới - dẫn đầu bởi Trung Quốc với 3.000 tỷ USD. Năm 1996, tổng dự trữ ngoại hối của châu Á chỉ chưa đến 1.000 tỷ USD, khiến các NHTW châu Á không đủ khả năng chống trả khi đồng tiền của họ - vốn được kiểm soát và cố định - bị tấn công bởi các nhà đầu cơ tay to bao gồm cả George Soros. Hiện nay, hầu hết các nước đều đã có hệ thống hối đoái thả nổi, giảm áp lực lên NHTW khi phải cần phải bảo vệ đồng tiền của mình.
Vài năm gần đây, tài khoản vãng lai của hầu hết các quốc gia châu Á luôn ở trong tình trạng thặng dư. Tài khoản vãng lai là đại lượng dùng để đo khối lượng dòng chảy thương mại và tài chính vào một quốc gia, trong đó có bao gồm cả trả lãi suất hoặc cổ tức. Nhà đầu tư thường sử dụng tình trạng của tài khoản vãng lai để đánh giá khả năng hồi phục của một quốc gia hậu khủng hoảng.
Các nền kinh tế châu Á một lần nữa đang đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng với những gương mặt tiêu biểu như Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đều trên 6%.
Hầu hết các quốc gia châu Á đều đã tiến hành các biện pháp để giảm thiểu nợ nước ngoài, giúp nền kinh tế ít bị ảnh hưởng khi đồng USD tăng giá làm đẩy chi phí chi trả nợ. 20 năm trước, rất nhiều công ty và chính phủ từ Thái Lan đến Hàn Quốc đều đã phải tìm kiếm nguồn viện trợ từ IMF khi đồng đồng tiền của họ bị mất giá và các khoản vay nợ bằng đồng USD trở nên quá đắt đỏ.
Nhiều nền kinh tế ở châu Á cũng đã dần giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng. Cấu trúc dân số trẻ ở một số quốc gia như Philippines và Indonesia đang tạo nên những lợi ích kinh tế gọi là lợi tức nhân khẩu học.
Tròn 20 năm sau khi chính phủ Thái Lan dỡ bỏ neo tiền tệ và một cuộc khủng hoảng tài chính đã nổ ra, nhấn chìm toàn bộ châu Á. Ngày nay, châu Á lại trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư với khối lượng dòng vốn chảy vào các TTCK và trái phiếu của Indonesia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan lên tới 45 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Các nhà phân tích dự đoán rupiah Indonesia, peso Philippin và rimgit Malaysia sẽ là những đồng tiền có hiệu suất cao hàng đầu châu Á cho đến cuối năm 2018.
Tuy nhiên sự kiên cường của châu Á sẽ phải đối mặt với một thách thức mới. Một số NHTW lớn nhất nhì thế giới đang rủ nhau xóa bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ - nhân tố đã giúp châu Á tìm ra phép lạ cho mình một thế hệ trước. Động thái của các ông lớn có thể đẩy thanh khoản chạy ra khỏi các thị trường mới nổi, tạo sức ép lên các đồng tiền và tăng chi phí trả nợ bằng đồng USD.
Nguồn: Cafef.vn