Đây là nhận định được đăng trong bài bình luận trên tờ Khmer Times của tác giả Vannarith Chheang, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore. 
Để ASEAN trở thành một tổ chức tập trung vào con người và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, ASEAN cần xây dựng một hệ sinh thái để làm được điều đó. Chênh lệch trong phát triển có thể ám chỉ chênh lệnh về phát triển kinh tế xã hội giữa các nước thành viên hoặc các vùng khác nhau trong một quốc gia. 
Tuy nhiên, phát triển không chỉ được tính bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người mà còn tính bằng việc cung cấp các nhu cầu cơ bản như y tế hay giáo dục.
 Các nền kinh tế trong ASEAN có sự chênh lệch đáng kể về thể chế và khả năng lãnh đạo. Một số nước đã không triển khai hiệu quả chương trình một cửa quốc gia hay gắn kết các chương trình nghị sự của khu vực với chiến lược phát triển khu vực.
 
Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là những nền kinh tế kém phát triển hơn trong khu vực. Các vấn đề về thể chế, nhân lực và cơ sở hạ tầng là những rào cản và thách thức đối với các quốc gia này trong việc triển khai các dự án mang tầm khu vực.
 Hơn nữa, khu vực tư nhân - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các quốc gia này - gặp khó khăn trong việc gia nhập mạng lưới sản xuất khu vực do thiếu thông tin về thị trường, nguồn tài chính, năng lực sản xuất và hàng rào thương mại phi thuế quan. Tỷ lệ nghèo đói tại 4 quốc gia này tương đối cao.
 Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ nghèo đói tại Campuchia là 14%, Lào là 23,2%, Myanmar là 25,6% và Việt Nam là 7%. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ biết đọc, biết viết ở Campuchia là 73,9%, Lào là 94,1%, Myanmar là 95% và Việt Nam là 93,4%. Tuổi thọ trung bình của Campuchia là 68, Lào là 66 và Việt Nam là 76.
 Người dân tại Campuchia, Lào và Myanmar chưa được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ đảm bảo đa số người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Số người sử dụng Internet tại các quốc gia ASEAN đã tăng từ 81 triệu hồi năm 2009 lên 339 triệu người hồi tháng 1/2017, tương đương với việc 53% dân số ASEAN có thể truy cập Internet. 
Mặc dù vậy, số người sử dụng Internet tại Campuchia chỉ đạt 45% (7,16 triệu người), Lào 26% (1,8 triệu người) và Myanmar 26% (14 triệu người). 
Về vấn đề quản trị công, chỉ số tham nhũng tại các quốc gia này là tương đối cao. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2016, trong số 176 quốc gia, Campuchia xếp hạng 156, Lào xếp hạng 123, Myanmar xếp hạng 136 và Việt Nam xếp hạng 113. 
Sự chênh lệnh trong phát triển đe dọa hòa bình, ổn định lâu dài và sự phát triển bền vững trong khu vực. Bất bình đẳng ở cấp quốc gia và giữa các nước ASEAN là nguyên nhân tiềm ẩn của tệ nạn xã hội và các xung đột trong tương lai. Phát triển và an ninh có mối liên hệ mật thiết. 
Để xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, thịnh vượng và tập trung vào con người, ASEAN cần triển khai một chiến lược khu vực mang lại lợi ích cho các bên với cách tiếp cận tổng hợp và toàn diện. 
Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) được đưa ra hồi năm 2000 với mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng tốc hội nhập kinh tế cho các thành viên mới của ASEAN.
 Những thách thức trong việc triển khai IAI là thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc đánh giá nhu cầu và thực hiện dự án. Năng lực thể chế, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình là những trở ngại chính cần được khắc phục. 
ASEAN cần phải tỏ rõ sự đồng lòng về chính trị và chiến lược để phân bổ nguồn lực nhiều hơn cho việc thu hẹp sự chênh lệch trong phát triển và thực hiện hiệu quả hơn IAI. Thể chế khu vực, thúc đẩy bảo trợ xã hội, thiết lập các cơ chế chăm sóc các nhóm người dân dễ bị tổn thương là những bước cần thiết để thu hẹp khoảng cách trong phát triển. 
ASEAN và các đối tác cần phải giải quyết vấn đề về chênh lệnh phát triển, đề xuất các khuyến nghị chính sách. Quan hệ đối tác giữa các bên rất quan trọng trong việc huy động nguồn lực để giải quyết vấn đề này. Năng lực thể chế, hạn chế về nguồn lực và quản trị, trách nhiệm giải trình cần được xem xét một cách toàn diện. 
Các quốc gia trên phải cải cách chính sách tài khóa bằng cách phân bổ ngân sách nhiều hơn cho giáo dục, phát triển kỹ năng, các vấn đề liên quan tới sức khỏe, an ninh lương thực và bảo trợ xã hội. Các nước cần tăng cường cải cách với việc tập trung vào cải cách đất đai, chính sách thương mại tự do và công bằng, đầu tư nước ngoài và chính sách về lao động di cư.
 
Liên quan đến vấn đề tăng cường năng lực thể chế, ASEAN và các đối tác cần cung cấp sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho việc nâng cao năng lực và đổi mới cho khu vực hành chính công.
 Cần có thêm sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước Campuchia, Lào và Myanmar để tạo thành mạng lưới sản xuất khu vực. Thách thức chính mà những doanh nghiệp này gặp phải là tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, cơ hội kết nối kinh doanh và rào cản ngôn ngữ. Năng lực xuất khẩu của các nước này cũng tương đối thấp. 
Các rào cản phi thuế quan như các yêu cầu về chất lượng là những trở ngại chính đối với các nước này trong việc xuất khẩu sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm đã qua chế biến. ASEAN và các đối tác cần hỗ trợ các nước này trong việc nâng cao chất lượng và quy chuẩn của các sản phẩm. 
Để thu hẹp khoảng cách trong việc phát triển nền kinh tế số, ASEAN và các đối tác cũng phải đẩy mạnh việc xây dựng năng lực cho các dự án về kinh tế số cho các nước trên. 
Singapore đang có kế hoạch tập trung vào kinh tế số khi nước này giữ vị trí chủ tịch ASEAN vào năm 2018 với nhiều chương trình hoạt động sẽ hướng tới xây dựng một ASEAN phát triển bền vững và toàn diện, tức là xây dựng khả năng và sự sẵn sàng của Cộng đồng ASEAN trong việc thích ứng và nắm bắt các cơ hội ở thời đại kỹ thuật số.

Nguồn: BNEWS/TTXVN