Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp phương Tây đã chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác nhằm giảm chi phí nhân công. Vì thế, châu Á có thể là một động lực lớn đối với thị trường vạn vật kết nối Internet (IoT) trong công nghiệp.
Có lẽ không cần bàn cãi nhiều về năng lực chế tạo của Trung Quốc, khi nước này sản xuất tới 90% lượng máy tính của thế giới. Bên cạnh đó, Thâm Quyến được xem là "thủ đô" về phần cứng của Trung Quốc, nơi hội tụ các công ty khởi nghiệp ứng dụng công nghệ IoT.
 
Thâm Quyến sở hữu chuỗi cung ứng phần cứng hoàn chỉnh, từ các nhà bán lẻ cho đến các nhà cung cấp linh kiện, các nhà máy, các “vườn ươm” IoT và một cộng đồng các nhà sản xuất đang lớn mạnh.
 
Phải đối mặt với nhiều hạn chế trong việc thuê lao động nước ngoài và chi phí nhân công cao, các hãng chế tạo ở Singapore cũng đang đón đầu công nghệ IoT.
 
Là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2015 với mục tiêu trở thành nơi cung cấp các giải pháp sản xuất cho doanh nghiệp, Singapore Manufacturing Consortium (SIMCO) đã tập hợp nhiều nhà cung cấp giải pháp tiên tiến nhất trên cả nước để thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước trở thành "các nhà máy thông minh" trong tương lai.
 
Theo ông Willson Deng, Chủ tịch và cũng là người phát ngôn của SIMCO, mục tiêu của hiệp hội là xây dựng một "hệ sinh thái" các nhà cung cấp giải pháp sản xuất với một cơ sở hạ tầng dữ liệu thời gian thực. Đây có thể là yếu tố quyết định trong việc tạo cho Singapore một lợi thế cạnh tranh để dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Ông Willson cũng cho rằng ngành chế tạo của Singapore đang ở thời điểm rất quan trọng trong tiến trình phát triển của mình. Singapore có cơ hội chuyển mình thành một trung tâm sản xuất được kết nối dữ liệu. Với một cơ sở hạ tầng như vậy, các nhà sản xuất có thể nhanh chóng vận dụng các giải pháp đổi mới và thúc đẩy năng suất lao động, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Ấn Độ cũng đang hướng đến việc trở thành trung tâm sản xuất với sáng kiến “Hãy sản xuất ở Ấn Độ”, qua đó giúp nước này trở thành người dẫn dắt tiềm năng trong lĩnh vực IoT. Sáng kiến trên đặt mục tiêu khuyến khích các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp khác sản xuất sản phẩm của họ ở Ấn Độ.
 
Các nhà máy ở Ấn Độ đang ngày càng thông minh hơn, với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp như Altizon, Entrib hay Covacsis Technologies đóng vai trò chủ đạo trong hệ sinh thái sản xuất hợp nhất.
 
Ông Volkmar Denner, Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Bosch, đã công bố về một cuộc các mạng công nghiệp 4.0 ngay trong doanh nghiệp này. Theo ông Denner, công nghiệp 4.0 là sử dụng các mạng lưới và thiết bị ở nhà máy với rất ít hoặc thậm chí không có sự can thiệp của con người trong quá trình sản xuất sản phẩm. Bosch dự định sẽ biến 250 nhà máy của họ thành các nhà máy thông minh, trong đó có cả các cơ sở sản xuất ở Ấn Độ.
 
Ông Vijay Ratnaparkhe, Giám đốc điều hành công ty Robert Bosch Engineering India, cho rằng các nhà máy được kết nối với nhau sẽ đồng bộ hoạt động sản xuất và các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, hoạt động dựa trên luồng thông tin thời gian thực. Ông Ratnaparkhe cũng cho rằng phần mềm là yếu tố cốt lõi trong các giải pháp hiện nay đối với cả các ứng dụng trong gia đình và trong công nghiệp.
 
Nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) ở Ấn Độ có đến 40% khối lượng công việc trong nhà máy được thực hiện bằng robot, và dự định nâng con số này lên 70% trong mười năm tới.
 
Nguồn:http:// BNEWS/TTXVN